xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biệt động - lực lượng bất tử: Sắt son tình đồng đội

AN QUÝ

Duy trì sự gắn kết đồng đội cũ, quy tập được hài cốt các liệt sĩ biệt động và tương trợ những gia đình cựu binh khó khăn, đó là điều mà những cựu biệt động thành luôn tâm niệm phải làm

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, để phù hợp với phương hướng mới về xây dựng quân đội trong thời bình, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định được giải thể. Khi ấy, cán bộ chiến sĩ phải ra quân ồ ạt. Những người còn sống chưa kịp có thời gian làm việc chung với nhau đã vội mỗi người một ngả. Những người đã hy sinh, trong thời chiến việc tìm hài cốt đã khó, càng về sau càng khó hơn vì vật đổi sao dời.

Hướng về những người đã ngã

Sau giải phóng, đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), nguyên Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, vẫn chẳng thể nào vơi nỗi đau về sự mất mát quá lớn của đơn vị trong chiến tranh. Năm này qua tháng khác, ông cần mẫn lập hồ sơ đề nghị xét công nhận liệt sĩ cho người này, đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho người kia… Những gia đình liệt sĩ khó khăn, ông xin nhà nước hỗ trợ họ về vật chất hoặc xây tặng nhà tình nghĩa…

Cứ vào mùng 6 Tết hằng năm, ông làm đám giỗ tập thể liệt sĩ Biệt động Sài Gòn. Đó cũng là dịp để điểm danh ai còn, ai mất; thông báo cho nhau về tin tức những người mất liên lạc bao năm qua, nay mới vừa tìm lại được và bàn nhau phương án tìm kiếm hài cốt đồng đội, đồng chí của mình. Mỗi lần tái ngộ như vậy, những cựu biệt động thành và người thân của họ luôn cảm thấy ấm lòng.

Miệt mài trên hành trình ấy với chỉ huy trưởng Tư Chu còn có đại tá Đặng Xuân Tẻo (Ba Tẻo), nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Củ Chi, TP HCM. Ba Tẻo là chính trị viên Đội 4 Biệt động Sài Gòn, đơn vị được ông Tư Chu phân công đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn vào rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân. 13 chiến sĩ gồm 11 nam, 2 nữ (2 nữ phục vụ chiến đấu) vào trận, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Và 10/11 chiến sĩ biệt động trực tiếp cầm súng đã tử trận sau nhiều giờ chiến đấu anh dũng, chỉ mỗi Ba Tẻo thoát được, trở về cơ sở.

“Phía địch thu dọn chiến trường. Thi thể đồng đội mình, chúng đưa đi đâu không ai rõ. Mười anh em biệt tích biệt tăm đã hơn 45 năm nay, đau lắm!” - ông Ba Tẻo ngậm ngùi. Trong số ấy, hầu hết đều không rõ nhân thân của nhau.

Nghĩa tình đồng đội sâu nặng luôn thôi thúc ông Ba Tẻo lên đường. Kể từ ngày về hưu (năm 1997), ông càng dành nhiều thời gian hơn cho công việc ấy. Nay hay tin chỗ này, mai phong thanh chỗ kia có mộ biệt động, ông và những người đồng chí tìm đến ngay. Năm ngoái, nghe tin ở Nghĩa trang Thủ Đức có nấm mộ tập thể vô danh, nghi là mộ biệt động, các ông lại đến tìm hiểu và tiến hành đưa xương tro đi xét nghiệm ADN. Dù kết quả không như mong đợi song ông chẳng hề thoái chí. Không làm được chuyện này thì giúp nhau bằng chuyện khác - nghĩ vậy, ông đã nỗ lực vận động các nhà hảo tâm xây tặng 2 căn nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ cùng đơn vị là Đoàn Văn Nhẹ và Lê Văn Hồng (đều ở huyện Củ Chi). “Không riêng tôi, hầu hết những cựu biệt động thành còn sống, ai cũng hướng về đồng đội của mình như thế” - ông Ba Tẻo bộc bạch.

Như bát nước đầy

Tình cảm keo sơn ấy được hun đúc trong thời đạn bom ác liệt. Ông Tư Chu bao giờ cũng đau đáu chuyện đồng đội, đến khi chính bản thân ông gặp chuyện, cấp trên của ông cũng xem đó như là vấn đề của chính mình.

Điều ấy được thể hiện rất rõ qua vụ 2 con trai của ông Tư Chu - bà Tư Nhỏ (Đoàn Thị Nhỏ, phục vụ chiến đấu) bị địch bắt cóc vào năm 1970 và 1971.

Khi ấy, ông ở chiến khu, bà đi về thường xuyên giữa nội thành Sài Gòn và căn cứ. Hai con trai Nguyễn Lê Minh (7 tuổi) và Nguyễn An Tây (5 tuổi) được gửi cho 2 gia đình cảm tình cách mạng ở nội thành nuôi giúp. Bọn mật thám theo dõi và bắt cháu Minh. Chúng tra tấn dã man người nuôi Minh. Không chịu nổi đòn đau, người này khai ra và chúng bắt tiếp cháu Tây. Mục đích là dụ vợ chồng Tư Chu ra hàng bởi trước đó, ngụy quyền từng rao thưởng 2 triệu USD cho bất cứ ai lấy được thủ cấp của chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Ông Đặng Xuân Tẻo (Ba Tẻo, bìa trái) trong một lần trả lời phỏng vấn đoàn làm phim tài liệu của đạo diễn Lê Phong Lan về Biệt động Sài Gòn. (Ảnh do đạo diễn Lê Phong Lan cung cấp)
Ông Đặng Xuân Tẻo (Ba Tẻo, bìa trái) trong một lần trả lời phỏng vấn đoàn làm phim tài liệu của đạo diễn Lê Phong Lan về Biệt động Sài Gòn. (Ảnh do đạo diễn Lê Phong Lan cung cấp)

Nghe tin dữ liên tiếp, bà Tư Nhỏ rụng rời. Ông Tư Chu lòng cũng quặn thắt song nén đau, lặng lẽ báo cáo tổ chức. Ngay sau đó, ông nhận được thư hồi đáp của ông Tư Ánh (Trần Bạch Đằng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định), viết rất tình cảm: “Anh Tư Chu. Tôi đã đọc thư anh về 2 cháu. Anh yên tâm, trong khả năng có thể, tôi sẽ làm hết mọi cách để bảo đảm an toàn (…) Tuy là riêng tư của anh nhưng vẫn là cháu của chúng tôi và như anh biết, tôi vẫn lo lắng việc này từ lâu”. Đọc thư của cấp trên, tình cảm dạt dào như bát nước đầy, ông Tư Chu yên dạ muôn phần.

Không “bẫy” được vợ chồng trùm tình báo Việt cộng, bọn ngụy vẫn giữ 2 cháu nhỏ. Đến giữa cuối tháng 4-1975, chúng định đẩy Minh và Tây sang Mỹ. Nhờ các cơ sở cách mạng khôn ngoan cầm chân, ý định ấy bị chậm lại nhiều ngày, đến khi bộ đội ta tràn về giải phóng Sài Gòn, 2 con của ông Tư Chu được giải cứu. “Tổ quốc là trên hết. Con cái là tất cả. Quân giải phóng về kịp, đã cứu các con tôi. Nhà tôi đội ơn cách mạng lắm” - bà Tư Nhỏ hồi tưởng, mắt rưng rưng. 

Bàn tay ấm của ông Sáu Dân

Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) có lần kể: Trưa mùng 2 Tết Mậu Thân, ông gặp ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ấy là Bí thư tiền phương 2) để báo cáo tình hình. Trong lúc biệt động đang thiệt hại nhiều, ông Tư Chu lòng dạ không yên. “Anh Sáu quay sang hỏi tôi: “Ông bạn biệt động sao ngồi im vậy?”, tôi nghẹn ngào: “Anh em tôi mất không còn ai, bây giờ thì lấy gì mà cựa quậy, lấy gì mà trả thù?”. Anh mỉm cười đôn hậu đưa bàn tay ra dấu và cho phép tôi được sử dụng Tiểu đoàn 2, Phân khu 2 và dặn thêm: “Cần phải biệt động hóa cấp tốc trước khi sử dụng…”. Lúc bấy giờ tôi mừng quá, như được hồi sinh, tôi cầm tay anh hồi lâu để tỏ lòng biết ơn” - ông Tư Chu hồi tưởng.

Sau này, thời bình, mỗi lần có dịp gặp là ông Tư Chu chăm chú nhìn vào bàn tay bên trái của ông Sáu Dân - bàn tay đã từng chìa ra với ông đầy ấm áp, chân tình vào những ngày khủng hoảng tinh thần nặng nề nhất trong cuộc đời chiến đấu của người thủ lĩnh biệt động.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo