xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đi B - một thời hoa lửa: 2 năm thành hơn 20 năm

Bài và ảnh: Phan Anh

Ngày ra Bắc tập kết, mọi người đưa 2 ngón tay hẹn người thân sau 2 năm sẽ trở về đoàn tụ. Nhưng 2 năm đã thành hơn 20 năm dài đằng đẵng...

Hôm 1.920 hồ sơ cán bộ đi B được trưng bày ở Bảo tàng TP HCM, có người phụ nữ cứ lặng lẽ lau nước mắt. Bà là Phạm Thị Oanh (ngụ phường 5, quận 8, TP HCM) đứng đó, mân mê và ngắm mãi tấm hình 2 người đàn ông được dán trên bảng thông tin. Một trong 2 người ấy là ông Nguyễn Thanh Xuân (cán bộ đi B) - người chồng thương yêu của bà, đã mất.

Những cuộc chia ly cao cả

Tấm hình trắng đen, bé xíu, đã ngả màu nhưng bà Oanh nhận ra ngay: “Đúng là chồng tôi đây rồi, không sai được. Hình này ông nhà tôi chụp lúc ở đơn vị”.

Bà Oanh vốn là học sinh Trường Nguyễn Ái Quốc, làm liên lạc rồi đi bộ đội thuộc Trung đoàn 165; còn ông tập kết ra Bắc, là lính trinh sát thuộc Sư đoàn 91 đóng ở huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Ông bà quen nhau trong lúc làm nhiệm vụ rồi đến năm 1964 thì cưới nhau. Vợ chồng chưa kịp quen hơi, ông đã lên đường đi Sơn Tây. Thế là từ đó, ông bà xa nhau biền biệt.

Cán bộ đi B và thân nhân tìm hồ sơ được trưng bày tại Bảo tàng TP HCM mới đây
Cán bộ đi B và thân nhân tìm hồ sơ được trưng bày tại Bảo tàng TP HCM mới đây

“Mãi sau ngày giải phóng, vợ chồng tôi mới có dịp đoàn tụ ở Sài Gòn. Mừng mừng tủi tủi, ổng kể tôi nghe những ngày tháng khốc liệt khi cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn cuối. Sống với nhau chưa được 10 năm, ổng lại để tôi một mình vì vết thương chiến tranh tái phát. Lần này, ông ra đi mãi mãi” - bà gạt nước mắt.

Cầm bộ hồ sơ đi B của cha mình được Sở Nội vụ TP HCM trao trả, ông Lê Văn Minh (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đã bật khóc. Miết tay trên từng dòng thủ bút của cha, ông bần thần: “Cái này cha viết năm 1954, lúc chuẩn bị tập kết ra Bắc. Khi đó, tôi mới 2 tuổi. Không hiểu sao giấy tờ của tôi đều ghi hai chữ “vô danh” vào mục họ, tên cha?”.

Thắc mắc đó theo Minh mãi đến khi 17 tuổi. Lần đầu tiên trong đời ông hỏi má về cha. Câu trả lời của má cũng không rõ ràng. Đến năm 1972, sau khi có mấy người lạ đến nhà, má ông bất ngờ thông báo: “Ba mày còn sống, ổng đi tập kết, mới về Nam”. Thế là má dẫn vợ chồng Minh bồng theo đứa cháu nhỏ đi gặp mặt ông nội. “20 tuổi mới gặp mặt cha lần đầu, tay chân tôi cứ lọng cọng. Vừa ôm nhau thì ông đã hỏi: “Mày đi lính gì?”. “Dạ, con đi hải quân”. Nghe trả lời, gương mặt ông giãn ra. Sau này, tôi mới biết ông về đột ngột vì hay tin tôi đi lính quốc gia” - ông Minh nhớ lại.

Lần đó, mới gặp nhau chừng 15 phút thì cha ông Minh đi ngay vì bị lộ. Cuộc chia ly ấy cách kéo dài thêm 3 năm nữa, khi đất nước thống nhất, gia đình ông mới được đoàn tụ. Nhưng rồi mẹ ông ra đi sau đó 7 ngày vì bị ung thư dạ dày. Ngần ấy thời gian chờ đợi chỉ để sống với nhau được 7 ngày nhưng ông Minh chưa một lần nghe một lời oán than hay nuối tiếc.

Ngày Bắc, đêm Nam

80 tuổi, đôi mắt không còn tinh anh, đôi tai không còn tường minh nhưng khi nhắc về những năm tháng đi B, ông Nguyễn Văn Tê (ngụ phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM) như trẻ lại.

“Năm 1954, từng đoàn cán bộ, học sinh miền Nam ra Bắc học tập, lao động để sau này trở lại xây dựng quê hương. Trong giờ phút chia ly, ai cũng giơ 2 ngón tay hẹn người thân sau 2 năm sẽ trở về đoàn tụ. Nhưng 2 năm đã thành hơn 20 năm, đồng hành máu và nước mắt của cả dân tộc. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, cả miền Nam bị bom đạn cày xới. Những đôi vợ chồng mới cưới chưa kịp bén hơi nhau, đến khi gặp lại tóc đã thay màu; những người cha lên đường chưa kịp biết mặt con và những người con vĩnh viễn không được gặp cha” - ông Tê bồi hồi.

Cũng như bao người con của miền Nam hẹn với người thân sau 2 năm sẽ đoàn tụ nhưng rồi sau 2 năm, 5 năm, 10 năm trôi qua, ông Tê chẳng về như lời hẹn. Mãi đến năm 1974, ông mới được về Nam, nhận nhiệm vụ tại Ban Nông nghiệp Trung ương Cục.

Một cán bộ đi B khác - ông Đỗ Văn Dọi (ngụ tại phường 4, quận 4, TP HCM) - hồi tưởng: “Trong suốt thời gian học tập và công tác ở miền Bắc, không có ngày nào anh em tập kết không nghĩ về miền Nam. Chúng tôi gọi đó là “ngày Bắc, đêm Nam”. Hễ nghe đài đưa tin cách mạng miền Nam, đồng bào miền Nam bị đàn áp là lòng chúng tôi như xát muối. Ai cũng da diết muốn được về Nam chiến đấu nhưng để được về phải trải qua một quá trình trưởng thành và cống hiến gian khổ…”.

Đang tìm địa chỉ cán bộ đi B

Lần đầu tiên, những hồ sơ sau gần 40 năm xa cách đã trở về với cán bộ, chiến sĩ đi B và thân nhân của họ khi mới đây, TP HCM tổ chức trao trả 100 hồ sơ. Ông Võ Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP, cho biết sau bao năm tháng đi qua, nhiều cán bộ đi B đã hy sinh hoặc từ trần thì những bộ hồ sơ, những kỷ vật này càng có ý nghĩa và giá trị. Đó là minh chứng về một giai đoạn hào hùng của dân tộc, gắn liền với số phận hàng vạn con người đã không tiếc máu xương, hy sinh vì nghĩa lớn.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chi cục phó Chi cục Văn thư lưu trữ - Sở Nội vụ TP, thủ tục nhận lại hồ sơ cán bộ đi B rất đơn giản; hàng ngàn người và thân nhân không hề biết rằng tài liệu, giấy tờ, kỷ vật của người thân của họ đang được lưu giữ ở đây. Những thứ quý giá ấy có thể giúp họ hoàn thiện các thủ tục hành chính để làm chế độ, chính sách... Hiện Chi cục Văn thư lưu trữ đang nỗ lực tìm kiếm địa chỉ của cán bộ đi B và thân nhân. Tuy nhiên, do sự thay đổi địa giới hành chính và nơi cư trú nên chỉ tìm được địa chỉ chính xác của gần 300/1.920 hồ sơ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo