xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

800 tỉ đồng thu hồi nước thất thoát

QUÝ HIỀN - THU HỒNG

Mỗi ngày TP HCM phát khoảng 1,75 triệu m3 nước, trong đó 35% bị thất thoát (tương đương 700.000 m3/ngày). Nhiều năm qua, SAWACO trầy trật kéo giảm tỉ lệ nước thất thoát, liệu sự tham gia của liên danh CII-HFIC có thay đổi được tình hình?

Liên danh Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) - Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước (HFIC) đang gấp rút đàm phán với SAWACO (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV) để triển khai dự án giảm thất thoát nước - một hình thức xã hội hóa được xem là chưa có tiền lệ.

1 m3 nước, bỏ túi 4.000 đồng

Trên cơ sở chấp thuận của UBND TP HCM, liên danh CII-HFIC đã lập phương án đầu tư cho hình thức xã hội hóa này. Theo đó, liên danh này sẽ bỏ vốn khoảng 800 tỉ đồng để giảm nước thất thoát cho 3 vùng: vùng 4 (gồm các quận 2, 9, Thủ Đức), vùng 5 (quận 4, 7 và huyện Nhà Bè), vùng 6 (quận 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh) trong thời gian 15 năm.

Sau 5 năm đầu tiên, lượng nước thu hồi là 70.000 m3/ngày và duy trì sản lượng này cho đến năm thứ 15. Từ năm thứ 1 đến năm thứ 5, khối lượng nước thất thoát thu hồi được sẽ tăng dần, tương ứng với từng vùng của từng dự án.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc của CII, cho biết sau khi tính toán chi phí đầu tư  và khảo sát hiện trạng nước thất thoát ở từng vùng, liên danh đã nhất trí thu 4.000 đồng/m3 nước sạch thu hồi được. So với  giá bán  bình quân 1 m3 nước sạch của SAWACO hiện nay là 9.000 đồng thì chi phí cho 1 m3 nước thu hồi được mà SAWACO phải trả cho nhà đầu tư là hợp lý.

“Ngay năm đầu tiên, SAWACO phải thanh toán cho nhà đầu tư 4.000 đồng/m3 nước thu hồi. Mức giá này sẽ tăng theo lộ trình tăng giá nước của SAWACO (dự kiến 10%/năm)” - ông Bình thông tin thêm.

Thay thế ống cũ mục là một trong những việc nhằm làm giảm nước thất thoát.  (Ảnh do SAWACO cung cấp)
Thay thế ống cũ mục là một trong những việc nhằm làm giảm nước thất thoát. (Ảnh do SAWACO cung cấp)

Theo ông Bình, nước sạch là tài nguyên quốc gia, mỗi ngày TP HCM phát khoảng 1,75 triệu m3 nước, trong đó 35% bị thất thoát (tương đương 700.000 m3/ngày). Số nước thất thoát âm ỉ chảy vào lòng đất không chỉ lãng phí mà còn gây hiện tượng sụt lún, kéo giảm con số này sẽ mang lại hiệu quả cao cho xã hội.

Xã hội hóa, hiệu quả sẽ cao hơn

Đánh giá về tính khả thi và hiệu quả của dự án trên, ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc SAWACO, nhận định đây là mô hình chưa có tiền lệ vì từ trước đến nay các dự án chống thất thoát nước của thành phố hầu hết là nhà đầu tư nước ngoài tham gia, chưa có nhà đầu tư trong nước. Do đó, thể chế tài chính của dự án cũng còn là điều mới mẻ. SAWACO rất hoan nghênh việc nhà đầu tư trong nước tham gia xã hội hóa chống thất thoát nước bởi hạn chế của SAWACO là khó khăn về tài chính, không đủ lực nên chống thất thoát nước theo kiểu chắp vá trong khi nhà đầu tư  lại mạnh về tài chính và công nghệ.

“Vấn đề là mình kiểm soát đầu ra, nhà đầu tư bỏ tiền đương nhiên họ muốn thu hồi vốn. Do đó, sản phẩm chất lượng là điều cả hai đều hướng tới” - ông Phú nhìn nhận. Theo ông Phú, sắp tới, SAWACO sẽ bán nước sạch qua đồng hồ tổng cho tất cả các công ty cổ phần cấp nước, đây cũng là cách để trao trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc.

Là đơn vị trực tiếp tham gia dự  án, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn, cho biết rất ủng hộ chủ trương xã hội hóa. Ông Hiếu phân tích số vốn có hạn của công ty ngoài để giảm nước thất thoát còn phải sử dụng cho nhiều việc khác. Vì vậy, một nhà đầu tư có tài chính mạnh và chỉ tập trung duy nhất nhiệm vụ giảm nước thất thoát thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, để đánh giá được hiệu quả, liên danh CII-HFIC phải chứng minh được tỉ lệ giảm nước thất thoát nhiều và nhanh hơn các công ty cấp nước đang thực hiện.

Ông Nguyễn Xuân Cầu, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thủ Đức, băn khoăn: “Ba năm qua, công ty bỏ ra 63 tỉ đồng và kéo giảm được 10% lượng nước thất thoát. Đó là nỗ lực không nhỏ. Nếu nhà đầu tư nhảy vào, cam kết giảm nhiều, nhanh hơn theo một lộ trình và con số cụ thể thì chúng tôi ký hợp đồng ngay. Nếu giảm được 1 m3 nước nào thu tiền 1 m3 ấy thì tôi chưa an tâm”.

Giá thành nước sạch sẽ giảm

Theo liên danh này, hình thức đầu tư giảm nước thất thoát chủ yếu vẫn là cô lập vùng (thiết lập DMA), thay thế đồng hồ, ống mục, ống bể. Sau khi hoàn thành, toàn bộ hạ tầng sẽ được chuyển giao cho SAWACO. Song song đó, nhà đầu tư còn đẩy mạnh đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để phục vụ cho dự án.

Theo ông Lê Quốc Bình, hiện nay, giá thành nước sạch tại TP HCM được tính đã bao gồm cả tỉ lệ nước thất thoát. Nếu sau 15 năm, liên danh CII-HFIC kéo giảm hay giữ tỉ lệ thất thoát nước ở mức thấp, giá nước sạch sẽ không tăng nữa.

Ngoài hình thức đầu tư giảm nước thất thoát cho 3 vùng trên, ông Bình cho biết thêm liên danh đang trình UBND TP đề  án đầu tư 800-1.000 tỉ đồng để quản lý toàn bộ con người và mạng lưới cấp nước của 2 công ty cấp nước Trung An và Tân Hòa, thời gian tiếp nhận trong vòng 15 năm với 2 nhiệm vụ chính là giảm nước thất thoát và đầu tư phát triển mạng lưới.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo