xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bể khổ thủy điện

Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Nhường đất cho thủy điện, người dân vào các khu tái định cư sinh sống trong cảnh đói khổ triền miên vì không kế sinh nhai trong khi lời hứa cấp đất sản xuất của Nhà nước mãi nằm trên giấy

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 22 dự án thủy điện lớn nhỏ đang được triển khai với số vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng. Trong đó có 3 dự án lớn là thủy điện Ðăkdrinh, thủy điện Hà Nang, thủy điện kết hợp thủy lợi hồ chứa nước Nước Trong.

Ðói khổ bên dự án thủy điện

Vượt hơn 30 km đường đèo dốc từ trung tâm huyện Trà Bồng, chúng tôi đến được khu tái định cư của các hộ dân nhường đất cho dự án thủy điện Hà Nang (xã Trà Thủy). Khu dân cư tiều tụy, hoang vắng với những căn nhà đóng cửa im ỉm, không một bóng người. Tìm đỏ mắt, chúng tôi mới bắt gặp một vài đứa trẻ đang chăn trâu. Chúng cho biết: "Người làng vào rừng tìm cái ăn hết rồi".

Phải mất hơn nửa giờ lang thang, chúng tôi mới gặp được anh Hồ Văn Lương đang gùi trên lưng một bó củi nặng. Anh Lương cho biết từ khi chuyển về nơi ở tái định cư, vì không có đất sản xuất, hằng ngày anh và những người dân ở đây phải vào rừng kiếm củi. "Cật lực từ sáng đến chiều được 3 bó củi, đổi được 2 kg gạo sống qua ngày" - anh Lương nói, dáng mệt mỏi.
 
img
Khu tái định cư tiêu điều của thủy điện Hà Nang

Dự án Thủy điện Hà Nang triển khai năm 2008, 104 hộ dân với hơn 450 nhân khẩu của thôn 1 và 4 phải chuyển về khu tái định cư. Ở đây, ngoài căn nhà để ở thì họ không có lấy một tấc đất cắm dùi. UBND huyện Trà Bồng có hứa sẽ cấp đất sản xuất nhưng mãi vẫn chưa thực hiện.

Ông Thanh Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Trà Thủy, xót xa: "Dân tái định cư khổ lắm, trẻ em đói khổ triển miên. Mỗi năm cứ đến mùa đót, mùa mật ong thì người làng rủ nhau vào rừng chặt đót, tìm mật đem về đổi gạo; hết mùa thì đi chặt củi… Tình cảnh này diễn ra đã 5 năm qua. Có người trước đây no ấm, chuyển qua nơi ở mới thì đói quanh năm".
 
img
Người dân sống trong khu tái định cư thủy điện Hà Nang không có nước sinh hoạt. Ảnh: TỬ TRỰC

Ông Hồ Văn Dương là một ví dụ cho thực trạng này. Trước đây, ông là một hộ sản xuất giỏi nhưng từ khi về khu tái định cư thì trở thành hộ nghèo đói. "Ngày trước, tôi còn làm được 20 ha quế, nuôi được 20 con bò… Nhưng bây giờ đất không có, bò cũng đã bán hết để đổi gạo cho con ăn, khổ lắm!" - ông Hồ Văn Dương than.

"Ðem con bỏ chợ"

Dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong (thuộc thủy điện Nước Trong do Sở NN - PTNT tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư) ở xã Trà Thọ, huyện Tây Trà là công trình trọng điểm quốc gia, dù được triển khai nhiều năm qua với số vốn giải ngân hàng ngàn tỉ đồng nhưng đến nay vẫn còn dở dang.

Nhiều căn nhà trong khu tái định cư của dự án dù được xây dựng bài bản nhưng nhà nào cũng trống không, thậm chí không có hạt gạo dự trữ. Theo kế hoạch, dự án này sẽ phải hoàn thành trong năm 2013, thế nhưng việc xây dựng các khu tái định cư, bố trí đất sản xuất cho người dân đến nay còn quá chậm khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng nặng.
 
img
Người dân sống trong khu tái định cư thuộc dự án thủy điện Nước Trong khốn khổ
vì thiếu đất sản xuất, điện, nước...

Anh Ðinh Văn Nhếch, một người dân ở đây, cho biết đất sản xuất không có, tiền đền bù đã hết nên mỗi ngày, cả nhà anh lại kéo nhau vào rừng kiếm ăn hoặc có ai kêu làm thuê thì làm. Tình cảnh của anh Nhếch cũng tương tự hàng trăm hộ dân khác tại các điểm tái định cư như Suối Y 1, 2, 3, Sà Lác, Thôn Tre… của dự án thủy điện hồ chứa nước Nước Trong.

Không chỉ thủy điện Hà Nang, Nước Trong, nhiều ngày đi thực tế tại các điểm tái định cư của các dự án thủy điện đang được triển khai, hoàn cảnh chung là người dân phải chạy ăn từng bữa, trẻ em nheo nhóc, thất học; các điểm xây dựng tái định cư phần lớn không có điện, nước sinh hoạt…

Thực tế là vậy nhưng ngày 15-5, UBND tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo gửi các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ về 3 dự án thủy điện lớn ở tỉnh này. Theo đó khẳng định đã bố trí tái định cư, định canh bền vững cho các hộ dân di chuyển chỗ ở (?); xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bảo đảm cho người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng trước khi có dự án, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn nơi ở cũ, ổn định lâu dài… (?); 100% người dân trong khu tái định cư được sử dụng nước sạch, các công trình cơ sở hạ tầng như đường sá giao thông sử dụng tốt (?)…

Ông Hồ Tấn Vũ, Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, cho biết xã đã nhiều lần làm công văn gửi các ngành chức năng đề nghị sớm giải quyết khó khăn về đất sản xuất, nơi ở cho bà con nhưng vẫn chưa thấy chuyển biến. "Các cấp, các ngành chức năng phải làm sao chứ đừng đem con bỏ chợ như thế này thì khổ cho dân lắm!" - ông Vũ nói.
 

Dân nghèo thành "lâm tặc"

Theo ông Thanh Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Trà Thủy, không chỉ dân đói khổ vì thủy điện mà rừng cũng bị ảnh hưởng vì nhiều người dân sống trong khu tái định cư trở thành "lâm tặc". "Toàn khu này có 130 hộ (có một số hộ mới tách) nhưng có đến 120 hộ nghèo.
 
Việc dân đi phá rừng kiếm sống, kiểm lâm cũng thường xuyên báo chuyện này với địa phương nhưng biết phải làm sao bây giờ? Dân không có đất trồng trọt nên mới làm vậy, kiểm lâm bắt họ bỏ tù, phạt tiền cũng không nỡ" - ông Thanh Quý Dương phân trần.

Kỳ tới: Lo sợ thủy điện Ðồng Nai 6, 6A

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo