xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Di sản văn hóa dễ bị mai một

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Giờ đây, tiếng cồng chiêng không còn cất lên ở buôn làng, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên mà chỉ thi thoảng xuất hiện tại các cuộc thi, lễ hội lớn hoặc biểu diễn để ghi hình, được tài trợ kinh phí

Trong những năm qua, ngành văn hóa đã có chính sách cho những gia đình, những người gìn giữ chiêng, chỉnh chiêng; mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ học các kỹ thuật đánh, chỉnh chiêng; tổ chức các cuộc liên hoan dân ca, nhạc cụ dân tộc, hội diễn văn nghệ quần chúng và bước đầu đã mang lại những kết quả đáng mừng.

Mất dần không gian diễn xướng

Thế hệ trẻ của đồng bào bản địa dù phần lớn không mặn mà với di sản văn hóa cồng chiêng nhưng cũng có những người đam mê tiếng cồng chiêng, đang ngày đêm học tập để bảo tồn di sản cha ông để lại. Du khách yêu tiếng cồng chiêng mỗi khi đến Đắk Lắk thường tìm tới ngôi nhà dài truyền thống của nghệ nhân Y Thim Byă ở buôn Ea Bông (xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) không chỉ bởi sự cuốn hút của dàn chiêng, những nhạc cụ dân tộc bản địa mà còn được đắm mình trong tiếng cồng chiêng của đội nghệ sĩ nhí.

Tuy nhiên, sau khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dù các cơ quan quản lý, các tổ chức trong và ngoài nước đã có những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nhưng thực tế cồng chiêng Tây Nguyên đang dần mai một.

 

Những người biết chỉnh chiêng như thế này ở Tây Nguyên nay còn rất ít
Những người biết chỉnh chiêng như thế này ở Tây Nguyên nay còn rất ít

 

Văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số miền núi nói chung và Tây Nguyên nói riêng đều ra đời từ tín ngưỡng đa thần và phương thức sản xuất nương rẫy truyền thống. Cụm từ “ăn năm uống tháng” để chỉ những lễ hội liên miên được tổ chức theo hệ thống nông lịch và vòng đời của người Tây Nguyên. Trong đó không thể thiếu tiếng cồng chiêng - phương tiện kết nối giữa con người và thần linh.

Chính sự xuất hiện tập trung đông đủ, lặp đi lặp lại, truyền từ đời này sang đời khác có sức sống mãnh liệt là những yếu tố quan trọng để UNESCO công nhận cồng chiêng là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh đó, không giống như một số di sản phi vật thể khác, cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản dựa trên 2 yếu tố: sự kết hợp của không gian và nghệ thuật. Hiện nay, dưới sự tác động của nhiều nguyên nhân khiến không gian, môi trường diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên đang biến dạng và mất dần.

Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, bà Linh Nga Niê Kdăm, cho rằng yếu tố quan trọng làm nên di sản là tính cộng đồng. Tiếng cồng chiêng chỉ thực sự đúng nghĩa khi được cất lên trong không gian rừng núi, bến nước, làng bản, những ngôi nhà dài, nhà sàn truyền thống... với sự tham gia của cả cộng đồng ở đó chứ không phải gượng gạo tại hội trường.

Hiện nay, những buổi biểu diễn cồng chiêng thường do các đơn vị thuộc ngành văn hóa bỏ kinh phí tổ chức hoặc có sự tài trợ để quay phim, ghi hình. Những cuộc liên hoan thường chỉ được thực hiện ở các trung tâm văn hóa của tỉnh, huyện... với sự tham gia của các đại biểu và những người tò mò. Còn các chủ nhân đích thực của kho tàng văn hóa độc đáo ấy - những người đã sản sinh, gìn giữ và vẫn đang rất “đói” sinh hoạt văn hóa lẫn thông tin - không mấy ai được trực tiếp tham dự.

“Chúng ta không thể khôi phục không gian diễn xướng, biểu diễn cồng chiêng trong ngôi nhà dài làm bằng bê-tông thì ít nhất cũng phải có tính cộng đồng trong đó mới tạm chấp nhận được” - bà Linh Nga nói.

Còn theo ông Y Kô Niê, Phó Phòng nghiệp vụ văn hóa của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là rừng, nương rẫy, nhà mồ, bến nước, không gian buôn làng và những ngôi nhà dài, nhà sàn truyền thống. Phần lớn các tộc người thiểu số Tây Nguyên quan niệm rằng rừng là nơi thần linh trú ngụ, trong khi hiện nay rừng suy giảm nhanh chóng, mất dần những ngôi nhà dài truyền thống, những bến nước và những lễ hội truyền thống khiến không gian diễn xướng mất theo. “Thực tế hiện nay, ngành văn hóa chỉ làm tốt công tác bảo tồn, lưu giữ cồng chiêng còn việc tái tạo không gian diễn xướng thì không làm được” - ông Y Kô Niê cho biết.

Muôn vàn khó khăn

Âm nhạc cồng chiêng đang ngày càng được tô vẽ để trở thành một thứ âm nhạc trình diễn tại các lễ hội, phục vụ tại các điểm du lịch với kịch bản được dàn dựng sẵn. Sự tiếp thu văn hóa không chọn lọc cũng là tác nhân đáng kể khiến cồng chiêng Tây Nguyên ngày càng teo tóp. Bên cạnh những yếu tố chủ quan thì những nguyên nhân khách quan cũng đang làm cho việc bảo tồn, phát huy di sản cồng chiêng trở nên khó khăn.

Theo ông Y Kô Niê, những thế hệ am hiểu, lưu giữ di sản văn hóa cồng chiêng đã già và chết nhiều khiến công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn. Ông nêu ví dụ: Hằng năm, cứ đến dịp 30-4, ở buôn Ea Nhái (xã Ea Knek, huyện Krông Pắk) tổ chức lễ hội mừng thống nhất đất nước. Năm nay chẳng hạn, để phục dựng lễ hội, cách đây 1 tháng, ngành văn hóa muốn tài trợ cho chương trình nhưng họ đã từ chối vì thầy cúng của buôn vừa qua đời, không còn ai biết cúng phần lễ nên đành bỏ cuộc. Bên cạnh đó, số ít người thuộc thế hệ trẻ đam mê tiếng cồng cũng chỉ được một thời gian lúc còn học phổ thông; đến khi học đại học, đi làm thì đội cồng chiêng tan rã.

 

Một phần của cuộc sống

Nghệ nhân Y Thim chia sẻ: “Đội chiêng trẻ buôn Ea Bông đã đi biểu diễn rất nhiều nơi trong và ngoài nước, nhận được nhiều giải thưởng và những lời tán thưởng. Sự tán thưởng ấy đã khuyến khích không chỉ về mặt tinh thần mà còn tạo cơ hội cho các em ngày càng thuần thục tiếng cồng của cha ông. Những Y Thu, Y Noal... đã được các đơn vị đào tạo nghệ thuật trong và ngoài tỉnh mở rộng cửa đón nhận. Còn theo Y Thu Êban (15 tuổi, con trai Y Thim), học biểu diễn cồng chiêng giờ là một phần trong cuộc sống của em. Ngoài những giờ học ở trường, các em thường được các nghệ nhân trong buôn chỉ dạy để những ngón chiêng ngày càng thuần thục”.

Thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cũng có một đội chiêng độc đáo: đội chiêng nữ. Những thiếu nữ ở tuổi độ 16-17 nhưng đã học đánh chiêng từ 4-5 năm trước, nay có thể đảm đương những vị trí trong dàn chiêng nữ khi những người mẹ, người bà vắng mặt. Các thiếu nữ đang ngày đêm luyện tập để tiếng chiêng ngày càng điêu luyện, mê hoặc lòng người.

 

Kỳ tới: Đau đáu nỗi lo bảo tồn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo