xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đối mặt sông lở, đê vỡ

LƯƠNG PHÚC - THANH VŨ- QUỐC DŨNG

Những ngày qua, lũ đầu nguồn tiếp tục lên nhanh dẫn đến nguy cơ vỡ đê, sạt lở sông, rạch rất cao. Nhiều địa phương ở ĐBSCL đang dồn sức đối phó với lũ để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra

Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long tăng 5 cm-10 cm/ngày và hiện đã cao hơn thời điểm này năm 2008 khoảng 40 cm, đe dọa nhà cửa, đất đai và tính mạng của hàng ngàn hộ dân. Khoảng một tháng nay, hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng đã liên tiếp xảy ra ở Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ...


Liên tục sạt lở


Tại Đồng Tháp, tình trạng sạt lở ở các xã cù lao huyện Hồng Ngự hết sức phức tạp. Trong hai ngày 18 và 19-7, tại ấp Long Phước, xã Long Khánh A, sông bị sạt lở cuốn trôi 150 m đường đất, ăn sâu vào đất liền 10 m và làm 14 căn nhà phải di dời khẩn cấp.

Ở xã Thường Phước 1, khoảng 3 tuần nay đã sạt lở hơn 4 km ven sông, ăn sâu vào đất liền 2 m- 3 m. Nhiều đoạn đường nhựa ở xã Long Thuận bị nước lũ cuốn trôi. Cũng tại Long Thuận, ngày 20-7, xảy ra một vụ sạt lở làm mất 70 m đất, ảnh hưởng đến 6 nhà dân và đe dọa Trường Tiểu học Long Thuận 4.


Tại các huyện đầu nguồn lũ An Giang như An Phú, Tân Châu cũng có hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm. Ngoài những điểm sạt lở thường xuyên, mùa lũ năm nay tại An Giang phát sinh điểm sạt lở mới ở xã Quốc Thái, huyện An Phú. Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là tại xã Vĩnh Trường, huyện An Phú.

Khu vực đầu cồn Vĩnh Trường đang bị sạt lở dữ dội khiến một trường tiểu học phải bỏ hoang từ 2 năm nay bởi có thể rơi sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Ông Lâm Văn Lũy, ngụ tại cồn Vĩnh Trường, cho biết hơn 4 công đất của gia đình ông đã lần lượt bị sạt lở xuống sông.

Chỉ tay về phía xa tít ở ngã ba sông, ông Lũy lo lắng: “Trước đây, ranh đất của tôi tận ngoài đó, song 2- 3 năm nay đã bị sạt lở gần hết. Ban đêm, nhà tôi không ai dám ngủ vì nhiều khi vừa chợp mắt đã nghe đất lở ầm ầm. Căn nhà gia đình tôi đang ở cũng không biết sẽ bị cuốn trôi lúc nào đây”...

img
Ngôi trường ở An Phú – An Giang này đã bỏ hoang gần 2 năm nay vì có thể sạt  xuống sông bất cứ lúc nào. Ảnh: Q. Dũng

Tại Tân Châu - An Giang cũng có rất nhiều điểm sạt lở như: Vĩnh Xương, Long An, Vĩnh Hòa, Tân An, Lê Chánh, Phú Lộc, Châu Phong... Từ đầu năm 2009 đến nay đã có 4 vụ sạt lở ở Tân Châu, làm mất khoảng 2.800 m2 đất và 18 hộ dân phải di dời.

Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở từ ngày 18 đến 20-7 dọc bờ sông Hậu tại khu vực ấp Vĩnh Lợi 2, xã Châu Phong. Chiều dài đoạn sạt lở lên tới 650 m, rộng 4 m, 1.950 m2 đất đổ sụp và phải di dời 7 nhà dân. Khả năng sạt lở ở khu vực này vẫn còn rất cao, bởi hiện đã có nhiều vết nứt dài khoảng 30 m, rộng 4 m.

Tương tự, tỉnh Hậu Giang có nhiều sông, rạch chằng chịt cũng là nơi thường xuyên bị sạt lở trong mùa lũ. Những ngày gần đây, ở Châu Thành đã xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng ở 2 tuyến kênh Cái Đôi và Cái Chồi với chiều dài khoảng 114 m, ăn sâu vào bờ 6 m-10 m. Tại TP Cần Thơ, các quận, huyện Thốt Nốt, Phong Điền, Ô Môn... cũng xảy ra sạt lở kênh, sông nghiêm trọng trong những ngày gần đây.


Dồn sức chống lũ


Trước tình hình lũ lên nhanh, các huyện đầu nguồn lũ ở Đồng Tháp và An Giang đã triển khai công tác phòng chống, ứng phó với lũ. Trong đó, việc gia cố đê bao, kiểm tra tất cả các điểm đê xung yếu để bảo vệ và bảo đảm cho nông dân thu hoạch dứt điểm lúa hè thu được các địa phương đặc biệt quan tâm.


Huyện An Phú - An Giang có trên 40 km đê bao cần gia cố hằng năm. Ông Nguyễn Văn Thao, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Phú, cho biết: “Năm nay lũ lên đột ngột nên huyện đã và đang gia cố 166 điểm đê với chiều dài 23 km, kinh phí 1,2 tỉ đồng do nhân dân tự nguyện đóng góp”.

img
Khu vực sạt lở nguy hiểm ở cồn Vĩnh Trường, An Phú - An Giang. Ảnh: Q. Dũng


Để khắc phục tình trạng sạt lở, sụp lún gây nguy hiểm đến tài sản, đời sống và tính mạng của người dân, UBND tỉnh Hậu Giang đã quyết định đầu tư xây dựng dự án bờ kè chống sạt lở tại các huyện Vị Thủy, Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy với tổng kinh phí 134,7 tỉ đồng. Năm nay, tình hình sạt lở ở Quốc lộ 61 đoạn từ huyện Phụng Hiệp đến thị xã Vị Thanh khá nghiêm trọng. Hiện ngành GTVT Hậu Giang đang xây dựng kè cặp Quốc lộ 6 để gia cố, tránh sạt lở trong mùa lũ sắp tới.


Tại TP Cần Thơ, ông Trần Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phong Điền, nơi thường xuyên xảy ra sạt lở nghiêm trọng vào mùa lũ, cho biết: “Ngay từ đầu mùa lũ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chuẩn bị đối phó khá chu đáo. Huyện đã gia cố và nâng cấp hơn 30 km tuyến lộ, bảo đảm chống ngập, chống sạt lở khi lũ về”.


Ngoài bảo vệ sản xuất, vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm an toàn tính mạng người dân trong mùa lũ, nhất là học sinh và trẻ em. Theo ông Nguyễn Văn Thao, tất cả các lực lượng công an, quân đội, y tế, thanh niên, chữ thập đỏ... trên địa bàn huyện An Phú – An Giang đã được huy động sẵn sàng ứng phó với lũ. “Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao diễn biến của lũ để có kế hoạch, phương án thích hợp cho từng thời điểm. Nếu lũ cao làm ngập các tuyến lộ giao thông, chúng tôi sẽ tổ chức đưa rước học sinh đến trường và về nhà thường xuyên”- ông Thao cho biết.

 

Kỳ tới: Vui buồn cụm - tuyến dân cư

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo