Không chỉ ở Việt Nam, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy viêm phổi đang là mối đe dọa lớn trên toàn thế giới với gần 1 triệu ca tử vong hằng năm ở trẻ dưới 5 tuổi.
Từ năm 2009, trước sức tấn công khủng khiếp nhưng thầm lặng của bệnh viêm phổi, Liên minh Toàn cầu về phòng, chống viêm phổi đã được thành lập nhằm nâng cao nhận thức về những gánh nặng của viêm phổi. Hơn 140 tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, cơ quan chính phủ... đã được huy động hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống viêm phổi, tổ chức vào ngày 12-11 hằng năm.
Trong cuộc hội thảo “Phòng chống viêm phổi, bảo vệ trẻ em” ở TP HCM, ngày 11-11 do Hội Y học dự phòng Việt Nam phối hợp Văn phòng đại diện GSK Pte Ltd tại TP HCM tổ chức, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) phân tích: Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu bệnh khá gần với những triệu chứng cảm cúm thông thường nên dễ bị xem nhẹ, bỏ qua. Nguyên nhân gây bệnh có nhiều nhưng do vi khuẩn và virus mà trong đó phế cầu (Streptococcus pneumoniae) là vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ, với tỉ lệ tử vong lên đến 10%-20%.
Các chuyên gia về y học dự phòng khẳng định phế cầu không phải là thứ xa lạ mà thường trú trong hầu họng cả người lớn và trẻ em, lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi), lây lan qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn này trong người. Trẻ viêm phổi do phế cầu nếu may mắn khỏi bệnh vẫn ảnh hưởng đến sự phát triển, việc chăm sóc trẻ bệnh kéo dài sẽ làm giảm năng suất lao động, mất mát về thời gian, tiền bạc và cả áp lực về tinh thần. Đáng lo hơn, phế cầu đang ngày càng gia tăng mức độ kháng các loại kháng sinh, gây khó khăn trong việc điều trị và tạo áp lực gánh nặng lên ngành y tế và toàn xã hội trong khi các kháng sinh điều trị đang ngày càng kém hiệu quả.
Dù nằm trong số 15 quốc gia có số ca viêm phổi mắc mới cao nhất thế giới (2,9 triệu trẻ/năm) nhưng Việt Nam có kéo giảm được số ca mắc mới bệnh viêm phổi cũng như khống chế được vi khuẩn phế cầu cùng tác hại của các bệnh lý khác do nó gây ra hay không? Câu trả lời được các chuyên gia thống nhất là có. Vấn đề nằm ở chỗ, ngoài những biện pháp rất đơn giản mà ai cũng có thể làm nhưng nhiều người vẫn không làm như rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh môi trường… Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam: “Chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông những biện pháp toàn diện phòng ngừa viêm phổi chủ động như cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu đời; đưa trẻ đi chủng ngừa vắc-xin phế cầu từ sớm”.
Không để trẻ tiếp tục tử vong trong “cuộc chiến” không tiếng súng như bệnh viêm phổi. Đó là thách thức cần hóa giải khi có sự chung tay của chính mỗi cá nhân và cả cộng đồng.
Bình luận (0)