xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần nâng giá bồi thường đất nông nghiệp

QUÝ HIỀN

Dù Chính phủ đã quy định các khoản hỗ trợ thêm khi thu hồi đất nông nghiệp cao hơn rất nhiều nhưng giá bồi thường hiện nay vẫn quá thấp, dẫn đến các vụ khiếu kiện đất đai

“Giá đất ở để tính bồi thường chưa cụ thể và quá ngắn gọn. Cần xem xét lại giá bồi thường đất nông nghiệp tại các đô thị đặc biệt”. Đó là một trong những ý kiến được bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, đại biểu  HĐND TPHCM nêu ra tại hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do HĐND TPHCM tổ chức sáng 22-3.

img
Giá bồi thường đất nông nghiệp ở các đô thị đặc biệt nên tăng để phù hợp thực tế cuộc sống. Ảnh: HỒNG THÚY

Nên bằng 10%-20% giá đất ở

Nêu cụ thể khoản 1, điều 74 của dự thảo: “Giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất”, bà Lan cho là quá chung chung trong khi đây là vấn đề rất bức xúc của người bị thu hồi đất. Luật cần quy định cụ thể hơn, nhất là đối với việc xác định giá đất nông nghiệp để tính bồi thường tại các đô thị đặc biệt.
“Tại TPHCM, đa số vụ khiếu kiện đất đai đều liên quan đến giá bồi thường đất nông nghiệp. Giá bồi thường hiện nay quá thấp dù Chính phủ đã quy định các khoản hỗ trợ thêm khi thu hồi đất nông nghiệp” - bà Lan phân tích. Từ thực tế này, bà Lan kiến nghị Ban Soạn thảo dự thảo luật nên nghiên cứu giá bồi thường đất nông nghiệp tại  các đô thị  đặc biệt bằng từ 10%-20% giá đất ở. 

Cũng theo bà Lan, tại các đô thị đặc biệt như TPHCM, đa số diện tích đất nông nghiệp đã được đưa vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Hầu như việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là để chuyển mục đích thành đất ở hay đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Do đó, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn quy định nguyên tắc xác định giá đất để tính bồi thường theo mục đích sử dụng và thu nhập từ việc sử dụng đất là rất khó thực hiện trong thực  tế.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, đồng tình với  dự thảo Luật Đất đai sửa đổi khi dự thảo quy định giá bồi thường sát với giá thị trường. Tuy nhiên, ông Tín cho rằng: “Quy định này đúng nhưng chưa phù hợp trong trường hợp tổ chức đấu giá vì rất phức tạp”.  Ông Tín đưa ra ví dụ giá đất ở một con đường, theo giá thị trường là 10 triệu đồng/m2 nhưng nếu có một ngôi nhà đem đấu giá trúng giá 30 triệu đồng/m2, vậy lúc này toàn bộ con đường đó không còn là 10 triệu đồng mà trở thành 30 triệu đồng/m2. “Giá thị trường và giá đấu giá là 2 cái khác nhau. Đấu giá còn có yếu tố khác, kể cả đầu cơ” - ông Tín nói.

Phải linh động điều chỉnh

Trên cơ sở 2 phương án của bảng giá đất nêu tại điều 109 của dự thảo, bà Lan nhận định mỗi phương án đều có mặt ưu, nhược điểm riêng. Bà Lan đề xuất đối với trường hợp chủ đầu tư dự án đã tự thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng với người dân thì áp dụng bảng giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Đối với trường hợp đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc phải xác định lại cụ thể khi giao đất chỉ định.

Theo đại biểu Trần Hữu Trí, Chủ tịch UBND quận 6, giá đất không thể chỉ  được quy định một cách cứng nhắc như điều 108 của dự thảo “xây dựng định kỳ 5 năm một lần” mà phải điều chỉnh một cách linh động khi khu vực nào đó được Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chẳng hạn, cùng một khu vực nhưng  có một đường được Nhà nước bỏ tiền đầu tư xây dựng thì  giá đất ở khu vực mới cải tạo phải được điều chỉnh tăng lên. Thực hiện cách làm này sẽ mang lại sự công bằng cho người hưởng dụng và người chưa được hưởng dụng công trình.

Đưa quy định “trưng dụng, trưng mua đất” vào luật

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất của người có đất trong trường hợp khẩn cấp, với những dự án có tính chất đặc biệt, còn lại phải thực hiện “trưng dụng, trưng mua đất” của người dân mới thể hiện sự công bằng giữa Nhà nước với người có quyền sử dụng đất. Do đó, tại khoản 2, điều 12 phải đưa khái niệm “trưng dụng, trưng mua đất” vào bên cạnh khái niệm “thu hồi đất”. Công tác quản lý Nhà nước đối với việc “trưng dụng, trưng mua” như thế nào sẽ có cơ chế, chính sách riêng quy định. Liên quan đến điều khoản quy định về “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”, bà Tâm cũng đề nghị trong khoản 1, điều 83 phải đưa nội dung “tổ chức cuộc sống mới cho cộng đồng dân cư” bên cạnh việc “bố trí tái định cư” nhằm giải quyết tốt hơn việc chăm lo đời sống của người bị giải tỏa thu hồi đất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo