xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cam kết trách nhiệm: Nói thì phải làm

Bài và ảnh: Hoàng Phúc

Nhiều người xem việc tỉnh Quảng Bình yêu cầu cán bộ ký cam kết thực sự là luồng gió mới để nâng tầm quản lý cũng như trách nhiệm cán bộ, tạo lòng tin và sự đồng thuận của nhân dân

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình vừa quán triệt trong Đảng bộ Quyết định số 01/QĐ-TU quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tại một hội nghị tổ chức ngày 8-3, Tỉnh ủy Quảng Bình đã triệu tập 144 lãnh đạo là trưởng các đơn vị thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý để thực hiện việc ký cam kết.

Tín hiệu lạc quan

Việc tỉnh Quảng Bình yêu cầu trưởng các đơn vị thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thực hiện việc ký vào bản cam kết xử lý trách nhiệm đối với những người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị bước đầu đã tạo được tín hiệu lạc quan cho dư luận. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ quan ngại bởi cách làm này thực sự có hiệu quả hay chỉ là theo phong trào?

Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định trên là cần thiết và quan trọng nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý điều hành, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, phát huy vai trò trách nhiệm của lãnh đạo các ban - ngành, đồng thời từng bước rà soát, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ; kiên quyết sắp xếp, thay thế những cán bộ làm việc kém hiệu quả, yếu về năng lực và trách nhiệm, giải quyết công việc chậm trễ, trì trệ, tắc trách hay các cán bộ nhũng nhiễu... nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực, sức bật mới trong việc quản lý công tác cán bộ.

 

Các lãnh đạo sở, ngành của tỉnh Quảng Bình trong buổi ký cam kết thực hiện trách nhiệm
Các lãnh đạo sở, ngành của tỉnh Quảng Bình trong buổi ký cam kết thực hiện trách nhiệm

 

Ông Quang cũng thông tin thêm rằng việc ký cam kết này ngoài nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công thì Quảng Bình mong muốn các lãnh đạo và cấp phó đứng đầu các ban, ngành, đơn vị trực thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có những chuyển biến tích cực, không để xảy ra bè phái, nhũng nhiễu, quan liêu... Nếu lâm vào các trường hợp đó, lãnh đạo và cấp phó sẽ bị yêu cầu từ chức hoặc điều chuyển nơi khác và thay thế những người thực sự có năng lực, chuyên môn hơn, đảm đương các trách nhiệm của người để lại.

Theo đánh giá của dư luận, đây là lần đầu tiên ở miền Trung có một địa phương đổi mới cách làm về trách nhiệm của người đứng đầu bằng phương pháp đồng bộ, văn minh và rất khoa học. Tại Quảng Bình, nhiều người cũng xem đây thực sự là một luồng gió mới thổi vào tỉnh nghèo này để nâng tầm quản lý cũng như trách nhiệm cán bộ, tạo được lòng tin và sự đồng thuận của nhân dân.

Đừng làm kiểu phong trào

Tuy nhiên, nhiều người dân ở Quảng Bình cũng bày tỏ nguyện vọng 144 lãnh đạo và cấp phó đứng đầu các ban, ngành, đơn vị nói được phải làm được chứ không phải làm theo kiểu phong trào. Qua đó, xây dựng một thể chế cán bộ chuyên trách, gánh vác được những gì mà Đảng và nhân dân giao phó.

Các nội dung ký cam kết cơ bản gồm:

- Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu lãnh đạo cơ quan, đơn vị 1 năm hoạt động cầm chừng, không có chuyển biến tiến bộ so với năm trước hoặc thực hiện nhiệm vụ được giao chậm tiến độ nhiều lần, có hệ thống thì bị điều chuyển, bố trí công tác khác.

- Cán bộ nào có biểu hiện cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, để gia đình, người thân tham gia những việc làm ảnh hưởng đến trách nhiệm cá nhân và đã được xác minh, kết luận đúng thì phải điều chuyển, bố trí công tác khác.

- Cán bộ nào trong năm không hoàn thành nhiệm vụ, giải quyết công việc chậm trễ, ách tắc, nhũng nhiễu hoặc để cán bộ cấp dưới nhũng nhiễu, hiệu quả công việc thấp thì khuyến khích từ chức hoặc miễn nhiệm chức vụ.

- Cán bộ nào không đủ sức đảm trách nhiệm vụ thì viết đơn xin từ chức. Nếu  không xin từ chức, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ kiên quyết điều chuyển sang công tác khác để phù hợp với khả năng của cán bộ đó. Nếu cán bộ nào hằng năm không thực hiện đúng cam kết thì chuyển sang làm việc khác. Hoặc khi giao công việc cụ thể cho ngành, địa phương nhưng làm việc chậm trễ, trì trệ thì phải điều chuyển công việc đó cho người khác làm có hiệu quả cao hơn, nhanh hơn nhằm đáp ứng kịp thời công việc chung của tỉnh.

 

Cách chức cán bộ nhũng nhiễu

Liên quan đến việc ký cam kết, bước đầu trong cuộc thanh lọc cán bộ sai phạm, nhũng nhiễu, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang đã chỉ đạo cách chức ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Châu, vì có nhiều hành vi sai phạm như trù dập cán bộ, đảng viên và thiếu trách nhiệm trong công việc. Sau đó, một trưởng phòng của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này cũng bị ông Quang yêu cầu thuyên chuyển ngay lập tức vì nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

 

Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng:

Nên nhân rộng ở nhiều địa phương

Theo tôi, có thể xem việc ký cam kết mà tỉnh Quảng Bình đang làm là một chỉ dấu tốt cho văn hóa từ chức vốn đang còn mới mẻ ở nước ta. Theo dõi báo chí thời gian gần đây, có thể thấy một vài phát ngôn tương tự từ các vị lãnh đạo đứng đầu địa phương. Dẫu mới chỉ là công bố trên phương tiện truyền thông hoặc mới thể hiện quyết tâm trên văn bản nhưng cũng rất đáng hoan nghênh. Có thể nhân rộng cách nghĩ, cách làm này ở nhiều nơi chứ không riêng gì Quảng Bình hay Đà Nẵng.

Tuy nhiên, không phải chỉ ký cam kết hoặc công khai tuyên bố như vậy là có thể nâng cao được trách nhiệm trong công vụ bởi đó mới chỉ là đề bài chứ chưa phải đáp số, mới chỉ là lời hứa chứ chưa phải hành động thực tế. Hứa như vậy thì người dân mới tin một nửa, họ chỉ hoàn toàn tin tưởng khi lời hứa ấy được thấy qua những hành động cụ thể, nhãn tiền của bản thân người hứa, kể cả hành động rời vị trí trong trường hợp sau 1 năm mà không hoàn thành nhiệm vụ. Trong bối cảnh chế độ công vụ của nước ta, điều quan trọng hơn là làm sao xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân bởi không thể yêu cầu một vị lãnh đạo nào đó phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những bất cập, thậm chí sai lầm mà bản thân họ không có quyền quyết định. Ở nước ta chưa có hình thức từ chức vì liên đới trách nhiệm như kiểu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải của một nước tuyên bố từ chức do đêm qua có một nhân viên lái tàu hỏa ngủ gật gây tai nạn đường sắt nghiêm trọng.

Một khi trách nhiệm cá nhân được xác lập rõ thì có thể không cần ký cam kết hoặc tuyên bố gì mà tinh thần trách nhiệm trong công vụ vẫn luôn được nâng cao.

Ông Nguyễn Công Hậu, nguyên cán bộ Ủy ban MTTQ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình:

Rất phấn khởi!

Sau khi làm cán bộ, trở về với cuộc sống đời thường, qua tìm hiểu, tôi nghe kể về nhiều chuyện cán bộ yếu năng lực, thiếu trách nhiệm mà vẫn được cất nhắc lên vị trí này, chức vụ nọ thì rất buồn. Sau khi có nghị quyết cam kết của các vị lãnh đạo tỉnh, tôi cũng như nhiều người dân rất phấn khởi, hy vọng vào một sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, tránh nhũng nhiễu, quan liêu.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình:

Thực sự là trọng trách

Là một trong 144 vị lãnh đạo vừa ký vào bản cam kết, tôi thấy việc ký cam kết thực sự là một trọng trách của những người làm lãnh đạo. Là người đứng đầu ngành y tế của tỉnh Quảng Bình, tôi sẽ cố gắng thực hiện các công việc và trách nhiệm đúng với những gì cam kết trước Đảng và nhân dân, qua đó sẽ nâng cao được ý thức và trách nhiệm trong việc quản lý cán bộ hơn. Nếu tôi và cán bộ cấp dưới không thực hiện đúng cam kết thì sẽ hoàn toàn chịu kỷ luật đúng như nội dung khi ký cam kết.

Sắp tới, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức một buổi lễ, triệu tập tất cả lãnh đạo các tuyến bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, các phòng - ban chuyên trách trực thuộc và sẽ ra một bản cam kết thực hiện trách nhiệm trong việc quản lý cán bộ, yêu cầu người đứng đầu phải ký vào bản cam kết với nhiều nội dung ràng buộc nhằm thực hiện tốt hơn trách nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân dân.

TS Phan Nhân Hòa, cán bộ hưu trí tại TP HCM:

Quá tốt!

Nếu cán bộ tỉnh Quảng Bình làm được như những gì cam kết thì tôi thấy quá tốt. Thực sự mà nói, lâu nay dân chúng và doanh nghiệp phàn nàn khá nhiều về đội ngũ cán bộ. Tất nhiên, những sự phàn nàn ấy, cân phân mà nói là có cái đúng, có cái sai nhưng đều có lý do của nó. Lãnh đạo Đảng, nhà nước trên các diễn đàn công khai cũng đã thấy điều này. Tuy nhiên, chỉnh sửa thế nào để có một nền công vụ đúng nghĩa phục vụ nhân dân thì không thể chỉ dừng ở các nghị quyết, đường lối ở tầm vĩ mô mà cần nhất là chính ở cơ sở. Nếu cơ sở xây dựng được đội ngũ công chức chất lượng, có trách nhiệm, bản lĩnh thì mới hy vọng có nền hành chính tốt. Tôi rất đồng tình với việc mà tỉnh Quảng Bình làm. Tuy nhiên, còn phải xem họ sẽ làm điều đó như thế nào trên thực tế.

H.Dũng - H.Phúc - L.Duy ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo