xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đặc sản thời trận mạc

Chu Lai

Trong cuộc đời chiến trận, tôi đã trải qua những kỳ ẩm thực lạ lùng mà giờ đây, sau bao nhiêu năm nhớ lại, vẫn nổi gai cả người. Đấy vẫn là những món ăn có từ ngàn năm trước và có thể sẽ tồn tại đến ngàn năm sau nhưng một khi đã vận vào những khoảnh khắc hiểm nghèo nhất thì lại trở thành những nỗi ngọt ngào khắc khoải không bao giờ quên.

ĐÓ LÀ VÀO NHỮNG NĂM 1970 SAU MẬU THÂN, khi các binh đoàn chủ lực bị đẩy hết lên vùng biên giới Campuchia, chỉ còn lại ở địa bàn một vài đơn vị đặc công lẻ khuất. Đói và khát. Địch bao vây vòng trong vòng ngoài muốn xóa trắng đối phương. Có khi hàng tháng không có một hạt gạo vào bụng chứ đừng nói đến ngọn rau, miếng thịt. Nhất là rau, thèm đến cồn cào lòng dạ. Thức ăn chủ yếu là củ chụp củ mài. Càng nuốt vào càng nạo ruột.

Lần ấy, vào những ngày giáp Tết - mà khổ, đời lính mịt mù đánh đấm  còn đầu óc nào để nhận biết Tết hay không Tết nếu như không có chiếc đài đeo bên hông - đơn vị hành quân qua một cái rẫy bị bom napal đánh cháy đen của đồng bào người Thượng, một cậu kêu lên như bắt được vàng: “Cà! Cà các đồng chí ơi!”. Tất cả xúm lại. Trên thân một cây cà xơ xác có gần chục trái to bằng hòn bi già quắt queo, màu đen tím còn sót lại. Thế là nhanh tay ngắt, cho vào miệng nhai rau ráu cả trái. Nhai nhưng đắng quá, không nuốt được, lại cố nuốt, cuối cùng cũng nhọc nhằn trôi qua được cái cần cổ khô khốc. Nhìn nhau ứa nước mắt… Chao ôi, hồi còn ở nhà, cũng trái cà này nhưng non búng, nhai giòn tan cơ, mùa hè chan với nước rau muống luộc có vắt chanh thì có thể đánh cả chục bát cơm.

Vẫn thèm rau đến rã rời. Đêm nào ngủ cũng mơ thấy được ăn rau. Lại một tối hành quân ven sông Bé, dưới ánh đèn pin thoi thóp chợt hiện lên một vạt rau dền gai, chả ai bảo ai vội ngồi thụp xuống thi nhau hái, cho vào miệng. Một vệt đèn pin loáng qua, thấy cái miệng nào cũng nhòe đỏ. Màu của chiến tranh!

NHƯNG THIẾU RAU VẪN KHÔNG ĂN THUA GÌ SO VỚI THIẾU MUỐI. Thiếu muối thì chân tay cứ bủn rủn. Thiếu đến nỗi lệnh trên rót xuống: Ưu tiên ngày Tết, mỗi một đêm điều nghiên, để bò rào không run, cấp đại đội được tiêu chuẩn một hạt, còn lại chỉ nửa hạt. Trời, hạt muối mặn lúc ấy cho vào miệng thấy ngọt như nhân sâm nhưng chỉ được ngậm từ từ, ngậm nhè nhẹ, ngậm sao cho đủ hết một đêm bò rào qua hàng chục lưới dây kẽm gai sắc cạnh, nhọn hoắt đầy mìn trái. Ngậm nhanh quá, khoái khẩu quá, đến những hàng rào sau còn có gì để mà lấy lại được sự tỉnh táo! Ở cái Tết bò rào ấy, hạt muối bình thường bỗng thành đại tiệc mùa Xuân mà người lính cảm được cả mùi dưa hành, bánh chưng, nem mọc, chả giò trong đó.

 

Rau tàu bay

Rau tàu bay

 

Song vẫn chưa kinh khủng bằng một tình huống oái oăm thế này. Hôm đó, đơn vị phục kích bắt được một xe mỡ của quân tiếp vụ Mỹ. Cả trăm thùng mỡ tròn căng, óc ách. Mọi người bảo nhau xuống suối ném khẽ một trái thủ pháo, thế là cá nổi trắng suối, con nào con ấy béo mẫm, giãy đành đạch. Chỉ móc ruột, đánh vảy gọi là rồi ném tất cả vào chảo mỡ. Cá rán thơm váng một góc rừng, vàng rộm, bung nở. Vội hít hà bóc gỡ cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Nhưng chao ôi, chỉ nhai được mấy lát là lại nhè ra, thả xuống, méo miệng, thẫn thờ nhìn nhau. Cá không có muối chấm nhạt thếch làm sao mà nuốt được! Lần này thì khóc, khóc ra nước mắt hẳn hoi. Khóc cả cho sự nuối tiếc xa xôi rằng giá như ở quê thì số cá này có thể khao đủ cả làng trong một độ Xuân về hay vào ngày mừng lúa mới.

RỒI CUỘC SỐNG CŨNG MỞ RA THEO ĐÀ THẮNG CỦA NHỮNG TRẬN ĐÁNH. Chưa có rau vườn nhưng cũng đã có lá bép, có ngọn rau tàu bay. Lá bép thường nằm sâu trong rừng, có bận vừa cầm được nắm lá chưa kịp cho vào miệng thì đã ngã dụi xuống, ngất lịm vì đói. Tỉnh dậy, lại tiếp tục đi tìm nữa. Còn rau tàu bay lại mọc ở bìa hố bom, vệt đất mới, phải chăng vì vậy mà nó có tên gọi mang đầy tính không kích như thế! Chỉ cần vò qua rau với nhúm muối trong mũ sắt vài giây là có thể ăn được, ngon hơn ngàn lần dưa muối.

Người ta hay nói “Vui như Tết”. Thì đó, đang háo, chỉ cần làm một bụng rau tàu bay mát rượi thôi thì chả có cái Tết nào sánh tày. Kỳ lạ, về sau này, một lần thử tìm lại, ăn lại hai thứ lá đó nhưng chịu! Cứ lờ lợ, tanh tanh không nuốt nổi. Thì ra cái bụng, cái lưỡi con người cũng kỳ lạ thật. Vào hoàn cảnh này là cao lương mỹ vị nhưng lúc khác chỉ còn là mùi vị đắng chát một kỷ niệm không hơn.

Năm tháng qua đi, những món ăn thời trận mạc ấy đã lùi vào dĩ vãng, bạn bè đồng đội đã rơi rụng đi nhiều nhưng mỗi khi vào độ Xuân về, chạnh lòng nhớ đến và lại bâng khuâng, bùi ngùi. Chiến tranh là chết chóc, là gian khổ tột cùng. Người lính một thời đã không ngã, đã dựa vào nhau, đã hà hơi tiếp sức cho nhau để vẽ nên bức tranh trận mạc huy hoàng trong lịch sử dân tộc mà trong đó không thể không kể đến sự đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng thiết yếu của những ngọn rau rừng, những nần củ ăn sâu trong lòng đất mẹ, những con thú đi hoang tội tình qua khoảng trống hố bom...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo