xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Báo động nạn bạo hành trẻ em

Tố Trâm

Vụ 5 cháu bé ở Nhà mở Đồng Nai bị đánh đập nên trèo tường bỏ trốn lên TPHCM dù vẫn trong giai đoạn điều tra làm rõ sự thật vẫn như giọt nước tràn ly, đẩy bức xúc của dư luận lên cao độ

Chưa bao giờ tình trạng bạo hành đối với trẻ em lại xảy ra liên tục, dồn dập như thời gian gần đây. Trẻ bị bạo hành ở những nơi và bởi những người nhận nuôi dưỡng, ở trường học và ngay chính trong ngôi nhà của mình. Hình ảnh những đứa trẻ bị đánh đập dã man, thương tích đầy mình làm đau lòng và phẫn nộ cho những ai có lương tâm.
 
img

Sáng 12-11, NSƯT Kim Cương thăm 4 trẻ (Nhà mở Đồng Nai) được cho là bị bạo hành. Ảnh: Phạm Dũng

 
Liên tiếp các vụ hành hạ  trẻ em
 
Ngày 29-6, xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên phạt Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm mỗi bị cáo 23 năm tù giam về các tội cố ý  gây thương tích và hành hạ người khác. Theo đó, giữa tháng 10-2008, mẹ  em Nguyễn Hào Anh (14 tuổi, thị trấn Cái Nước, tỉnh Cà Mau) gửi em đến làm thuê ở trại tôm giống Minh Đức (Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Tại đây, cho rằng em lười biếng, chậm chạp, vợ chồng Giang- Thơm dùng kìm bấm vào môi, bẻ răng, dùng bàn ủi nóng gí lên da thịt..., gây thương tích cho em đến 66,83%.
 
Giữa tháng 9-2010, dư luận lại sôi lên bởi vụ bé gái Như Ý mới 9 tháng tuổi (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) bị chính ông bà ngoại, mẹ ruột và cha dượng hành hung đến mức thân thể nhiều chỗ sưng phù, tím tái, lở loét ở đùi...
 
Còn chưa thôi bàng hoàng, ngày 22-10, Bệnh viện Đa khoa huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết vừa tiếp nhận, cấp cứu bé trai Trần Thanh Lực (20 tháng tuổi) bị nhiều vết phỏng trên mặt và sốt.
 
Theo điều tra của Công an huyện Cai Lậy,  do mâu thuẫn từ lâu với mẹ của bé Lực, bà Trần Thị Thu (cô ruột bé) dùng thanh sắt đun nóng ấn vào trán, má trái, thái dương trái, cằm trái và cẳng tay trái, mỗi vết phỏng có chiều dài 2-4 cm. 
 
Đầu tháng 11-2010, dư luận lại một phen thất kinh hồn vía bởi kiểu hành xử nhẫn tâm của cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, quận Tân Phú-TPHCM) đối với bé Lê Quang Vinh (4 tuổi). Chỉ vì bé biếng ăn, cô Nữ đã nhốt bé vào thang máy chuyên vận chuyển hàng, điều khiển cho thang di chuyển lên xuống khiến bé bị chấn thương toàn thân, gãy 1/3 giữa xương đòn trái.
 
Lợi ích của trẻ phải là mối quan tâm hàng đầu
 
Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em (có hiệu lực từ ngày 2-9-1990) dành 40 điều/54 điều quy định rõ ràng, cụ thể những vấn đề liên quan đến trẻ em.
 
Theo đó, trong Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người, Liên Hiệp Quốc đã công bố rằng trẻ em còn non nớt về thể chất và trí tuệ nên có quyền được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt.
 
Công ước nêu về quyền cố hữu được sống của mọi trẻ em; quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết; quyền được có mức sống đủ để phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội; quyền được đi học; quyền được nghỉ ngơi và tiêu khiển, được tham gia vui chơi và những hoạt động giải trí phù hợp với lứa tuổi...
 
Đặc biệt, trong điều 19 và điều 32 nêu rõ phải thực hiện tất cả các biện pháp để bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị thương tổn hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc sao nhãng việc chăm sóc, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả lạm dụng tình dục; bảo vệ trẻ em không bị bóc lột về kinh tế và không phải làm bất kỳ công việc gì nguy hiểm...
 
Nói tóm lại, trong tất cả những hành động liên quan đến trẻ em thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu.
 
VN là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ  em (ngày 20-2-1990). Cũng từ đó, chúng ta đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong nhiều lĩnh vực, thể hiện qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình...
 
Câu hỏi đặt ra, dư luận bài xích, lên án đã nhiều, luật đã có và cũng đã trừng phạt kẻ bạo hành nhưng vì sao vấn nạn này vẫn cứ xảy ra?
 
Bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB-XH TPHCM):
Do bất bình đẳng về giới
 
Để giảm nạn bạo hành này, đầu tiên cần can thiệp để trẻ em được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản như Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã quy định. Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật để người dân biết việc đánh đập trẻ em là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen và quan niệm “thương cho roi cho vọt” không dễ làm được trong một sớm một chiều mà cần có một quá trình dài.
 
Ngoài ra, nạn bạo hành trẻ em còn liên quan đến vấn đề bất bình đẳng về giới, người chồng, người cha trong gia đình là người có quyền hành nhất. Quan niệm con cái phải trả hiếu cho cha mẹ, con gái không được đi học nhiều và phải làm việc nhà phụ giúp cha mẹ..., nếu không hoàn thành sẽ bị đánh đập, mạt sát... Chính vì vậy cũng cần có những biện pháp giáo dục phù hợp để thay đổi nhận thức của nam giới về quyền trẻ em.
 
Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa việc đánh đập con cái được xem là chuyện hết sức bình thường. Vấn đề này còn liên quan đến kinh tế khó khăn khiến người ta trở nên nóng tính hơn, gay gắt hơn với con.
 
Phạm Dũng ghi

img

Luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng luật sư Người Nghèo:   
Bạo hành trẻ em không dễ phát hiện
 
Điểm mạnh trong chế tài của ta là đã có một nghị định xử phạt vi phạm hành chính, cộng thêm các quy định như tội hành hạ người khác, tội vô ý gây thương tích, cố ý gây thương tích,... trong Bộ Luật Hình sự nên đủ khả năng xử lý các hành vi bạo hành trẻ em. Nhưng điểm yếu cũng nằm ở chính trong hệ thống pháp luật.
 
Chúng ta thiếu hẳn một cơ chế phát hiện kịp thời nạn bạo hành trẻ em để xử lý. Điều này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do hành vi bạo hành trẻ em có độ “ẩn” tương đối cao, khó phát hiện, dễ lẫn với những hành vi mang tính giáo dục thông thường khác. Trong khi đó, nạn nhân là trẻ em nên khả năng hạn chế, không phân biệt được đâu là giới hạn cho phép, đâu là bạo hành để tố cáo.
 
Theo tôi, các nhà quản lý cần có biện pháp sửa đổi, tạo ra một cơ chế phát hiện vi phạm nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời quan tâm đến công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật để thay đổi nhận thức của người dân về nạn bạo hành trẻ em.
 
Không giải quyết tốt việc phát hiện vi phạm thì pháp luật có nghiêm  đến mấy cũng bị vô hiệu hóa, không thể giáo dục riêng, phòng ngừa chung. Về lâu dài, cần nghiên cứu thêm các giải pháp tác động căn cơ khác để điều chỉnh hành vi này, trong đó tiếng nói của các nhà tâm lý, giáo dục, văn hóa, xã hội học phải được đặc biệt quan tâm.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo