Hệ thống thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam liên tục nhận thông báo cứu nạn khẩn cấp từ các tàu cá bị hỏng máy trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa… Nhiều trường hợp tàu chìm, ngư dân trở về trắng tay.
Họa vô đơn chí
Vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 1-12, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang nhận được thông báo từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III và Đồn Biên phòng Nam Du cho biết tàu đánh cá KG-91864 TS khi cách đảo Nam Du khoảng 20 hải lý về hướng Tây Nam thì gặp sóng lớn khiến phương tiện bị hỏng máy. Tàu mất khả năng cơ động, đang trôi dạt về hướng Thổ Châu, gây nguy hiểm cho người và phương tiện.
Bộ Chỉ huy Biên phòng Kiên Giang đã điều động tàu cứu hộ đang đậu tại Nam Du tiến hành ra lai kéo người, phương tiện bị nạn về đảo Nam Du lúc 2 giờ 40 phút ngày 2-12.
Ở vùng biển Trường Sa, những ngày này, Đài TTDH Nha Trang cũng căng mình để hỗ trợ kịp thời các ngư dân đang bám biển. Mới đây, 7 ngư dân trên tàu QNg 90134 TS (chủ tàu là ông Võ Duy Tiến) bị hỏng hộp số cách Nha Trang khoảng 407 hải lý về phía Đông được Đài TTDH Nha Trang hỗ trợ khẩn cấp. Đến ngày 1-12, tàu này đã được một số tàu bạn lai dắt về đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) để sửa chữa.
Tương tự, sự cố chết máy cũng xảy ra phổ biến với nhiều tàu cá của ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều tàu vì không ứng cứu kịp thời phải bỏ lại giữa biển, gây thiệt hại tài sản trị giá hàng tỉ đồng.
Theo ngư dân Võ Văn Quang (ngụ xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), thông thường trên mỗi tàu có xếp máy (người chịu công tác vận hành máy) không am hiểu nhiều về máy móc nên khi sự cố xảy ra, chỉ thông qua máy ICOM gọi về đất liền nhờ thợ máy hướng dẫn cách khắc phục. Thế nhưng, phần lớn không khắc phục được vì thiếu dụng cụ. Nếu khu vực tàu chết máy có nhiều tàu cá của ngư dân cùng tổ, đội sản xuất thì họ chạy đến giúp nhau lai dắt về bờ. Còn cách xa thì phải trông chờ tàu đất liền ra ứng cứu. Chẳng may gặp thời tiết gió cấp 7, cấp 8 thì coi như chỉ biết trông chờ vào số phận.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 30 vụ tàu cá gặp tai nạn trên biển, tăng gấp đôi số vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phần lớn vụ tai nạn do máy tàu cá bị hỏng. Các trường hợp này chủ yếu rơi vào tàu vỏ gỗ gắn máy đã qua sử dụng.
90% dùng máy cũ
Trong khi ngoài khơi, tính mạng của các ngư dân ngàn cân treo sợi tóc thì ở đường về cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), hàng chục tàu cá được đưa lên bờ bảo trì máy móc. Xe cẩu liên tục đưa các máy thủy vào xưởng sửa chữa. Tại một xưởng ở đường Nguyễn Văn Linh (Hòn Rớ, xã Phước Đồng,TP Nha Trang), vào lúc 12 giờ 30 phút, nhiều thợ máy vẫn nằm dưới máy tàu làm việc, mồ hôi ướt đẫm.
“Mùa này biển động nên tàu vào xưởng sửa chữa bảo trì nhiều lắm. Chúng tôi làm từ sáng đến tối vẫn chưa hết việc” - một thợ máy cho biết.
Gần 13 giờ, nhai vội miếng cơm, ông Nguyễn Văn Quang - chủ xưởng sửa chữa máy thủy Quang Anh (đường Nguyễn Văn Linh) - cho biết hiện lượng tàu đóng theo Nghị định 67 sử dụng mới 100% hạ thủy rất ít. Nếu tàu cá mà chỉ gặp biển động đã hỏng máy thì có thể khẳng định là sử dụng máy cũ.
Theo ông Quang, gặp điều kiện biển động, các tàu sẽ tăng tốc để vượt sóng. Khi đó, tàu sử dụng máy cũ thường bị ngộp hệ thống nạp khí và hệ thống tiếp nhiên liệu, lọc dầu. Bên cạnh đó, lực của sóng nước tác động vào chân vịt gây gãy nhông, trục hộp số. Nhiều chủ tàu chủ quan không thay linh kiện nên bị hỏng hệ thống làm mát… khiến tàu chết máy, thả trôi.
Về tình trạng máy cũ, ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận tình trạng sử dụng máy cũ rất phổ biến trên toàn quốc. Riêng ở Khánh Hòa, khoảng 1.300 tàu đánh bắt xa bờ thì 90% sử dụng máy cũ.
Kết quả thống kê cho thấy Bình Định có khoảng 6.300 tàu thuyền đang đánh bắt trên biển, 95% trong số đó sử dụng máy cũ nhập từ nước ngoài về rồi đại tu lại. Thậm chí, nhiều trường hợp ngư dân còn mua lại các loại động cơ máy bộ thải ra từ các xe công trình, đầu kéo về đại tu và “độ” thành máy thủy làm máy chính để đánh bắt. Do đây là loại động cơ được sản xuất hoạt động trên bộ nên khi tiếp xúc với nước biển sẽ bị ăn mòn rất nhanh, tiêu hao nhiên liệu nhiều và dễ gây ra hiện tượng chết máy khi đang đánh bắt.
Không những sử dụng máy cũ mà phần lớn tàu ở Quảng Ngãi đều dùng ít nhất từ 10 đến 15 năm mới thay máy mới một lần nên khó tránh khỏi xảy ra sự cố. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - trung bình cứ 10 ngư dân đóng tàu mới thì có tới 9 người dùng máy cũ. Một máy cũ có giá trung bình 300-400 triệu đồng, trong khi máy mới ít nhất phải 1,8-2 tỉ đồng, tùy loại.
Ngư dân Huỳnh Văn Tạo (ngụ thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), người được mệnh danh là “anh hùng đại dương”, cho biết 3 chiếc tàu của ông có công suất thuộc hàng lớn nhất ở Quảng Nam đều sử dụng máy cũ. Máy cũ thường được các công ty ở TP HCM nhập về từ Nhật Bản, ngư dân ở địa phương có nhu cầu thì đặt hàng cho các thợ máy ở địa phương liên hệ lấy hàng. Các ngư dân ở tỉnh Quảng Nam thừa nhận sử dụng máy cũ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng do thiếu kinh phí nên đành chấp nhận.
Trả lại 2 tàu vỏ thép
Ngay cả tàu sắt mà dùng máy cũ cũng lãnh hậu quả. Vào tháng 4-2016, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã phải trả lại 2 tàu vỏ thép Sang Fish 01 và Hoàng Anh 01 cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang. Đây là 2 tàu đầu tiên sử dụng vỏ thép được Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC (Bộ Giao thông Vận tải) đầu tư thử nghiệm với kinh phí trên 12 tỉ đồng.
Sau 2 năm hoạt động, tàu Sang Fish 01 đi được 10 chuyến biển thì 2 chuyến bị đứt tời, 2 chuyến bị mất tải; tàu Hoàng Anh 01 đi 5 chuyến biển thì 3 chuyến máy bị hỏng. Ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang, cho rằng 2 tàu thử nghiệm trên có nhiều khiếm khuyết, hiệu quả khai thác không cao. Do lắp đặt máy cũ nên tàu bị các sự cố như gãy trục cơ máy chính, gãy trục tời quay cá, cabin tàu quá cao gây lắc...
Kỳ tới: Quản chặt đầu vào
Bình luận (0)