xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có hiệu quả, dân sẽ mua

Bài và ảnh: Nguyễn Nhâm

Theo ông Vũ Đình Phúc, là nông dân, nghiên cứu rất khó khăn nên từ ý tưởng trong đầu, cứ nghĩ đến đâu làm đến đó, thử nghiệm vô số lần mới xong một chiếc máy

Nhiều người chuyên trồng rau và hoa kiểng ở tỉnh Lâm Đồng cho biết ông Vũ Đình Phúc là một người suốt đời đam mê sáng chế, vừa giúp gia đình vừa hỗ trợ bà con nông dân.

Quyết tâm là làm

Ông Phúc ngụ tại khu Xóm Mới, phường 7, TP Đà Lạt. Khi chúng tôi đến, ông đang cùng gia đình sản xuất phân bón cho vụ mùa mới. Về chuyện sáng chế máy móc, ông Phúc kể nông dân ở đây chuyên trồng các loại rau, hoa kiểng. Sau khi thu hoạch, thường có những loại phế phẩm phải vận chuyển đi rất xa để tiêu hủy, nếu không thì bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến thành phố du lịch. Vì thế, ông nung nấu ý tưởng phải biến nguồn rác thải này thành phân vi sinh bón cho cây trồng.

Ông Vũ Đình Phúc và chiếc máy làm phân vi sinh tự chế tạo
Ông Vũ Đình Phúc và chiếc máy làm phân vi sinh tự chế tạo

“Mua phân bón rất tốn tiền. Trên bao phân, người ta nói tốt nhưng mình cũng chẳng biết là tốt cái gì, tốt thế nào. Vì thế, tôi quyết định tự nghiên cứu, lên mạng học cách làm phân vi sinh từ rác thải, nếu thành công thì sẽ yên tâm hơn, tiết kiệm được nhiều khoản” - ông Phúc lý giải về động cơ thôi thúc mình sáng chế chiếc máy sản xuất phân vi sinh. Theo ông, nếu thành công thì loại máy này không chỉ phục vụ gia đình mà chắc chắn bà con nông dân cũng sẽ mua, không lo nguồn tiêu thụ. Quyết tâm là làm và năm 2006, ông đã thành công với chiếc máy có công suất 3-5 m3/giờ, giá 15 triệu đồng.

Không dừng ở đó, ông Phúc tiếp tục mày mò nâng cấp, cải tiến để làm ra chiếc máy tầm trung có công suất khoảng 7 m3/giờ, bán với giá 30 triệu đồng.

“Việc nghiên cứu rất khó khăn. Mình là nông dân, có học hành gì đâu nên ý tưởng nằm trong đầu, cứ nghĩ đến đâu làm đến đó. Mình cũng chỉ cặm cụi làm đêm vì ban ngày còn tham gia hoạt động của hội nông dân. Khi tĩnh lặng mới suy nghĩ được nhiều, có khi thức đến sáng, mình mới biết là đêm qua... quên ngủ. Chiếc máy này phải thử nghiệm đến mười mấy lần mới xong” - ông Phúc tâm sự.

“Chiếc máy đầu tiên tôi bán cho Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Một lần đi qua đó, thấy họ đang làm phân thủ công, tôi bảo mình có máy làm khỏe hơn mà năng suất cũng cao hơn nhiều. Họ chưa tin nhưng bảo tôi cứ đem qua vận hành xem thử. Tôi mang máy sang làm, thấy tốt quá nên họ mua luôn mà không cần trả giá. Tôi vui đến trào nước mắt” - ông Phúc nhớ lại.

Đến nay, ông Phúc đã sáng chế chiếc máy làm phân vi sinh thế hệ thứ 3 với thiết kế 3 tầng, gồm: cắt thô rác thải, xay nhuyễn, nghiền mịn và hoàn thiện sản phẩm phân hữu cơ. Máy có công suất lên đến 10 m3/giờ. Dù giá mỗi máy khoảng 36-40 triệu đồng nhưng ông Phúc luôn có đơn hàng từ các nhà vườn - cũng là những bạn nhà nông của ông.

Hiệu quả cao

Hôm đến nhà ông Phúc, chúng tôi gặp một nông dân ở khu Xóm Mới tới đặt làm một chiếc máy sản xuất phân vi sinh. “Tôi mê nó lâu rồi nhưng bây giờ mới đủ điều kiện mua. Có máy rồi, tôi khỏi phải mua phân nữa vì tự làm rất dễ. Có thể dùng vỏ bắp cải, lá su hào kèm bã mía, xơ dừa để tạo độ tơi xốp, mềm, thoáng và ngậm nước..., thêm một lượng đất vào xay mịn rồi bỏ men vô ủ, diệt nấm bệnh, tăng đề kháng và trộn thêm mấy loại dinh dưỡng cần thiết, cứ 10 ngày đảo 1 lần, chỉ 1 tháng là có thể đưa ra sử dụng” - nông dân này hào hứng.

Chị Linh - hội viên Hội Nông dân phường 7, người sử dụng máy của ông Phúc từ 2 năm nay - khoe gia đình chị tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng/năm nhờ không phải mua phân bón nữa.

Ông Đặng Hữu Huy - Phó Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng - nhận xét: “Anh Vũ Đình Phúc có những sáng chế thực tế, mang lại hiệu quả cao, sử dụng được các phế phẩm nông nghiệp. Đây là những sáng chế hiệu quả cho bà con nông dân. Chúng tôi mong có nhiều nông dân tự sáng chế thực tế như vậy và rất ủng hộ họ”.

Mới đây, nhận thấy tại tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận nuôi nhiều dê, cừu, người dân ở đó đem phân đến Lâm Đồng bán mỗi bao loại 25 kg khoảng 40.000 đồng, ông Phúc tính toán: Trong phân dê, cừu có chất hữu cơ nhưng do Bình Thuận và Ninh Thuận nắng nóng nên bị khô, mất hết chất. Song, nếu biết cách sử dụng thì vẫn rất tốt mà giá lại rẻ.

Vậy là ông mày mò nghiên cứu chế tạo ra máy xay phân hữu cơ. Khi bỏ phân dê, cừu vào, máy tự xay rồi sàng mịn. Đem sản phẩm này bổ sung dinh dưỡng theo các công thức sẵn có mà nhà nông được tuyên truyền tại các buổi tập huấn khuyến nông thì chất lượng không thua kém các loại phân hữu cơ. Khi bón loại phân này, mỗi hecta cây trồng tiết kiệm được gần 100 triệu đồng/năm.

Ônh Phúc còn cho biết đang nghiên cứu để trồng cây cà chua ngọt theo phương pháp mới. Loại cây này trên địa bàn chưa nhiều người trồng. Theo ông, cứ trồng 1.000 gốc với tổng chi phí đầu tư gần 40 triệu đồng, đến lần hái thứ ba là sẽ thu hồi được vốn.

“Mình nghiên cứu chủ yếu trước mắt phục vụ gia đình, sau đó là giúp bà con nông dân. Hồi mình mới nghiên cứu cái này cái nọ, thấy tốn kém mà không chắc thành công nên vợ phản đối dữ lắm. Nhất là khi sắt thép mua về rồi sản xuất không thành công nên phải bán rẻ, bà ấy xót của. Khi hiểu ra thì vợ mình cũng hay động viên” - ông Phúc thổ lộ.

Với hơn 1,5 ha ruộng, nhờ những máy móc tự chế nên thay vì phải đầu tư hơn 150 m3 phân bón hữu cơ/năm, trong những năm qua, gia đình ông Phúc tiết kiệm được rất nhiều chi phí, bảo đảm thu lãi hơn 1,5 tỉ đồng/năm. Ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 người với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/tháng và hơn 100 lao động khác khi vào vụ gieo trồng, thu hoạch hoa và rau. 

Với những sản phẩm sáng chế, ông Vũ Đình Phúc đã được Liên hiệp Các hội khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng trao giải nhì về sáng tạo khoa học kỹ thuật; được UBND tỉnh và hội nông dân tặng bằng khen cùng nhiều giải thưởng khác.

 

Kỳ tới: “Vua” độ xe cho người khuyết tật

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo