xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chặn tin nhắn rác, người dùng vạ lây

Bài và ảnh: CHÁNH TRUNG

Đề xuất áp dụng hạn mức 50 tin nhắn/ngày nhằm ngăn chặn tin nhắn rác đã gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu kỹ để tránh ảnh hưởng đến người dùng thuê bao di động

Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cho biết dự thảo “Tiêu chí hướng dẫn phát hiện, ngăn chặn và quy định về xử lý thuê bao phát tán tin nhắn rác” đã đưa ra khái niệm về hạn mức tin nhắn. Hạn mức này sẽ do Bộ TT-TT quy định và có thể được điều chỉnh theo từng thời kỳ cho phù hợp.

Tạm thời chưa áp dụng

Hạn mức tin nhắn được đề xuất cụ thể: 5 tin/phút, 20 tin/giờ hoặc 50 tin/ngày. Thuê bao có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức phải đăng ký với doanh nghiệp (DN) viễn thông di động cung cấp dịch vụ. Chủ thể đăng ký dịch vụ tin nhắn vượt hạn mức phải là chủ thuê bao điện thoại di dộng (ĐTDĐ).

Việc đăng ký dịch vụ tin nhắn vượt hạn mức phải được chủ thuê bao thực hiện trực tiếp tại điểm đăng ký thông tin thuê bao hoặc theo hướng dẫn cụ thể của DN, bảo đảm tuân thủ đúng Thông tư 04/2012 của Bộ TT-TT. Theo Cục ATTT, đây là biện pháp nhằm hạn chế tin nhắn rác đang hoành hành và gây bức xúc cho xã hội.

Tuy nhiên, đại diện nhà mạng Viettel cho rằng không nên đặt hạn mức với khách hàng vì nhiều người nhắn rất nhiều tin trong ngày. “Một học sinh nhắn 200-300 tin mỗi ngày là bình thường. Nếu phải đăng ký vượt hạn mức tin nhắn thì nhiều người dùng ĐTDĐ sẽ bị ảnh hưởng” - vị này bày tỏ.

Đại diện các nhà mạng Vinaphone, MobiFone… cũng cho rằng việc áp dụng hạn mức tin nhắn để chống tin nhắn rác sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến một số nhóm người dùng là khách hàng của DN. Hơn nữa, khách hàng bình thường ít khi nhắn tin vượt hạn mức nên nếu bắt họ đăng ký thì sẽ rất phiền hà. Nếu buộc phải áp dụng, nhà mạng đề xuất nên cho phép thuê bao nhắn tin đăng ký hoặc hủy đăng ký vượt hạn mức. Ngoài ra, nên quy định về tần suất nhắn tin thay vì hạn mức tin nhắn. Thuê bao không thể nhắn quá 30 tin/phút nên có thể áp dụng tần suất này để thử nghiệm chặn tin nhắn rác.

Vì còn nhiều vấn đề chưa phù hợp nên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng đã yêu cầu Cục ATTT và các đơn vị liên quan tạm thời chưa áp dụng hạn mức tin nhắn để chống tin nhắn rác. Song, các DN viễn thông vẫn phải có văn bản đề xuất hạn mức tin nhắn cụ thể theo phút, giờ. Trên cơ sở đó, Bộ TT-TT sẽ tập hợp để đưa ra quyết định cuối cùng trong thời gian tới.

 

Tin nhắn rác luôn là nỗi ám 
ảnh với 
người dùng 
điện thoại
di động
Tin nhắn rác luôn là nỗi ám ảnh với người dùng điện thoại di động

 

Nên kết hợp nhiều giải pháp

Theo nhiều chuyên gia viễn thông, với việc tin nhắn rác ngày càng biến tướng phức tạp, tinh vi thì cần phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau - từ kỹ thuật đến xử lý, xử phạt - mới có thể ngăn chặn. Đặc biệt, phải chú trọng quản lý thuê bao ĐTDĐ trả trước và sim rác  - “nguồn cơn” của tin nhắn rác.

Tại buổi họp báo mới đây, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, nhìn nhận: “Để giải quyết tận gốc tình trạng phát tán tin nhắn rác, chúng tôi cho rằng phải tập trung quản lý cho bằng được thuê bao di động trả trước. Đồng thời, nhà mạng phải cương quyết xử lý các trường hợp phát tán tin nhắn rác; áp dụng giải pháp kỹ thuật để chặn triệt để tin nhắn rác theo từ khóa, tần suất nhắn tin hằng ngày… Sở sẽ phối hợp với các quận - huyện để kiểm soát đăng ký thuê bao di động trả trước”.

Về việc dùng hạn mức tin nhắn, các chuyên gia cho rằng nên cân nhắc kỹ, nếu triển khai thì phải có quy định cụ thể, riêng biệt để phù hợp với từng cá nhân người dùng và DN. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng “chặn nhầm hơn bỏ sót” khiến nhiều người dùng bị vạ lây. Chuyện này từng xảy ra vào đầu năm 2015, khi nhiều người dùng phản ánh đã bị một số nhà mạng chặn nhầm do nghi ngờ vì nhắn tin quá nhiều.

 

Cần quản chặt sim rác

Ông Hoàng Phú Nam, Giám đốc Công ty Di động Sao Việt, cho rằng để chặn tin nhắn rác, tốt nhất là nên quản lý chặt và xử lý sim rác. “Không ở đâu mà người ta có thể mua, sử dụng sim rác một cách thoải mái như tại Việt Nam. Việc có thể dùng sim số tràn lan, thoải mái đã tạo cơ hội cho những kẻ phát tán tin nhắn rác lộng hành” - ông Nam nhận xét.

Theo ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Phó Giám đốc Công ty Emerald Digital Marketing, tin nhắn rác đa phần là quảng cáo sản phẩm, dịch vụ. Những tin nhắn rác này là biến tướng của hình thức SMS Marketing, xuất phát từ các DN. “Những DN này đã nhắn tin hàng loạt với số lượng rất lớn từ các thiết bị chuyên dụng đến khách hàng mà không hề được họ đồng ý. Đó là những đơn vị phát tán tin nhắn rác hàng đầu hiện nay. Do vậy, cần phải có biện pháp xử lý các DN dạng này thì mới giảm được tin nhắn rác” - ông Thành nhìn nhận.

Trong khi đó, chủ một DN kinh doanh mắt kính tại TP HCM cho biết thường sử dụng hình thức SMS Marketing để nhắn tin đến khách hàng - những người đã đồng ý nhận tin nhắn - khi có sản phẩm mới, khuyến mãi. “Những dịp như thế, trong vòng vài phút, chúng tôi nhắn hàng ngàn tin thông báo đến hàng ngàn người. Nếu áp dụng hạn mức tin nhắn thì rất khó cho chúng tôi trong việc thông tin, quảng bá đến khách hàng. Do vậy, nếu áp dụng hạn mức thì phải quy định rõ ràng, theo từng đối tượng riêng biệt… để tránh gây khó khăn cho DN chân chính” - vị này mong mỏi.

C.Trung

 

Đánh nhầm chỗ

Tin nhắn rác với nội dung tạp nhạp đến ở mọi nơi, vào mọi lúc gây phiền nhiễu cho người sử dụng ĐTDĐ. Ngăn chặn, xử lý hành vi quấy rối này là việc thuộc trách nhiệm của nhà chức trách. Song, ngăn chặn bằng đặt ra một mức trần cho việc khai thác năng lực phục vụ của nhà mạng lại là điều kỳ cục. Ở đây dường như có sự nhầm lẫn về đối tượng quản lý.

Gửi tin nhắn được hiểu trước hết là việc sử dụng dịch vụ, tiện ích do nhà mạng cung ứng. Quan hệ giữa người thuê bao và nhà mạng là quan hệ thuần túy kết ước giữa các tư nhân. Nội dung của quan hệ như thế nào là do 2 bên tự quyết định theo nguyên tắc tự nguyện và tự do với điều kiện tôn trọng trật tự xã hội, đạo đức xã hội.

Theo logic đó thì việc mỗi thuê bao được gửi tối đa bao nhiêu tin nhắn trong một khoảng thời gian là chuyện của 2 bên, đúng hơn là kết quả của sự thương lượng, thỏa thuận bình đẳng và sòng phẳng giữa 2 bên. Nhà chức trách không thể, cũng không nên can thiệp.

Gửi tin nhắn đến một địa chỉ nào đó là một quan hệ khác - quan hệ giữa người gửi và người nhận. Để quan hệ được xác lập và vận hành suôn sẻ thì chỉ sáng kiến, động thái của người gửi là không đủ mà cần có sự đồng ý, chấp nhận của người nhận. Gửi cái người ta không muốn nhận trở thành một việc làm mang tính quấy nhiễu.

Chính loại quan hệ thứ hai này mới cần được sự quan tâm điều chỉnh của luật pháp, sự quản lý của nhà chức trách. Ngay từ khi ĐTDĐ có chức năng gửi và nhận tin nhắn được giới thiệu, người ta đã phát hiện được sự khác biệt giữa gửi tin nhắn và gọi điện thoại. Người nhận điện thoại mà không muốn nghe thì chỉ cần cúp máy, còn người nhận tin nhắn mà không muốn thì… trước tiên cũng phải nhận; có ngăn được số này bằng cách sử dụng dịch vụ ngăn chặn thì người gửi lại dùng số khác để gửi.

Nguy cơ lợi dụng dịch vụ nhắn tin để gửi tin nhắn rác không chỉ xuất hiện ở Việt Nam nhưng ở các nước tiên tiến, người ta có cách ngăn chặn hữu hiệu. Không phải như người ta ném vung vãi đồ vật vào đám đông, tình cờ trúng ai thì người đó chịu, người gửi tin nhắn chỉ có thể gửi đến số điện thoại đã biết trước. Bởi vậy, để ngăn chặn tin nhắn rác, các số ĐTDĐ phải được bảo mật. Đây rõ ràng là việc thuộc trách nhiệm của nhà mạng.

Luật pháp các nước có những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc ràng buộc nhà mạng vào nghĩa vụ bảo đảm tính riêng tư, bí mật của số điện thoại cung cấp cho khách hàng. Những cuộc gọi, tin nhắn được gửi từ các số điện thoại không quen biết với tần suất không bình thường được ghi nhận như là dấu hiệu của việc để lộ thông tin về số điện thoại của khách hàng.

Thông thường, người có số điện thoại bị lộ không tự mình khiếu nại với nhà mạng mà báo cho hội bảo vệ người tiêu dùng. Hội có thể tiến hành điều tra và nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm trên diện rộng thì có quyền khởi kiện nhà mạng nhân danh tập thể hội viên. Một vụ kiện như thế có thể khiến nhà mạng đứng trước nguy cơ nhận lấy trách nhiệm bồi thường rất nặng nề, thậm chí lâm cảnh tán gia bại sản. Chính nguy cơ ấy khiến nhà mạng không dám lơ là, mất cảnh giác trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo mật thông tin về khách hàng do luật quy định.

Nguyễn Ngọc Điện

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo