xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc tưởng thắng hóa bại

THU HẰNG

Các ngoại trưởng ASEAN không tham gia bất cứ cuộc họp báo chung nào do bất đồng với “bản đồng thuận 10 điểm” của Trung Quốc

Không phải ASEAN mà chính Trung Quốc mới là bên thất bại thật sự về vấn đề biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc (vừa khép lại tại TP Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam hôm 14-6). Đó là nhận định của chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Á Prashanth Parameswaran trên tạp chí The Diplomat hôm 16-6.

Theo bài viết, Bắc Kinh rõ ràng lại cản trở các nước ASEAN ra tuyên bố chung, giống như họ từng làm ở thủ đô Phnom Penh - Campuchia năm 2012. Việc ASEAN rút lại bản tuyên bố chung được đánh giá là một thất bại mà ở đó uy tín của khối ít nhiều bị tổn thương vì nội bộ thiếu đoàn kết. Tuy nhiên, suy xét kỹ hơn, chính Trung Quốc mới chịu thiệt hại nhiều hơn. Theo ông Parameswaran, chiến thuật “chia để trị” của Bắc Kinh có thể đã chia rẽ được ASEAN nhưng cũng khiến nước này không đạt được những mục tiêu lớn đề ra tại hội nghị, như vấn đề biển Đông không phải là chuyện giữa Trung Quốc và cả khối ASEAN mà chỉ liên quan đến các nước thành viên có tranh chấp.

Dư âm đậm nét nhất của cuộc họp không phải là hành động làm rạn nứt ASEAN của Trung Quốc mà là nỗ lực chưa từng thấy của phần lớn các thành viên ASEAN nhằm ngăn Bắc Kinh tái diễn chiêu trò này. Theo tiết lộ của báo The Straits Times (Singapore), những phút cuối cùng “gay cấn” của hội nghị phản ánh rõ nét sự quyết liệt của nhiều nước ASEAN chứ không đơn giản chỉ là rút lại tuyên bố chung vì “những điều chỉnh khẩn cấp” như Bộ Ngoại giao Malaysia thông báo ban đầu. Theo đó, ASEAN đã chuẩn bị tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” đối với những diễn biến gần đây (trên biển Đông). Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, trong vai trò đồng chủ tọa cuộc họp báo sau hội nghị với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, dự kiến là người đọc tuyên bố chung này.

“Bản đồng thuận 10 điểm” do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra bị ASEAN phản đối quyết liệt Ảnh: REUTERS
“Bản đồng thuận 10 điểm” do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra bị ASEAN phản đối quyết liệt Ảnh: REUTERS

Thế nhưng, vào giờ cuối của cuộc họp, ông Vương lại đưa ra một “bản đồng thuận 10 điểm” và đề nghị các ngoại trưởng ASEAN cân nhắc thông qua nhưng bị phản đối quyết liệt. Kết quả là cuộc họp báo chung sau hội nghị chỉ có một mình ông Vương chủ trì. Phía Trung Quốc giải thích do cuộc họp kéo dài hơn dự kiến nên ngoại trưởng Singapore phải bay về nước ngay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng còn quả quyết 2 ngoại trưởng Singapore và Trung Quốc thống nhất để ông Vương Nghị chủ trì họp báo.

Tuy nhiên, The Straits Times cho biết do bất đồng với “bản đồng thuận 10 điểm” của Bắc Kinh, các ngoại trưởng ASEAN quyết định không tham gia bất cứ cuộc họp báo chung nào vì bất đồng công khai với nước chủ nhà không phải là phản ứng đúng mực. ASEAN cũng quyết định không công bố tuyên bố chung do Lào và Campuchia không thông qua. Thay vào đó, mỗi nước tự đưa ra tuyên bố riêng. Ba nước Singapore, Indonesia và Việt Nam đều công bố những tóm lược nội dung cuộc họp và bày tỏ quan ngại trước căng thẳng leo thang ở biển Đông. Bất ngờ hơn cả, Bộ Ngoại giao Malaysia công bố bản tuyên bố chung cho truyền thông vào tối 14-6 dù phải rút lại sau đó chưa đầy 3 giờ.

Theo tạp chí Time, một quan chức ngoại giao cấp cao của ASEAN cho biết sau khi bản tuyên bố chung xuất hiện, Trung Quốc lập tức vận động hành lang một số thành viên của ASEAN hòng “thủ tiêu” bản tuyên bố này. Các nhà hoạch định chính sách nền kinh tế số 2 thế giới đặc biệt tạo sức ép lên Lào, Chủ tịch ASEAN năm nay. “Khi con rồng gầm rú, những quốc gia nhỏ bé buộc phải tránh né ngọn lửa mà nó khè ra” - một quan chức ngoại giao cấp cao của ASEAN ví von. “Chúng ta không có cách nào khác là phải chấp nhận thực tế chính trị ấy”. Có điều là ASEAN không chấp nhận một cách yếu ớt! Giới phân tích cho rằng việc Malaysia công khai tuyên bố chung là sự thể hiện “nỗi thất vọng tận cùng của 5 quốc gia thành viên sáng lập ASEAN và Việt Nam trước sự thô lỗ và ngạo mạn của phía Trung Quốc”.

Nhiều nước không ngồi yên

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mở cuộc họp chiến lược quan trọng liên quan đến vấn đề biển Đông với Bộ trưởng An ninh và Các vấn đề chính trị Luhut Binsar Panjaitan trong tuần này.

Theo Bộ trưởng Panjaitan, chính quyền Tổng thống Widodo nhiều khả năng sẽ cứng rắn hơn, nhất là khi các tàu cá và hải cảnh Trung Quốc nhiều lần xâm nhập lãnh hải nước này. Cũng giống Malaysia, Indonesia đến nay vẫn giữ vai trò trung lập trước những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc do còn phụ thuộc vốn đầu tư hạ tầng và đầu ra sản phẩm dầu cọ.

Tạp chí Forbes dẫn lời ông Rahul Bajoria, nhà kinh tế học tại Công ty Tài chính Barclays ở Singapore, nhận định Indonesia có khả năng hiện đại hóa hải quân và ngăn cản các hoạt động đánh bắt trái phép của tàu cá nước ngoài. Indonesia cũng có thể hợp tác cùng các quốc gia đang tranh chấp với Trung Quốc, cụ thể là tuần tra chung trên biển Đông với Malaysia và Philippines. “Trong nhiều thập kỷ qua, Indonesia cố gắng duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự xâm phạm ngày càng tăng của tàu cá Trung Quốc khiến Indonesia dường như khó tiếp tục đứng ngoài cuộc” - ông Denny Roy, chuyên gia cấp cao của Trung tâm Đông Tây (Mỹ), đánh giá.

Dè chừng Trung Quốc, Ấn Độ được cho là cũng có kế hoạch hợp tác với Nhật Bản và Mỹ xây dựng “bức tường chắn dưới đáy biển”, bao gồm việc lắp đặt các hệ thống cảm biến giám sát âm thanh (SOSUS). Trong bài viết trên một tạp chí quốc phòng Ấn Độ hồi tháng 4, nhà phân tích nổi tiếng Prasun Sengupta cho rằng New Delhi đang cân nhắc sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc xây dựng mạng lưới cảm biến dưới đáy biển kéo dài từ mũi Sumatra đến vịnh Bengal nhằm ngăn tàu ngầm Trung Quốc tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế Ấn Độ.

Cũng theo ông Sengupta, ngoài cung cấp tài chính nâng cấp các căn cứ không quân và hải quân cũng như xây các trạm tình báo điện tử mới dọc chuỗi đảo Andaman và Nicobar, Nhật Bản còn định tài trợ New Delhi thiết lập hệ thống cáp quang dưới biển từ TP Chennai đến TP Port Blair ở chuỗi đảo trên. Nếu hoàn thành, hệ thống này có thể kết nối với mạng lưới SOSUS mang tên “Lưỡi câu” của Mỹ và Nhật Bản - vốn chuyên dùng để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc ở biển Đông và Ấn Độ Dương.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo