xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bệnh viện: Không có phong bì không được!

Ngọc Dung

Năm bệnh viện lớn ở Hà Nội đang triển khai thực hiện việc "nói không với phong bì". Tuy nhiên, việc đưa – nhận phong bì ở những bệnh viện này xem ra vẫn chưa thể xóa triệt để

Chiều 12-10, một trong số 5 bệnh viện (BV) cam kết thực hiện quy tắc ứng xử dành cho nhân viên y tế, trong đó có nội dung “nói không với phong bì”, BV K (Hà Nội) đã phát động chương trình “Thực hiện quy tắc ứng xử và nâng cao y đức”.

Có phong bì mới nhanh!

Cầm trên tay cuốn sổ có kẹp sẵn 100.000 đồng, chị Phạm Thị Nh., 41 tuổi, ở Hải Dương, tìm mọi cách tiếp cận với nhân viên y tế để ngày mai không phải trở lại BV lấy kết quả như giấy hẹn. Chị Nh. cho biết chị của chị nghi bị ung thư vú nên từ 4 giờ, hai chị em đã lặn lội đến BV K để đăng ký lấy phiếu khám. Thế nhưng, đến gần 16 giờ cùng ngày, mới siêu âm và chụp X-quang, còn kết quả xét nghiệm tế bào, bác sĩ hẹn sáng hôm sau mới có. Với kinh nghiệm của không ít lần ra vào BV, chị Nh. chuẩn bị sẵn phong bì để có kết quả sớm hơn. Theo tính toán của chị Nh., nếu đợi tới sáng hôm sau, hai chị em chị phải mất mấy trăm ngàn đồng để ở trọ, ăn uống nên phải chọn cách này. “Lần khám trước, tôi cũng làm thế, nhanh lắm nhưng hôm nay, nhiều nhà báo đến quay phim, chụp ảnh quá nên tôi ra vào mấy lượt rồi mà vẫn chưa đưa được. Có khi phải chờ đến mai thật” - chị Nh. nói như trách móc.
img
Phòng Cấp cứu này Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội

Trong khi đó, ngồi chờ trước cửa phòng khám, chồng bệnh nhân Trần Thị H., ở Thái Bình, đang nhăn nhó vì bác sĩ hẹn một tháng sau mới đến nội soi đại tràng chỉ vì được gọi tên mấy lần mà không thấy bệnh nhân vào. “Đi từ 3 giờ để kịp xếp hàng lấy phiếu khám nhưng trong lúc chờ nội soi, thấy vợ mệt quá nên tôi đỡ cô ấy ra ngoài, không ngờ qua lượt. Đến lúc trở lại, tôi giải thích, van nài nhưng bác sĩ không đồng ý. Đợi mãi,  đến cuối giờ có một cô nhân viên nói với tôi rằng nếu muốn nội soi ngay thì sang 60 Quán Sứ (cạnh BV K - PV) để siêu âm rồi mang kết quả đến đây. Khi sang đó, họ đòi chi phí đến 895.000 đồng, tôi đành quay lại để xin tiếp. Đến đây, vợ chồng “xoay” mãi cũng chỉ có 1 triệu đồng, từ sáng đến giờ đã tốn hơn 300.000 đồng rồi”- chồng bệnh nhân H. phàn nàn.

Bác sĩ “bị” ép nhận phong bì

Trong vai người nhà bệnh nhân đi dò hỏi kinh nghiệm ở BV K trước khi người nhà lên bàn mổ, tôi được một người chữa trị lâu ngày ở BV này tư vấn: “Trước khi mổ, bỏ sẵn vào phong bì từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng rồi đưa tới phòng cho bác sĩ, nhớ ghi tên tuổi và số phòng bệnh là được. Đây là “luật” rồi, ai cũng làm thế cả, không có không được”.

Trong khi đó, tại BV  Phụ sản Trung ương, hai mẹ con anh Nguyễn Văn D. ở Hà Nội cũng “lụi cụi” với 2 chiếc phong bì có “nội dung” để bồi dưỡng bác sĩ. Từ kinh nghiệm đưa vợ đi sinh lần trước, anh D. cho biết: “Bây giờ, đưa phong bì cũng phải khéo, nếu không dễ bị chửi lắm. Sinh mổ thì 2 triệu đồng, sinh thường là 1 triệu đồng/kíp. Có tiền, có lẽ vợ con mình sẽ được chăm sóc chu đáo hơn”. 

Thực tế, chuyện bệnh nhân đưa phong bì và nhân viên y tế nhận phong bì đã trở thành chuyện dễ thấy ở không ít BV. Có nhiều lý do để biện minh cho chuyện đưa và nhận phong bì. Bệnh nhân thì nói rằng nếu không đưa phong bì cho nhân viên y tế, họ cảm thấy không yên tâm. Còn không ít nhân viên y tế cho rằng họ không nỡ nhận phong bì của bệnh nhân nhưng nhiều khi bị… ép phải nhận. “Không ít lần, tôi từ chối nhận phong bì nhưng người nhà bệnh nhân cứ đẩy đi đẩy lại, mình cũng thấy ngại. Có người không đưa trực tiếp phong bì cho bác sĩ được thì họ tìm cách gửi quà khác”- một bác sĩ ở BV K nói. Cũng theo bác sĩ này, nếu thực hiện được việc “nói không với phong bì” thì tốt nhưng nay đã được coi là “văn hóa phong bì” rồi thì khó mà thay đổi!

Trước đó, Công đoàn ngành y tế đã phát động triển khai thực hiện Quy tắc Ứng xử nâng cao y đức, trong đó có nội dung nhân viên y tế “nói không với phong bì”. Từ 2 tuần qua, 5 BV lớn tại Hà Nội là Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương, BV K và BV E đã bắt đầu triển khai chương trình này.
 

Nhân viên y tế thiếu tôn trọng bệnh nhân

Theo bà Trần Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, thực hiện quy tắc ứng xử của ngành y tế ban hành từ năm 2008 nhưng đến nay, vấn đề ứng xử của nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà ít biến chuyển. Một nghiên cứu mới đây tại một số BV ở Hà Nội cho thấy tình trạng thiếu tôn trọng bệnh nhân của nhân viên y tế, thủ tục khám - chữa bệnh còn rườm rà; thiếu sự chỉ dẫn chu đáo, thiếu sự động viên, chia sẻ; có thái độ hách dịch, quát tháo… vẫn rất phổ biến. Có tới 45% người được hỏi không hài lòng với thủ tục hành chính và nhân viên y tế, trong đó cao nhất là BV K chiếm tới hơn 60% người được hỏi. Vì thế, theo bà Tâm, tới đây, ngoài các đoàn giám sát do BV tự tổ chức, Công đoàn ngành y tế sẽ thường xuyên và đột xuất kiểm tra việc các BV thực hiện Quy tắc Ứng xử nâng cao y đức.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo