xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ĐBSCL lớn mà không mạnh

Nguyễn Minh Nhị

Tiềm năng nông nghiệp dẫn đầu cả nước nhưng khó nghèo cũng dẫn đầu cả nước. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ tư duy nông nghiệp manh mún, sơ khai

Tổng sản lượng lúa cả nước năm 2014 đạt 45 triệu tấn, so với năm 2005 tăng 13,64%. Trong đó, ĐBSCL đạt 25,2 triệu tấn, tăng 30,98%. Riêng 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp nhờ “Chương trình Đồng Tháp Mười” và “Tứ giác Long Xuyên” nên sản lượng lúa năm 2014 cũng đạt 11,7 triệu tấn, tăng 32,95% so với năm 2005. Cùng với cây lúa, cây ăn trái và cá tôm (nuôi) nước ngọt - lợ, ĐBSCL luôn dẫn đầu cả nước 3 sản phẩm này.

Tội nghiệp “bà đỡ”!

Cách đây 10 năm, nông dân ĐBSCL bắt đầu thực hiện việc mua giống lúa xác nhận được sản xuất tại địa phương để gieo cấy chứ không tự để giống như trước kia. Khâu làm đất được cơ giới hóa. Tưới tiêu bắt đầu điện khí hóa. Thu hoạch lúa bằng máy liên hợp và sấy lúa theo dạng công nghiệp cũng bắt đầu triển khai. Như vậy, đến năm 2015, ĐBSCL đã hiện đại hóa - công nghiệp hóa sản xuất, thu hoạch, chế biến lúa gạo ở tất cả các khâu và xuất khẩu gạo chiếm tỉ trọng hơn 90% cả nước. Việt Nam trở thành nước sản xuất tiên tiến và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu ASEAN cũng như thế giới. Đó là thành quả nổi bật nhất của Đổi mới từ sau năm 1986, đã đưa nền sản xuất tiểu nông, lạc hậu lên tầm sản xuất lớn, hiện đại và lớn nhanh chưa từng có.

 

Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL còn manh mún, mạnh ai nấy làm Ảnh: NGỌC TRINH
Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL còn manh mún, mạnh ai nấy làm Ảnh: NGỌC TRINH

 

Tuy nhiên, nông nghiệp ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung so với nội khối ASEAN thì có  lớn nhanh mà không mạnh.

Nhiều năm qua, nông dân càng hội nhập càng gặp bất cập: “Trúng mùa rớt giá”, “hết đốn lại trồng”, “trồng cây gì, nuôi con gì?”... Thậm chí nuôi, trồng những thứ bán mà không biết người mua mua để làm gì rồi lại nghỉ ngang nửa chừng không mua như lá khoai mì (sắn), lá điều lộn hột... hoặc sản xuất cung vượt cầu gây “dội chợ”. Thủ tướng Chính phủ phải luôn luôn giải quyết “sở kẹt”, “tình thế” như “mua lúa - gạo tạm trữ”, cấp quota xuất khẩu gạo... Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu năm 2014 đạt 150 tỉ USD, trong đó khối doanh nghiệp (DN) FDI là 101,6 tỉ USD (kể cả dầu thô), các DN trong nước chỉ có 48,44 tỉ USD, khối nông - lâm - thủy sản chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, tuy chỉ có 30,48 tỉ USD nhưng vẫn là “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Trong sản phẩm làm ra, nông dân đóng góp đến 70% giá trị nhưng hưởng lợi chỉ 50% lợi nhuận. “Chương trình xóa đói giảm nghèo” là mục tiêu Thiên niên kỷ ở Việt Nam được Liên Hiệp Quốc ca ngợi vậy mà gần như năm nào, cụ thể là năm 2014, dù không bị bão lũ nhưng Chính phủ vẫn phải xuất 3 đợt hơn 10.000 tấn gạo dự trữ cứu đói cho dân các tỉnh miền ngoài là những biểu hiện không bền vững của nền kinh tế nói chung.

Cứ loay hoay, mạnh ai nấy làm

Quan hệ sản xuất, nói nôm na là quan hệ giữa nông dân với nông dân, với DN và thị trường dưới sự hỗ trợ và theo “gậy” chỉ huy của nhà nước - nhạc trưởng. Trong đó, vai trò nông dân là chủ lực quân, các chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã và DN ngoài quốc doanh có vai trò “dẫn mũi chiến đấu” rất quyết định trong hội nhập toàn cầu. Nếu xác định như vậy thì phải thu xếp lại các DN nhà nước và chấn chỉnh lại chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước lâu nay đã làm hết vai trò lịch sử “bà đỡ”. Vì “bà đỡ” chỉ đỡ cho ra “trẻ con” chứ không đỡ cho ra “người lớn” được. Trong quan hệ kinh tế thì phải tôn trọng và làm theo quy luật thị trường. Thị trường mà không biết người mua mua gì và mua giá nào thì chỉ là “nửa thị trường”. Trong quản lý nhà nước thì phải là luật pháp và chế tài chứ không thể dùng “lệ làng”. Trong những năm 1990, làm việc với ông David Lâm - “vua gạo” Hồng Kông, thấy ông đang hợp tác với các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp... xây nhà máy chế biến gạo hiện đại ở Mỹ Tho (Tiền Giang) nhưng không mua đủ lúa, tôi hỏi sao không ký hợp đồng có giá mua với nông dân trước để họ yên tâm trồng, ông nói: “Tôi đã thất bại ở Trung Quốc rồi, vì khi có ai mua giá cao hơn thì họ phá hợp đồng, thưa không ai xử”. Lúc đó và bây giờ ở Việt Nam là như vậy. Liên doanh ấy lỗ nặng, thất bại và giải tán. Đây là vấn đề thuộc về quyền sở hữu nói chung trong quan hệ sản xuất chứ không chỉ riêng về sở hữu đất đai mà luật pháp ta không bảo đảm cho các thành phần kinh tế phi quốc doanh, nhất là DN FDI, yên tâm mạnh dạn đầu tư.

Nông nghiệp mà không hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị trong một hình thức tổ chức thích hợp trên một địa bàn chuyên canh; không có bộ máy quản lý hành chính chuyên ngành, chuyên nghiệp và có hệ thống; không có các thành phần: DN nhà nước (khâu trọng yếu), thành phần tư nhân (rộng rãi) và không có DN FDI thì sẽ không mạnh vì mục đích sản xuất không minh định và chọn lọc hợp thời, cơ chế quản lý phân tán, phân khúc và cơ cấu thành phần DN không có “chân kiềng”... là nền nông nghiệp còn nặng tính tự nhiên và địa phương chủ nghĩa.

Tỉnh An Giang có các hình thức hợp tác sản xuất - kinh doanh, “liên kết 4 nhà”, thực hiện ký kết tiêu thụ sản phẩm rất sớm nhưng mỗi khi có sự vi phạm quy hoạch và kế hoạch sản xuất, các hợp đồng kinh tế bị hủy bỏ đơn phương thì không ai “muốn” hoặc không “dám” xử vì sợ “mất lập trường với nông dân” hoặc “sợ làm hạn chế đầu tư”. Nếu phạt vi phạm hợp đồng kinh tế như phạt vi phạm Luật Báo chí và Luật Giao thông đường bộ hiện nay thì kinh tế mới tốt lên được.

Hợp đồng kinh tế và xử phạt vi phạm hợp đồng dù bất cứ ai, đó là “cái lề” của kinh tế thị trường tự do như giấy phải có lề. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất phải có sự phù hợp nào đó thì kinh tế mới phát triển bền vững và việc điều chỉnh cho phù hợp chỉ có thể bằng chính sách, luật pháp và tổ chức - cán bộ chứ không thể chỉ bằng chỉ thị, nghị quyết hay tình cảm. Muốn vậy, phải tái cơ cấu tổ chức và chức năng quản lý nhà nước trước khi tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp.

 

GÓC NHÌN

“Hàng đầu” mà chi !

Việt Nam không thể mãi tự hào là nước xuất khẩu gạo hàng đầu được nữa trong khi người dân vẫn không đủ sống, vẫn phải bỏ ruộng, trả ruộng. Vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là vấn đề của thời kỳ hội nhập, thời kỳ của chất lượng, hiệu quả.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2013, Việt Nam phải chi 500 triệu USD để nhập hạt giống rau, 12,4 tỉ USD để nhập vật tư nông nghiệp, có tới trên 90% thuốc bảo vệ thực vật và máy móc chúng ta phải nhập khẩu.

Đừng có làm cho ngành lúa gạo cũng trở nên giống như ngành chăn nuôi, tức là để cho FDI thao túng thị trường cả đầu vào và đầu ra trong đó nông dân phải mua giống, phân, thuốc với giá rất đắt, còn người tiêu dùng phải mua gạo giá cao. Điều chúng ta cần là tổ chức hệ thống tiêu thụ cho hiệu quả để người trồng lúa được trả công xứng đáng.

Riêng về vấn đề hợp đồng kinh tế bị vi phạm, cứ thử hình dung xem ai là người soạn thảo hợp đồng? Chắc chắn là doanh nghiệp rồi, mà khi doanh nghiệp soạn ra hợp đồng thì họ đâu có viết ra những điều khoản nào bất lợi cho họ. Trong khi đó, thói quen của người Việt Nam mình, đặc biệt là nông dân, thường không đọc kỹ các điều khoản hợp đồng nên dễ dãi khi ký. Đó cũng chính là lý do không ít trường hợp nông dân phá hợp đồng vì cái hợp đồng đó không thể chấp nhận được.

Nếu chúng ta muốn giúp nông dân thì đã đến lúc nghĩ đến việc đặt ra các quy định về các điều khoản trong hợp đồng để nông dân không bị ép phải ký các điều khoản bất lợi hoặc chí ít cũng phải tập huấn cho nông dân để họ hiểu được rằng cần phải là “đối tác” với doanh nghiệp trong quan hệ hợp đồng chứ không phải là “người được ban ơn” trong quan hệ hợp đồng với doanh nghiệp như thời gian qua được.

Tô Văn Trường

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo