Nguồn gốc và người có công “sinh” ra chữ Quốc ngữ, một đề tài được tiếp tục thảo luận sôi nổi từ các hội thảo ở Bình Định và Quảng Nam trong năm nay, theo quan sát của chúng tôi, cũng là câu chuyện cần bàn thêm bởi những lý do ngoài… khoa học!
Công lao của De Pina
Ai học tập và nghiên cứu ở miền Nam trước năm 1975 đều biết những công trình từ tài liệu gốc và xuất bản của các nhà nghiên cứu tiếng tăm như linh mục Thanh Lãng, Nguyễn Khắc Xuyên, Võ Long Tê, đặc biệt là linh mục Đỗ Quang Chính, công bố trong giai đoạn 1960-1972 đã cho thấy vai trò của cha đạo Francisco de Pina đối với chữ Quốc ngữ.
Linh mục Anton Nguyễn Trường Thăng (bìa phải) cung cấp nhiều thông tin, tư liệu mới về chữ Quốc ngữ và Dinh trấn Thanh Chiêm
Tại hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” tổ chức ở Quảng Nam mới đây, một đồng nghiệp của chúng tôi đã bày tỏ: “Rất tiếc là sau năm 1975, những bài báo, sách vở của các vị ấy không được quan tâm. Đến năm 2007, tác phẩm “Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659” mới được in lại nên bây giờ mới có nhiều người biết tới công lao của De Pina”.
Thật ra, chúng ta chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp nên sau năm 1945 vẫn dựa vào sách vở Pháp và coi Alexandre de Rhodes là cha đẻ của chữ Quốc ngữ. Trong hơn 15 năm trở lại đây, nhiều học giả, nhà nghiên cứu (phần lớn ở miền Nam) bắt đầu nêu lại vấn đề mà linh mục Đỗ Quang Chính từng công bố. Tại hội thảo lần này, đa số các “nghiên cứu” vẫn chỉ khai thác những tài liệu, tường trình từ hồ sơ lưu trữ của Giáo hội Công giáo đã được công bố, hoặc trích dẫn lời nói trong tác phẩm của Alexandre de Rhodes khi đề cập công lao của De Pina.
Ngoài công trình dài hơi và công phu của cha con ông Đinh Trọng Tuyên - Đinh Bá Truyền về chữ Quốc ngữ (đều sinh ra và lớn lên ở Thanh Chiêm, tài liệu được bổ sung nhiều tư liệu mới khi anh Truyền ra nước ngoài làm việc), các đại biểu dự hội thảo đều nhận thấy sự đóng góp của những nhà tu Công giáo: linh mục Anton Nguyễn Trường Thăng, đại diện Dòng Tên Nguyễn Hai Tính và Nguyễn Huy Hoàng. Họ vừa cung cấp những thông tin, tư liệu hoàn toàn mới, vừa củng cố cho các lập luận của đa số nhà khoa học tham dự hội thảo.
Thu hoạch hoa trái đã gieo
Linh mục Anton Nguyễn Trường Thăng đã ôn lại lịch sử truyền giáo tại Việt Nam khi người Nhật cấm đoán, xác định những năm tháng cụ thể mà các nhà truyền giáo đầu tiên Buzomi, Borri, De Pina được chúa Sãi cho vào Hội An (năm 1615), Thanh Chiêm (1616), Nước Mặn (1618) và được nhiều thương gia, tu sĩ người Nhật ở Hội An hỗ trợ.
Linh mục Anton Nguyễn Trường Thăng vẫn coi “nhất là De Pina và dàn đệ tử lừng lẫy” như De Rhodes, cùng các trung tâm Quốc ngữ Hội An, Nước Mặn và “nhất là Dinh trấn Thanh Chiêm”. Đáng chú ý, ông đã đề xuất tổ chức “ngày tôn vinh chữ Quốc ngữ tại Việt Nam và toàn thế giới”, được “UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới” và một bảo tàng chữ Quốc ngữ cho Việt Nam.
Trong khi đó, tham luận của hai tu sĩ Dòng Tên Nguyễn Hải Tính và Nguyễn Huy Hoàng đặc biệt hấp dẫn. Họ đưa ra tư liệu các thư tay lưu trữ của thừa sai Joao Roiz, linh mục Fontes và những thông tin khác của Dòng Tên. Họ đã cho thấy những tín đồ người Việt đầu tiên được Buzomi và De Pina rửa tội từ năm 1616 đến trước 1623 (khi lập nhà thờ Thanh Chiêm) ngay tại dinh trấn. Tường trình năm 1620 của Rois đã cho biết “công cuộc dạy giáo lý thứ 2 của De Pina là Caccham - nơi dinh hoàng tử, bằng tiếng của họ…”. Điều này phù hợp với tài liệu của linh mục Đỗ Quang Chính trước năm 1975 khi ông đề cập cuốn giáo lý bằng chữ Đàng Trong ở Hội An năm 1620 mà người có công đầu là linh mục De Pina.
Các tác giả nhận định: “Francisco de Pina sống và làm việc ở đâu đã góp phần cho việc khẳng định nơi ấy là chiếc nôi của chữ Quốc ngữ. Ta thấy rằng trong 8 năm đến Đàng Trong, De Pina có 2 năm ở Nước Mặn và 6 năm ở Hội An, Thanh Chiêm. Hội An và Thanh Chiêm lại chỉ cách nhau 7 km nên De Pina đến đó thường xuyên”. De Pina cũng từng viết như sau khi ông cho rằng Thanh Chiêm là nơi tốt nhất để học tiếng Việt: “Tại Kẻ Chiêm, tôi đã thu hoạch mọi hoa trái mà mình đã gieo năm ngoái qua biết bao cuộc tranh luận và thậm chí hơn thế nữa”.
Francisco de Pina bắt đầu học tiếng Việt tại Hội An, Thanh Chiêm với sự giúp đỡ của nhiều người Việt, người Nhật. Rồi ông giảng đạo, tranh luận bằng tiếng Việt và soạn các tài liệu truyền giáo bằng chữ Quốc ngữ tại đây. Mặc dù vậy, chúng ta có thể đồng ý với các nhà nghiên cứu rằng công cuộc này đã bắt đầu từ Hội An, Thanh Chiêm và mở rộng với một vùng địa lý lớn hơn trên vùng đất Quảng Nam Dinh, trong đó Thanh Chiêm vẫn là nơi quan trọng nhất. Nơi đó xứng đáng có bảo tàng chữ Quốc ngữ và đặt tượng đài của Francisco de Pina cùng “dàn đệ tử lừng lẫy của ông”, trong đó có Alexandre de Rhodes - người có công hệ thống hóa các công trình Quốc ngữ đầu tiên, được Giáo hội La Mã công bố sau đó.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-8
Kỳ tới: Bảo tồn, phát huy di sản
Bình luận (0)