xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếp tay cho "hung thần xa lộ": Bí mật giám sát trạm cân

THẾ KHA thực hiện

Ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông Vận tải, khẳng định đang có hiện tượng xe quá tải vô tư vượt trạm cân và sẽ tổ chức các đoàn thanh tra mật phục theo dõi, xử lý việc này

Phóng viên: Việc lắp đặt trạm cân di động để kiểm soát trọng tải xe đã được thực hiện đồng loạt, rầm rộ từ ngày 1-4, đến nay, sắp 1 tháng rồi nhưng tại sao một số địa phương vẫn không thực hiện, thưa ông?

- Ông Nguyễn Đức Thắng:

img

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Đường bộ, đến ngày 23-4, đã có 42/63 trạm cân di động đặt tại các địa phương đi vào hoạt động. Như vậy, vẫn còn tới 21 trạm chưa hoạt động. Lý do thì nhiều lắm, kể ra không hết được nhưng đúng là có nhiều nơi nại “lý do lý trấu” để trì hoãn thực hiện.

Báo Người Lao Động vừa đăng tải loạt bài điều tra cho thấy hoạt động cơi nới thùng xe vẫn diễn ra rầm rộ, “hung thần xa lộ” vẫn vô tư qua trạm nếu có sự giúp đỡ của cò hoặc CSGT, thanh tra giao thông (TTGT). Các ông có nắm được thực trạng này?

 

Một chiếc xe độ rơ-moóc chở hàng “khủng” chuẩn bị lên đường
Một chiếc xe độ rơ-moóc chở hàng “khủng” chuẩn bị lên đường

 

- Chúng tôi nắm được quá đi chứ! Từ buổi họp tổng kết 15 ngày đầu thực hiện kiểm soát trọng tải xe trên cả nước, chúng tôi đã cảnh báo hiện tượng “xe vua”, xe quá tải vô tư đi lại giữa các địa phương dù có đặt trạm cân. Ở cuộc họp đó, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an, cũng đã đề nghị báo chí và người dân nếu phát hiện vấn đề tiêu cực, đưa - nhận tiền để được qua trạm giữa cánh tài xế và CSGT, TTGT thì cứ phản ánh tới đường dây nóng để chúng tôi có hướng xử lý.

Sắp tới, mỗi trạm cân sẽ có một số điện thoại đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp (DN) phản ánh những vấn đề bất thường của người thực thi công vụ để chúng tôi có cơ sở chỉnh đốn, xử lý.

Tổng cục Đường bộ sẽ lập các đoàn kiểm tra, xử lý tiêu cực tại những trạm cân và những gì mà Báo Người Lao Động phản ánh?

- Sẽ có lực lượng thanh tra gồm đại diện Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thanh tra Tổng cục Đường bộ và Cục Đăng kiểm mật phục, kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ của những cá nhân được giao nhiệm vụ túc trực tại các trạm cân di động. Việc tổ chức mật phục, thanh tra đột xuất sẽ không rình rang như lâu nay, thậm chí có thể sẽ đi giám sát vào ban đêm. Xưa nay, chúng ta đi kiểm tra cứ rình rang như con voi, còn những người tiêu cực thì như con thỏ ấy. Con voi đi đâu thì con thỏ đều đã biết và muốn xử lý được rất khó.

Thủ tướng đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phải tổ chức kiểm soát trọng tải 24/24 giờ và suốt 7 ngày trong tuần nhưng vẫn còn nhiều nơi làm việc giờ hành chính, lúc làm lúc nghỉ, dẫn tới tình trạng xe quá tải vẫn vô tư lăn bánh trên đường?

- Chúng tôi biết hết chuyện này nhưng phải làm từ từ. Chúng tôi cũng biết có những trường hợp đối phó thế nào, thậm chí đêm hôm cầm đèn pin soi biển số xe, thấy cái nào “quen”, đã có cò “làm việc” rồi thì cho đi; biển số lạ thì xử lý. Tất nhiên, việc này mới là dư luận, chưa có chứng cứ nhưng chắc chắn phải giám sát để có cơ sở xử lý.

Đang có tình trạng xe tải vượt qua 1-2 trạm cân đều “không có vấn đề gì” nhưng tới trạm 3-4 thì bị “tuýt” lại vì vi phạm. Dư luận cũng đang đặt ra nghi ngờ về sự chính xác của các trạm cân ?

- Khi mua các trạm cân thì Bộ GTVT, Chính phủ đã phê duyệt thiết kế. Hôm trước họp ở Thanh Hóa, khi có người hỏi đối với xe đã có cơ sở xác định tải trọng rồi thì có phải cân không, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng cái cân chỉ là công cụ thôi. Những xe chở xi măng, ống cống, đá… thì có thể căn cứ vào giấy tờ, tính nhẩm cũng đã ra được khối lượng, biết có chở quá tải hay không rồi, cần gì phải cân nữa? Người thực hiện công vụ có ý thức thì cái cân chỉ là một phần, chỉ là công cụ hỗ trợ trong việc kiểm soát tải trọng xe.

Các trạm cân đã được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cấp giấy chứng nhận. Nhiều nơi cứ nại rằng cân không chính xác để thế này thế khác thì phải xem xét lại. Tôi cho rằng trong đó có nguyên nhân không muốn làm thì nại ra lý do. Chúng ta nên nhìn nhận theo hướng cái cân chỉ là công cụ hỗ trợ thôi.

 

Đi đâu cũng phải chung chi!

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khẳng định: “Những phản ánh của Báo Người Lao Động, chúng tôi đều nắm được. Đó là điều bình thường vì diễn ra bao nhiêu năm nay, chung chi với nhau rồi, làm sao mà một vài tháng xóa ngay được? Việc này phải hết sức kiên trì.

Tôi nói với anh em doanh nghiệp (DN) vận tải rằng phải chỉnh đốn mình đã, rồi nếu có bị vòi vĩnh thì tố cáo tới cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý. Nhưng ở đây có chuyện lợi ích nhóm, xử lý dứt điểm ngay không dễ chút nào. Xưa nay xe tải đi đâu cũng chung chi. Giờ làm chặt thì chỉ có một số DN chở quá tải chung chi, trong khi DN làm ăn chân chính rất ủng hộ chủ trương này”.

Theo ông Thanh, nếu cơ quan đăng kiểm kiên trì, quyết liệt thì tình trạng cơi nới xe, chở quá tải sẽ giảm nhiều.

 

Xác minh từng vụ việc để xử lý

Liên quan đến việc nhiều xe tải chở hàng “khủng” chạy trót lọt qua các địa phương, trong đó có TP Đà Nẵng, mà Báo Người Lao Động phản ánh, đại tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT Công an TP, cho biết có thể trước khi qua địa bàn Đà Nẵng, tài xế đã quan sát và biết được thời gian nào lực lượng CSGT không làm việc trên Quốc lộ 1 nên cho xe lén lút chạy qua. Theo đại tá Đến, không phải lúc nào CSGT cũng túc trực 24/24 giờ trên Quốc lộ 1 nên lợi dụng lúc lực lượng này vừa rút lui nghỉ ca là các tài xế chạy qua.

“Quan điểm quán triệt của lực lượng CSGT Đà Nẵng là xử lý nghiêm những xe quá tải. Gần đây, trạm cân đặt trên Quốc lộ 1 đoạn qua Đà Nẵng đi vào hoạt động cũng đã hạn chế được rất nhiều xe quá tải. Tuy nhiên, hiện nay, 2 tổ tại trạm cân chỉ hoạt động 8 giờ/ngày. Có thể các tài xế cho người theo dõi, đợi khi lực lượng này rút lui mới cho xe đi qua” - ông Đến giải thích. Để giải quyết triệt để tình trạng này, ông Đến kiến nghị UBND TP Đà Nẵng cho thành lập đủ lực lượng thanh tra liên ngành tại trạm cân, kiểm tra 24/24 giờ thì sẽ hết đường cho “hung thần xa lộ” né tránh.

Trong khi đó, đại tá Trần Văn Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết đã tiếp nhận thông tin mà Báo Người Lao Động phản ánh xung quanh việc các đội tuần tra của CSGT để lọt hoặc kiểm tra chiếu lệ xe quá tải, quá khổ đi qua tỉnh này. “Chúng tôi đã yêu cầu các đội CSGT tuần tra liên quan báo cáo, đồng thời chỉ đạo xác minh cụ thể từng vụ việc để có hướng xử lý” - đại tá Trần Văn Nghĩa khẳng định.

Theo ông Nghĩa, việc kiểm tra lưu động trên đường khó thể kiểm soát hết được xe quá tải. Về chuyện phóng viên Báo Người Lao Động khi xâm nhập thực tế hôm 10-4 bị một CSGT cho người hăm dọa, đại tá Nghĩa cho biết: “Thiếu tá Hồ Ngọc Châu là Đội trưởng Đội Tuần tra số 2 Phòng CSGT tỉnh Bình Thuận. Ngày 10-4 không phải là ca trực của thiếu tá Châu. Lãnh đạo phòng đã yêu cầu những CSGT liên quan giải trình”.

Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, ông Ngô Văn Chiến, cũng cho biết đơn vị đã nắm những thông tin mà Báo Người Lao Động nêu trong loạt bài “Tiếp tay cho “hung thần xa lộ” nhưng phải có thời gian làm rõ. Theo ông, phòng đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên để kiểm tra thông tin, nếu xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải qua mặt lực lượng CSGT và các tay cò hoạt động lâu nay tại trạm cân Dầu Giây như báo phản ánh thì sẽ kiên quyết xử lý. Thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, khẳng định: “Chúng tôi sẽ báo cáo ban giám đốc để kiểm tra kỹ thông tin mà báo nêu. Nếu có tình trạng này xảy ra, chắc chắn tỉnh sẽ có biện pháp xử lý triệt để”.

H.Dũng - L.Trường - X.Hoàng

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-4

 

Nào phải cây kim, chiếc hộp quẹt?

Chiếc xe tải - lại là loại siêu trường, siêu trọng - chứ nào phải cây kim, hộp quẹt mà vi vu vào Nam ra Bắc nhưng không bị các lực lượng chức năng - vốn lập trạm, đóng chốt dày đặc suốt Quốc lộ 1 - phát hiện? Điều đó chỉ có thể giải thích rằng các “hung thần xa lộ” đã được tiếp tay một cách cố ý hay vô tình.

Hàng trăm ý kiến bạn đọc đã bức xúc bày tỏ như vậy sau khi xem loạt bài “Tiếp tay cho “hung thần xa lộ” trên Báo Người Lao Động. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Nói nhiều cũng không giải quyết được gì đâu...” - bạn đọc Trung Kiên cảm thán. “Hung thần xa lộ nhởn nhơ qua mặt CSGT nhưng một chiếc xe gắn máy 2 bánh thì đừng hòng!” - bạn đọc Sáu Ngọc chua chát.

“Từ việc phù phép rơ-moóc đến chuyện “quan hệ” với các trạm cân, chốt CSGT - TTGT trên Quốc lộ 1 cho thấy có nhiều kẻ đã giúp sức, tiếp tay cho xe quá khổ, quá tải ung dung đi lại trên đường, trở thành nỗi ám ảnh cho người tham gia giao thông. Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc kêu gọi giới tài xế, chủ doanh nghiệp vận tải làm ăn đàng hoàng, quan trọng nhất là phải chấn chỉnh lại lực lượng thực thi công vụ” - bạn đọc Trường Huy mong mỏi. T.Giang

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo