xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đập trên sông Mê Kông: Được và mất

DƯƠNG QUANG

Ngoài Xayaburi, trên hạ lưu vực dòng chính sông Mê Kông còn có 11 dự án đập thủy điện nữa. Dù gây rất nhiều tranh luận nhưng một số nước ven sông vẫn quyết xây đập, vì nhìn thấy “lợi trước mắt” nhiều hơn “thiệt lâu dài”

Trong 12 dự án đập thủy điện nói trên có 10 dự án của Lào gồm Pak Beng, Luang Prabang, Xayaburi, Pak Lay, Sanakham, Pak Chom, Ban Koum, Lat Sua, Thakho, Don Sahong; 2 dự án còn lại của Campuchia là Stung Treng và Sambor.
Đó là chưa kể ở thượng lưu vực dòng chính sông Mê Kông hiện có 4 đập thủy điện đã xây xong và khoảng 8 dự án đập khác đang đề xuất xây, hầu hết là của Trung Quốc.
Qua nghiên cứu 12 dự án ở hạ lưu vực, Nhóm Công tác Mê Kông - Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cảnh báo: “Bậc thang hạ lưu vực có thể gây ra những tổn thất không thể phục hồi tới hệ sinh thái sông Mê Kông, đồng thời đặt sinh kế và an ninh lương thực của hàng chục triệu người sống phụ thuộc vào các tài nguyên của dòng sông vào tình trạng bị đe dọa”.
Những điều này ai cũng thấy, song lợi ích kinh tế đã lấn át. Phân tích sau đây của VRN về các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông (MRC) được gì - mất gì sẽ chứng minh cho điều đó.

Lào kỳ vọng lớn

Lào hy vọng thủy điện sẽ mang lại lợi ích về điện năng và thu nhập từ bán điện. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì lợi ích thật sự không lớn. Cụ thể: Tổng thu nhập từ bán điện của 12 đập là khoảng 3 - 3,7 tỉ USD/năm, trong đó doanh thu đối với 2 đập ở Campuchia là 30% (khoảng 1,2 tỉ USD/năm) và đối với 10 đập ở Lào là khoảng 70% (2,6 tỉ USD/năm).
Trong 25 năm đầu vận hành theo phương thức BOT, Lào chỉ được hưởng 26% - 31% của tổng 2,6 tỉ USD doanh thu từ 10 đập, tức khoảng 676 - 876 triệu USD/năm. Hơn nữa, 90% lượng điện có được sẽ bán cho Thái Lan và Việt Nam, vì thế Lào phụ thuộc nhiều vào các quốc gia mua điện.

img

Nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL những năm qua đã suy giảm đáng kể. Ảnh: NGỌC TRINH

Nền kinh tế Lào có thể sẽ được kích thích phát triển từ dòng tiền đầu tư vào các đập thủy điện này, khoảng 20 tỉ USD, nhưng trong đó 50% sẽ được chi phí cho các trang thiết bị, công nghệ bên ngoài nước Lào, kể cả bên ngoài khu vực.
Đáng lưu ý, Lào sẽ phải di dời một số lượng lớn dân cư - khoảng 107.000 người; 2 triệu người ở 47 huyện trong phạm vi các hồ thủy điện và ngay bên dưới các hồ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Đồng thời, nước này sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội khi những người có sinh kế phụ thuộc vào sông Mê Kông bị mất việc, mất đất và di cư đến các đô thị để mưu sinh (khoảng 80% dân số Lào phụ thuộc vào nguồn thủy sản sông Mê Kông với mức độ nhiều  ít khác nhau).
Và tất nhiên, hơn 20 năm xây dựng các bậc thang thủy điện sẽ tạo nên biến động lớn trong quần thể dân cư ven sông của nước này.

Thái Lan ngầm ủng hộ?

Thái Lan có thể thu được tổng lợi ích kinh tế khoảng 11% - 12% từ 12 đập này. Ngoài ra, các bậc thang thủy điện sẽ nâng mực nước tự nhiên lên khá cao, tạo lợi thế rất lớn cho nước này thực hiện các dự án chuyển nước lớn từ Mê Kông cho vùng Đông Bắc và đồng bằng Chao Praya.

Về tổn thất môi trường, phù sa, thủy sản... đối với Thái Lan cũng giống như Lào. Có điều là Thái Lan đang được nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ ưu đãi để giải quyết những vấn đề về môi trường như ô nhiễm không khí, nước mặt, lún sụt tại Bangkok...
Cho nên, nếu Thái Lan cho phép ngân hàng và các doanh nghiệp của mình đầu tư vào những công trình gây tổn hại môi trường như đập thủy điện thì các nhà đầu tư quốc tế sẽ xem xét lại chính sách ưu đãi đối với nước này.
Thực tế, với một số dự án đập thủy điện, chẳng hạn Xayaburi, hầu hết các đối tác tham gia dự án này đều là của Thái Lan.
Theo nhật báo The Nation (Thái Lan) ngày 23-4, 4 ngân hàng Thái tham gia cho vay vốn thực hiện dự án này gồm Kasikornbank, Krung Thai Bank, Bangkok Bank và Siam Commercial Bank.
Đối tác mua điện từ Xayaburi là EGAT (95%) cũng của Thái và thực hiện dự án là nhà thầu Ch Karnchang - một công ty xây dựng lớn của Thái - giữ cổ phần 30% trong công ty quản lý dự án đập Xayaburi (theo The Nation, chính phủ Lào chỉ giữ 20% cổ phần của công ty này).
Có lẽ vì vậy mà Thái Lan lên tiếng chưa “thật sự mạnh mẽ” đối với đề xuất xây dựng đập Xayaburi của Lào. Nhật báo Anh ngữ Bangkok Post của nước này hôm 21-4 tiết lộ: “Lãnh đạo Bộ Năng lượng Thái Lan đã tỏ ý ủng hộ dự án xây dựng đập Xayaburi..., cho rằng các cáo buộc của giới hoạt động môi trường là chưa được chứng minh”!
Còn người dân Thái Lan, trước những tổn thất nhãn tiền, đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối, đồng thời kêu gọi chính phủ không mua điện từ dự án Xayaburi.

Campuchia “khó nói”

Nếu sắp tới dự án Xayaburi “qua truông” thì hai dự án Stung Treng và Sambor cũng sẽ được triển khai.

Campuchia không có nhiều tài nguyên nên 2 dự án thủy điện Stung Treng và Sambor có ý nghĩa lớn đối với nước này trong việc bổ sung năng lượng. Tuy nhiên, phần lớn lượng điện từ các đập này là để xuất khẩu.

Mất mát lớn nhất của Campuchia khi 12 đập khởi công, hoạt động chính là môi sinh và nguồn lợi thủy sản. Trước nay, đời sống văn hóa của phần lớn dân số nước này phụ thuộc vào sông Mê Kông, trong đó 1,6 triệu người sống phụ thuộc vào nghề khai thác cá tự nhiên (nguồn thu từ cá tự nhiên chiếm 10% GDP hằng năm của nước này). Giải bài toán sinh kế cho số dân cư nói trên quả không dễ!

img
Phối cảnh đập Xayaburi. Đây là đập dâng, không có chức năng cắt lũ. Ảnh: VRN
Thêm nữa, các đập của Campuchia phụ thuộc vào sự vận hành của các con đập của Lào và Trung Quốc nên rủi ro kiểu hiệu ứng domino phía hạ nguồn Campuchia phải hứng chịu là rất lớn. Và, nếu Campuchia xây đập, tất nhiên, sẽ khó “ăn nói” về các tác động từ những con đập của Lào và Trung Quốc.

Việt Nam thiệt nhiều nhất

Theo phân tích của VRN, thị trường chính tiêu thụ điện của 12 con đập ở hạ lưu vực dòng chính sông Mê Kông là Thái Lan và Việt Nam (90%). Do đó, nếu Thái Lan và Việt Nam không mua điện thì những dự án này sẽ bị hoãn, thậm chí phải hủy.

Ở vị trí cuối nguồn lưu vực sông Mê Kông, Việt Nam sẽ chịu tổn thất toàn diện nếu 12 đập thủy điện nói trên được triển khai. Kết quả đánh giá tác động của các tổ chức khoa học Việt Nam cho thấy các đập này không có ý nghĩa về an ninh năng lượng đối với nước ta.
Cụ thể, nếu cùng Thái Lan mua được 90% lượng điện của 12 đập này thì cũng chỉ đáp ứng được 4,4% nhu cầu năng lượng của nước ta (tính vào thời điểm năm 2025). 12 đập này cũng mang lại lợi ích kinh tế không đáng kể cho Việt Nam, khoảng 5%. Ngược lại, thiệt hại là rất lớn, nặng nề nhất là khu vực ĐBSCL.
Trong lưu vực Mê Kông, 65% là cá trắng, 35% là cá đen. ĐBSCL sẽ mất 240.000 - 480.000 tấn cá trắng/năm. Nếu tính giá 2.500 USD/tấn, mỗi năm ĐBSCL bị thiệt hại từ hơn 500 triệu USD đến hơn 1 tỉ USD.
Lượng phù sa hằng năm sông Mê Kông tải về hạ lưu là khoảng 160 - 165 triệu tấn, các đập thủy điện sẽ làm giảm còn 1/4, tương đương 42 triệu tấn.
Mất phù sa sẽ gây suy thoái đất, thất mùa và sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là gây sụt lún và chìm rất nhanh xuống dưới mực nước biển trước tác động của nước biển dâng cao và biến đổi khí hậu.
Bài học này từng xảy ra với đồng bằng Mississippi của Mỹ, khi sông Mississippi bị ngăn đập làm thủy điện, đồng bằng Mississippi chìm xuống biển chỉ trong 20 - 30 năm.

Hiểm họa thường trực đối với ĐBSCL

Không chỉ việc xây đập ngăn nước làm biến động quy trình lũ ở ĐBSCL những năm qua khiến đời sống dân cư đảo lộn, các chuyên gia còn cảnh báo 12 đập này đều là đập dâng, cho nước chảy qua trong ngày mưa lũ, vì vậy không có chức năng cắt lũ.
Trong mùa khô, các đập này có thể tích nước đến 3 tuần gây kiệt thêm vào mùa khô ở hạ lưu, làm cho đất liền bị xâm nhập mặn sâu hơn. Bên cạnh đó, các đập này do các nhà đầu tư tư nhân khác nhau vận hành nên không thể điều phối.

Những yếu tố trên khiến ĐBSCL có nguy cơ đối diện thường xuyên với hàng loạt hiểm họa từ phía thượng nguồn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo