xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

10 năm gom nhặt chuyện oái oăm

Bài và ảnh: MẠNH DUY

Sau 10 năm thành lập Trung tâm ADN, GS Lê Đình Lương - người được mệnh danh là “ngài ADN”, chuyên gia đầu ngành di truyền học của Việt Nam - đã chứng kiến biết bao chuyện hỉ nộ ái ố trong xã hội

Để có một Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền (gọi tắt là Trung tâm ADN) giúp hàng ngàn người xác định cội rễ huyết thống hay tìm lại được người thân, GS Lê Đình Lương đóng vai trò không nhỏ. Với một công nghệ cho đến tận đầu những năm 2000 vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, vị chuyên gia về di truyền học này đã không quản ngại khó khăn và vượt qua rất nhiều rào cản để đưa mô hình tiên tiến bậc nhất về Việt Nam.

Những chuyện bất ngờ

Những người tìm đến Trung tâm ADN của GS Lê Đình Lương đa phần đều có những câu hỏi lớn đè nặng lên cuộc đời. “Khi đạo đức bất lực thì người ta phải nhờ đến xét nghiệm ADN để tìm ra sự thật” - GS Lương nhìn nhận với rất nhiều trường hợp.

“Ngài ADN” Lê Đình Lương với một bản kết luận ADN
“Ngài ADN” Lê Đình Lương với một bản kết luận ADN

Nhiều người chồng khốn khổ nghi ngờ bị rơi vào cảnh “tò vò nuôi nhện” vì vợ “cắm sừng” đã tìm đến Trung tâm ADN để giải tỏa hoang mang. Cũng có nhiều trường hợp chính các bà vợ là người tìm đến bản kết luận ADN để biết đứa con mình là của  ông hàng xóm hay của bồ, của sếp…

Bà Nguyễn Thị Nga - vợ GS Lê Đình Lương, người đứng tên giám đốc trung tâm mà chồng gây dựng - đã chứng kiến quá nhiều chuyện oái oăm như thế. “Nhiều người đến trung tâm với bi kịch đeo đẳng nhưng sau khi có kết luận ADN, họ giải tỏa được nghi vấn, trở lại với cuộc sống thăng bằng hạnh phúc. Cũng có những người đến đây với niềm tin rất lớn để rồi khi có kết luận ADN, cuộc sống và bầu trời trước mặt họ như sụp đổ vì không thể ngờ bao năm qua phải nuôi con người khác” - bà tiết lộ.

GS Lê Đình Lương khẳng định độ chính xác của phân tích ADN trong các kết luận huyết thống lên đến 99,9999% với trường hợp khẳng định và 100% với trường hợp phủ định. “Khoa học đã chứng minh 8 tỉ người mới có 2 người trùng kiểu gien, trong khi cả thế giới chỉ có khoảng 7 tỉ người. Vì thế, độ chính xác của các kết luận ADN là gần như tuyệt đối. Song, nguyên tắc của những nhà khoa học làm di truyền và ADN là phải luôn nói đúng sự thật dù sự thật ấy đem lại niềm vui hay nỗi buồn cho cuộc đời một con người. Đây là vấn đề đạo đức và lương tri” - ông thổ lộ.

Không ít lần có những người đến đặt vấn đề “hối lộ” GS Lương một số tiền lớn để ông làm giả kết quả ADN. Tuy nhiên, với  những trường hợp như vậy, vị giáo sư khả kính đều khuyên họ: “Sự thật vẫn mãi là sự thật, một kết luận ADN giả cũng không thể che giấu hay làm sự thật bị sai lệch được”.

Chỉ cần 4-10 triệu đồng là giờ đây, một người có thể tìm ra câu trả lời đích xác về huyết thống. Công nghệ ADN đã mang lại nhiều ý nghĩa với mỗi cá nhân cũng như xã hội. Gã sở khanh không còn cơ hội chối bỏ nghĩa vụ làm bố, cô gái lẳng lơ không thể trói buộc chàng trai bằng một đứa con rơi…

Công nghệ ADN còn giúp những người lính Pháp, Mỹ, Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh tìm lại được máu mủ của họ sau nhiều năm xa cách. ADN đã “trả lại tên cho em”, trả lại công lý và cả sự thật trong những vụ án, những phiên tòa tưởng như đi vào bế tắc.

GS Lê Đình Lương đã gợi ý vợ mình nên viết một cuốn sách mang tên ADN - những chuyện bất ngờ dài 2 tập. Đó là những câu chuyện thực tế về nhân tình thế thái, về đạo đức xã hội mà vợ chồng ông gom nhặt được trong những năm làm ADN.

“Mấy chục năm phân tích ADN, lúc nào tôi cũng mong một kết luận có hậu cho người đưa mẫu đến làm xét nghiệm. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng bởi một số người trong rất nhiều hoàn cảnh và trường hợp đã không sống thành thật, tử tế. ADN là một câu trả lời thần kỳ nhưng có những sự thật nếu không được biết thì đôi khi còn tốt hơn” - GS Lương chiêm nghiệm.

Lời tiên đoán của giáo sư Liên Xô

Sinh ra và lớn lên ở thủ đô Hà Nội nhưng GS Lê Đình Lương lại chân chất, bình dị như một người nhà quê. Ông có được điều ấy nhờ theo gia đình tản cư lên chiến khu Việt Bắc hồi 5-6 tuổi.

Suốt những năm ở thủ đô kháng chiến, cậu bé phố thị làm quen với việc trồng khoai, trồng sắn. Tuy vậy, tố chất khoa học và sự say mê sáng tạo đã được thể hiện ngay từ khi cậu vào cấp 2. Cậu tự mày mò rồi chế được một chiếc radio galen.

Lên cấp 3, thủ đô giải phóng, Lương trở về Hà Nội và tiếp tục công việc sáng chế để thỏa mãn đam mê. Có lần, cậu và bạn bè chế ra một chiếc biến thế nặng vài chục ký để hàn điện giúp đỡ gia đình và hàng xóm.

Mê các môn học tự nhiên, với thành tích học tập xuất sắc, chàng thanh niên Lê Đình Lương được chọn gửi đi đào tạo ở Liên Xô về ngành toán. “Tuy nhiên, một lối rẽ bất ngờ đã làm thay đổi toàn bộ sự nghiệp và cuộc đời của tôi. Khi ấy, nhà nước đang thiếu những cán bộ được đào tạo trong lĩnh vực sinh học ở nước ngoài. Xếp theo điểm số, tôi có điểm trung bình môn sinh cao nhất với các du học sinh nên được điền tên gửi đi đào tạo sinh học” - GS Lương nhớ lại.

Đến với bộ môn còn khá mới mẻ này, khi lên tàu sang Liên Xô, Lê Đình Lương rất ưu tư. Anh không biết sau này học xong về nước sẽ làm gì bởi sinh học hồi ấy khá nặng về lý thuyết, trong khi Lương là con người của thực tế, thích những việc liên quan đến chế tạo.

“Ngành học này chọn tôi chứ không phải tôi chọn nó” - GS Lương khẳng định. Chàng sinh viên Việt Nam được học di truyền học ở Trường ĐH Tổng hợp Saint Petersburg, nơi có giáo trình thực tiễn và những giáo sư hàng đầu. Có lần, trưởng bộ môn phân tích di truyền, GS Fedorov, vỗ vai Lê Đình Lương trong lớp rồi bảo: “Tôi nghĩ cậu sẽ trở thành một giáo sư di truyền học tương lai của Việt Nam”. Lời tiên đoán ấy đã trở thành sự thật.

Nỗ lực “nhập khẩu” công nghệ ADN

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ di truyền học ở Liên Xô, trở về nước, ông Lê Đình Lương cống hiến 40 năm cho công tác nghiên cứu và giảng dạy ở ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông được phong phó giáo sư rồi giáo sư và trở thành một chuyên gia về di truyền học hàng đầu Việt Nam.

Không chỉ là Phó Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Di truyền học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Di truyền học và Ứng dụng, GS Lương còn có uy tín trong giới di truyền học quốc tế. Ông từng là Ủy viên Ủy ban Đạo đức sinh học quốc tế của UNESCO, Chủ tịch Hội đồng Công nghệ sinh học thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản, đại diện Việt Nam tham gia soạn thảo Nghị định thư Cartagena của Liên Hiệp Quốc về quản lý sinh vật chuyển gien…

Dù trải qua nhiều cương vị quản lý nhưng sự say mê sáng tạo và tìm tòi cái mới của GS Lê Đình Lương lúc nào cũng thôi thúc ông tạo ra những điều khác biệt và ý nghĩa. Trung tâm ADN ra đời năm 2005, đến nay đã bước vào tuổi lên 10. Đây là phòng thí nghiệm tiên phong trong công nghệ mà 10 năm trước còn khá lạ lẫm với cả các chuyên gia.

Phát minh trong lĩnh vực di truyền học phân tử được giải Nobel năm 1985 của Kary Mulit đã giúp nhiều nhà khoa học ở các quốc gia nghèo có thể tiếp cận công nghệ dễ dàng hơn. Năm 1998, trong chuyến dự hội nghị di truyền học tổ chức ở Canada, khi trở về, GS Lê Đình Lương ghé qua Moscow và bỏ ra một số tiền lớn để mua chiếc máy khuếch đại ADN.

Ngày ấy, đây là chiếc máy khuếch đại ADN đầu tiên của Việt Nam và số tiền bỏ ra để mua nó đáng giá cả gia tài. GS Lương tự bỏ tiền túi với quyết tâm sẽ đưa công nghệ này vào thực tiễn để ứng dụng trong nhiều vấn đề xã hội đang rất cần lời giải đáp.

Cũng phải mất đến 7 năm sau, GS Lương mới thành lập được Trung tâm ADN với đầy đủ trang thiết bị của một phòng thí nghiệm hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế và đội ngũ chuyên gia kỹ thuật viên được đào tạo với trình độ kỹ thuật cao. Đến nay, trung tâm đã xử lý được khoảng 6.000 ca phân tích ADN với rất nhiều mục đích khác nhau: Tìm thân nhân, huyết thống cha - con, anh - em, ông - cháu; tìm mộ liệt sĩ và thân nhân; tìm bệnh di truyền; lập “lá số tử vi” ADN… 

ADN là một câu trả lời thần kỳ nhưng có những sự thật nếu không được biết thì đôi khi còn tốt hơn”.

GS Lê Đình Lương

 

Vạch mặt ngoại cảm dỏm

Trung tâm của GS Lê Đình Lương đã được hơn 200 trường hợp thân nhân liệt sĩ tìm đến nhờ phân tích ADN để kết luận hài cốt dưới ngôi mộ nào đó có phải của người thân họ hay không. Đã có những vụ án làm giả hài cốt, di vật liệt sĩ để trục lợi. Việc tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm cũng từng gây ra những hệ lụy, hậu quả. Đã nhiều lần, kết quả phân tích ADN vạch mặt các nhà ngoại cảm dỏm trục lợi bằng tâm linh.

 

Xét nghiệm ADN tại Trung tâm ADN của GS Lê Đình Lương
Xét nghiệm ADN tại Trung tâm ADN của GS Lê Đình Lương

“Việc xét nghiệm ADN để tìm mộ liệt sĩ rất phức tạp, tốn nhiều thời gian do các bộ phận xương cốt đều đã mục ruỗng và phải làm rất nhiều bộ phận để có kết quả chính xác. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi thấy có những mẫu hài cốt lấy trong cùng một ngôi mộ là của 2 người khác nhau. Trong chiến tranh thì chuyện ấy cũng là điều bình thường...” - GS Lương cho biết.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo