xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bi hùng hải chiến Trường Sa: Liệt sĩ… trở về

MẠNH DUY - CAO NGUYÊN

Sau trận hải chiến ngày 14-3-1988, số chiến sĩ hy sinh và mất tích của ta ban đầu thống kê là 73 người. Tuy nhiên, có 9 người bị Trung Quốc bắt giữ khi trôi dạt trên biển, hơn 3 năm sau mới được trả về

Chín người lính hải quân (HQ) của ta bị Trung Quốc (TQ) bắt giữ gồm: Nguyễn Văn Nhân, Trương Văn Hiền, Lê Minh Hoa, Trương Văn Dũng, Nguyễn Tiến Hùng, Trần Thiên Phụng, Mai Xuân Hải, Lê Văn Đông và Nguyễn Văn Thống. Đến năm 1991, họ mới được phía TQ trao trả cho ta. Những người tưởng như đã trở thành liệt sĩ không thể nào quên được 3 năm 5 tháng 15 ngày tủi nhục ở xứ người.
 
img

Chín “liệt sĩ” cùng đồng đội và người thân sau ngày Trung Quốc trao trả
(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nếm trải cực hình

Trở về, anh Lê Văn Đông sinh sống ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch - Quảng Bình. Anh Đông nhập ngũ năm 1985, là lính công binh HQ. Đầu tháng 3-1988, anh được về phép ít ngày. Trước khi về nơi đóng quân, chàng lính HQ 22 tuổi tranh thủ cưới vợ, chị Lê Thị Thương. “Vừa cưới được 1 ngày thì tôi được đơn vị gọi trở lại gấp” - anh nhớ lại.

Anh Đông và đồng đội được điều động đi Cam Ranh rồi lên tàu ra Trường Sa. Khi tàu TQ tấn công tàu HQ-604 ở Gạc Ma, anh Đông bị thương ở chân, tay và mạn sườn nhưng may mắn thoát chết. “Chiều 14-3-1988, tôi bị bắt lên tàu TQ đưa về Lôi Châu. Khi biết nhiều đồng đội cũng bị bắt, tôi mới chấp nhận lên tàu TQ” - anh nói.

Sau trận hải chiến bi hùng, những chiến sĩ HQ của ta đều kiệt sức. “Chúng tôi khát nước nhưng họ không cho uống. Nhiều đồng đội quanh tôi máu vẫn không ngừng tuôn từ những vết thương, ngất lịm trên sàn tàu. Về đến Lôi Châu, màn phẫu thuật mà không thuốc giảm đau, chỉ có lính TQ giữ tay chân và bịt miệng mới là cực hình đầu tiên của chúng tôi. Thoạt đầu, chúng tôi bị biệt giam, sau được đưa đến nơi rộng hơn” - anh Đông hồi tưởng.

Chị Thương đã khóc hết nước mắt khi nhận được giấy báo tử của chồng. Khi đó, chị đang mang thai con gái đầu lòng. Hơn 1 năm sau, chị mới được thông báo anh Đông bị TQ bắt nhưng chưa biết bao giờ mới được phóng thích. “Tôi chỉ được viết cho anh một bức thư 25 chữ chuyển qua Hội Chữ thập đỏ quốc tế. Tôi vừa viết mà vừa khóc” - chị Thương bồi hồi.

Ngày trở về, anh lính Trường Sa Lê Văn Đông được chào đón như người hùng. Người dân trong thôn xóm đến nhà hỏi thăm anh chật kín. Cô con gái của anh khi đó đã biết nói, biết chạy, ào ra đón ba...

Bươn chải mưu sinh

Trong căn nhà nhỏ ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, anh Trương Văn Hiền trải chiếc chiếu dưới nền mời chúng tôi ngồi. Ngước nhìn tờ lịch, anh lẩm bẩm: “Nhanh thật, mới đó mà tới ngày giỗ thứ 25 rồi”.

Năm 1986, chàng trai quê huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh nhập ngũ, là lính đo đạc hải đồ. Ngày 11-3-1988, anh và đồng đội lên tàu HQ-604 cùng trung tá - lữ đoàn phó Lữ đoàn 125 Trần Đức Thông và đại úy - thuyền trưởng Vũ Phi Trừ mang theo vật liệu xây dựng, hàng hóa ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ xây dựng đảo.

“Khi tàu HQ-604 bị tàu TQ bắn chìm sáng 14-3-1988, các chiến sĩ của ta phần lớn tử nạn, người còn sống thì bị thương. Tôi bị gãy tay trái, gãy  xương sườn và trúng mảnh đạn vào mắt. Dù bị thương nặng nhưng tôi vẫn cố bám một miếng ván trôi lênh đênh trên biển 3 ngày, 2 đêm. Đến ngày 17, tàu TQ phát hiện, kéo tôi lên trói tay chân, bịt mắt rồi đưa cùng một số đồng đội sang bên ấy” - anh Hiền nhớ lại.

Hiền cho biết do đói khát lại bị thương nặng, anh hôn mê gần 10 ngày. “Điều trị xong, 9 chúng tôi bị đưa về một trại lính ở Quảng Đông và bị giam mỗi người một phòng suốt 3 năm. Thời gian đầu, mỗi bữa, chúng tôi chỉ được phát 3 cái bánh mì bằng nắm tay và một chén nước cháo trắng. Không chỉ ăn uống kham khổ, tụi tôi còn thường xuyên bị tra khảo tàn bạo nhưng chúng chẳng moi được gì” - anh Hiền kể.

Rời quân ngũ đầu năm 1992 thì cuối năm đó, anh Hiền vào Đắk Lắk lập nghiệp. Năm 1995, anh lập gia đình với chị Bùi Thị Phượng. Thời gian đầu, họ phải làm thuê kiếm sống, ở trong chòi trên rẫy của chủ. Cuối năm 1996, anh chị ra dựng một túp lều trên đất của người chị gái. Rồi túp lều sập, thương Hiền, ông chủ thầu nơi anh phụ hồ đã bán chịu vật liệu để anh xây một căn nhà nhỏ.

Cuộc sống của gia đình anh Hiền hiện rất khó khăn. Chị Phượng bị gai cột sống không làm gì được, còn anh thì bị những vết thương cũ thường xuyên tái phát hành hạ. Chi phí cuộc sống hằng ngày và chuyện học hành của 2 con đều trông chờ vào những ngày công phụ hồ của Hiền. Công việc cũng không ổn định, từ Tết đến nay, anh chưa đi làm được ngày nào.

“Nghèo khó đến đâu chúng tôi cũng không ngại nhưng sợ nhất là bệnh tình của anh Hiền. Nếu không chữa trị kịp thời, chắc anh sẽ không cầm cự được lâu. Nhiều đêm đang ngủ, anh bật dậy la hét, đòi lấy dao chặt tay chân mình. Tỉnh ra, anh cho biết lúc đó đầu đau buốt, chân tay như có hàng vạn con kiến bò, đục khoét vào da thịt” - chị Phượng bùi ngùi.

Buôn Ma Thuột những ngày đầu tháng 3 trời nắng nóng như đổ lửa. Thỉnh thoảng, chị Phượng lại đưa khăn ướt để anh Hiền lau người. Cứ nắng gắt là bệnh của anh tái phát. “Lúc rời quê, một số giấy tờ bị thất lạc, hiện tôi chỉ còn giấy xuất ngũ và tấm ảnh chụp 9 người sau ngày TQ trao trả. Hai năm trước, tôi đã nhờ hội cựu chiến binh làm chế độ thương binh nhưng đến nay vẫn chưa được” -  anh Hiền băn khoăn.
 

Vết thương hành hạ

Đến nhà cựu binh Mai Xuân Hải ở huyện Bố Trạch - Quảng Bình, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến gia cảnh hết sức khó khăn của anh. Từ TQ trở về, Hải xuất ngũ. Dù bị thương, không còn sức lao động nhưng anh không được chứng nhận thương binh hay hưởng chế độ chính sách nào.

Ba năm đầu sau khi trở về, Hải còn có thể đi làm để lo cho gia đình gồm vợ và 3 con. Có mặt trên tàu HQ-604 khi bị HQ TQ nã pháo trong trận hải chiến 14-3-1988, Hải dính nhiều mảnh đạn trong đầu và chúng không để anh yên. “Tôi thường xuyên đau ốm, có thời gian phải nằm viện nửa năm trời. Gia đình phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để chạy chữa nhưng sức khỏe  tôi ngày càng yếu” - anh thẫn thờ.

 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-3

Kỳ tới: Sáng mãi hào khí 14-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo