xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có Luật Quy hoạch để không Bộ, ngành nào có quyền lực?

Thế Dũng

(NLĐO)- Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho rằng Luật Quy hoạch sẽ tích hợp các quy hoạch để không Bộ, ngành nào có quyền lực tuyệt đối mà tất cả cùng ngồi thảo luận chọn phương án nhiều lợi ích nhất.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang lo ngại các quy hoạch chuyên ngành khi tích hợp sẽ gây tác động lớn - Ảnh: Nguyễn Nam

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang lo ngại các quy hoạch chuyên ngành khi tích hợp sẽ gây tác động lớn - Ảnh: Nguyễn Nam

Chiều nay 5-4, hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã họp cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch. Đây là dự luận gặp không ít “sóng gió” trong nhiều phiên họp, hội nghị khi vấp phải ý kiến trái chiều từ chính các Bộ, ngành và giới chuyên môn.

Trình bày, báo cáo mới nhất về những vấn đề lớn của dự án Luật Quy hoạch, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết đối với vấn đề quy hoạch xây dựng, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng, hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia vẫn được Bộ quản lý chuyên ngành lập và tích hợp vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia.

Các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù cấp quốc gia được lập và tích hợp vào nội dung quy hoạch vùng; các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù cấp tỉnh bao gồm định hướng phát triển đô thị tỉnh lỵ và các thành phố, thị xã thuộc tỉnh; các thị trấn; định hướng phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu công nghiệp... được lập và tích hợp vào nội dung quy hoạch.

Về các quy định chuyển tiếp và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, UBKT nhắc lại việc có 32 luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để phù hợp với luật này. Tuy nhiên, có 28 luật thuộc nhóm có thể sửa ngay tại luật này. Việc sửa đổi các quy định liên quan đến quy hoạch thuộc nhóm 3 liên quan đến 4 luật, tương đối phức tạp hơn và cần nghiên cứu kỹ càng, thực hiện theo lộ trình.

Cho ý kiến dự luật, Uỷ viên hường trực Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đồng tình với việc phải có Luật Quy hoạch song bày tỏ lo ngại với việc chuyển tiếp, tích hợp các quy hoạch ngành vào hệ thống quy hoạch của luật này.

Ông Giang khuyến cáo cần cân nhắc thận trọng với một số quy hoạch quan trọng, nhất là các quy hoạch xây dựng. “Việc tích hợp một số nội dung của quy định về quy hoạch xây dựng được tích hợp vào hệ thống có nhiều điểm không hợp lý. Cần lưu ý quy hoạch xây dựng là quy hoạch vật chất cụ thể, có tính đặc thù cao, liên quan đến không gian sống của người dân mà nếu “sai” một bước, ta có thể thấy tác động gây ra rất lớn, như những vấn nạn đối với các đô thị lớn đã thể hiện thời gian qua” – ông Giang lo ngại.

Đáng chú ý, theo ĐB Nguyễn Trường Giang, việc sửa 28 luật liên quan để làm Luật Quy hoạch thì trước khi trình QH thông qua dự luật, cơ quan soạn thảo phải nêu được cụ thể là luật này sẽ bãi bỏ điều khoản cụ thể nào của các văn bản pháp luật hiện hành.

"Việc này liệu có thể hoàn thành khi kế hoạch trình QH thông qua là tại kỳ họp thứ 3, khai mạc vào tháng 5 tới đây để có hiệu lực vào 1-1-2019"- ông Giang băn khoăn.

Cùng lo ngại về “độ khủng” của dự luật, ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) dẫn ra 15 quy hoạch vùng liên tỉnh (vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm…) đã được Thủ tướng phê duyệt, 100% các tỉnh, thành đã hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, 19/19 khu kinh tế ven biển đã có quy hoạch… sẽ phải tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia như dự luật quy định. Đây sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ khó có thể hoàn thành, nếu không cẩn trọng sẽ lại có nhiều trùng lắp.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhìn nhận việc xây dựng Luật Quy hoạch là một cơ hội để chuyển đổi tư duy bao cấp sang thị trường, khắc phục tình trạng "quy hoạch chồng lên quy hoạch”, “quy hoạch chống quy hoạch” và lên “kịch bản” cho phát triển trong tương lai.

Tuy vậy, theo GS Đặng Hùng Võ, dự luật đang đứng trước thách thức, tính khả thi để khi tích hợp thành một bản quy hoạch mà khi đặt chồng các quy hoạch ngành lên sẽ cho ra một sản phẩm chung, khớp và thống nhất với nhau như trên một bản đồ và bản đồ đó phải là phương án tốt nhất, hiệu quả nhất.


Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông

Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông cho biết dự Luật Quy hoạch đã đưa ra cách tiếp cận mới, khi được ban hành sẽ chi phối toàn bộ hoạt động quy hoạch về một mối, tránh chồng chéo mâu thuẫn dẫn đến cản trở sự phát triển.

Nổi bật nhất là các quy hoạch tổng thể cấp quốc gia và cấp vùng, cấp tỉnh thực hiện theo hướng tích hợp, rất rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành.

"Với việc lập quy hoạch tích hợp sẽ không có Bộ, ngành, cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối mà tất cả phải cùng ngồi lại để thảo luận và lựa chọn phương án mang lại nhiều lợi ích nhất để thực hiện" - ông Đông nói.

Chốt lại vấn đề này, chủ trì hội nghị, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết UBTVQH sẽ tiếp tục cho ý kiến vào tháng 4 tới và chỉ trình ra QH xem xét và thông qua khi dự luật đảm bảo chất lượng và có được sự thống nhất cao.

Cần quy hoạch cả không trung, đáy biển, lòng đất...

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho rằng không gian biển là không gian mở, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là an ninh quốc phòng. Đây là khoảng không gian không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam mà còn cả các cam kết quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về biển năm 1982. Quy hoạch này sẽ phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành như giao thông, năng lượng, bảo tồn biển, khai thác cát sỏi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, an ninh trên biển, du lịch… trong vùng biển, hải đảo và vùng đất ven biển nhằm đảm bảo bảo vệ quốc phòng an ninh, sự liên kết giữa các ngành và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển.

“Dự luật quy định “quy hoạch không gian biển” sẽ bao hàm cả nội dung quy hoạch sử dụng biển”- ông Thanh lập luận.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Luật Quy hoạch phải tính “xa hơn” như phải có điều khoản quy định quy hoạch cả không trung như chiều cao toà nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) vi phạm. “Hay những vấn đề liên quan đến hàng không vũ trụ, đáy biển, dưới đáy biển hay lòng đất… Đề ra quy hoạch này cũng là cụ thể hoá Hiến pháp và đặc biệt là khẳng định chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”- ông Nhưỡng bày tỏ.

Đồng tình, GS.TSKH Đặng Hùng Võ kiến nghị dự luật cần tính đến quy hoạch cả trên không, quy hoạch trong lòng đất, đáy biển, trong lòng biển, tần số vô tuyên điện, hàng không… “Hiện tại và tương lai, công nghệ cao tác động mạnh mẽ đến mọi vấn đề của đời sống. Nhưng tôi thấy dự luật nêu khái niệm “sơ đồ” là rất lạc hậu vì bây giờ họ đã bỏ dùng "sơ đồ" mà dùng “thông tin địa lý” đã được số hoá”- ông Võ nhìn nhận.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo