xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo kê

Quý An

Lật những quyển Từ điển tiếng Việt xuất bản cách nay tầm hơn 20 năm, tìm không ra từ “bảo kê”. Những quyển xuất bản về sau mới có, giải thích: Bảo kê là bảo vệ, che chắn cho các hành vi không lành mạnh.

Ngôn ngữ là hiện tượng xã hội, phát triển theo sự đổi thay của cuộc sống. Quá trình ra đời của “bảo kê” cũng vậy, phản ánh hiện tượng tiêu cực trong xã hội với phạm vi, lĩnh vực khá rộng. Ở đâu có cấm đoán, có xin - cho và có sinh lợi thì ở đó có bảo kê.

Có diễn biến mới nhất là vụ bảo kê xe quá tải ở tỉnh Đắk Nông. Công an tỉnh này vừa khởi tố, bắt tạm giam 2 người (một là chủ cây xăng, một là chủ doanh nghiệp vận tải) để điều tra vì đã đưa hối lộ cho một số cán bộ ngành giao thông tỉnh để được đưa xe quá tải vượt trạm trót lọt. Trước đó, một nhóm cán bộ thanh tra giao thông (TTGT) của tỉnh cũng đã bị sờ gáy.

Đây chỉ là một vụ án “điểm” được hình sự hóa trong rất nhiều nghi án cán bộ TTGT, CSGT ở nhiều trạm, tuyến bảo kê cho xe quá tải khiến cho chiến dịch ngăn chặn xe quá tải, quá khổ được phát động toàn quốc không đạt được kết quả như mong đợi.

Thông thường, hễ CSGT và TTGT ra tay thì ở mọi cung đường dù có phức tạp đến cỡ nào thì một… con kiến cũng chui không lọt, huống gì những chiếc xe tải to lớn như đàn voi. Cho nên, một khi nạn xe quá tải vượt trạm còn diễn ra thì người ta nghĩ ngay: Có bảo kê! Thực tế cho thấy nghi vấn trên hiếm khi sai vì đã có nhiều cán bộ giao thông bị kỷ luật hoặc lãnh án tù vì bảo kê rồi.

Bảo kê đã ngày một nhức nhối. Bán cà phê lòng lề đường hay mở quán nhậu, muốn làm ăn yên ổn thì phải nhờ “anh A”, “sếp B” bảo kê. Đầu nậu bất động sản muốn mua mau bán đắt thì phải cậy đến một vài cán bộ thuế, cán bộ địa chính để bảo đảm bao sang tên giấy tờ nhà đất cho khách hàng.

Lâm tặc dựng trại trong rừng đốn gỗ suốt ngày đêm là nhờ một số kiểm lâm biến chất dung túng. Doanh nghiệp không đủ điều kiện vay tiền song vẫn vay được và vay rất nhiều là nhờ lo lót cán bộ tín dụng… Ngay cả chuyện buôn lậu qua biên giới (Báo Người Lao Động từ ngày 5-1 có loạt bài phản ánh), bên cạnh nỗ lực phòng chống đáng ghi nhận vẫn còn đó tình trạng buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm…

Kể sao cho hết chuyện bảo kê trong xã hội ngày nay. Người nghèo, yếm thế muốn yên thân thì nhờ bảo kê đã đành; kẻ giàu, có địa vị cũng vẫn cậy bảo kê để giàu thêm, để ngoi lên cao hơn. Còn những người bảo kê tất nhiên phải có quyền nhưng quyền đó chẳng phải của riêng họ. Nhân danh nhà nước, khoác lên mình chiếc áo công vụ, họ biến quyền lực công thành lợi ích riêng. Tất cả không hề diễn ra trong bóng tối mà giữa thanh thiên bạch nhật, hầu như ai cũng thấy hoặc chí ít cũng hồ nghi song vẫn mặc, xem đó như một quy luật tất yếu kiểu “bánh ít đi, bánh quy lại”.

Có quá ít vụ bảo kê bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có lẽ vì vậy mà bây giờ, đi đâu và làm gì cũng nghe nói đến, cũng gặp phải hoặc cũng cậy nhờ bảo kê!

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo