xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Bông hồng” Kovalevskaia

NGỌC DUNG - YẾN ANH

Không tự bằng lòng với mình, nhiều nhà khoa học nữ vẫn đang ngày đêm miệt mài với các đề tài nghiên cứu để đem lại những lợi ích to lớn cho xã hội

“Nghiên cứu, sử dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu” của nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học, bác sĩ, kỹ thuật viên Bộ môn Mô - Phôi Trường ĐH Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc Bệnh viện Mắt trung ương đã vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nghiên cứu này đã mở ra cơ hội cho nhiều người bị tổn thương mắt có thể nhìn thấy ánh sáng bằng phương pháp hiện đại, rẻ tiền.

Thất bại hàng trăm lần

PGS-TS Nguyễn Thị Bình, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Mô - Phôi Trường ĐH Y Hà Nội, người chủ trì đề tài, cho biết ý tưởng nghiên cứu này có từ năm 2004. Thời điểm đó, các phương pháp điều trị những trường hợp bị mù do tổn thương giác mạc còn nhiều hạn chế, trong đó có một khó khăn là nguồn giác mạc rất khan hiếm. Nếu như có thể nuôi tạo các tấm biểu mô giác mạc từ tế bào gốc thì sẽ giải quyết được những bất cập.

PGS-TS Nguyễn Thị Bình: “Gia đình đã góp phần vào thành công của những nhà khoa học nữ” Ảnh: KHÁNH ANH
PGS-TS Nguyễn Thị Bình: “Gia đình đã góp phần vào thành công của những nhà khoa học nữ” Ảnh: KHÁNH ANH

PGS Bình cho hay ban đầu, cả nhóm đã bỏ tiền túi ra mua thỏ, hóa chất để phục vụ việc nghiên cứu. Mục tiêu của phương pháp là lấy tế bào gốc từ biểu mô niêm mạc miệng để nuôi cấy thành tấm lớn. Sau khi nuôi tạo thành công, tấm biểu mô này sẽ được ghép vào mắt bị tổn thương.

Dù bắt tay nghiên cứu từ năm 2004 nhưng mãi đến năm 2007, nhóm mới nhìn thấy thành công bước đầu. “Sau khi đã bảo vệ thành công 2 đề tài nghiên cứu liên quan đến vấn đề này, chúng tôi mới có chút kinh phí. Nhóm đã cử cán bộ sang Nhật để học hỏi về kỹ thuật nuôi cấy tế bào nhưng khi về Việt Nam ứng dụng thì thất bại. Sau hàng trăm lần thí nghiệm, hàng năm trời rút kinh nghiệm, chúng tôi mới tìm ra quy luật mới và ứng dụng theo kiểu “made in Vietnam” - PGS Bình tâm sự.

Nhớ lại ngày đặc biệt ấy, PGS Bình kể: “Hôm đó, tôi đến cơ quan rất sớm, bước vào phòng thí nghiệm với cảm giác hồi hộp, lo lắng vì có thể thất bại lại đến như những lần trước. Nhìn qua kính hiển vi, tôi ngỡ ngàng, tim đập thình thịch khi thấy những tế bào bò ra từ rìa mảnh mô. Tôi hạnh phúc quá, lao đi báo ngay cho đồng nghiệp”.

Theo PGS Bình, các nhà khoa học Nhật nuôi tế bào từ phôi chuột nên giá thành rất đắt. Tại Việt Nam, các nhà khoa học đã thành công trong việc nuôi cấy mô tự thân bằng chính tế bào của người bệnh, nhờ đó giá thành đã hạ xuống chỉ còn bằng 1/10. Hơn nữa, đây là “nguyên liệu” tự thân nên bệnh nhân sẽ không bị các phản ứng đào thải sau ghép.

Bác sĩ Vũ Tuệ Khanh - Bệnh viện Mắt trung ương, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết từ năm 2008 đến nay, 37 bệnh nhân đã được hưởng thành tựu của kỹ thuật này. Ngoài thành công trên, nhóm đang nghiên cứu quy trình nuôi cấy tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson.

Thành công từ cơ hội vuột mất

Là một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành thú y, GS Nguyễn Thị Kim Lan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên, cho biết nghề thú y hoàn toàn không phải là lựa chọn của bà lúc ban đầu.

Năm 1973, sau khi tốt nghiệp THPT, GS Lan đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Y Hà Nội, thi được 18,5 điểm, đủ để đi học nước ngoài. Chờ mãi không thấy trường gọi nhập học, GS Lan nhờ bố chở lên Trường ĐH Y Hà Nội thì mới biết trường này không có hồ sơ của mình. Hai bố con lại lên Bộ ĐH (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) hỏi mới hay  hồ sơ của bà để ở bộ, trong khi Trường ĐH Y Hà Nội đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Không còn cơ hội học ngành mình yêu thích, GS Lan vào học tại Trường ĐH Nông nghiệp I vì chỉ còn trường này chưa gọi thí sinh nhập học!

“Tôi thấy buồn vì không theo đúng nguyện vọng nhưng rồi cả nhà động viên đi học và tôi cũng nghĩ thôi cứ đi xem sao” - GS Lan tâm sự.  Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, GS Lan quen rất nhanh với môi trường mới và yêu thích những môn học mà có lúc bà chẳng bận tâm. Tốt nghiệp ĐH năm 1979, bà về giảng dạy tại Trường ĐH Nông nghiệp III Bắc Thái (ĐH Thái Nguyên hiện nay).

Hơn 35 năm công tác tại Trường ĐH Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên, GS Lan đã biên soạn 16 giáo trình, sách chuyên khảo và sách tham khảo cho đào tạo bậc ĐH và sau ĐH; hướng dẫn gần 400 khóa luận tốt nghiệp đại học, 36 luận văn thạc sĩ, 13 luận án tiến sĩ; là chủ nhiệm 14 đề tài, trong đó có một đề tài cấp nhà nước, 4 đề tài cấp bộ; có 81 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế... Với những cống hiến và thành tựu đồ sộ  ấy, GS Lan đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014.

Chia sẻ về những khó khăn trong nghiên cứu khoa học ở một trường ĐH xa Hà Nội, GS Lan cho biết nhiều khi bà và các đồng nghiệp phải đứng trước vô vàn khó khăn, nhất là quá trình đi lấy mẫu. Đó là chưa kể kinh phí cho nghiên cứu khoa học ít ỏi nên nhiều đề tài bà phải bỏ tiền túi.

Dù vậy, những cực nhọc như được bù đắp khi các đề tài của GS Lan đều có tính ứng dụng cao, mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi. Đơn cử, đề tài nghiên cứu tình hình nhiễm giun, sán đường tiêu hóa ở dê cỏ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và biện pháp phòng trị của bà đã được ứng dụng rộng rãi, giúp các hộ chăn nuôi tăng 15%-20% thu nhập.

Gia đình là chỗ dựa

Nói về chuyện thành công hay niềm đam mê trong công việc, những nhà khoa học nữ không bao giờ quên nhắc đến sự san sẻ từ gia đình, đặc biệt là sự hỗ trợ đắc lực của người bạn đời. PGS-TS Nguyễn Thị Bình tâm sự mỗi ngày làm việc của bà luôn bắt đầu từ 5 giờ 30 phút và kết thúc có khi tận 2-3 giờ hôm sau. “Nhiều đợt cao điểm phải gồng mình vì công việc, tôi không có thời gian chăm sóc bản thân chứ đừng nói đến gia đình. Lúc đó, chồng con tôi đều phải xắn tay vào việc chợ búa, cơm nước” - TS Bình cho biết.

Trong khi đó, theo GS Nguyễn Thị Kim Lan, thành công của bà có một phần đóng góp từ người bạn đời, cũng là một đồng nghiệp tại Trường ĐH Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên. “Do có sự đồng cảm trong công việc nên vợ chồng chúng tôi luôn hỗ trợ nhau, cùng sắp xếp thời gian hợp lý để lúc nào cũng có sức khỏe tốt, gia đình đầm ấm” - GS Lan bộc bạch.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo