xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cha, con và 2 nghĩa trang liệt sĩ

Bài và ảnh: MẠNH DUY

Ông Nguyễn Văn Anh và con trai Nguyễn Thế Lâm như có duyên phận với 2 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất nước. Họ tình nguyện gắn cả cuộc đời với nơi yên nghỉ của hàng vạn người con ưu tú của Tổ quốc

Trong chuyến viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ nhân dịp 27-7 năm nay, chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Văn Anh, Phó Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Ông là người gắn bó lâu năm nhất với nghĩa trang này.
img
Ông Nguyễn Văn Anh

“Số phận sắp đặt”

33 năm coi sóc hơn 10.000 phần mộ liệt sĩ, ông Nguyễn Văn Anh cho rằng dường như số phận đã sắp đặt như thế với ông, một người từng tham gia Tỉnh đội Bình Trị Thiên. Gắn bó với công việc quản trang hàng chục năm nay, ông bảo mình đã góp được phần nào vào sự tri ân của cả dân tộc với các liệt sĩ.

“Hầu hết những liệt sĩ nằm lại nghĩa trang này đều mới tuổi đôi mươi, đa phần chưa có người yêu. Nếu không có chiến tranh thì đất nước đã không mất đi nhiều người con tài năng, ưu tú. Tuổi trẻ của chúng tôi trải qua chiến tranh nên thấm thía nỗi đau mất mát” - ông thổ lộ.

Dịp 30-4 hay 27-7 thường có hàng chục ngàn người đến viếng nghĩa trang mỗi ngày. “Mỗi năm có cả triệu người đến đây tri ân liệt sĩ. Gia đình liệt sĩ đến viếng thường đăng ký ngủ lại bởi một năm họ thường chỉ đến được một lần. Nhiều gia đình quê ở các tỉnh xa, ít có điều kiện đến thăm viếng thân nhân. Mỗi lần đến đây, họ đều bật khóc, nhờ cậy chúng tôi hương khói để linh hồn người thân mình bớt lạnh lẽo” - ông Nguyễn Văn Anh xúc động.

Dịp 27-7 này, đội ngũ quản trang ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn không có cả thời gian để ăn và nghỉ. Họ làm việc suốt ngày này sang ngày khác nhưng không ai thấy mệt nhọc. “Chúng tôi như có được một sức mạnh kỳ lạ vào những dịp này” - ông Nguyễn Văn Anh giải thích.

Những câu chuyện xúc động, thiêng liêng góp nhặt được khi làm việc ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn thường được ông Nguyễn Văn Anh mang về kể cho cả nhà nghe. Cậu con trai út Nguyễn Thế Lâm đã mê những câu chuyện ấy lúc nào không hay. “Từ khi làm quản trang ở Nghĩa trang Trường Sơn, tôi ít khi về nhà. Tôi không hề nghĩ đến việc đứa con trai út lại thích công việc của mình” - ông tâm sự.

Không xa được công việc

Mảnh đất Quảng Trị với nhiều đau thương, mất mát trong suốt những năm bom đạn sau này là nơi đặt 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia lớn nhất nước. Cách Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn 30 km là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Nếu như ở Nghĩa trang Trường Sơn, hầu hết phần mộ đều có tên tuổi thì ở Nghĩa trang Đường 9, hàng chục ngàn phần mộ chỉ có dòng chữ “Liệt sĩ - Chưa biết tên”. Đây là nơi chàng trai Nguyễn Thế Lâm đang làm công việc giống hệt cha mình đã bắt đầu 33 năm trước.

Nguyễn Thế Lâm nối nghiệp cha đã gần 3 năm nay. Chừng đó thời gian cũng đủ để chàng trai 26 tuổi hiểu rõ ý nghĩa và cả sự hy sinh nếu gắn bó với công việc này. Trò chuyện với chúng tôi, Lâm nhắc mãi trường hợp một người con liệt sĩ quê Thanh Hóa.

“Anh ấy sinh ra đã không biết mặt cha. Trong nhà anh không có bức ảnh nào của ông. Anh đành dựng bức ảnh truyền thần theo chân dung người bác để thờ cha. Bao năm nay, anh đã đi khắp Quảng Trị để tìm mộ cha nhưng không thấy. Khi tôi tỏ ra ái ngại, anh bảo: “Dù không tìm được cha thì anh cũng vẫn cứ đi tìm, bởi không muốn cha thấy con trai mình bỏ cuộc”. Năm nào anh ấy cũng đến đây 2 lần” - Lâm xúc động.

Lâm bảo anh nhắc đến câu chuyện người con liệt sĩ ở Thanh Hóa này là để nói rằng có thể cha anh không thực sự muốn con trai làm nghề quản trang khi còn quá trẻ. Tuy nhiên, Lâm đã lựa chọn và anh cũng yêu công việc này như cha.
img
Anh Nguyễn Thế Lâm (bìa trái) hướng dẫn du khách viếng mộ liệt sĩ

Ở 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia lớn nhất nước, hầu hết cán bộ, nhân viên quản trang đều là những người lớn tuổi, trẻ nhất cũng đã 35 tuổi. Vì thế, Nguyễn Thế Lâm là một trường hợp đặc biệt. “Thế hệ trẻ chúng tôi học được nhiều điều từ sự hy sinh của các liệt sĩ. Khi mới bắt đầu về đây, tôi không nghĩ mình sẽ gắn bó lâu nhưng càng làm càng cảm thấy không xa được công việc” - Lâm cho biết.

Hầu hết các quản trang đều công tác xa nhà, thời gian ở lại nghĩa trang nhiều hơn ở nhà. “Ở lại nghĩa trang, chúng tôi có thể mang lại sự ấm lòng cho những gia đình liệt sĩ đến thăm. Thân nhân liệt sĩ đến thăm khi ngủ lại đều tìm đến những người quản trang để tâm sự. Có những câu chuyện được kể đi kể lại từ năm này sang năm khác nhưng cả người kể và người nghe vẫn cứ khóc nấc khi nhắc lại” - Lâm bùi ngùi.

Ở Nghĩa trang Đường 9, năm nào cũng có thêm vài chục phần mộ liệt sĩ vô danh được quy tập về. “Trước mỗi đợt quy tập mộ liệt sĩ lớn, tôi đều mất ngủ nhưng sau đó lại được chứng kiến thêm nhiều câu chuyện xúc động” - Lâm tâm sự.

Việc chọn người

Ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, cho biết nơi này có đến 10.333 liệt sĩ yên nghỉ nhưng chỉ 12 người được nằm trong biên chế của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị.

Theo ông Ái, không phải ai cũng đủ kiên trì và cả cơ duyên để gắn bó với công việc quản trang lâu dài. Ông Ái đã gắn bó với Nghĩa trang Trường Sơn gần 20 năm nay nên hiểu rõ việc coi sóc mộ liệt sĩ vất vả thế nào. “Đôi khi chính công việc lựa chọn con người. Nhiều người không chịu được áp lực khi phải “làm bạn” với cả ngàn phần mộ nên đến làm việc chẳng bao lâu đã phải nghỉ” - ông Ái cho biết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo