xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dân muốn lãnh đạo lăn vào cuộc sống

Văn Duẩn

Phản ứng của Quốc hội trước tình hình biển Đông, việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam là chưa đúng tính chất và mức độ quyết liệt

Ngày 28-3, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường. Trong buổi sáng, các đại biểu (ĐB) thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ khóa XIII của QH.

Quan ngại về chủ quyền

Tại buổi thảo luận, ĐBQH Võ Thị Dung (TP HCM) cho rằng QH của chúng ta là QH của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, tổng kết nhiệm kỳ của QH cũng phải nêu lên những nỗi lo và mong ước của cử tri và nhân dân, đồng thời phải nhìn lại xem QH đã giải quyết những vấn đề đó như thế nào. “Nhiệm kỳ qua nổi lên 7 nỗi lo của nhân dân cả nước mà nỗi lo đầu tiên, nổi bật là ngoại xâm. Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của nước ta, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay là trên một số đảo của quần đảo Trường Sa. Đảng và nhà nước đã có chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình nhưng Trung Quốc thì ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia” - bà Dung bày tỏ.

Cùng nêu lên những “món nợ” của QH khóa XIII với cử tri và nhân dân, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) khẳng định việc bảo vệ chủ quyền biển đảo là một thách thức rất lớn và năm 2016 là năm rất căng thẳng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền. “Từ đầu năm, Trung Quốc đã đem tên lửa đất đối không, đất đối hạm ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đấy là điều hết sức lo lắng” - ĐB Nguyễn Anh Sơn quan ngại.

Dù vậy, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), qua tiếp xúc cử tri, người dân đánh giá phản ứng của QH trước tình hình biển Đông, việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam là chưa đúng tính chất và mức độ quyết liệt như tình hình đòi hỏi.

 

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng mỗi lần rời nghị trường, vẫn bao trăn trở ưu tư vì còn nợ dân, nợ nướcẢnh: Nguyễn Nam
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng mỗi lần rời nghị trường, vẫn bao trăn trở ưu tư vì còn nợ dân, nợ nướcẢnh: Nguyễn Nam

 

Chia sẻ với lo lắng của cử tri, nhân dân về vấn đề chủ quyền, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) bày tỏ: “Ngoài biển Đông, tàu thuyền của ngư dân vẫn luôn bị đe dọa, bị khủng bố bởi sự xua đuổi, đâm húc ác nghiệt của âm mưu bành trướng… Tôi cảm nhận rằng những thử thách, khó khăn của nhiệm kỳ tới là không hề nhỏ”. ĐB Tâm kiến nghị QH và toàn thể bộ máy nhà nước phải vận hành trơn tru hơn, quyết liệt hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn để ứng phó với tình hình.

Còn nợ dân, nợ nước

Nói thêm về 7 nỗi lo đưa ra, ĐB Võ Thị Dung chỉ ra những nỗi lo khác đang kiềm hãm sự phát triển của đất nước, gây mất lòng tin nhân dân. Đó là nạn tham nhũng ngày càng gia tăng. “Việc gì cũng phải “lót tay”, phải chạy, phải “lại quả”; việc gì cũng phải có phong bì, gây nên một lối sống nguy hại cho xã hội. Cùng với đó là nỗi lo tình trạng suy thoái đạo đức xã hội, tính tham lam, ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người, mất an toàn thực phẩm và các tệ nạn xã hội khác… gây bất an cho nhân dân.

Bày tỏ sự lo lắng với tình hình đất nước, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) ví von: “Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH như một bức tranh đẹp, có phần lãng mạn nhưng sau mỗi lần rời nghị trường, vẫn bao trăn trở ưu tư vì còn nợ dân, nợ nước”. Theo ĐB Lê Nam, nhân dân cả nước rất quan tâm và theo dõi, ủng hộ từng bước đi, việc làm của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng. “Vì sao như vậy? Vì hơn lúc nào hết, nhân dân khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “nâng cao”...” - ĐB Nam nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Lê Nam, nhân dân và cán bộ, đảng viên mong muốn những bí thư, lãnh đạo lăn vào cuộc sống. Họ phải là người có đủ quyền hành, dám làm, dám chịu trách nhiệm, được pháp luật bảo vệ để những hy sinh, sáng tạo, cống hiến của họ được đến với nhân dân.

 

Cơ chế mới về nước sông Mê Kông

Trả lời báo chí liên quan đến việc hợp tác chia sẻ nguồn nước trên sông Mê Kông bên hành lang QH sáng 28-3, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết sắp tới đây, cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương sẽ có thêm 2 nước ở thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar. “Đây là một cơ chế mới trên sông Mê Kông. Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) đã có từ năm 1995 và hiện nay có 4 nước ở hạ lưu Mê Kông là Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia. Trong MRC có một cơ chế quan trọng là sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông. Myanmar và Trung Quốc chưa là thành viên của MRC và với việc thành lập một cơ chế mới này, 6 nước trên dòng sông Mê Kông sẽ cùng bắt tay hợp tác 5 lĩnh vực ưu tiên, ví dụ như phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, quản lý bền vững nguồn nước…” - Phó Thủ tướng thông tin.

Ngoài ra, với việc Trung Quốc xây nhiều đập trên sông Mê Kông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng do Trung Quốc chưa là thành viên của MRC nên hiện nay không có cơ chế kiểm soát. Tuy nhiên, cơ chế hợp tác 6 nước bước đầu có đặt vấn đề phát triển bền vững nguồn nước.

T.Dương - T.Dũng

 

Đại biểu đi họp phải thể hiện chính kiến

Bàn về tổ chức và phương thức hoạt động của QH, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng QH chưa thực hiện hết quyền mà pháp luật quy định; công tác giám sát chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đạt hiệu quả chưa cao và chưa đến nơi đến chốn.

Về cơ cấu ĐBQH, đa số ĐB đồng thuận tăng số lượng ĐBQH chuyên trách nhưng đó phải là những người thật sự có năng lực, xứng tầm. “QH nhiệm kỳ mới vẫn sẽ còn nặng nợ với cử tri, vì thế mỗi ĐBQH phải làm sao khắc phục tình trạng đi họp nhưng không thể hiện chính kiến, gây lãng phí thời gian, công sức của nhân dân và cơ hội của người khác” - ĐB Nghĩa đề nghị.

V.Duẩn

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo