xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi: Mẹ hay trường?

Nhóm PV Giáo dục

Hiện nay thời gian nghỉ sinh là 4 tháng, nhưng trẻ 3-4 tháng tuổi lại không được các trường mầm non tiếp nhận. Hệ thống trường mầm non hiện có đáp ứng được 80% nhu cầu lứa tuổi mẫu giáo (từ 3 tuổi trở lên) và xấp xỉ 20% lứa tuổi nhà trẻ

Con được 3 tháng cũng là lúc tôi phải đi làm lại nhưng tìm mãi không có nhà trẻ nào nhận vì họ nói cháu còn bé quá. Tôi đành phải giao cho người giúp việc trông con. Ở cơ quan ngày 8 giờ, lòng tôi cứ cảm thấy bất an” - chị Vinh Thùy, ngụ 88/18/7A Nguyễn Văn Quỳ, Q.7 – TPHCM, bày tỏ.

Đỏ mắt tìm trường

Đó là hoàn cảnh chung của những bà mẹ là cán bộ công chức, công nhân lao động sau khi sinh con. Nếu không có ông bà hoặc người thân trông cháu giúp, họ chỉ còn cách trông mong vào người giúp việc. Hiện nay, hầu hết các trường đều chỉ có lớp dành cho trẻ từ 18 tháng. Trong khi đó, quy định các trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đã có trong Luật Giáo dục năm 2005. Theo bà Ngô Thị Hợp, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ GD-ĐT, quy định này xuất phát từ nhu cầu thực tế, các bà mẹ chỉ nghỉ để sinh con trong 4 tháng. Do có thể nghỉ 1 tháng trước khi sinh nên nhiều bà mẹ phải đi làm trở lại khi con mới 3 tháng tuổi.

Quy định là như vậy nhưng thực tế hiện nay hầu như không có trường mầm non công lập nào nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Lý do, theo bà Lê Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: “Ở độ tuổi từ 3 tháng đến dưới 1 tuổi việc chăm sóc cháu rất vất vả, nguy hiểm và cần có nhiều cô”. Tại TPHCM, số lượng trẻ ở độ tuổi mầm non tăng cao, trường công lập không đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Thêm vào đó, quy định của Nhà nước không tiếp tục đầu tư xây dựng trường mầm non công lập nên các trường công lập không đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, đặc biệt là trẻ từ 3 tháng tuổi.

Bà Liên cho biết thêm: “Đối với các trường ngoài công lập, việc giữ trẻ từ 3 tháng tuổi rất nguy hiểm nên hầu như các trường không dám nhận. Nếu các trường nhận thì chi phí rất cao, nhiều phụ huynh là công nhân lao động không thể đáp ứng được”. Tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nữ công nhân sau khi sinh con thường gửi về quê cho ông bà trông giúp là vì vậy.

Về phía các trường, khó khăn khi nhận trẻ nhỏ tháng ngoài nguyên nhân cơ sở vật chất còn là đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, khi nuôi các cháu nhỏ, các trường phải bảo đảm có một y tá hoặc bác sĩ, vấn đề này không phải trường nào cũng làm được.

Phụ huynh lo lắng

Tại Hà Nội, có một trường mầm non đi tiên phong trong việc nhận trẻ từ 3 tháng tuổi sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định các trường phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi (ngày 7-4-2008), đó là Trường Mầm non Hoa Sen. Bà Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đã thông báo nhận hồ sơ của các cháu lớp sữa (3 tháng) cho năm học mới 2008-2009. Nếu nhận được 15-20 đơn của phụ huynh, trường sẵn sàng mở một lớp sữa vì trước đây (giai đoạn 1979-1988), trường đã từng nhận trẻ từ 3 đến 36 tháng, tuy nhiên sau này phụ huynh không gửi con bé nên những lớp sữa mất dần và trường chỉ nhận trẻ từ lớp cháo (12 tháng tuổi) trở lên. Bà Tâm cũng cho biết thêm, song song với việc nhận đơn, nhà trường đã lên kế hoạch cho các cô giáo lớn tuổi (thậm chí là mời các cô đã nghỉ hưu) nhiều kinh nghiệm kèm các cô giáo trẻ trông cháu, trung bình một cô sẽ nhận khoảng 5 cháu, các cô sẽ tham dự lớp tập huấn chế độ chăm sóc đặc biệt với việc cho các cháu uống sữa và ăn dặm.

Đến thời điểm ngày 30-5, Trường Mầm non Hoa Sen mới chỉ nhận được đơn xin học của 6 cháu lớp sữa/265 đơn của phụ huynh. Điều này có nghĩa là việc mở lớp cho trẻ bé ở trường Hoa Sen năm nay sẽ không thực hiện được. Giải thích về con số ít ỏi này, bà Tâm cho rằng ở thành phố lớn, hầu hết các gia đình có điều kiện không gửi con quá bé vì tâm lý ngại đi lại, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Còn với những gia đình có thu nhập trung bình thì lại phải tính toán làm sao để cân đối tài chính vì trẻ lứa tuổi này phải có một chế độ chăm sóc đặc biệt nên chi phí sẽ tốn kém hơn rất nhiều lứa tuổi mẫu giáo. Thông thường, mức học phí cho các trẻ lớp sữa phải dựa trên sự thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh.

Nên tăng thời gian nghỉ sinh

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi lớp cho lứa tuổi từ 3 tháng đến 12 tháng chỉ bao gồm tối đa 15 cháu và để tổ chức nuôi cháu từ 3 tháng tuổi thì mỗi cô chỉ trông từ 3 đến 5 cháu và phòng phải đủ tiêu chuẩn... Tuy vậy, phụ huynh vẫn chưa yên tâm. Chị Vinh Thùy nói: “Cơ sở vật chất là một chuyện nhưng cô giáo trông trẻ phải là người có kinh nghiệm. Ở nhà nhiều người chăm sóc mình còn chưa yên tâm huống hồ là một cô mà phải trông nhiều cháu”.

Chị Thùy Hương, ngụ tại 280/120/19 Bùi Hữu Nghĩa, Q. Bình Thạnh – TPHCM, than thở: “Dù nhà trẻ có nhận từ 3 tháng tuổi tôi cũng không thể gửi con được vì bé còn bú mẹ. Ngành y tế khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng nhưng sinh được 4 tháng lại phải đi làm thì thật tréo ngoe”.

Vất vả với việc trưa nào cũng phải tranh thủ từ cơ quan chạy về nhà cho con bú, chị Vinh Thùy đề nghị: “Nên tăng thời gian nghỉ sinh lên 6 tháng để bà mẹ chăm sóc tốt nhất cho con trong những ngày đầu của cuộc đời”.

Trao đổi với chúng tôi ngày 30-5, đại biểu Trương Thị Thu Hằng, thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “Việc tăng thời gian nghỉ sinh của phụ nữ lên 6 tháng hoặc 1 năm là rất tốt. Thời gian trước cũng đã có quy định này, nếu khôi phục lại rất có lợi cho sức khỏe của cả mẹ và con. Tại các nước phát triển, họ quy định thời gian hậu sản là 12-24 tháng. Vì vậy, Nhà nước cần cân nhắc xem xét quy định về thời gian nghỉ hậu sản là 6-12 tháng”.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Tăng cường xã hội hóa giáo dục mầm non

Đúng là quy định các trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi chưa phù hợp năng lực của các trường hiện nay. Nhưng khi xây dựng một quy chế, cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ tính toán trong khuôn khổ những gì đang có mà phải căn cứ vào yêu cầu phục vụ xã hội để đề ra việc phải làm. Vấn đề là sau khi ban hành quy định, Bộ GD-ĐT cần có những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các trường mầm non để các trường thực hiện được quy định đó. Bên cạnh đầu tư công, theo tôi nên chú ý huy động sự tham gia của xã hội, cụ thể là phát triển các nhóm trẻ gia đình.

Trong lúc các trường chưa đủ năng lực nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, hệ thống nhóm trẻ gia đình chưa phát triển và đồng lương của người lao động còn eo hẹp, chưa đủ trang trải cho việc gửi con nhỏ, chúng ta nên nghĩ đến việc kéo dài thời gian nghỉ sinh của phụ nữ lên 6 tháng như đã từng thực hiện trước đây. Quy định này có thể “làm khó” cho một số cơ quan, doanh nghiệp. Trong trường hợp cơ quan, doanh nghiệp không thể thực hiện được quy định đó, họ có thể trả cho người lao động khoản trợ cấp nhất định để mượn người chăm con.

Trẻ em là tương lai của đất nước, của mỗi gia đình. Chúng ta mong muốn có thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công tác chăm sóc trẻ. Nhưng hoàn cảnh kinh tế đang còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, theo tôi, nên tăng cường xã hội hóa để xã hội và mỗi gia đình chia sẻ với Nhà nước trong sứ mạng trọng đại là chăm sóc con em mình.

M.Nam ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo