xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chở Tết đến Trường Sa

Bài và ảnh: PHAN ANH

Cơn bão số 1 với gió giật cấp 10-11 càn quét qua huyện đảo Trường Sa - Khánh Hòa càng làm cho những món quà Xuân từ đất liền thêm nặng nghĩa tình

Đúng 16 giờ ngày 2-1, 3 chiếc tàu HQ 996, HQ 561 và HQ 571 nhổ neo rời cảng Cam Ranh - Khánh Hòa, mang theo hơi ấm và không khí Tết ở đất liền đến với quân dân quần đảo Trường Sa.
 
img

Chuyển quà Tết lên đảo Song Tử Tây

 
Ba chiếc tàu cất một hồi còi dài chào tạm biệt, để lại sau lưng đôi mắt ngấn nước của những người mẹ, người vợ; cái bắt tay thật chặt đầy lưu luyến giữa kẻ ở và người đi; đôi mắt đỏ hoe của nhiều chàng lính trẻ với lời dặn dò song thân: “Ba mẹ ở nhà mạnh khỏe, con đi canh giữ đất trời, biển đảo quê hương…”. Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình “về” Trường Sa khi cơn bão số 1 có tên quốc tế là Sonamu đang đến thật gần…

Vượt sóng to, bão lớn

Lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm xúc thật lạ. Đứng trên boong tàu nhìn về phía trước, ý nghĩ “tít ngoài khơi xa kia cũng là Tổ quốc mình” khiến tôi bất giác thấy lòng rưng rưng.
 
img
Quà Tết từ đất liền đến với đảo Sơn Ca
Ảnh: PHAN ANH
 
“Quần đảo Trường Sa nằm gần phía Tây Thái Bình Dương, nơi được xem là trung tâm bão của thế giới nên sẽ hứng chịu rất nhiều cơn bão lớn, nhỏ trong năm. Những tháng giáp Tết, đi biển càng khó khăn gấp bội vì đây là thời điểm có những cơn bão dữ dội và nguy hiểm nhất”. Giọng đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, vang lên khiến chúng tôi càng thấy tự hào với cảm giác mình đang được trải nghiệm những gian khổ hy sinh của cha ông ngày nào vượt sóng đi dựng cột mốc chủ quyền, bảo vệ vững vàng biên cương, lãnh hải của Tổ quốc.
 
img

Trung úy Trần Đức Soạn: “Cà pháo, ớt ngâm này là Tết đấy!”

Tàu HQ 996 chở chúng tôi đi theo hướng Bắc nên ít chịu ảnh hưởng nhất của cơn bão nhưng gió cũng mạnh cấp 6-7. Những đợt sóng mạnh làm con tàu lắc lư, tròng trành hất mọi người và đồ đạc trong phòng từ góc này sang góc kia. Nhiều người lính có kinh nghiệm đi biển cũng say sóng đứ đừ.

Cơn bão số 1 đã làm thay đổi lịch trình của tàu HQ 996. Thay vì vào đảo Song Tử Tây như kế hoạch ban đầu, đoàn vào đảo chìm Đá Nam trước bởi Song Tử Tây là 1 trong 2 đảo có độ dốc lớn và khó vào nhất ở quần đảo Trường Sa, cộng thêm bão lớn, sóng to thì càng khó khăn gấp bội. Chúng tôi phải nằm chờ mất 1 ngày, sau đó lãnh đạo đoàn quyết định vào đảo bằng xuồng máy. Từng chuyến xuồng vượt sóng đưa Tết từ đất liền đến đảo Đá Nam trong sự chờ đợi háo hức của mọi người.

Đón chuyến hàng Tết đầu tiên về với đảo Đá Nam, thượng úy Phạm Xuân Hóa vác cành mai trên vai, tay cầm cuộn lá dong mà miệng cười không dứt: “Các đồng chí ơi, Tết đến rồi! Tết đến thật rồi!”. Nhìn cảnh ấy, bất giác tôi thấy lòng mình cũng rộn ràng. Với chiến sĩ trẻ Nguyễn Ánh Dương thì cành mai, lá dong và những phần quà từ đất liền đã xua đi nỗi nhớ nhà da diết. Dương tình nguyện nhập ngũ, rồi ra công tác tại Trường Sa bởi trót “yêu” hình ảnh người lính hải quân chắc tay súng bảo vệ biển đảo ngay từ khi còn học cấp 1. “Nhớ Tết ở đất liền lắm, nhất là bữa cơm tất niên cùng gia đình nhưng giờ thì Tết cũng đã về với đảo Đá Nam rồi” - anh phấn khởi.

Xuân mới đang về

Chia tay đảo Đá Nam, đoàn tàu tiếp tục hành trình đưa Tết đến xã đảo Song Tử Tây giữa lúc cơn bão số 1 ngày càng trở nên dữ dằn, trời xám xịt mây và mưa lớn kéo dài. Từ tàu HQ 996, hàng Tết được chuyển xuống tàu cứu hộ Vạn Hoa để cập đảo Song Tử Tây.
 
img
Thượng úy Phạm Xuân Hóa: “Tết đến rồi! Tết đến thật rồi!”

Xa xa, Song Tử Tây trông như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương mênh mông. Không đèn hoa rực rỡ, không ồn ào, náo nhiệt như ở đất liền nhưng không vì thế mà không khí ở đây kém vui. Để chuẩn bị cho Tết sớm, các chiến sĩ đã mổ heo, gà, gói bánh chưng bằng lá dong, lá bàng vuông; người thì trang trí mâm ngũ quả, làm lại khẩu hiệu, dọn dẹp hội trường... Ngồi gói bánh chưng mà đại úy Nguyễn Đình Hoán cứ tủm tỉm cười vì “tự tay gói bánh thấy Tết thật gần”.

Ngay dưới cột mốc chủ quyền, một cành mai được trang trí thật đẹp. Trẻ em vui đùa, chạy nhảy tạo nên một không khí thật an bình, khác hẳn với cơn sóng dữ đang cồn cào ngoài khơi. Đêm trình diễn văn nghệ đón Tết sớm trên đảo Song Tử Tây thật nhiều cảm xúc. Các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” của lính cũ lẫn tân binh, sĩ quan chỉ huy và bà con đã đem đến cho đảo một không khí Xuân rộn ràng, ấm áp.

Ấm tình đất liền - biển đảo

Với quân và dân huyện đảo Trường Sa, Tết không nhất thiết phải có đủ bánh chưng, bánh tét, mai hay đào… Một tay xách hũ ớt ngâm, một tay xách hũ cà pháo trong buổi chiều 11-1 khi “Tết đến đảo Sơn Ca”, trung úy Trần Đức Soạn hào hứng: “Đố các bạn phóng viên đây là gì? Không phải cà pháo, ớt ngâm đâu nhé, mà là Tết, là Tết đấy!”.

Điều giản dị ấy lại khiến mắt tôi cay xè. Đảo trưởng đảo Sơn Ca Trần Như Hải trong bữa cơm tối chỉ ăn duy nhất món cà pháo chấm mắm ớt. “Món này chỉ vào dịp Tết mới có thôi, 12 tháng rồi tôi mới được ăn lại. Cà pháo chấm mắm tôm thì hết sẩy nhưng với lính Trường Sa, chấm mắm ớt cũng tuyệt vời, hạnh phúc rồi” - anh thổ lộ.

Đối với những người dân sống trên đảo Trường Sa, Tết chỉ thật sự đến khi có hơi ấm từ đất liền truyền ra. Chị Nguyễn Thị Chí, đã ở đảo Song Tử Tây gần 5 năm nay, vui mừng: “Thấy tàu đất liền ra là thấy Tết rồi!”. Cũng như gia đình chị Chí, nhiều hộ dân sống ở Song Tử Tây đón Tết trong tình thương, tấm lòng từ đất liền cùng tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Đảo phó đảo Song Tử Tây Nguyễn Văn Dũng khoe: “Dù còn nhiều khó khăn nhưng Tết năm nào, quân và dân xã đảo Song Tử Tây cũng tổ chức đón Xuân thật tươm tất. Tết năm nay, quân dân đảo Song Tử Tây chắc chắn sẽ vui hơn nhiều bởi được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước cũng như nhân dân trên mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt, hệ thống điện gió đã giúp cho Song Tử Tây không còn nỗi lo thiếu điện; nhà cửa các hộ dân được xây dựng khang trang, kiên cố như đất liền...”.

 

Phải biết hy sinh, chấp nhận

Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, chính trị viên đảo Song Tử Tây, cho rằng đã là lính hải quân ở Trường Sa thì phải biết hy sinh, phải chấp nhận đổi Tết của mình cho người dân đất liền yên bình. Các anh luôn gắng sức giữ gìn từng hòn đá, từng mảnh san hô trên thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc ở biển Đông.

Một mùa Xuân mới đang về. Những người con thân yêu của Tổ quốc đón Tết nơi đảo xa ngoài mai vàng, bánh chưng còn có cả sắc bàng vuông, phong ba xanh thắm, mãnh liệt giữa biển khơi như ý chí của những người giữ gìn biển đảo thiêng liêng mà cha ông đã xây dựng.
 
img

Trang trí cây mai để đón Tết sớm trên đảo Song Tử Tây

 
 
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo