xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổi mới để vượt lên

TS LÊ ĐĂNG DOANH

Kinh tế - xã hội nước ta đang rơi vào cuộc suy thoái trầm trọng nhất từ sau đổi mới đến nay, đòi hỏi phải tiến hành một cuộc đổi mới kế tiếp. Mọi người, mọi cấp - ngành phải thay đổi từ tư duy đến hành động để đưa đất nước tiến lên

Mùa Xuân về, khi trăm hoa đua nở, cây cối đâm chồi, nảy lộc cũng là lúc mỗi người nghĩ đến những mơ ước tốt đẹp cho bản thân và đất nước. Điều mơ ước cháy bỏng và thiêng liêng nhất là dân tộc Việt Nam ta nối tiếp truyền thống anh hùng, bất khuất, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, biển đảo.

img
Cần đổi mới và tái cấu trúc mạnh mẽ hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước để xứng đáng với vai trò đầu tàu của nền kinh tế.
Trong ảnh: Viettel, một trong số ít các tập đoàn kinh tế Nhà nước đạt lợi nhuận kinh doanh cao trong năm 2012. Ảnh:
HỒNG THÚY

Thế kỷ XXI đang diễn ra những chuyển dịch địa - chính trị rất căn bản, trong đó bảo vệ chủ quyền quốc gia không chỉ trên biển đảo mà còn về chính trị, kinh tế, cả trên không gian mạng và hội nghị quốc tế. Chúng ta phải đồng lòng làm tất cả những gì có thể được để bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Và trong năm con rắn này, đất nước ta, từng doanh nghiệp và mỗi cá nhân phải tự lột xác để lớn lên, mạnh hơn. Để lớn lên, con rắn phải trút bỏ lớp da cũ, thoát khỏi hình hài đã trở nên quá chật hẹp và cản trở sự trưởng thành.
 
Còn hơn thế nữa, sự “lột xác” của chúng ta không chỉ giới hạn ở cái vỏ bên ngoài mà đất nước ta đang rất cần một cuộc đổi mới căn cơ, có hệ thống để xác lập và thực hiện các quyền cơ bản của người dân, xây dựng một Nhà nước hoạt động có hiệu quả dưới sự giám sát của người dân, báo chí, Quốc hội cùng các tổ chức quần chúng.
 
Hiến pháp mới phải do toàn dân trực tiếp phúc quyết, phải bảo đảm các quyền tự do, dân chủ và trách nhiệm gánh vác đất nước của mọi người dân.

Cải cách thể chế, bộ máy, chính sách là chìa khóa để đất nước ta mạnh lên, dân ta giàu có hơn, xã hội ta văn minh và trí tuệ hơn. Đó không chỉ là một ước vọng mà phải là kết quả của cuộc đấu tranh chống lại đặc quyền, đặc lợi, lợi ích nhóm bất chính cũng như tư duy nhiệm kỳ trục lợi; chống lại độc quyền chân lý, chống lại tham nhũng, lãng phí.

Kinh tế - xã hội nước ta đang rơi vào cuộc suy thoái trầm trọng nhất từ sau đổi mới đến nay, đòi hỏi phải tiến hành một cuộc đổi mới kế tiếp, bắt đầu từ đổi mới công tác lãnh đạo. Và mỗi chúng ta, mỗi doanh nghiệp phải tự đổi mới, tự tái cấu trúc mình theo những yêu cầu mới của sự phát triển. Doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động thay vì chạy theo những động cơ trục lợi như bán đất đai, đốn gỗ rừng và khai thác khoáng sản.

Mỗi một cá nhân chúng ta phải vượt lên chính mình, thắng được các thói quen không còn thích hợp; điều chỉnh lối sống, đầu tư thời gian, sức lực cho học tập suốt đời; rèn luyện thân thể cường tráng để tránh được bệnh tật. Muốn chiến thắng bản thân, phải đổi mới chính mình trước đã.

Mùa Xuân mới đang vẫy gọi đất nước ta, nhân dân ta. Tổ tiên anh hùng và các liệt sĩ đã hy sinh cho ngày nay của đất nước này đang kêu gọi chúng ta hành động, dấn thân thêm vì sự nghiệp độc lập, tự do và hạnh phúc của mọi người dân Việt.

Mong cuộc sống bình an

Xã hội ngày nay biến đổi thật mau lẹ. Hàng triệu người Việt Nam cuốn theo những dòng đời mà di chuyển trong không gian sống đã trở nên chật chội. Thiếu những chuẩn mực ứng xử đáng tin cậy, ai cũng lo khi người thân chậm về mỗi bữa cơm chiều.

Giúp từng con người được ung dung tự tại, một nền pháp luật ổn định sẽ tạo ra những chuẩn mực ứng xử đáng tin cậy giữa vô vàn phần tử trong xã hội biến đổi này. Công lý nếu được xác lập toàn vẹn, từng con người nhỏ bé sẽ bớt lo sợ trước sức mạnh của tiền bạc, cường quyền và bạo lực. Muốn đạt được điều mơ ước ấy, ngôi nhà công lý phải được xây trên một nền móng vững chãi.

Năm mới 2013, ai cũng mơ ước bình an, ai cũng mong công lý toàn vẹn sẽ đến và ở lại dài lâu trên đất nước này. Bình an là đích tới, tư thế công dân là con đường, kiểm soát quyền lực là phương tiện. Rất mong 3 hướng ấy giao nhau.

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa
(Trưởng Khoa - Luật Trường ĐH Kinh tế TPHCM)

Nhiều cơ hội từ TPP

Ưu tiên hàng đầu của Phái bộ Mỹ trong năm 2013 là kết thúc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài những lợi ích trước mắt dành cho các ngành công nghiệp hiện tại của Việt Nam và ảnh hưởng tích cực đến danh tiếng của thị trường này, trong những năm sắp tới, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra. Ước vọng mà chúng ta tiếp tục theo đuổi về thương mại giữa 2 nước đó là khả năng thích ứng, bảo đảm các điều kiện và khuyến khích phát triển kinh tế. TPP sẽ tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.

Hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực giáo dục là một trong những chuyện thành công đích thực. Từ vỏn vẹn 800 sinh viên năm 1995, Việt Nam hiện đã có gần 15.500 sinh viên đang theo học tại Mỹ, xếp thứ 8 trên thế giới. Có xấp xỉ 140 đối tác được công nhận giữa các trường đại học của 2 nước.

Hội nhập kinh tế quốc tế đem lại những cơ hội to lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng để đáp ứng được các thách thức của thị trường toàn cầu, nhân lực của ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam phải thay đổi một cách mạnh mẽ, đừng trì hoãn nữa!

Lê Thành Ân
(Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM)

Đừng để nông dân tự “bơi”

Cũng như hàng triệu nông dân, tôi mong đất nước ngày càng có nhiều doanh nghiệp giỏi chuyên môn, biết lấy nông dân làm trung tâm, năng động, dám đi đến các vùng trong nước và trong thế giới để tìm hoặc mở thị trường cho nông nghiệp Việt Nam, từ đó biết tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, kết hợp với đông đảo nông dân trong vùng nguyên liệu; biết áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp cao (GAP), có nguyên liệu ổn định cho chế biến thành phẩm có thương hiệu mạnh, bán được giá, đem lại lợi ích tối hảo cho nông dân.

Để được như thế, nông dân mong Đảng và Nhà nước có chính sách cụ thể và thích hợp để triển khai Nghị quyết 26 về tam nông, sớm chấm dứt tình trạng phó mặc nông dân muốn trồng gì thì trồng, nuôi gì thì nuôi, phó thác cơ nghiệp mình cho bàn tay của thương lái và các doanh nghiệp bất chính.

GS-TS Võ Tòng Xuân
(chuyên gia nông học)

Mong thu nhập tăng hơn mức giá tăng

Tháng 1-2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 1,25% so với tháng trước. Tết năm nay, sức mua giảm nhưng giá vẫn tăng. CPI tháng 2 năm ngoái tăng 1,37%. Con số của tháng 2-2013 phải đợi đến cuối tháng mới biết. Nếu CPI tăng như tháng 2 năm trước thì 2 tháng đầu năm nay, CPI tăng 2,64%. Từ năm 2002 đến 2012, mức bình quân CPI của tháng 2 so với tháng trước tăng 2,21%. Nếu CPI tháng 2 năm nay cũng ở mức ấy thì mức tăng giá của 2 tháng đầu năm 2013 sẽ là 3,49% so với thời điểm ngày 31-12-2012.

CPI cả năm 2012 tăng 6,81%. Năm nay, muốn lạm phát không hơn năm ngoái thì 10 tháng còn lại tổng cộng CPI chỉ được tăng thêm 3,21% (nếu CPI tháng 2 ở mức trung bình 10 năm qua); còn nếu tính với mức lạc quan 1,37% của tháng 2 năm trước thì 10 tháng tới chỉ còn có thể tăng 4,06%. CPI ở mức 4,06% hay 3,21% cho cả 10 tháng tới là khó khả thi.Từ đó, người dân chỉ mong mình có việc làm, có thu nhập tăng hơn sự tăng giá, bớt nhũng nhiễu, bớt trộm cướp, bớt ô nhiễm. Chỉ cần các “công bộc” công khai, minh bạch và chịu khó nghe dân thì chính sách của Nhà nước sẽ gần cuộc sống hơn và được dân hiểu hơn.

TS Nguyễn Quang A
(chuyên gia kinh tế)

Thực hiện nghiêm pháp luật về môi trường

Thời gian qua, nhận thức về môi trường đã được cải thiện đáng kể từ lãnh đạo cấp cao cho tới người dân. Trung ương đã có những nghị quyết về đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, môi trường sống của Việt Nam vẫn đang bị ô nhiễm.

Từ nhận thức đến hành động bảo vệ môi trường vẫn là một quá trình. Nhà nước cần thực hiện vai trò thi hành luật pháp nghiêm minh, trừng trị đích đáng các vụ việc gây ô nhiễm để răn đe, nâng cao nhận thức. Ở Bắc Kinh (Trung Quốc) trước kia người ta hay nhổ bậy, xả bậy, sau đó nhờ tuyên truyền và áp dụng luật mạnh tay, tình trạng trên gần như đã chấm dứt. Thực tế ở nước ta, các khẩu hiệu mang tính công thức đã trở nên mất tác dụng đối với nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có lực lượng doanh nghiệp vốn đã, đang và sẽ kiến tạo, thực hiện, phát triển các hoạt động bảo vệ môi trường.Việc giải bài toán cân đối giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường vẫn là thách thức lớn. Thực hiện tốt pháp luật môi trường là một lời giải của bài toán này.

TS Tô Văn Trường(chuyên gia môi trường)

Đột phá về chất lượng cán bộ

Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như vậy tại cuộc họp thứ nhất Ban Chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức chiều 25-1. Đó là chưa kể có một bộ phận thoái hóa, biến chất gây phiền hà, nhũng nhiễu. Nhận định này đã có từ lâu nay. Vấn đề là làm sao loại ra khỏi bộ máy 30% ấy?

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Quyết định sự thành bại của cách mạng, ngoài đường lối còn có khâu rất quyết định là cán bộ. Đúng, chính công chức trong bộ máy hành chính xây dựng nên thể chế, thiết kế tổ chức bộ máy và vận hành bộ máy hành chính. Sai một li đi một dặm. Cán bộ, công chức, dù một bộ phận nhỏ làm sai, ta thường ví là con sâu, sẽ đủ sức làm rầu nồi canh, thậm chí có thể làm hư cả nồi canh chung, đằng này số sâu không dưới 30%!

Vừa qua, một số nơi đã tiến hành nghiêm túc việc thi tuyển và đã bắt đầu áp dụng quy định về công chức dự bị. Hy vọng qua một thời gian cùng với nhiều biện pháp hữu hiệu sẽ giúp “thay máu” đại trà đội ngũ cán bộ công chức.

Diệp Văn Sơn
(nguyên vụ trưởng - Bộ Nội vụ)
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo