Đến chiều 13-4, thi thể của 3 anh em Cụt Văn Hiếu, Cụt Văn Sơn, Cụt Văn Nam (ngụ xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã được chính quyền huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đưa về quê để gia đình lo hậu sự. Sáng cùng ngày, lãnh đạo huyện Nam Giang đã đến thăm hỏi gia đình nạn nhân Nguyễn Kim Vui (ngụ thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) và trao tiền hỗ trợ để gia đình tổ chức ma chay.
Không truy quét vì... bận
Theo Công an huyện Nam Giang, chiều tối 12-4, sau khi nổ mìn trong căn hầm tại thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), nhóm 7 “phu vàng” xuống hầm thì ngạt khí. Thấy một người rơi xuống hầm, những người khác xuống cứu thì gặp nạn. Hai người còn lại thấy không cứu được nên mới đi báo chính quyền. “Do mìn nổ đốt cháy không khí bên trong hầm nên dẫn đến ngạt khí” - một cán bộ Công an huyện Nam Giang cho hay.
Khu vực xảy ra vụ ngạt khí nằm cách trung tâm huyện Nam Giang chưa đầy 2 km. Nơi đây có 2 lán trại khá lớn. Trong trại đặt một máy nổ, thùng chứa xăng dầu cùng nhiều dụng cụ nấu ăn. Dây điện được câu móc chằng chịt từ lán vào hầm. Hầm cao khoảng 1,5 m và rộng hơn 1 m, gia cố bằng nhiều cây gỗ. Theo lực lượng bảo vệ hiện trường, trong hầm có một hố sâu là nơi các phu vàng ngạt khí.
Ông Ka Phu Tân, Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, cho biết tháng 10-2014, khi nghe người dân phản ánh, chính quyền đã truy quét và lập biên bản đối với ông Nguyễn Văn Thành (ngụ thị trấn Thạnh Mỹ) và 4 người khác vì có hành vi đưa các thiết bị vào thăm dò khoáng sản tại khu vực thôn Dung. Sau đó, những người này đã dừng khai thác. Cuối năm 2015 và đầu 2016, người dân tiếp tục phản ánh về việc nghe tiếng nổ mìn tại khu vực này nhưng do quá bận nên chính quyền chưa truy quét dù đã có kế hoạch. “Không nghĩ họ làm sâu đến thế, nguy hiểm đến thế nên bảo qua đợt này đã rồi mới truy quét, không ngờ xảy ra sự cố” - ông Tân biện minh.
Vào hầm đào đất đá (?)
Dù chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ khẳng định từng xử lý người thăm dò khoáng sản trái phép nhưng ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, khẳng định chưa nhận được báo cáo nào của thị trấn Thạnh Mỹ về tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn, chỉ khi xảy ra sự vụ thì huyện mới biết. “Trước đây, chưa bao giờ có tình trạng trên bởi vùng này lâu nay chỉ có đá vôi chứ làm gì có vàng” - ông Mai nói. UBND huyện Nam Giang cũng cho rằng nguyên nhân 4 người tử vong là do bị ngạt khí khi vào trong hầm để “đào đất đá”.
Đáng nói hơn, quản lý trực tiếp ở địa phương nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Nam Giang không biết các nạn nhân đào hầm để làm gì. Cụ thể, trong báo cáo gửi Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam về vụ ngạt khí, Phòng TN-MT huyện Nam Giang cho hay: “Tại hiện trường vụ đào hầm chỉ có 1 máy nổ dùng để phục vụ việc đào hầm trái phép, không có dấu hiệu khai thác vàng trái phép, tại khu vực này là đồi núi cao không có khe, suối đồng thời không biết các đối tượng đào hầm để làm gì. Thời gian làm việc của các đối tượng này diễn ra vào ban đêm nên rất khó để cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời”.
Ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, cho biết trong ngày 13-4 đã nhận được văn bản chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu quản lý, truy quét “vàng tặc”. Ông Viễn thừa nhận tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn quá phức tạp và khó quản lý. “Chủ yếu là địa phương nơi xảy ra tình trạng khai thác vàng, người ta báo cáo mình mới tổ chức truy quét. Tuy nhiên, mỗi lần thành lập đoàn đi truy quét rất tốn kém, trong khi kinh phí eo hẹp” - ông Viễn than thở.
Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng Phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết ban đầu, công an xác định nhóm người gặp nạn trong lúc đào hầm để khai thác vàng. Theo ông Dũng, hầu như năm nào tỉnh Quảng Nam cũng xảy ra vài vụ sập hầm vàng khiến nhiều người tử vong. Trong năm 2015, tỉnh Quảng Nam xảy ra ít nhất 3 vụ sập hầm vàng trái phép gây chết người. Trong đó, cơ quan công an khởi tố 2 đối tượng trong 2 vụ sập hầm, vụ còn lại 2 nạn nhân đều tử vong nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan
Ngày 13-4, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, có văn bản chỉ đạo huyện Nam Giang thăm hỏi, hỗ trợ các trường hợp bị nạn và yêu cầu phải kiểm tra toàn bộ các khu vực có biểu hiện khai thác khoáng sản trái phép; truy quét, đẩy đuổi, phá hủy các hầm lò. Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý địa bàn lỏng lẻo; không kịp thời phát hiện, xử lý việc đào hầm trái phép dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Bình luận (0)