xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ánh sáng chủ quyền

Bài và ảnh: PHAN ANH

Đêm đêm, luồng ánh sáng quét xa hàng chục hải lý từ các ngọn hải đăng ở Trường Sa không chỉ giúp những chuyến tàu an toàn mà còn khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Được sự cho phép của Trạm trưởng Trạm Hải đăng Song Tử Tây Vũ Quang Bình, tôi vội cầm đèn pin theo anh lên nhà đèn. Với 124 bậc thang gỗ xoắn ốc đã sờn màu sơn, không gian ngột ngạt, tối om khiến tôi mệt lử dù mới đi được một nửa. Bình bảo mỗi ngày anh phải lên xuống vài lần. Gặp khi có gió bão, anh em phải lên xuống cả chục lần để kiểm tra hoạt động của đèn.

Vững vàng lính nhà đèn

“Công việc gác hải đăng trên biển nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra khá phức tạp. Đèn mà bị hỏng là tai nạn nghiêm trọng xảy ra ngay bởi tàu thuyền rất khó đi lại an toàn trong đêm tối” - anh Bình cho biết.

Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 17 giờ 30 phút, ngọn đèn biển Song Tử Tây lại được thắp lên. Để ánh sáng từ ngọn đèn khổng lồ ở độ cao 36 m vươn xa 18 hải lý không bao giờ tắt, anh Bình cùng các đồng nghiệp mỗi ngày đều phải kiểm tra hệ thống năng lượng, máy nổ, ắc-quy, chu kỳ quay của đèn..., đồng thời thường xuyên bảo quản, bảo dưỡng, lau chùi các thiết bị, nếu có trục trặc phải khắc phục ngay. Công việc đòi hỏi phải bảo đảm tính liên tục nên ngay trong mưa bão, dông tố hay những ngày lễ - Tết, các anh đều phải túc trực 24/24 giờ.

 Anh Bình cho biết: “Công tác trực đèn của chúng tôi thường kéo dài 9-12 tháng. Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh em về nghỉ phép rồi lại tiếp tục ra đảo để gác đèn. Người gác đèn ở Trường Sa phải làm việc trên cao, nơi làm việc chật hẹp, nóng bức, thường xuyên chịu sóng, gió, tiếng ồn, rung lắc cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, lại xa gia đình nên phải có ý thức trách nhiệm cao và tinh thần tốt, họ mới có thể trụ vững”.

img
Kiểm tra các thiết bị của đèn biển ở Trạm Hải đăng Nam Yết
 
Nếu Trạm trưởng Vũ Quang Bình gắn bó 10 năm với những ngọn hải đăng Trường Sa thì anh Trần Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Nam Yết, đã có hơn 20 năm gác đèn.
 
“Trước khi ra đảo, tôi có quen một cô nhưng đến ngày về, cô ấy đã lấy chồng, có con. Rồi những năm sau, tôi cứ biền biệt đi mãi, về phép thì chỉ được mấy tháng nên chẳng “cưa” được ai. May mà đến tuổi 35 cũng có người chịu thương, chịu làm vợ, chứ như nhiều đồng nghiệp khác, đã qua cái tuổi thanh xuân vẫn phòng không gối chiếc” - anh Khánh tâm sự.

Không bỏ nghề

Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, chính trị viên đảo Song Tử Tây, cho biết với chủ trương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, để tăng cường sức mạnh quân dân tổng hợp trên quần đảo, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định thành lập Hải đội Tự vệ biển với lực lượng nòng cốt là các công nhân đèn biển. Như vậy, người gác đèn không đơn thuần làm nhiệm vụ quản lý, vận hành đèn biển mà còn được huấn luyện, trang bị vũ khí, phối hợp với bộ đội chủ lực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trong trường hợp có chiến sự nên họ được ví như “những người lính không quân hàm”.

 “Bộ đội sau 1 năm được trở về đất liền, còn những người gác đèn thì không thời hạn, làm cho đến lúc nghỉ hưu” - anh Bình nói. “Sao các anh không xin chuyển công tác về đất liền?” - tôi hỏi. Anh Bình chân tình: “Bước vào nghiệp này rồi thì không bỏ được. Về đất liền có khi cả tháng không ngủ nổi vì thiếu tiếng sóng biển đã thân quen suốt bao nhiêu năm...”.

Có lẽ, đã trót yêu cái nghiệp gác hải đăng nên ai đã ra Trường Sa và gắn với công việc này thì có muốn dứt ra cũng chẳng được. Chẳng riêng gì anh Khánh và anh Bình, hàng chục cán bộ gác đèn khác cũng đang luân phiên vận hành 9 ngọn hải đăng ở Trường Sa như anh Nguyễn Văn Thu, anh Trần Văn Ngữ, anh Vũ Duy Tiến... Các anh xoay tua từ đèn này sang đèn kia, hết An Bang sang Song Tử, hết Đá Lát về Đá Tây...

Thắp lên tình yêu biển đảo

Trong những ngày ở Trường Sa, được đi thăm 3 ngọn hải đăng sừng sững như pháo đài trước nắng gió ở các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, câu nói tôi được nghe nhiều nhất từ lính nhà đèn là “người có thể đói ăn chứ đèn không thể đói điện. Từng ánh đèn chớp nháy như là nhịp thở và sự sống của lính thợ đèn”.

 Đối với các anh, giữ cho ngọn hải đăng luôn sáng trong đêm không đơn thuần bảo đảm an toàn cho tàu thuyền qua lại mà đó còn là ánh sáng khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những ánh chớp của đèn biển như thay lời muốn nói với bạn bè quốc tế rằng “vùng biển này, quần đảo này là của Việt Nam”. Nguyễn Long Tuấn, lính nhà đèn Trạm Song Tử Tây, bộc bạch: “Nhìn ngọn hải đăng chớp trên bầu trời, tôi như thấy ánh sáng của Tổ quốc mình”.

Trung tá Đỗ Việt Hòa, chính trị viên đảo Sơn Ca, tự hào: “Hải đăng đảo Sơn Ca là ngọn đèn đẹp nhất mà tôi từng thấy. Đặc biệt, nó được xây dựng phía sau nghĩa trang liệt sĩ của đảo. Mỗi lần thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ, nhìn ngọn hải đăng, chúng tôi càng vững tin và càng yêu thêm Tổ quốc”. Chiến sĩ trẻ đảo Sơn Ca Nguyễn Phúc Hữu thổ lộ: “Chính ngọn đèn biển này đã thắp sáng trong tôi tình yêu biển đảo. Hải đăng trên đảo Sơn Ca sẽ không bao giờ tắt”.

Kỳ tới: Khắng khít tình quân dân 

“Mắt thần” giữa biển

Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cho biết tại 21 đảo và 33 điểm đóng quân của huyện đảo Trường Sa - Khánh Hòa, hiện đã có 9 ngọn hải đăng, gồm: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, An Bang, Sinh Tồn, Sơn Ca, Đá Lát, Đá Tây, Tiên Nữ, Nam Yết. “Những ngọn hải đăng hiên ngang giữa biển như những con “mắt thần” và luôn phát sáng là nhờ vào ý chí, quyết tâm cũng như sự hy sinh âm thầm của những người gác đèn” - đại tá Nguyễn Bá Ngọc khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo