xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đam mê sáng chế giúp dân nghèo (*): “Dương bắp” mê bứt củ lạc

Nguyễn Nhâm - QUANG VINH

Số tiền gia đình ông dành dụm được bao năm cứ theo những đống sắt thép mà ra đi, thậm chí phải bán luôn chiếc xe máy cuối cùng để mua thêm sắt thép phục vụ sáng chế. “Quyết là làm, tính tôi nó thế” - ông Huỳnh Thái Dương vui vẻ nói

Dòng họ của ông Huỳnh Thái Dương có truyền thống sản xuất máy tuốt lúa ở tỉnh Sóc Trăng. Muốn đi xa tự lập nghiệp nên ông Dương chọn vùng quê mới là thôn Tà Zôn, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Ở quê mới, trong quá trình đi hướng dẫn nông dân sử dụng máy tuốt lúa, ông Dương để ý thấy sau khi thu hoạch bắp, họ phải vất vả tách vỏ, phơi khô, lẩy hạt. Có người ngồi lẩy bắp mà bàn tay rướm máu, phồng rộp nhưng lẩy cả giờ nhanh lắm cũng chỉ được chừng 4-5 kg hạt. Ông quyết định làm bằng được cái máy vừa giúp bà con tách vỏ lại vừa lẩy được hạt.

Đặt cược hết sản nghiệp

Số tiền gia đình ông dành dụm được bao năm cứ theo những đống sắt thép mà ra đi, thậm chí phải bán luôn chiếc xe máy cuối cùng để mua thêm sắt thép phục vụ sáng chế. “Quyết là làm, tính tôi nó thế” - ông Dương vui vẻ nói.

Ông Huỳnh Thái Dương bên máy lẩy bắp Ảnh: NGUYỄN NHÂM
Ông Huỳnh Thái Dương bên máy lẩy bắp Ảnh: NGUYỄN NHÂM

Năm 1999, sản phẩm máy lẩy bắp của ông Dương chính thức ra đời sau 1 năm với 6 lần chạy thử thất bại, giá bán 30 triệu đồng/máy. Chiếc máy nặng 650 kg, mỗi giờ lẩy được 4-5 tấn hạt, tương đương năng suất lẩy của gần 1.000 lao động/ngày và chỉ tiêu thụ hơn 1,5 lít dầu.

Nông dân chỉ việc bẻ bắp đổ vào máy rồi hứng hạt chở về nhà. Vỏ và cùi bắp có thể đem về đun nấu hoặc đốt tại ruộng làm phân bón, rất tiện lợi. Ông được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ sáng chế; Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như UBND tỉnh Bình Thuận nhiều lần tặng bằng khen.

Ông Dương nhớ lại: “Chiếc máy đầu tiên tôi đưa ra giới thiệu mà dân không tin. Họ nói làm gì có cái máy vừa bóc vỏ vừa tách được hạt bắp. Tôi đã đưa máy ra cạnh chợ rồi cho vận hành. Máy chạy ro ro, bắp ra ào ào, vỏ hạt tách bạch khiến ai cũng thích. Vui nhất là có ông cụ ôm tôi hô lên rằng con giỏi quá, từ nay dân vùng này hết cực rồi”. Cái tên “Dương bắp” cũng từ đó mà có.

Sau 14 năm ra đời, chiếc máy lẩy bắp qua nhiều đợt cải tiến và hiện có công suất lẩy 8-9 tấn bắp hạt/giờ và chỉ cần 2 lao động để thao tác. Máy cũng đã có hệ thống băng chuyền tự động đưa các bao bắp lên và hạt sau khi tách cũng được đưa trực tiếp vào bao, tiết kiệm thêm nhiều thời gian và công lao động.

Ông Dương cho biết đến thời điểm này, ông đã bán 1.300 chiếc máy lẩy bắp cho nông dân ở 43 tỉnh, thành trên cả nước.

Khi chúng tôi tìm đến nhà ông Dương tại thôn Tà Zôn, ông đang tất bật với sản phẩm máy bứt củ lạc. Ông đang muốn cải tiến để sản phẩm này phù hợp với tất cả ruộng đồng của các tỉnh, thành. Mỗi hecta lạc, máy xử lý mất 2 giờ và nếu bứt bằng tay thì mất ít nhất là 80 lao động.

Những sáng chế ấy đã giúp ông Dương nhận được giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần 1, giải nhì lần 8 và danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương.

Tâm huyết với máy cày đa năng

Nhiều nông dân ở tỉnh Quảng Nam biết đến ông Lương Minh Đồng (58 tuổi, ngụ thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) bởi là tác giả của những chiếc máy cày đa năng.

Ông Đồng từng làm nhân viên truyền thanh tại địa phương. Những lúc rảnh rỗi, ông lân la xem thợ rèn cày, cuốc... và mãi đến năm 1983, ông mới chuyên tâm với nghề rèn và cũng bắt đầu với việc rèn lưỡi cày, lưỡi cuốc. Rồi ông nghĩ bà con cứ phải bám theo lưỡi cày, lưỡi cuốc thì bao giờ mới có năng suất cao?

Thế là ông nghĩ cách làm chiếc cày máy bắt đầu từ những đồ bỏ đi của chiếc xe đạp, dần dà hoàn chỉnh bằng sắt với trọng lượng chưa đầy 10 kg, dễ mang vác, thuận tiện trong việc cày đất ở vùng bãi bồi ven sông. Ngoài công dụng cày, chiếc máy còn xớt được cỏ, cào rác... Mới đây, ông còn cải tiến để chiếc máy cày có thêm công dụng thứ 5 là gieo giống tự động.

Nhiều người ví chiếc máy cày của ông Đồng đã mở ra một trang mới cho nông dân ở đây vì giảm được sức lao động, năng suất cao, thao tác dễ dàng. Thời điểm này, sản phẩm của ông cũng đã có mặt khắp các tỉnh Quảng Ngãi, Đắk Nông, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Phú Yên; nhiều thời điểm sản xuất không kịp để bán.

Sáng chế của ông Đồng đã được rất nhiều giấy khen, bằng khen từ cơ sở đến trung ương. Ông cũng đoạt giải 3 trong hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam, huy chương và bằng Lao động sáng chế do Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng (năm 2012). Mới đây, ông Đồng còn nhận được danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013” do Trung ương Hội Nông dân trao tặng.

Ông Đoàn Kim Khánh, Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, cho biết sở đã có những hỗ trợ nhất định cho ông Huỳnh Thái Dương trong sản xuất, làm các thủ tục sở hữu trí tuệ cũng như tham gia các cuộc thi sáng tạo. Khi ông Dương thuê đất với thời hạn 49 năm để làm nơi sản xuất, tỉnh miễn tiền thuê đất 13 năm; khi lập doanh nghiệp thì ưu đãi 6 năm không thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo