xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cam go giám định tâm thần: Thầm lặng quên mình

Bài và ảnh: ANH THƯ

Những kiến thức vững vàng về chuyên môn và kinh nghiệm lâm sàng là yếu tố quan trọng nhất để một giám định viên hoàn thành tốt chức năng nghề nghiệp

Hiện nay, số giám định viên pháp y tâm thần tại TPHCM chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết là kiêm nhiệm.
 
Những khó khăn về mặt nhân lực, trang thiết bị, phòng ốc... phục vụ công tác đặt ra nhiều thử thách cho người làm giám định tâm thần.
 
Thế nhưng, Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần (GĐPYTT) TPHCM nhiều năm nay vẫn vận hành tốt, bảo đảm chức năng nhiệm vụ bằng lòng yêu nghề và cố gắng không mệt mỏi của các bác sĩ (BS) - giám định viên...
 
img
Đoàn bác sĩ – giám định viên Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương
trao đổi kinh nghiệm với Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM
 
Vững nghề, giàu kiến thức
 
Trong phòng làm việc của thạc sĩ -BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm GĐPYTT TPHCM, là chiếc kệ chất đầy sách ở nhiều lĩnh vực: tài liệu y khoa chuyên ngành tâm thần, pháp y tâm thần, tội phạm học, các bộ luật, luật hiện hành của VN và cả một chồng báo chất cao.
 
Ông giải thích: “Làm GĐPYTT không phải chỉ biết về tâm thần là đủ. Các tình huống trong nghề muôn hình vạn trạng, giám định viên lại thường xuyên cần đến những câu hỏi ngoài lề để nắm bắt triệu chứng hay phát hiện sơ hở của đối tượng. Do đó, mỗi giám định viên đều cần tích lũy kiến thức nhiều mặt, nắm bắt các vấn đề xã hội, pháp luật hiện hành... mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
 
BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, nguyên giám đốc Trung tâm GĐPYTT TPHCM, kể về trường hợp một tội phạm buôn ma túy sau mấy ngày bị giam giữ bỗng lên cơn, la hét, đập phá, nói lảm nhảm... Phạm nhân ấy đã được đưa đến trung tâm để giám định khi còn chưa tỉnh táo.
 
Nghiên cứu hồ sơ vụ án, BS Thắng đã hoài nghi về khả năng phạm nhân ấy nghiện và lên cơn vì đói thuốc chứ không phải vấn đề tâm thần.
 
Qua những câu hỏi chân tình của thầy thuốc, phạm nhân đã có phần tìm được cảm giác an toàn và khai rằng mình nghiện – điều anh ta chưa hề nói với cơ quan chức năng.
 
“Nếu khi đó tôi chỉ lòng vòng quanh câu hỏi “tâm thần hay không tâm thần” thì đã không thể tìm ra nguyên nhân chính xác khiến phạm nhân ấy lên cơn. Chính nhờ những kiến thức bên ngoài về người nghiện, tôi đã có thể phán đoán và từ đó đi đúng hướng trong ca giám định”.
 
Hầu hết các giám định viên pháp y tâm thần đều là những BS giỏi, lâu năm trong nghề. Khi giám định, họ đều bình dị trong bộ áo sơ mi, quần tây, đối diện với người được giám định với tư cách là một BS bình thường, dù nhiều người trong số họ là giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa... của Bệnh viện Tâm thần TP cũng như Trung tâm GĐPYTT TP.
 
“Sự đơn giản, bình dị rất cần trong công việc của một giám định viên. Điều đó sẽ tạo nên cảm giác an toàn để người bệnh nói thật các triệu chứng và người giả bệnh thì để lộ ra sơ hở” – BS Trịnh Tất Thắng chia sẻ.
 
BS Phạm Văn Trụ, giám định viên, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cũng cho biết: “Người làm giám định phải thấu hiểu quá trình hình thành các ý nghĩ, cơ chế hoạt động tâm thần ở người được giám định; biết được cơ chế đó đang ở trong giai đoạn nào, thời điểm nào của căn bệnh”.
 
Theo ông, những kiến thức vững vàng về chuyên môn cũng như kinh nghiệm lâm sàng là yếu tố quan trọng nhất để một giám định viên hoàn thành tốt chức năng nghề nghiệp.
 
Cũng là sự hy sinh
 
Khi tôi đến tác nghiệp trong ca giám định cho một bệnh nhân tâm thần phân liệt, điều đầu tiên các BS yêu cầu là... phải ngồi gần cửa để thoát thân khi có sự cố bất ngờ.
 
“Trong buổi làm việc trước, bệnh nhân đã bất ngờ cởi dép ném thẳng vào một giám định viên và có ý định gây hấn” – BS Nguyễn Ngọc Quang giải thích.
 
Là một trong hai giám định viên trực tiếp đảm nhận ca này, ông cho biết: Bệnh nhân trên bị tâm thần phân liệt nặng, thường có những hành động không thể kiểm soát, cần điều trị bắt buộc. Quan sát bên ngoài, tôi cũng nhận thấy có một nhân viên bảo vệ vừa được điều đến đứng gần cửa để kịp thời can thiệp nếu có vấn đề bất thường.
 
BS Quang kể ông từng bị một bệnh nhân tâm thần phân liệt đấm thẳng vào mặt khi đang ngồi giám định. May mắn, ông tránh kịp nên cú đánh chỉ sượt nhẹ.
 
“Do mới tiếp quản trung tâm được vài tháng nên hiện tôi vẫn chưa kịp bố trí lại phòng giám định. Sắp tới, tôi sẽ cho chỉnh sửa các phòng phục vụ giám định có ít nhất hai cửa ra vào, bỏ tất cả các tủ, kệ có cửa kính... để phòng tránh mọi nguy hiểm có thể xảy ra”.
 
Bên cạnh đó, giám định viên phải thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng phạm pháp hình sự. Nhiều trường hợp, các giám định viên bị các tay anh chị, những tên tội phạm giả điên mà họ vạch mặt... đe dọa, thậm chí tấn công ngay tại phòng giám định.
 
Một giám định viên cho tôi xem hai tấm danh thiếp của mình: một ghi đầy đủ chức vụ, nghề nghiệp giám định viên để dùng tại trung tâm; một chỉ ghi đơn giản là BS tâm thần để dùng khi chữa bệnh bên ngoài!
 
“Đôi khi phải giấu đi vị trí của mình, nhất là khi chữa bệnh tại phòng khám tư ở nhà, âu cũng là một cách phòng xa, giữ an toàn cho mình và vợ con” – ông chia sẻ.
 
Muôn vàn khó khăn nhưng thu nhập của người làm công tác GĐPYTT hiện vẫn chưa cao do đây vẫn là một ngành chưa được chú ý nhiều.
 
“Để nâng cao đời sống của CNVC-LĐ tại trung tâm, sắp tới, tôi sẽ thiết kế lại hệ thống phòng ốc, dành ra một phần diện tích mở phòng khám ngoài giờ và quầy thuốc tại trung tâm. Tầng trên cùng của trung tâm sẽ mở một khu lưu bệnh nhân, dành cho đối tượng cần theo dõi lâu dài, thay vì phải chuyển toàn bộ các ca này lên Phân viện Pháp y tâm thần Trung ương – cơ sở đặt tại Biên Hòa như hiện nay. Thực hiện được điều đó, chất lượng công tác GĐPYTT tại TPHCM chắc chắn sẽ được nâng cao” – BS Quang cho biết.

 

Dễ bị “lây” ngược

 
Nguy cơ lây nhiễm cũng là điều mà các giám định viên tâm thần phải đối mặt. BS Quang cho biết thêm: “Vệ sinh tâm thần là điều tôi luôn làm và nhắc nhở các anh em giám định viên khác thực hiện. Đó là việc chú trọng giải trí, nghỉ ngơi, tạm quên đi công việc khi hết giờ làm, giữ tinh thần khỏe mạnh. Việc tiếp xúc thường xuyên với người tâm thần rất dễ gây ra hiện tượng “lây” ngược nếu BS tâm thần không có tinh thần vững và không biết vệ sinh tâm thần”.
 
Ngoài ra, những ca giám định mà người được giám định nhiễm HIV hay mang các bệnh truyền nhiễm, bệnh dễ lây lan... cũng là mối nguy hiểm lớn mà các giám định viên chấp nhận để theo đuổi nghề nghiệp.
 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo