Ngày 11-6, hơn 68.000 thí sinh (TS) TP HCM đã trải qua ngày thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Kết thúc môn văn, TS Phương Mai, dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), cho biết rất hứng thú với đề. Đặc biệt là câu số 2 và 3 vì gợi mở nhiều điều, TS được thể hiện quan điểm, cảm nhận. Đó cũng là ý kiến của nhiều TS tại các hội đồng thi khác.
Không gây bất ngờ
Nhiều giáo viên dày dạn kinh nghiệm cũng đánh giá đề thi văn năm nay đầy chất “sống”.
Ông Đỗ Đức Anh, giáo viên văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), nhận định đề đánh thức được nhiều điều đối với TS, nhiều chất văn nhưng vẫn gần gũi với cuộc sống, đòi hỏi tư duy phản biện. Đoạn trích rút từ “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân khá thú vị, đánh thức được những ước mơ đẹp và ý thức của TS về việc phải nỗ lực thực hiện ước mơ. Bốn câu hỏi trong đề vừa sức, không đánh đố, TS dễ dàng đạt từ 2,5 điểm trở lên với những câu hỏi quen thuộc về biện pháp tu từ, xác định nội dung…; riêng câu hỏi thứ 4 rất hay vì khai thác được tư duy phản biện của TS, điều mà học sinh đang thiếu và các đề thi trước đây chưa làm được. Câu nghị luận xã hội có tính khơi gợi suy nghĩ cao, khá dễ viết và nhiều ý nên TS sẽ có nhiều cảm xúc khi viết.
Bà Lý Thị Tú Anh, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (quận 3), nhận định cấu trúc đề thi văn năm nay tương tự năm 2015, không bất ngờ đối với TS nên sẽ có những thuận lợi về tâm lý khi làm bài. Vấn đề được đặt ra trong đề (câu 2) tuy không là thời sự được quan tâm nhiều như hiện tượng vô cảm trong đề thi năm 2015 nhưng cũng gần gũi với TS. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của đề không có tính chất phổ biến: luận đề được nêu dưới hình thức câu hỏi (phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?). Cách đặt vấn đề mới lạ này có thể gây ra những lúng túng, khó khăn cho TS khi nhận thức và triển khai thành bài. Tính phân hóa của câu nghị luận xã hội này là khá cao. Vấn đề nghị luận văn học (câu 3) được nêu theo kiểu ra đề mới: không đòi hỏi thuộc lòng mà phải có năng lực cảm nhận, phân tích, bình giảng và liên hệ khái quát các chủ đề của văn học.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết thông qua đề văn có thể giáo dục học sinh vì văn là người. “Qua những trang viết, cảm nhận để các em nhìn lại mình, xác định những hoài bão, ước mơ đúng đắn của cuộc đời” - ông Đạt nói.
Không có TS vi phạm quy chế
Đề môn tiếng Anh (thi vào chiều cùng ngày) được đánh giá là khá phù hợp, nhiều TS cho rằng có thể đạt từ 6-8 điểm.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn, cho biết đề thích hợp để phân hóa TS. So với đề năm 2015 thì khó hơn một chút, cấu trúc cũng dài hơn. Câu 3 là câu gây tranh cãi do ngữ cảnh không rõ ràng và khá khó cho TS chọn đáp án đúng.
“Tuy đề khó hơn nhưng điểm thi sẽ tương đương năm trước vì trình độ môn tiếng Anh của học sinh có khuynh hướng tăng” - bà Chi nhận định.
Kết thúc ngày thi thứ nhất, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cả 2 môn văn và ngoại ngữ, ở lớp 10 thường vắng 351 TS (tỉ lệ dự thi đạt 99,44%), lớp 10 chuyên vắng 47 TS. Không có TS vi phạm quy chế thi. So với năm trước, số TS vắng thi giảm khoảng 200 em. Nguyên nhân có thể vì học sinh đang học tại các trường THCS tư thục, xác định học tiếp THPT ở hệ này nên chỉ đăng ký mà không thi, còn học sinh thi chuyên mà vắng có thể do đi du học.
Hôm nay (12-6), TS tiếp tục thi môn toán và những TS thi chuyên sẽ thi thêm môn chuyên.
Khó kiểm tra cả 4 kỹ năng
Trả lời câu hỏi về đổi mới đề thi tiếng Anh, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết rất muốn kiểm tra cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học sinh nhưng do điều kiện và kinh phí không đáp ứng được nên chỉ dừng ở đọc - hiểu và một số câu hỏi gián tiếp kiểm tra kỹ năng nghe, nói. Tổ chức được kỳ thi đánh giá cả 4 kỹ năng thì quá tốt nhưng phải huy động nhiều giám thị rồi phòng ốc, thiết bị cũng rất tốn kém. Vì vậy, phương án tốt nhất trong thời gian sắp tới là sẽ sử dụng kỳ thi tiếng Anh quốc tế để làm căn cứ miễn thi cho một số TS đủ điều kiện.
Bình luận (0)