Làm thế nào "truy nguyên nhân, tìm giải pháp cấp bách ngăn tai nạn giao thông" là mục tiêu đặt ra cho buổi giao lưu trực tuyến do Báo Người Lao Động, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP HCM tổ chức lúc 10 giờ ngày 3-3-2016.
Thời gian gần đây, TNGT nghiêm trọng xảy ra liên tiếp, đặc biệt trong một vài ngày qua đã thành báo động đỏ. Người dân lo lắng khi phải tham gia giao thông. Với lý do này, Báo Người Lao Động phối hợp cùng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp - Tìm nguyên nhân và giải pháp hữu hiệu".
Thành phần khách mời buổi giao lưu, gồm có:
- Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia;
- PGS-TS Phạm Bích San, chuyên gia độc lập;
- Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng CSGT Đường bộ - đường sắt, Công an TP HCM.
Buổi giao lưu trực tuyến ở cả 2 đầu cầu Hà Nội và TP HCM kết thúc lúc 12 giờ ngày 3-3. Tất cả các câu hỏi của bạn đọc chưa được ông Khuất Việt Hùng trả lời sẽ được gửi đến Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan. Các bạn muốn tiếp tục trao đổi với ông Khuất Việt Hùng có thể nêu ý kiến trên trang fanpage Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Lê Phước Bình
10:34 ngày 03/03/2016
Theo tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông có khách quan và chủ quan hoặc cả hai nguyên nhân này. Trong nguyên nhân khách quan, hệ thống hạ tầng giao thông ở Việt Nam và nguồn gốc, xuất xứ các phương tiện giao thông có liên quan như thế nào đến tai nạn giao thông? Chất lượng hạ tầng giao thông hay chất lượng và nguồn gốc các dòng xe Việt Nam đang sử dụng chẳn hạn. Qua đây, quý vị có nhận định và so sánh như thế nào so với các nước đang phát triển và phát triển trên thế giới không?
Hiện nay, các nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông có lẽ nhiều hơn. Nếu như cách đây 10 năm, có thể nói hạ tầng, đường sá có nhiều vấn đề. Còn về xe cộ, do chúng ta phát triển sau các nước nên các phương tiện nhìn chung hiện đại và còn tương đối mới. Thời kỳ mua xe bãi rác qua lâu rồi, hiện không còn nhiều. Các điều kiện khách quan tốt lên cho phép các phương tiện đi với tốc độ nhanh hơn và thuận tiện hơn, đi vào mọi nơi, mọi chỗ. Do đó, yếu tố chủ quan của người tham gia giao thông mới thực sự có vấn đề. Người ta đi trên các con đường cao tốc với tốc độ cao nhưng cách hành xử lại như đi trên các con đường trước đây chỉ đi tối đa tốc độ 45 km/h.
Ở những vùng nông thôn, người dân vẫn hồn nhiên đi không cần luật lệ trong khi các phương tiện giao thông hiện đại lại đang rất nhiều. Vì vậy, tôi cho rằng lúc này đang có sự không đồng bộ giữa yếu tố chủ quan là ý thức con người với điều kiện khách quan là hạ tầng giao thông.
Để cải thiện điều này thì phải thay đổi cả ý thức của người dân cũng như hoàn thiện cả hệ thống tổ chức cho người tham gia giao thông.
Phạm Xuân Thanh
10:35 ngày 03/03/2016
Mấy ngày qua dư luận xã hội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với gia đình, người thân của những nạn nhân vụ lái xe Camry tông chết 3 người ở phố Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Dư luận phẫn nộ khi người đàn ông lái xe gây tai nạn trong tình trạng đã uống rượu bia và không có giấy phép lái xe ô tô. Quý vị có nhận định như thế nào về thực trạng người dân đã uống rượu bia nhưng vẫn tham gia giao thông để rồi gây ra những thảm kịch đau lòng?
Rượu là loại chất kích thích có tác dụng kịch hoạt thần kinh, trong khi đó, tham gia giao thông đòi hỏi phải có thần kinh cực kỳ vững vàng. Do đó, đây là hành động cực kỳ sai lầm và đáng lên án. Trong tương lai, tôi cho rằng dứt khoát phải có chế tài cực kỳ nghiêm khắc với những ai đã uống rượu mà tham gia giao thông.
Trong xã hội chúng ta, thường mọi người có hành vi khá dễ dãi với việc này. Vì vậy, sự kiểm soát đối với những hành vi xã hội, đặc biệt là trong tham gia giao thông không cao. Trong xã hội hiện đại, đặc biệt là châu Âu, họ kiểm soát việc này rất nghiêm khắc. Các nước quy định rõ ràng tỉ lệ, giới hạn nhất định, uống ở đâu, bao nhiêu, khi nào, không có chuyện uống 100% như chúng ta. Còn các nước Trung Đông thì tuyệt đối không uống do họ ý thức được hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Phượng
10:36 ngày 03/03/2016
Việt Nam có thể học gì từ thế giới trong việc tổ chức giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông?
Theo tôi, cái cần phải học tập lớn nhất mà người Việt chúng ta cần lưu ý là người dân phải ý thức được rằng tham gia giao thông không phải là một trò chơi mà là công việc hết sức nghiêm túc, đòi hỏi tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật. Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chúng ta hiện nay đúng là có vấn đề. Ví dụ, khi có việc gì xảy ra đối diện với cảnh sát giao thông thì câu đầu tiên vẫn là "xin các anh thông cảm". Tức là, có yếu tố "xin" và có thể "được". Có điều, trên thế giới thì luật là luật, không ai có quyền không biết đến luật và không ai có quyền không thi hành luật.
Từ đây, đến yếu tố thứ 2 cần học hỏi là người tổ chức giao thông. Chúng ta không thể mang cách quản lý nông thôn áp vào đời sống đô thị được. Ở nông thôn, người ta quản lý theo họ hàng, thân tộc, cộng đồng dựa trên sự quen biết lẫn nhau. Còn quản lý đô thị là quản lý theo chức năng đòi hỏi mỗi người thực hiện đúng chức năng của mình. Và ở đây, sự quản lý theo chức năng của chúng ta đúng là có vấn đề. Bắt đầu là từ việc giám định chất lượng xe đi có đủ điều kiện tham gia giao thông hay không, tiếp đến là việc đào tạo người tham gia giao thông có rất nhiều sự thông cảm và bỏ qua, trong khi các cảnh sát giao thông nhiều khi vẫn nể nang, "trông mặt" mà phạt.
Phan Trung Kiên
10:46 ngày 03/03/2016
Hiện nay ra đường, có 1 số xe được ưu tiên nhưng đa số chạy ẩu. Các xe này có bị xử phạt không? Xe buýt chạy hết phần đường xe máy và dĩ nhiên, xe máy lại leo lên lề đường. Nếu có sự "ưu ái" cho các xe này thì bất công cho các xe chạy đúng luật, đúng làn quá. Mong nhận được câu trả lời của các chuyên gia. Chân thành cám ơn ông!
Hiện nay pháp luật đã quy định rõ các loại xe được ưu tiên và quyền ưu tiên của các loại xe này khi tham gia giao thông trên đường bộ. Vì vậy, các lực lượng chức năng một mặt đảm bảo các quyền ưu tiên của phương tiện, một mặt xử lý các phương tiện thực hiện không đúng quy định pháp luật về quyền của xe ưu tiên.
Hoàng Ngọc Lâm
10:46 ngày 03/03/2016
Mỗi năm, TNGT cướp đi sinh mạng trên chục ngàn người, thương tật bằng hoặc nhiều hơn số người chết, tài sản hư hỏng, nguồn nhân lực, nhân tài mất đi không phải ít. Xin hỏi ngành giao thông đã tổng hợp nghiên cứu được những gì để cho ra những chính sách, chiến lược làm giảm đến mức thấp nhất về TNGT tại Việt Nam?
Như chúng ta đã biết, nhận thức được thiệt hại về người và tài sản cũng như nền kinh tế xã hội của TNGT là rất lớn cho nên từ nhiều năm qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như các đoàn thể chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương đã luôn quan tâm, chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nếu như số người chết do TNGT năm 2007 khoảng 13.500 người thì đến năm 2011, con số này giảm còn khoảng 11.400 người và năm 2015 số người chết giảm xuống còn 8.671 người. Bình quân số người chết giảm từ 5-10% một năm, trong giai đoạn 10 năm qua, trong khi nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa, nhu cầu đi lại giao lưu của nhân dân và đặc biệt là số lượng phương tiện cơ giới tăng bình quân trên 10%/năm. Từ đó, có thể thấy rõ ràng rằng sự lãnh đạo, chỉ đạo cũng như công tác tổ chức triển khai các biện pháp an toàn giao thông đã đúng và trúng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011- 2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chỉ thị số 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Chính phủ có nghị quyết số 88 về tăng cường thực hiện các biện pháp ATGT và chống ùn tắc giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chiến lược bảo đảm ATGT đường bộ giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn nhìn đến 2030. Hàng năm, Quốc hội và HĐND các cấp đều xác định công tác bảo đảm trật tự ATGT là một tiêu chí giám sát công tác điều hành của Chính phủ và UBND các cấp.
Trong những năm qua cũng như giai đoạn tiếp theo cả hệ thống chính trị đã, đang và sẽ vào cuộc triển khai thực hiện 6 nhóm giải pháp căn bản nhằm kéo giảm TNGT từ 5- 10% đối với cả 3 tiêu chí bao gồm:
Thứ nhất: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Thứ hai: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm về trật tự ATGT.
Thứ ba: Đẩy mạnh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng, công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu, bảo trì bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Thứ tư: Nâng cao hiệu quả hiệu lực công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, trong đó chú trọng đến công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; hoạt động kinh doanh vận tải; hoạt động quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện.
Thứ năm: Nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm, cương quyết, dứt điểm các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như: Lái xe vi phạm nồng độ cồn; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; vi phạm về tải trọng phương tiện; sử dụng phương tiện quá niên hạn, quá hạn đăng kiểm...
Thứ sáu: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật; hoàn thiện chương trình giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong hệ thống các trường học từ bậc tiểu học đến Đại học; hoàn thiện và hội nhập quốc tế chương trình đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ điều khiển các phương tiện giao thông; gắn tuyên truyền với xử lý vi phạm, xác định việc xử phạt nghiêm minh là một biện pháp tuyên truyền quan trọng; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội; đổi mới phương thức tuyên truyền ở cộng đồng thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội.
Minh Tuấn
10:56 ngày 03/03/2016
Không ít vụ tai nạn, người đi đường, taxi không cấp cứu người bị tai nạn mà tìm cách né do sợ “đen” hoặc “dớp”. Pháp luật quy định thế nào về việc phải cứu người bị nạn? Tại sao nó không phát huy hiệu quả?
Theo khoản 3 điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT cụ thể như sau:
Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.
Ngoài ra, tại điều đ, khoản 3 điều 11 Nghị định 171 của Chính phủ có quy định:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu.
Vì tính nhân văn, nhân đạo và văn hóa khi tham gia giao thông, chúng tôi kêu gọi mọi người khi tham gia giao thông hãy thể hiện trách nhiệm của mình đối với người gặp nạn để góp phần hạn chế những thương vong đáng tiếc do tai nạn gây ra. Việc cấp cứu kịp thời sẽ giúp các nạn nhân bị TNGT tranh thủ được giờ vàng khi được chuyển đến bệnh viện tạo điều kiện cho các bác sĩ trong công tác cứu chữa.
Đức Phong
10:57 ngày 03/03/2016
Có cách nào để kiểm tra việc CSGT nhận mãi lộ và tuyên dương những CSGT xử phạt thẳng tay người tham gia giao thông để răn đe và giáo dục không? Khi xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật thì nhà sản xuất và cơ quan đăng kiểm chịu trách nhiệm như thế nào?
Các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ công chức, sĩ quan chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông phải là những người gương mẫu trong thực hiện quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện những hành vi vi phạm đồng thời luôn tiếp nhận những phản ảnh của người dân, của các phương tiện thông tin đại chúng về những vi phạm quy định, điều lệ thực thi nhiệm vụ và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Song song với việc phòng chống tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ thì công tác thi đua khen thưởng đối với cán bộ công chức, sĩ quan, chiến sĩ cũng được quy định và thường xuyên thực hiện.
Khi xảy ra TNGT do lỗi kỹ thuật của phương tiện thì nhà sản xuất, cơ quan đăng kiểm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các nguyên nhân gây ra những lỗi kỹ thuật này.
Trần Nam Sách
10:57 ngày 03/03/2016
Theo các vị, giải pháp căn cơ nhất để giải quyết tai nạn giao thông là gì? Các vị có hiến kế gì để giải quyết tình trạng này?
Vậy giải pháp căn cơ nhất vẫn là phải quản lý đô thị theo chuẩn của đô thị. Không thể mang cách quản lý cổ truyền áp vào quản lý đô thị được vì 2 hiện tượng này khác nhau. Trong xã hội cổ truyền, "ông lão 70" phải đi theo sự hướng dẫn của 'ông lão 71". Còn ở trên đường cao tốc, tuổi trẻ lại là một lợi thế. Cho nên, để có thể quản lý được bắt buộc phải tôn trọng các nguyên lý quản lý đô thị và giao thông hiện đại một cách bài bản. Và nguyên tắc cơ bản nhất vẫn là thượng tôn pháp luật.
Nguyen Anh Dzung
10:57 ngày 03/03/2016
Việc rải vàng mã trên đường gây mất an toàn giao thông. Tại sao không gửi văn bản đến các loại xe tang lễ để yêu cầu mọi người không rải vàng mã trên đường?
Ủy ban ATGT quốc gia đã có văn bản gửi Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị vận động các tín đồ phật tử hạn chế, tiến tới không rải vàng mã dọc đường đi của xe tang lễ.
Nguyễn Thị Xuân
10:58 ngày 03/03/2016
Theo Cục đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 140.000 xe ô tô tải, ô tô chở người hết niên hạn sử dụng không được phép lưu hành. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều trong số các phương tiện vẫn tham gia giao thông, nhiều nơi vẫn sử dụng xe ô tô khách hết "đát" để chở học sinh. Những phương tiện này thực sự khiến người dân lo lắng bởi thiếu an toàn. Tuy nhiên, việc thu hồi phương tiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Vậy nguyên nhân là gì? Giải pháp nào để có thể thu hồi được những phương tiện này?
Ủy ban ATGT, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương thường xuyên thông báo, đôn đốc, nhắc nhở chủ phương tiện hết niên hạn sử dụng phải làm các thủ tục để ngừng khai thác phương tiện.
Đồng thời chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm về an toàn kỹ thuật phương tiện, xử lý nghiêm các chủ xe, lái xe cố tình đưa những xe hết niên hạn ra sử dụng.
Ủy ban ATGT quốc gia cũng đề nghị mọi người dân khi phát hiện những phương tiện hết niên hạn vẫn vận hành trên đường báo cho ban ATGT, công an, cảnh sát giao thông ở nơi gần nhất hoặc thông tin về số điện thoại đường dây nóng, trang fanpage của Ủy ban ATGT quốc gia để chúng tôi chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Phan Trung Kiên
11:06 ngày 03/03/2016
Tôi xin đặt câu hỏi cho ông Huỳnh Trung Phong: Như ông cũng biết thời gian gần đây rất nhiều vụ tai nạn giao thông rất thương tâm xảy ra do xe buýt, xe tải, xe container gây ra và theo quan sát của tôi thì các xe này luôn trong tình trạng đua đèn (nghĩa là đèn xanh còn vài giây thì cố vượt) và chạy lấn tuyến, đặc biệt là xe buýt? Vậy trong thời gian tới CSGT TP HCM có chế tài nào để xử lý không? Chân thành cám ơn ông.
Bằng trách nhiệm của mình, chúng tôi luôn xác định bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe cho người tham gia giao thông là quan trọng hàng đầu. Do đó, thời gian qua chúng tôi đã tổ chức triển khai rất nhều giải pháp để kéo giảm đến mức thấp nhất TNGT xảy ra.
Cụ thể, thời gian qua TNGT trên địa bàn thành phố đã được kéo giảm liên tục hàng năm. Tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, đây là niềm trăn trở và càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của chúng tôi trong thời gian tới.
Trong quá trình triển khai các giải pháp kéo giảm TNGT, chúng tôi có tính toán, phân tích, đánh giá 2 yếu tố rất quan trọng đó là đối tượng gây TNGT và nguyên nhân gây TNGT, trên cơ sở này tập trung các giải pháp để kiểm soát 2 yếu tố này, cụ thể:
- Đối với đối tượng gây TNGT: hiện nay, xe 2 bánh gắn máy vẫn là đối tượng chiếm tỉ lệ cao với từ 70% - 75%, bên cạnh đó bộ hành (người đi bộ) cũng là một đối tượng gây tai nạn giao thông chiếm tỉ lệ khá cao. Chúng tôi đồng tình thời gian gần đây một số đối tượng là ô tô tải, container, xe buýt, taxi...cũng gây ra những vụ TNGT khá nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho người tham gia giao thông và gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trong quá trình nghiên cứu, phân tích cụ thể từng vụ TNGT xảy ra, chúng tôi cũng đã quan tâm và đã có nhiều giải pháp đối với các đối tượng này, cụ thể:
+ Lực lượng CSGT CATP HCM thường xuyên mở các kế hoạch cao điểm chuyên đề tập trung kiểm tra xử lý kiên quyết triệt để các đối tượng là xe ô tô tải, container, xe buýt, taxi..., kể cả việc tổ chức kiểm tra nồng độ cồn, kiểm tra ma túy đối với các tài xế điều khiển các phương tiện này. Các trường hợp vi phạm đều được xử lý nghiêm.
+ Bên cạnh việc xử phạt, chúng tôi còn phối hợp rất tốt với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương để phân loại đối tượng điều khiển các loại xe này theo 2 dạng: Chấp hành tốt và chưa chấp hành tốt để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động.
+ Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục sàng lọc các đối tượng chưa có sự chuyển biến, các đối tượng thường xuyên có dấu hiệu vi phạm sẽ được tập trung kiểm tra, xử lý bằng việc thông qua công tác xử phạt trực tiếp cùng với việc sử dụng tốt các thiết bị kỹ thuật như: camera ghi hình, máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn, cân tải trọng để tổ chức kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm.
- Bên cạnh việc tập trung vào các đối tượng thì các nguyên nhân dẫn đến TNGT mà các đối tượng này gây ra sẽ được tập trung triển khai thực hiện ráo riết và có trọng tâm nhất là các hành vi vi phạm: Vượt đèn đỏ, lấn tuyến, lưu thông đường cấm, ngược chiều, chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia...
Chúng tôi luôn cầu thị và mong muốn được tiếp nhận các ý kiến đóng góp, các sáng kiến, hiến kế của người dân và chúng tôi kêu gọi vì đảm bảo tính mạng, tài sản, sức khỏe của bản thân, vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì trật tự an toàn xã hội, mọi người dân hãy tự giác chấp hành nghiêm pháp luật giao thông.
Nguyễn Khiêm Cung
11:08 ngày 03/03/2016
Phần nhiều các vụ tai nạn là do kỹ năng lái xe kém dẫn đến không làm chủ được tay lái, không xử lý được tình huống. Phải chăng việc đào tạo lái xe đang có vấn đề? Làm thế nào để nâng cao kỹ năng cho người cầm lái?
Đây đúng là một vấn đề nhức nhối trong hệ thống giáo dục nói chung và trong đào tạo lái xe nói riêng. Ký ức của tôi về việc đi học bằng lái xe 10 năm về trước chỉ là 1 nhóm túm tụm lại với nhau trên 1 chiếc xe, thời gian được lái thực tế mỗi buổi có lẽ không quá 15 phút. Sau đó là ăn trưa và tất nhiên có "uống" một chút. Vì vậy, cho nên với những hiểu biết hạn hẹp của tôi, tôi cho rằng chừng ấy không đủ để có đủ khả năng xử lý được các tình huống trên đường.
Và điều ngạc nhiên nhất là cả khoá chúng tôi đều có bằng lái xe. Cho nên, nếu có các vấn đề vi phạm an toàn giao thông cũng là điều dễ hiểu. Vậy thì, người lái xe cần phải được đào tạo về kiến thức luật pháp và kỹ năng lái xe kỹ lưỡng hơn, nhất là, tránh tình trạng như trong vụ tai nạn ở Hà Nội, cứ nghĩ rằng mình biết lái xe là đủ để lái mà không biết rằng đằng sau việc lái xe đó còn cần rất nhiều kiến thức khác nữa được tích hợp trong cái bằng đó. Trong đó, có cả yêu cầu đã say rượu thì không được lái xe.
Trong một tình huống học lái xe ở nước ngoài, người đi lấy bằng đang lái để kiểm tra kỹ năng thì người giáo viên hô lên dừng lại và người lái xe dừng lại ngay. Sau đó, anh ta bị đánh trượt vì anh ta không tuân thủ được nguyên tắc là người lái xe phải làm chủ phương tiện của mình, anh ta đã tuân thủ máy móc theo mệnh lệnh của người khác không phải là người đang làm chủ phương tiện. Những kỹ năng này là điểm mà việc đào tạo lái xe cần phải có.
Thanh Nga
11:09 ngày 03/03/2016
Thưa chuyên gia Phạm Bích San, có một thực tế là nhiều người chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông lại hay bị chửi là “điên, khùng” khi những hành vi coi thường luật giao thông được xem là đương nhiên. Nhiều người cho rằng, điều này là xảy ra là do chúng ta đang sống trong một xã hội mà pháp luật không được thượng tôn, ông có nghĩ vậy?
Vâng, đúng như tôi đã trình bày phía trên, thượng tôn pháp luật chính là điều kiện quan trọng nhất. Và ở đây có một sự không đồng bộ trong chuẩn mực đang tồn tại ở xã hội khi người dân vẫn có thói quen là cái quy chuẩn pháp luật có thể thay đổi được tuỳ theo tình hình. Do đó, xuất hiện một thuật ngữ nổi tiếng khi tham gia giao thông là phải biết "làm luật". Bản thân thuật ngữ này đã nói lên cách ứng xử của xã hội chúng ta với luật giao thông.
Minh Thanh
11:09 ngày 03/03/2016
Xin hỏi ông Khuất Việt Hùng, bản thân ông khi đi đường gặp người bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, đã bao giờ ông dừng xe xuống giúp họ hoặc chở họ đi bệnh viện chưa?
Cảm ơn bạn. Khi tôi còn là sinh viên, cá nhân tôi đã gặp một vụ tai nạn giao thông trên QL 32, gần khu vực Tam Hiệp, Phúc Thọ (Hà Nội) có hai nạn nhân bị thương nặng, bất tỉnh, tôi xử lý rất đơn giản là gọi bạn tôi nhà gần đó ra hiện trường và gọi một người khác đi tìm cảnh sát giao thông.
Sau đó tôi và người bạn tôi cố gắng vẫy những xe đi qua để đưa hai nạn nhân đi bệnh viện, may mắn lúc đó có 1 xe quân đội mà tôi nhớ không nhầm là Uoát của một cán bộ thuộc Quân khu 3 đang đi công tác. Chú ấy đã cho hai nạn nhân lên ghế sau và đưa đến Bệnh viện 105 ở Sơn Tây để cấp cứu.
Người bạn tôi thì đi cùng với xe còn tôi ở lại hiện trường cho đến khi các đồng chí Công an huyện Phúc Thọ có mặt. Sau đó tôi cũng được triệu tập một vài lần để cung cấp thêm thông tin về vụ tai nạn nhưng tôi ghi nhận các đồng chí công an Phúc Thọ rất lịch sự và tôi sẵn sàng hợp tác mà không thấy phiền phức gì nhiều, ngoại trừ việc phải đi từ Hà Nội về Phúc Thọ là hơi xa. Việc này xảy ra đã hơn 20 năm.
Phạm Quang
11:10 ngày 03/03/2016
Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan dẫn đến TNGT quá nhiều, nhưng tôi thấy 2 nguyên nhân chủ yếu: Một là, ý thức tham gia giao thông quá tệ, hai là ít hiểu biết về luật giao thông. Xin hỏi cách nào khắc phục được 2 vấn đề này? Trân trọng cảm ơn!
Để giải quyết vấn đề này, có 2 cấp độ. Thứ nhất, trực tiếp việc giáo dục phải được tốt hơn để người dân nắm vững hơn về luật lệ và kỹ năng tham gia giao thông. Thứ 2, về mặt xã hội thì phải hướng tới một xã hội hiện đại với những chuẩn mực mới.
Nhưng rất tiếc, do quá trình đô thị hoá và hiện đại hoá nhanh, do sự di dân và tham gia và quản lý của nhiều người vốn xuất thân từ các khu vực nông thôn nên các chuẩn mực mới của đô thị không phải lúc nào cũng được quán triệt một cách đầy đủ. Vì vậy, cả những người tham gia giao thông lẫn quản lý giao thông nên được định hướng đầy đủ hơn về những đặc điểm của giao thông hiện đại và xã hội đô thị.
Trần Hải Yến
11:11 ngày 03/03/2016
Thưa chuyên gia Phạm Bích San, mọi người nói rất nhiều về thói vô cảm, đặc biệt là khi gặp TNGT, nhưng nhiều người cũng nói về những phiền phức khi quá mẫn cảm, nhiệt tình giúp đỡ người bị TNGT. Theo quý vị, khi gặp TNGT, cần làm gì để không bị coi là vô cảm?
Tôi nghĩ rằng nhiều khi chúng ta nghĩ về xã hội với tất cả những điều rất là tốt đẹp mà không nghĩ rằng có rất nhiều điều đang diễn ra theo một hướng khác. Cho nên, khi bàn đến sự vô cảm thì rất dễ nhưng để giải quyết nó thì khó.
Để giải quyết vấn đề này có 3 nhóm người tham gia ở đây: Những người dân chứng kiến vụ TNGT, những người xác nhận vụ TNGT và những người cứu chữa, xử lý hậu quả. Vậy phải có sự phân tích rất thấu đáo cách ứng xử của từng nhóm này.
Ở đây, nếu bàn về những người dân chứng kiến, chúng ta có thể hy vọng rằng về bản chất người ta đều rất muốn hỗ trợ cho người bị TNGT nhưng phải tính đến những điều kiện cụ thể cho phép người ta thực hiện sự giúp đỡ đó.
Ở nhiều nước, họ có giải pháp về mặt kinh tế, hành chính trong các trường hợp như thế này. Về mặt hành chính, cần đơn giản thủ tục để người giúp đỡ không bị gặp quá nhiều phiền toái khi họ hành động theo lương tâm của mình. Còn về mặt kinh tế, cũng phải tính tới những bù đắp nhất định nếu người ta bị thiệt hại do sự hỗ trợ của mình.
Tôi muốn kể một ví dụ tôi chứng kiến cách đây 1/4 thế kỷ trước khi tôi lên đường sang Mỹ dự hội nghị. Khi đó, tôi ngồi trên hè phố uống trà và thấy một vụ đâm xe giữa 2 người đi xe máy. Trong khi 2 người đang còn nằm quằn quại trên đường thì có mấy người ngoài đường nhảy ra hô hét "ông này đúng", "ông này sai". Sau đó, họ xin tiền những người bị TNGT. Hai hôm sau, tôi ở New York cũng chứng kiến một vụ đâm xe ô tô. 2 người lái xe còn chưa hoàn hồn thì có 2 người da đen cũng nhảy ra hô "ông đúng, ông sai". Người được cho là đúng ra khỏi xe ghi tên 2 người da đen lại rồi nói: "Ngày mai mời 2 anh đến toà làm chứng và nhận tiền thù lao tại toà". Đây là ý tưởng rất quan trọng và thực tiễn để giải quyết vấn đề của người Mỹ: Các lợi ích kinh tế cần phải được tính toán tới trong việc điều chỉnh các sự việc liên quan đến TNGT.
Cũng thế, cần có sự xử lý phù hợp với các nhóm còn lại.
Trần Lâm
11:11 ngày 03/03/2016
Xin hỏi ông Phong, lực lượng CSGT có được hướng dẫn sơ cứu các nạn nhân TNGT hay không? Bởi trong nhiều vụ việc, ngay cả vụ mới đây ở Ái Mộ, Gia Lâm, nhiều nhân chứng cho hay các CSGT không có phản ứng gì ngoài việc bảo vệ hiện trường?
Để thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được phân công, lực lượng CSGT Công an TP HCM thường xuyên được tổ chức tập huấn quán triệt các quy định pháp luật, quy định của ngành, trong đó các quy trình về công tác điều tra giải quyết TNGT luôn được quan tâm phổ biến. Do vậy công tác hướng dẫn sơ cấp cứu các nạn nhân TNGT là điều hết sức quan trọng và cần thiết, lực lượng CSGT TP HCM được tổ chức tập huấn công tác này thường xuyên và liên tục theo hàng năm.
Không riêng gì CSGT, chúng tôi mong muốn mọi người dân cũng cần tiếp cận và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về sơ cứu các nạn nhân để có thể hỗ trợ, cứu giúp người bị nạn.
Lê Minh Chánh
11:25 ngày 03/03/2016
Hiện nay, ý thức giao thông người dân rất kém, kỹ năng lái ô tô cũng là điều đáng báo động vì tình trạng đào tạo lái xe đại trà và quá dễ dàng cấp bằng. Vậy ngành giao thông có chấn chỉnh gì trong thời gian sắp tới trước nạn các trung tâm đào tạo lái xe chạy đua số lượng hơn chất lượng?
Trong những năm qua, cùng với các bộ ngành, địa phương, ngành giao thông vận tải đã luôn luôn quan tâm đến việc hoàn thiện chương trình, thủ tục đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Một mặt nâng cao chất lượng, đặc biệt là chất lượng đào tạo kỹ năng lái xe an toàn, tăng thời lượng thực hành tay lái, siết chặt công tác sát hạch trong đó đã thực hiện việc gắn camera và thiết bị giám sát hành trình lên phương tiện sát hạch để nâng cao tính minh bạch; đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho mọi người dân có nhu cầu được học, kiểm tra, sát hạch và nhận giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở đào tạo và một bộ phận những cán bộ sát hạch còn chưa thực hiện nghiêm các quy định, buông lỏng, dễ dãi nhằm thu hút học viên. Đối với những tổ chức, cá nhân này, ngành giao thông vận tải đang thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Dũng Trần
11:25 ngày 03/03/2016
Khi tham gia giao thông thì không sử dụng rượu bia= nhưng thực tế thì tai nạn giao thông có nguyên nhân từ bia rượu vẫn khá phổ biến, theo ông vấn đề này có thể giải thích thế nào?
Điều này là thực tế. Bia rượu là nguyên nhân lớn nhất gây TNGT nhưng không phải tất cả nguyên nhân mà trên đó còn là ý thức của người tham gia giao thông. Nhiều khi nghĩ một cách tiêu cực thì thấy rằng hình như người Việt Nam mình quá coi thường tính mạng bản thân.
Vì vậy, cách hành xử của họ nhiều lúc thiếu tôn trọng không chỉ tính mạng của người khác mà còn của chính mình. Để khắc phục điều này, cần có các biện pháp giáo dục nhưng đòi hỏi thời gian khá lâu. Mà chúng ta tiến hành đổi mới, hoà nhập vào thế giới lại chưa được lâu lắm.
Vì vậy, dù những cách ứng xử mới đang vào cũng khá nhanh rồi nhưng vẫn cần thêm thời gian để trở thành các chuẩn mực quyết định các hành vi tham gia giao thông. Còn trong lúc chờ đợi, tôi nghĩ rằng vẫn phải dùng những biện pháp mạnh để bảo vệ tính mạng người tham gia giao thông nói riêng và mọi người dân nói chung.
nguyen van thanh
11:38 ngày 03/03/2016
Kính thưa ban an toàn giao thông, hiện nay thực sự tôi không dám ra đường. Tôi muốn nhắn nhủ với cơ quan chức năng rằng muốn hạn chế tai nạn giao thông trước hết phải xử lý một bộ phận CSGT biến chất. Nếu không tin, các vị cứ đi khảo sát tại Khu Công nghiệp Đông Xuyên và Ngã ba Đường mới tai TP Vũng Tàu sẽ thấy xe quá tải, quá khổ chạy vô tội vạ mọi lúc, mà CSGT không thèm tuýt còi, chỉ hỏi những công nhân nghèo khổ, bộn bề công việc để lo toan cuộc sống.
Xin cám ơn ý kiến của bạn! Việc thanh tra, kiểm tra phát hiện những hành vi nhũng nhiễu tiêu cực của những người thực thi nhiệm vụ là công việc thường xuyên của cơ quan chức năng, sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2016 và giai đoạn tiếp theo. Mong bạn khi ra đường luôn tuân thủ các quy định phát lật về trật tự ATGT như đi đúng phần đường, làn đường, không phóng nhanh vượt ẩu, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy... thì chắc chắn bạn sẽ không bị ai xử phạt hay làm phiền và bạn sẽ góp phần giúp cho giao thông của nơi bạn sinh sống và làm việc được an toàn hơn.
Lê Trọng
11:39 ngày 03/03/2016
Chỉ riêng trong ngày 29-2 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Giang khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Theo báo cáo của Uỷ ban ATGT Quốc gia, trong 2 tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 3.618 vụ TNGT, làm chết 1.590 người, bị thương 3.367 người. So với cùng kỳ của năm 2015, giảm 489 vụ, giảm 398 người bị thương nhưng số người chết lại tăng 23 người. Qua những con số đó, các vị đánh giá như thế nào về tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trong thời gian qua?
Xin cám ơn câu hỏi của bạn. Mặc dù trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành địa phương thì tình hình trật tự ATGT đã có chuyển biến tích cực, TNGT giảm ở cả 3 tiêu chí như: Số người chết trong năm vì TNGT trong năm 2015 là 8.671 người, giảm sâu so với số liệu của 2011 là 11.369 người.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức rõ rằng tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp mỗi ngày vẫn có 24 người chết và gần 60 người bị thương. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2016 số người chết do TNGT có gia tăng so với cùng kỳ 2015 trong đó nguyên nhân chính là tháng 2-2016 là thời gian người dân nghỉ ngơi, vui chơi đón Tết Bính Thân và thông thường trong những dịp Tết, TNGT cũng tăng cao hơn so với những ngày bình thường.
Vì vậy, trong thời gian tới Ủy ban ATGT quốc gia, các bộ ngành địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, đặc biệt là tuyên truyền, bổ biến, gắn với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các hành vi vi phạm ATGT.
Nguyễn Minh
11:41 ngày 03/03/2016
Thưa ông Khuất Việt Hùng, ông có cho rằng giải pháp hạn chế xe máy, tiến tới loại bỏ hẳn xe máy trong nội đô sẽ là giải pháp tốt để kiềm chế ùn tắc giao thông và TNGT?
Tôi cho rằng việc giảm số chuyến đi bằng các phương tiện cơ giới cá nhân trong đó có xe máy là giải pháp quan trọng nhằm kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, việc muốn kéo giảm số chuyến đi bằng phương tiện cơ giới cá nhân thì cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ từ nâng cao năng lực, chất lượng của dịch vụ vận tải hành khách công cộng, cải thiện môi trường cho người đi bộ, đi xe đạp đến việc tổ chức giao thông sao cho việc đi lại bằng vận tải công cộng và các hình thức phi cơ giới đáp ứng được hầu hết các chuyến đi của người dân. Khi đó nhu cầu sử dụng các phương tiện cơ giới cá nhân sẽ được kéo giảm, giúp giảm thiểu ùn tắc do TNGT cũng như giảm ô nhiễm môi trường.
Huỳnh Đình
11:42 ngày 03/03/2016
Tình trạng xe dù, bến cóc trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô; xe khách núp bóng là xe hợp đồng, hoạt động đón trả khách trái quy định hiện nay đang gây ùn tắc giao thông, nhất là ở những đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội gây bức xúc xã hội. Các ngành chức năng đã và sẽ làm gì để ngăn chặn việc này?
Trước hết, chúng tôi khẳng định tình trạng "xe dù, bến cóc" là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông gây mất an toàn và ảnh hưởng đến trật tự quản lý vận chuyển hành khách và cản trở giao thông do các hành vi này gây ra như: Đón trả khách không đúng nơi quy định, dừng đậu nơi biển báo cấm, chạy không đúng tuyến, đúng hành trình...
Theo chúng tôi, để quản lý và tổ chức hoạt động tốt đối với vận tải hành khách bằng xe ô tô, tránh không để xảy ra tình trạng "xe dù, bến cóc" thì việc cung cấp thông tin chính xác và đánh giá đúng thực trạng là yếu tố vô cùng quan trọng để các đơn vị chức năng có các biện pháp, giải pháp phù hợp. Ví dụ, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải khách phải được tiếp cận thường xuyên các thông tin về lộ trình, hành trình, tuyến, bãi đón trả khách, bãi đậu đỗ, tuyến đường được đậu đỗ; người tham gia giao thông cần có thông tin về các vị trí đón trả khách đúng quy định và đặc biệt cần có hiểu biết và phản ánh đúng tình trạng "xe dù, bến cóc"...
Trên cơ sở đó để giải quyết tốt tình trạng "xe dù, bến cóc" thì việc cung cấp thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các doanh nghiệp, người dân nắm biết thực hiện phải được thực hiện liên tục; song song đó công tác tăng cường kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng phải được thực hiện nghiêm túc, triệt để, đồng bộ với sự tham gia của nhiều lực lượng ban ngành và chính quyền địa phương và cuối cùng phải có những bước đột phá về quy hoạch bến bãi nhất là ở các khu vực đô thị và khu vực trung tâm.
Chúng tôi khuyến cáo mọi người dân cần có sự cộng đồng trách nhiệm phải vì mục tiêu xây dựng thành phố, xây dựng đất nước vì lợi ích chung của cả cộng đồng chứ không vì phục vụ cho một cá nhân hay một bộ phận...
Phạm Thị Lựu
11:42 ngày 03/03/2016
Tôi thấy đa số trường hợp gây tai nạn đều do tài xế. Có người thì ngủ gục, phê thuốc hay uống rượu... nhưng tổ chức kiểm tra, xử phạt hoài không hết. Có nên tăng hình phạt thật nặng cho tài xế khi kiểm tra, thậm chí xử lý hình sự nếu uống rượu, phê thuốc, ngủ gục? Có vậy, họ mới sợ mà chạy đàng hoàng. Phạt luôn chủ phương tiện mới có thể kéo giảm tội phạm.
Đương nhiên, sử dụng phương tiện giao thông gây tai nạn chết người mà sử dụng ma túy, trong máu có nồng độ cồn... thì tùy theo tính chất và mức độ vụ việc đều bị xử lý hình sự với hình phạt rất nghiêm khắc.
Việc tài xế sử dụng rượu bia, ma túy mà điều khiển phương tiện giao thông rất nguy hiểm cho cộng đồng, gây hậu quả rất nghiêm trọng nên tuyệt đối đã uống rượu bia là không được cầm tay lái.
Trần Nam Anh
11:42 ngày 03/03/2016
Gần đây các vụ tai nạn giao thông thảm khốc như vụ xe Camry đâm chết 3 người ở Gia Lâm trở nên phổ biến và gia tăng mạnh hơn. Các vị lý giải sao về điều này?
Trong những ngày gần đây đã xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng như vụ TNGT ở Ái Mộ, Gia Lâm (Hà Nội) hay vụ TNGT ở Hà Giang, vụ trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... Tình huống xảy ra các vụ TNGT hoàn toàn khác nhau nhưng nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người điều khiển phương tiện.
Ví dụ như vụ xe Camry ở Gia Lâm, người lái xe gây tai nạn không có bằng lái nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện hay như vụ trên đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng người lái xe cố tình đi ngược chiều trên đường cao tốc. Như vậy, có thể khẳng định rằng những người này họ biết rằng hành vi của họ là vi phạm quy định pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện với niềm tin rằng có thể sẽ không xảy ra tai nạn và hành vi vi phạm của họ sẽ không bị pháp luật trừng trị.
Theo tôi, giải pháp cần thực hiện ở đây chính là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân, xâu dựng văn hóa giao thông cho người dân đồng thời tăng cường xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm.
Đối với những người gây ra các vụ TNGT kể trên cần truy tố trước pháp luật để là một bài học giáo dục chính bản thân họ và cảnh báo những người tham gia giao thông khác là nếu vi phạm quy định pháp luật sẽ bị trừng trị.
Lê Hữu Trí
11:42 ngày 03/03/2016
Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét dạy và cấp bằng lái xe ô tô kỹ hơn và "phân biệt xe số tự động và xe số sàn," vì cách thao tác khi chạy 2 loại này rất khác nhau, để tránh hiện tượng xe điên rất nguy hiểm như hiện nay.
Hiện nay đã có quy định về đào tạo và cấp giấy phép lái xe số tự động và số sàn riêng biệt. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin trong trang web của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Hà Yên
11:42 ngày 03/03/2016
Mỗi ngày, Việt Nam có trung bình 24 người chết vì tai nạn giao thông. Con số này nói lên điều gì, thưa các vị?
Rất khó để xác định xem con số này nói lên điều gì mặc dù tôi là chuyên gia phân tích về số liệu. Ở đây cần tính tới số lượng người dân, số lượng người tham gia giao thông, chất lượng cơ cấu hạ tầng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông cũng như trình độ học vấn của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, nếu so sánh với nước bên cạnh chúng ta là Thái Lan thì tôi cho rằng con số đó là lớn. Ví dụ, chỉ riêng TP Băng Cốc có khoảng 12 triệu xe ô tô, gấp nhiều lần thủ đô Hà Nội của chúng ta. Số ô tô của toàn nước Thái Lan cũng gấp nhiều lần của Việt Nam. Nhưng, số người chết vì TNGT của họ không cao như chúng ta.
Trương Quang Cảnh
11:43 ngày 03/03/2016
Trước hết xin chân thành cảm ơn Báo Người Lao Động đã có chương trình giao lưu tạo điều kiện cho độc giả của báo có cơ hội tiếp xúc và đặt câu hỏi nhằm góp phần giảm TNGT với các ban ngành có thẩm quyền về giao thông. Câu hỏi của tôi là: Xin các khách mời cho biết các phương tiện tham gia giao thông chạy tốc độ cao có phải là nguyên nhân tạo ra hầu hết các vụ TNGT gây chết người. Các vị có giải pháp gì để kiểm soát chặt chẽ hơn cho các loại phương tiện đó, đặc biệt là xe tải trong lớn chạy trong TP?
Tốc độ cao là một trong những nguyên nhân gây ra TNGT chết người. Do đó, trong triển khai giải pháp lực lượng CSGT luôn tập trung xử lý kiên quyết đối với trường hợp lái xe tốc độ cao. Cụ thể, thường xuyên bố trí các tổ công tác sử dụng máy bắn tốc độ để kiểm tra sử lý trong đó tập trung vào các khu vực thường xảy ra tai nạn và phương tiện như xe khách, xe tải lưu thông tốc độ cao.
Ngoài ra, lực lượng CSGT còn sử dụng hệ thống camera và thông qua hệ thống camera giám sát trên đường để xử lý các trường hợp chạy quá tốc độ.
Phạm Xuân Thời
11:43 ngày 03/03/2016
Tai nạn thường xuyên ở ĐT 769 đoạn qua huyện Thống Nhất từ ngã tư Dầu Giây vào Km 16 vì đường nâng cao thêm 1 m mà không mở rộng. Hiện nay chỉ có 1 làn rộng hơn xe tải nặng 1 m. Dân nhiều lần kiến nghị mở rộng bằng đường này trên đoạn đường huyện Long Thành. Các ông có phản hồi gì về điều này?
Ý kiến của bạn sẽ được chuyển đến Sở Giao thông vận tải Đồng Nai.
Nguyễn Lễ
11:43 ngày 03/03/2016
Trong vụ xe Camry vừa qua, cháu bé bị thương nặng nhưng người dân gọi 115 rất lâu sau mới tới. Đây không phải là trường hợp đầu tiên. Cần làm gì để nâng cao hiệu quả của lực lượng cấp cứu trong các vụ tai nạn?
Để nâng cao hiệu quả của lực lượng này, hiện nay ngành y tế đang cố gắng nâng cao y đức. Còn cá nhân tôi, tôi cho rằng cần thêm những giải pháp thực tiễn, bắt đầu từ việc nâng cao thu nhập cho những người làm công tác cấp cứu, cũng như tăng cường đầu tư phương tiện cho hoạt động của họ.
Sau đó, quy định những hình thức kỷ luật và khen thưởng cho sự kịp thời trong các hành động của họ. Ở đây, cũng cần một yếu tố nữa là sự tham gia của hệ thống bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội vì không ít trường hợp người bị TNGT được các nhân viên y tế cân nhắc rất nhiều về khả năng chi trả của nạn nhân. Nếu khắc phục được khâu này, tôi cho rằng tốc độ xử lý người bệnh tăng lên đáng kể.
Dương Tuấn
11:44 ngày 03/03/2016
Ứng xử với tình huống xảy ra tai nạn giao thông là vấn đề thuộc về kỹ năng hay văn hoá?
Tôi nghĩ là cả 2.
Đầu tiên, khi có tình huống giao thông xảy ra thì kỹ năng xử lý là điều rất quan trọng. Ví dụ, chúng ta phải biết cần bấm máy gọi điện cho ai, cho bệnh viện hay cho CSGT? Hay nếu phải hỗ trợ cho người bị nạn thì phải hỗ trợ cái gì trong điều kiện chúng ta có tại đó? Còn nếu để lại thông tin về mình để tham gia làm chứng thì phải để lại những thông tin gì và làm sao để thể hiện rõ mình là người giúp đỡ chứ không phải là người lợi dụng... Tất cả những điều này đều là kỹ năng mềm cần học trong một xã hội văn minh. Nhưng hình như các tổ chức đoàn, đội của chúng ta chưa quan tâm nhiều đến các kỹ năng mềm này.
Tiếp đó là vấn đề văn hoá. Bản thân khái niệm văn hoá là rất rộng và có thể hiểu từ góc độ xã hội học là toàn bộ các hành vi ứng xử của con người. Nếu xét như thế thì có thể thấy rằng văn hoá tham gia giao thông của nhiều người chúng ta đang có vấn đề. Ví dụ, lái xe vẫn "oang oang" gọi điện thoại, nhất là gọi điện thoại chỗ đèn đỏ khi mà người ta cần theo dõi từng giây một để vượt qua đường, tránh ảnh hưởng người khác. Hoặc, văn hoá xếp hàng rất kém nên không bao giờ nhẫn nại chờ đợi đến lúc đèn xanh bật lên mới vượt qua và luôn luôn tranh giành lẫn nhau từng cm trên đường. Vậy, nếu văn hoá là cái gì rất cụ thể thì đây chính là cái văn hoá mà chúng ta cần xây dựng, tránh những hô hào chung chung.
Cũng thế, khi gặp TNGT là một tình huống bất ngờ thì đòi hỏi người tham gia giao thông phải có cả kỹ năng xử lý trực tiếp và văn hoá ứng xử để có thể hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả nhất cho người bị nạn.
Quân
11:44 ngày 03/03/2016
Từ những vụ tai nạn giao thông thảm khốc hiện nay, trong đó có những vụ người điều khiển phương tiện uống rượu bia, theo ông có nên tước bằng vĩnh viễn đối với người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nghiêm trọng có sử dụng rượu bia hay không?
Hiện tại quy định pháp luật về việc xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông nói chung và hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ nói riêng khá đầy đủ. Đặc biệt, đối với những trường hợp lái xe gây tai nạn nghiêm trọng làm chết người và bị thương nhiều người thì bị truy tố và xử lý hình sự, hành vi vi phạm nồng độ cồn được pháp luật quy định là tình tiết tăng nặng khi xử lý.
Vũ Minh Quang
11:44 ngày 03/03/2016
Một phần các vụ tai nạn giao thông là do hạ tầng quá kém, việc khắc phục không thể ngày một, ngày hai. Vậy, có phải cứ nghèo là phải chấp nhận sống chung với tai nạn giao thông?
Tôi không bi quan đến như thế vì không phải cứ giàu là hạnh phúc và TNGT ít đi. TNGT nhiều hay ít là kết quả trực tiếp của việc pháp luật của chúng ta được thực thi như thế nào, trong khi các phương tiện, hạ tầng chỉ là điều kiện để hỗ trợ thêm cho việc pháp luật được thực thi có hiệu quả đến đâu.
Nếu hạ tầng tốt mà pháp luật không tốt thì TNGT lại có thể gia tăng và chúng ta đang chứng kiến cái nghịch lý này trong việc cải thiện hạ tầng giao thông trong thời gian vừa qua. Còn nếu hạ tầng không tốt mà chúng ta tôn trọng pháp luật thì TNGT cũng không có lý do gì để gia tăng cả. Vì vậy cho nên sự phát triển không nên chỉ quy vào số lượng GDP/người, số lượng đường cao tốc... mà trên hết phải trông vào ý thức tôn trọng pháp luật của người dân trong xã hội.
Lâm Bình
11:44 ngày 03/03/2016
Xã hội hoá giao thông hiện nay đang tập trung vào khâu hạ tầng, theo ông còn lĩnh vực nào cần hướng tới nữa?
Cảm ơn câu hỏi của bạn!
Quả thực hiện nay người ta quan niệm xã hội hoá giao thông là hạ tầng vì mấy lý do sau: Trước hết, nó dễ làm vì chỉ cần có tiền là chúng ta có thể mua được phương tiện hiện đại, làm được đường. Thứ 2, nó có thể làm cho thành tích của người quản lý thể hiện rõ, ai cũng thấy được. Thứ 3, nó cũng liên quan đến việc cải thiện lợi ích cho nhiều người.
Tuy nhiên, vấn đề khó hơn là hình thành nên được ý thức giao thông mới và điều này lại rất khó thấy, khó thể hiện trong các bảng thành tích của các cơ quan, địa phương. Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng hoàn thiện các quy định quản lý và cách ứng xử của người quản lý sẽ là điều cần phải làm để có sự thay đổi bền vững và lâu dài với tình hình TNGT. Điều này cũng giống thông lệ thế giới thôi bởi họ xử lý phần "cứng" bao giờ cũng dễ hơn phần "mềm".
dong
12:15 ngày 03/03/2016
Xin hỏi ông Huỳnh Trung Phong: Với lực lượng chủ yếu trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ông có khuyến cáo gì đối với người tham gia giao thông để hạn chế trình trạng tai nạn giao thông trên địa bàn TP HCM?
Hậu quả của các vụ TNGT luôn gây ra những tổn thất về người, tài sản và là nỗi ám ảnh cho nhiều người. Do đó, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiệt hại do TNGT gây ra, chúng tôi mong muốn trong điều kiện, tình trạng ATGT còn nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ban ngành đoàn thể, địa phương và đặc biệt là cán bộ chủ chốt, Đảng viên, đoàn viên, học sinh sinh viên không chỉ là tấm gương về chấp hành về pháp luật giao thông mà còn là những tuyên truyền viên.
Đồng thời, chúng tôi kêu gọi vì an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân, vì hành phúc của mọi gia đình, mọi tầng lớp nhân dân hãy tự giác chấp hành pháp luật giao thông, đi đúng làn lề đường; không lưu thông quá tốc độ cho phép, ứng xử có văn hóa giao thông.
Với trách nhiệm của mình, lực lượng CSGT luôn cầu thị và tiếp nhận mọi thông tin đóng góp, mọi ý kiến hiến kế của người dân. Và chúng tôi cam kết bằng trách nhiệm của mình sẽ thực hiện ngay hành động với phương châm đoàn kết, chủ động, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm và hiệu quả để cùng góp phần xây dựng TP HCM là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, TP đáng sống, trật tự về an toàn giao thông.
Bình luận (0)