Ở số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, đoạn đối diện Bến xe Miền Đông (phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM) và một số tuyến đường như Mai Chí Thọ (quận 2), Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân),... bỗng dưng thành bến cóc cho xe dù hoạt động. Ai nhìn cũng thấy nhưng xem ra cơ quan chức năng lại... chịu thua!
Thách thức
Ngày 16-7, có mặt ở bãi xe tại địa chỉ 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, chúng tôi chứng kiến hàng chục xe khách mang biển kiểm soát của các tỉnh miền Trung liên tục ra vào đón - trả khách, trong khi nơi này chỉ đăng ký kinh doanh dịch vụ giữ ô tô. Không những đón - trả khách như các bến xe bình thường, ở đây còn tiếp nhận vận chuyển các loại hàng hóa, hành lý ký gửi từ TP HCM về các tỉnh thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và ngược lại. Đáng nói, 2 bến cóc này đã tồn tại trong nhiều năm qua, các lực lượng chức năng đã nhiều lần kiểm tra nhưng không biết vì sao vẫn cứ vô tư hoạt động (!?).
Cách 2 bến cóc trên không xa, trên đường Nguyễn Xí, cũng thuộc quận Bình Thạnh, từ nhiều năm nay tồn tại một bến cóc hoạt động như bao bến được cấp phép khác. Hằng ngày, riêng bến này cũng có không dưới 50 chuyến xe ra vào.
Trong khi những bến cóc trên tồn tại trái phép nhiều năm chưa được xử lý thì thời gian gần đây, nhiều bến cóc mới lại vô tư mọc lên, thách thức các cơ quan chức năng.
Cụ thể, người dân sống trên địa bàn quận 2 ngỡ ngàng khi chứng một bến cóc mới mọc lên, hoạt động ngang nhiên. Bến nằm ngay trên đường Trần Não (gần cầu Cá Trê 1). Theo ghi nhận, đây là bến của hãng xe Toàn Thắng. Hằng ngày có đến hàng chục chuyến xe ra vào bến để đón - trả khách, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Điều đáng nói, bến này nằm ngay dưới dốc cầu nên càng trở nên nguy hiểm, nhất là vào giờ cao điểm. Theo một tài xế của nhà xe này, đây là bến tạm để xe vào tập kết, tránh phải chạy lòng vòng ngoài đường tốn xăng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bến này không hề được cấp phép, vậy mà vẫn vô tư hoạt động như chốn không người.
Tại địa chỉ 24B Nguyễn Thị Định, phường Bình Trưng Tây, quận 2 cũng vừa mọc lên một bến cóc mới. Hằng ngày cũng có hàng chục chuyến xe ra vào đến đón - trả khách, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Chồng chéo trách nhiệm
Nói về bến cóc tại địa chỉ 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, thừa nhận có thực trạng đón - trả khách sai quy định tại 2 bãi giữ xe nói trên. Tuy nhiên, ông Minh cho biết do thanh tra giao thông (TTGT) không đủ thẩm quyền vào bên trong 2 bãi xe này nên rất khó xử lý (!?).
“Để giải quyết các bến này cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương và lực lượng công an chứ không chỉ riêng TTGT. Hiện sở đang chỉ đạo thanh tra phối hợp với chính quyền địa phương tìm cách xử lý 2 bến xe lậu này theo đúng quy định” - ông Minh cho biết.
Theo UBND quận 2, các bến cóc mọc trên địa bàn quận này đang từng ngày, từng giờ gây mất an ninh trật tự, đe dọa an toàn giao thông. Quận này kiến nghị phải xử lý ngay. Trong khi đó, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, cho rằng: Một số nhà xe như Toàn Thắng, Hoa Mai có tuyến cố định từ TP HCM đến Vũng Tàu, hành trình được phép chạy trên đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ. Do đó, những doanh nghiệp này tiến hành đón - trả khách trên hành trình của họ khiến Thanh tra Sở GTVT TP rất khó xử lý. “Nếu xe đón - trả khách trong khoảng thời gian cấm dừng, đỗ thì chúng tôi vẫn xử lý vi phạm bình thường. Tuy nhiên, trường hợp các xe trung chuyển khách đến những nơi không có biển cấm hoặc ngoài thời gian cấm dừng, đỗ thì TTGT không được phép xử phạt” - ông Việt cho biết.
Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM cho biết đã lập biên bản xử lý nhiều trường hợp xe khách dừng, đỗ, đón - trả khách không đúng quy định tại khu vực ra vào 2 bến cóc tại địa chỉ 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh. “Việc vào trong bến để kiểm tra, xử lý thì CSGT không có thẩm quyền. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện các phương tiện vi phạm, chúng tôi đều tiến hành xử lý nghiêm” - một lãnh đạo PC67 cho biết.
Phải nhờ đến Bộ Giao thông Vận tải
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho rằng: Về lâu dài, Sở GTVT TP sẽ làm việc với Vụ Vận tải - Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh một số thông tư nhằm làm rõ thế nào là xe chạy hợp đồng, xe chạy tuyến cố định. “Từ cơ sở này mới có thể xử lý triệt để được xe dù, bến cóc” - ông Lâm nhấn mạnh.
Bình luận (0)