xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bế tắc “cây - con”

CA LINH - DUY NHÂN

Lâu nay, việc nuôi trồng của nông dân ĐBSCL chỉ tự phát. Vì vậy, cái vòng luẩn quẩn chặt rồi trồng, trồng rồi chặt, phá lúa nuôi tôm rồi chán tôm muốn quay về với lúa... chỉ khiến nông dân ngày càng nghèo đi

Sự kiện 31 hộ nuôi tôm ở ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề - Sóc Trăng xin chuyển đổi đất nuôi tôm sang trồng lúa là điều đã được dự báo. Điều đáng nói, chính những nông dân này hơn 10 năm trước đã từng bỏ lúa chạy theo tôm không chút đắn đo, luyến tiếc.

Chỉ thấy lợi trước mắt

Cái vòng luẩn quẩn của nông dân xã Liêu Tú cũng là nỗi niềm chung của một bộ phận không nhỏ nông dân ĐBSCL trong những năm gần đây.

Nhiều năm qua, khoai lang đã đem lại thu nhập cao và làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở Vĩnh Long nên nông dân nơi đây đã ồ ạt chuyển đất lúa sang trồng loại cây này. Thế nhưng, mùa vụ năm 2012, giá khoai tuột dốc khiến nhiều người thua lỗ nặng nên hàng trăm hecta đất trồng khoai đã được chuyển sang trồng lúa. Huyện Bình Tân là địa phương trồng khoai lang nhiều nhất tỉnh Vĩnh Long cũng như ĐBSCL.
 
img
Thu hoạch khoai lang ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân - Vĩnh Long
Ảnh: CA LINH
 
Trong số 6.000 ha đất trồng khoai hiện nay ở huyện Bình Tân, có gần một nửa diện tích được chuyển sang từ đất trồng lúa, hoa màu. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Đông, huyện Bình Tân, cho biết cách đây mấy năm, toàn bộ 650 ha diện tích đất trồng lúa trong xã đã chuyển sang trồng khoai lang tím của Nhật.
 
Tuy nhiên, do lượng cung dồi dào nên giá khoai giảm, đồng thời năng suất thấp vì sâu bệnh tấn công, kéo theo đời sống người trồng khoai gặp rất nhiều khó khăn. “Những hộ có đất thì huề vốn hoặc lỗ ít nhưng những hộ thuê đất trồng khoai thì lỗ thê thảm” - ông Dũng nói.
 
img
Nông dân ĐBSCL loay hoay bỏ lúa trồng khoai rồi bỏ khoai trồng cây ăn trái
Ảnh:
CA LINH

Theo bà Trần Thị Nhang (ngụ ấp Thành An, xã Thành Đông), cách đây không lâu, tại xã Tân Lược, huyện Bình Tân có một cặp vợ chồng thuê khoảng 20 ha đất trồng khoai. Sau khi giá khoai tuột dốc, họ lỗ nặng nên tìm đến cái chết nhưng được người thân phát hiện kịp thời. “Khoai lang khoảng 4-5 tháng là cho thu hoạch nhưng trúng vào thời điểm rớt giá, nhiều hộ neo lại nhưng sau đó khoai lớn củ, thương lái không mua, đành đem bán cho heo ăn với giá từ 50.000-70.000 đồng/tạ” - một cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân nói.

“Cơn bão tôm” một thời cũng đã cuốn phăng khoảng 1.000 ha vùng chuyên canh mía có truyền thống lâu đời của huyện Thới Bình - Cà Mau. Nhiều nông dân cho rằng do giá trị kinh tế của con tôm khá cao, chỉ cần nuôi trúng một vài vụ là trả được nợ vay ngân hàng, xóa nghèo và có vốn làm ăn nên họ sẵn sàng đánh cược. Nông dân ở vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau như các huyện Đầm Dơi, Cái Nước... cũng ùn ùn bỏ lúa, cá đồng, cây ăn trái để chuyển sang nuôi tôm trong khi loài này đang chết liên tục...

Bỏ lúa theo tôm, lại về với lúa!

Ông Trần Hàng Cheng, Chủ tịch UBND xã Liêu Tú, nhớ lại: “Sau khi nhận được đơn của 31 hộ dân xin chuyển đổi 45 ha từ đất nuôi tôm sang trồng lúa, chúng tôi đã xuống khảo sát, động viên bà con tiếp tục nuôi tôm nhưng không được bởi họ đã hết vốn và quan trọng hơn là không còn thiết tha với loài này nữa”.

Một trong những người tích cực nhất trong phong trào bỏ tôm quay về với lúa ở xã Liêu Tú là ông Lâm Tấn Bửu khi quyết định bỏ ra 200 triệu đồng để san bằng toàn bộ 7 ha đất sản xuất với hơn 10 ao tôm để trồng lúa. Ông Bửu chua chát: “Tôi nuôi tôm đã hơn 10 năm, có năm trúng mùa thu về trên 3 tỉ đồng nhưng tỉ lệ thất nhiều hơn trúng. Hiện tôi phải mang nợ hơn 1 tỉ đồng vì tôm. Hơn 10 năm bỏ lúa chạy theo tôm, tôi đã rút ra bài học là làm lúa không lãi nhiều nhưng chắc ăn”.

Vụ đông xuân này, dọc các con đường ở các xã Tân Lược, Thành Đông… không còn thấy ruộng khoai bạt ngàn như trước mà thay vào đó là cánh đồng lúa xen lẫn những ruộng khoai. Ông Võ Văn Theo, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân, cho biết trong vụ đông xuân, ở huyện có khoảng 500 ha đất trồng khoai chuyển sang trồng lúa.
 
Tại xã Thành Đông, nhiều năm liền chỉ trồng khoai lang thì vụ này nông dân cũng đã chuyển 50 ha sang trồng lúa. Ông Huỳnh Văn Tư (ngụ ấp Thành An, xã Thành Đông) phân bua: “Gia đình tôi trồng 1 ha khoai lang, trung bình một công lời 20 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện giá khoai chỉ còn khoảng 200.000 đồng/tạ nên tôi chuyển sang trồng lúa để kiếm thêm thu nhập”.
 

Loay hoay khoai - lúa

Theo nhiều hộ dân, họ chuyển từ khoai lang sang trồng lúa vì trong khi khoai rớt giá, thua lỗ thì trồng lúa một công cũng lời từ 2-3 triệu đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế chứ không ai có ý định bỏ hẳn trồng khoai. “Sau vụ lúa này, chúng tôi lấy vốn đầu tư vào trồng lại khoai lang vì loại này cho thu nhập cao hơn nhiều so với lúa” - ông Huỳnh Văn Tư nói.

Kỳ tới: Tự bơi nên mất phương hướng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo