xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chiếc nôi nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng và đạo đức làm người

Ngọc Dung - Lan Anh

50 năm qua đi, những học sinh miền Nam, bé thơ nhỏ dại ngày nào giờ đã trở thành ông bà nội, ngoại, nhưng tinh thần và tình cảm vẫn rộng mở, trẻ trung chất “học sinh miền Nam”

Sáng 14-11, lễ kỷ niệm 50 năm trường học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc đã được Bộ GD-ĐT, UBND TP Hà Nội và Ban Liên lạc HSMN tổ chức thật cảm động tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Trong cái nắng vàng nhẹ rất đặc trưng của mùa thu Hà Nội, hơn 1.500 đại biểu đại diện cho các thế hệ thầy cô giáo, các cựu HSMN trên đất Bắc đã cùng ôn lại những kỷ niệm buồn vui của những ngày học tập tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa 50 năm trước...

20 năm, nuôi dạy gần 30.000 học sinh

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đã ôn lại nhiều kỷ niệm của những ngày học tập và rèn luyện của các cựu HSMN trên đất Bắc. Năm 1954, thi hành Hiệp định Genève, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cùng gia đình từ miền Nam đã tập kết ra Bắc. Ngay lúc đó, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chủ trương thành lập các trường HSMN trên đất Bắc nhằm chăm lo, tạo điều kiện nuôi dưỡng, học hành đối với con em các đồng chí, đồng bào đã và đang chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng, đồng thời chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và xây dựng đất nước. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong suốt hơn 20 năm (1954- 1975), Chính phủ và nhân dân miền Bắc đã dành những gì tốt đẹp nhất ở thời kỳ ấy để nuôi dạy gần 30.000 con em cán bộ, bộ đội, gia đình có công với nước của đồng bào miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau. Gần 30 trường HSMN, các lứa tuổi từ mẫu giáo Kim Đồng đến phổ thông cấp I, II, III được xây dựng ở miền Bắc và nước bạn Trung Hoa. Đây là những chiếc nôi nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện về kiến thức, văn thể mỹ về lý tưởng cách mạng và đạo đức làm người. Nhiều đồng chí đã trưởng thành và giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ sở kinh tế, văn hóa, khoa học của các tỉnh, TP miền Nam hiện nay...

Hồi ức về những mái trường mang tên số, tên quê

Ông Bùi Thiềm, kỹ sư đường sông, cho biết bạn bè ông tại Trường ĐH Bách khoa khóa 6 nay đều đã cao tuổi nhưng đều cố gắng về Hà Nội dự lễ kỷ niệm. Xúc động trước cuộc gặp gỡ này, thầy giáo Lê Ngọc Lập (Thanh Hóa), người đã dành cả thời thanh xuân của mình với các trường HSMN, nhớ lại: “Dưới mái trường HSMN, tuổi trẻ của học sinh và nhiều thầy cô giáo đã qua những năm tháng xa cha mẹ, anh chị em, người thân, bạn bè, xa quê hương yêu dấu của mình trong cảnh đất nước bị chia cắt. Chúng tôi đã dựa vào nhau để sống, chia sớt với nhau nỗi đau buồn cùng kiệt khi nhận được tin người thân hy sinh từ quê nhà. Những gian khó một thời đã làm cho thầy trò gắn bó với nhau hơn. Chúng tôi vừa là thầy và trò, vừa là bạn trong gian khó cho nên không bao giờ quên nhau được. Khẩu hiệu “Tất cả vì HSMN thân yêu” đã trở thành mệnh lệnh của trái tim mỗi chúng tôi, thôi thúc chúng tôi toàn tâm, toàn ý dạy dỗ học sinh thật tốt và phấn đấu nâng cao năng lực của mình”. Những dòng hồi tưởng của thầy Lập đã khiến nhiều người gần như khóc khi nhớ về những mái trường mang tên số (1, 4, 8, 13, 14...), mang tên người (Nguyễn Văn Bé, Võ Thị Sáu) hay mang tên đất quê hương (Bến Tre...).

Kỷ niệm theo suốt cuộc đời

Khẳng định về nền giáo dục tuyệt vời mà HSMN đã được hưởng trong thời gian này, cô Ngô Thị Kiều Nhi, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, tâm sự: Lên 9 tuổi tôi được chuyển đến học tập ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, sau 3 năm tôi trở về Hà Nội. Sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên thầy cô giáo và bà con rất thương yêu, tôi đã được thầy Bình dạy văn ở trường cấp II Nguyễn Trãi nhận làm con nuôi. Mấy chục năm trôi qua, chúng tôi đã lớn lên, trưởng thành, có mặt khắp mọi miền Tổ quốc, đã làm việc và luôn gắng sức mình vào sự nghiệp giải phóng đất nước nhưng những kỷ niệm của quãng thời gian đó đi suốt trong cuộc đời tôi.

---------------------

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh:

Xây dựng nền giáo dục của dân, do dân, vì dân

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục chỉ đạo xây dựng nền giáo dục của dân, do dân và vì dân. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh thêm một số vấn đề gồm:

Thứ nhất, vấn đề nhận thức về xã hội hóa giáo dục: Xã hội hóa giáo dục không chỉ nhằm huy động nhân dân đóng góp tiền của mà xây dựng nhà trường gắn bó với cha mẹ học sinh, sinh viên với cộng đồng, với xã hội, thể hiện cho được tư tưởng giáo dục là của dân, do dân, vì dân.

Thứ hai, vấn đề xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Cần nhận thức rõ rằng giáo viên không chỉ là cán bộ giáo dục mà còn là cán bộ chính trị, khoa học kỹ thuật, cán bộ dân vận của Đảng, nhất là ở các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, phải coi việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, cơ cấu, cân đối theo vùng, miền, ngành, nghề, theo hướng “vừa hồng, vừa chuyên”, phù hợp với yêu cầu phát triển lâu dài của sự nghiệp giáo dục.

Thứ ba, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục: Phân cấp mạnh mẽ và tạo điều kiện để UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm cụ thể hóa các chính sách giáo dục ở địa phương. Phân cấp mạnh hơn các trường đại học để các trường này phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm đào tạo, tài chính, nhân sự. Chú trọng công tác thanh tra giáo dục, nhanh chóng khắc phục các hiện tượng tiêu cực đang gây nhiều lo lắng trong xã hội như dạy thêm, học thêm tràn lan, gian dối trong cấp phát, sử dụng văn bằng...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo