Những ngày qua, người dân ở một số xã của huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên rất bất an khi liên tục xuất hiện nhiều chó dại cắn người. Những con chó này cắn hàng trăm con chó của người dân đang nuôi, lây lan bệnh dại.
Người dân lo lắng
Bên cầu Long Phú bắc qua đầm Ô Loan, nơi thường tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống và bán nhiều đặc sản tươi sống của tỉnh Phú Yên, những ngày qua vắng hoe khách du lịch. “Lịch trình của chúng tôi khi đến Phú Yên là sẽ đến đầm Ô Loan ăn hải sản. Khi đến nơi, nghe bạn bè nói vùng ấy chó dại nhiều nên ngại quá, đành thôi” - Lê Văn Vinh, một du khách đến từ huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, cho biết.
Xã An Cư, huyện Tuy An được cho là nơi phát hiện có người bị chó dại cắn đầu tiên. Cuối tháng 2-2016, một con chó xuất hiện trên đường làng ở thôn Tân Long, gặp bất kỳ ai cũng đuổi cắn. “Trên đường từ chợ Tân Long trở về, tôi bất ngờ bị một con chó lớn ngoạm vào chân. Mắt nó long lên sòng sọc, đỏ ngầu. Khi tôi vùng vẫy kêu cứu, nó mới bỏ chạy, nước dãi nhỏ xuống đường, không sủa tiếng nào” - bà L.T.T, một người dân nơi đây, kể.
Con chó này sau đó tiếp tục cắn 1 học sinh trên đường đi học về và 4 người khác. Sau khi cắn thêm một số chó nuôi, con chó này đã bị người dân đánh chết. Kết quả xét nghiệm cho thấy con chó bị bệnh dại. Sáu người bị cắn phải vào Viện Pasteur Nha Trang để tiêm ngừa.
Nguy hiểm hơn khi cũng tại đây, ngày 27-4, một con chó dại đã cắn 1 người và 13 con chó khác. “Tôi lo lắm. Cả tháng nay, 2 con chó nuôi ở nhà đã nhốt lại nhưng mỗi khi đi ra đường là phải nhìn trước nhìn sau, không biết chó dại xông ra cắn lúc nào. Tôi cũng hạn chế cho mấy đứa cháu ra đường chơi vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra” - ông Lê Minh Chánh, một người dân ở xã An Cư, lo ngại.
Qua số liệu của các cơ quan chức năng, 2 tháng qua, tại tỉnh Phú Yên đã có khoảng 250 người bị chó cắn. Chỉ riêng huyện Tuy An, đã xác định có đến 28 người bị chó dại cắn. Chó dại cũng cắn 6 con bò và 71 chó nhà chưa bị bệnh nhưng các ngành chức năng chỉ mới tiêu hủy hơn 20 con chó dại. Theo ông Giáp Văn Thức, Phó trưởng Trạm Thú y huyện Tuy An, bệnh dại của chó giờ đã lan sang 6 xã và thị trấn của huyện Tuy An, gồm An Cư, An Thạch, An Ninh Tây, An Nghiệp, An Hiệp và thị trấn Chí Thạnh.
Chưa công bố dịch
Ông Trần Văn Đồng, Bí thư Đảng ủy xã An Cư, cho biết người dân đang rất lo lắng về tình trạng chó dại ngày một nhiều. Tất cả chó dại cắn người và động vật bị phát hiện đều không có người nhận là chủ. Trái lại, người dân nơi đây khẳng định những con chó dại trên của chính người dân trong xã nuôi. Khi lên cơn dại, cắn người, chủ chó sợ bồi thường nên không dám nhận.
Nhằm ngăn chặn tình trạng đáng lo này, UBND huyện Tuy An đã xuất 50 triệu đồng để hỗ trợ cho các xã, thị trấn tổ chức truy bắt, tiêu hủy chó dại và tiêu độc, khử trùng những nơi có chó dại xuất hiện. “Chúng tôi đã cố gắng hạn chế tình trạng chó dại lan ra diện rộng. Riêng về việc tiêm phòng cho chó không thuộc diện được hỗ trợ nhưng bắt buộc chó nuôi phải được tiêm phòng” - ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, nói.
Tuy vậy, ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên, thông tin số chó được tiêm phòng ở huyện Tuy An chưa đến 5.000 con, chiếm khoảng 60% đàn chó nuôi ở huyện này. Đối với những huyện, thị lân cận có nguy cơ bị lây lan bệnh dại, dù đã vận động nhưng số chó được tiêm phòng cũng chỉ hơn 15%.
“Bệnh dại là một loại bệnh thần kinh nên mỗi khi trời nắng nóng dễ phát sinh. Khi một con chó dại cắn những con chó khác sẽ lây bệnh và cứ thế nhân rộng. Theo quy định chỉ cần có 1 người tử vong do bệnh dại thì phải công bố dịch. Cho đến nay, tại địa phương chưa phát hiện ai tử vong do bị chó dại cắn nên chúng tôi chưa công bố dịch” - ông Nhĩ cho hay.
Không có thuốc đặc trị
Theo tài liệu của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh dại hiện nay chưa có thuốc đặc trị và gần như gây tử vong 100% trên người. Ông Đào Lý Nhĩ cho rằng chỉ có một cách để bảo đảm tính mạng là sau khi bị chó cắn (dù chưa biết dại hay không), phải gấp rút đến các cơ sở y tế tiêm ngừa bệnh dại. Rất sai lầm khi nhiều người cho rằng cần theo dõi con chó cắn mình có bị chết hay không để xác định nó đúng là chó dại rồi mới đi tiêm ngừa.
“Từ khi phát bệnh, cắn người đến khi con chó ấy chết phải mất 15-20 ngày. Trong khi đó, thời gian phát bệnh dại đối với người sau khi bị chó cắn là từ 7 ngày đến 3 tháng. Đối với những người phát bệnh sớm, trước khi con chó dại chết sẽ bị phát bệnh và không thể trở tay” - ông Nhĩ cảnh báo.
Bình luận (0)