xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Huyền thoại tàu không số: Trận chiến oanh liệt

TRỌNG ĐỨC - HỒNG ÁNH

Trong lịch sử Hải quân Việt Nam, trận đánh của 16 “cảm tử quân” tàu 69 thuộc đoàn tàu không số với lực lượng hùng hậu của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ sẽ mãi được nhắc đến

Dịp kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức ở Hà Nội tuần qua, chúng tôi gặp lại cựu binh Lê Xuân Khảm (SN 1940; ngụ tại quận Hải An, TP Hải Phòng). Nhắc lại trận chiến hơn 3 giờ với tàu địch trên vùng biển Cà Mau vào năm 1966, trong chuyến đi chở hơn 60 tấn vũ khí chi viện cho miền Nam, ánh mắt người thợ máy tàu 69 năm nào lại bừng sáng.

9 tháng nằm bờ

Vốn là giáo viên Trường ĐH Hàng hải, ông Khảm là một trong 200 trí thức, sinh viên của Hải Phòng tình nguyện đi chiến đấu và được tăng cường cho miền Nam. Sau đó, ông được biên chế về đoàn tàu không số. Tàu 69 lúc ấy có 16 người do ông Nguyễn Hữu Phước (quê Cà Mau) làm thuyền trưởng, ông Tăng Văn Huyển (Bến Tre) là chính trị viên. Trong 14 người còn lại, ông Khảm phụ trách máy 2.

Năm 1966, tàu 69 được lệnh chở 61 tấn vũ khí từ Bến K15 (Hải Phòng) vào Bến Vàm Lũng (Cà Mau). Tàu 69 được ngụy trang thành tàu nghiên cứu khoa học của nước ngoài. Nhân gió mùa Đông Bắc, biển động rất mạnh nên tàu khu trục, tuần duyên của hải quân địch nằm bờ không tuần tra, tàu 69 ra khơi thẳng tiến vào Nam. Thế nhưng, khi đến khu vực ngang với vùng biển Đà Nẵng, tàu 69 bị tàu Mỹ phát hiện và đeo bám. Dù vậy, các thành viên trên tàu vẫn quyết tâm phải vào được Vàm Lũng vì quân dân miền Nam đang rất thiếu vũ khí.

Cựu binh Lê Xuân Khảm kể lại trận đánh oanh liệt của tàu 69 với tàu địch Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Cựu binh Lê Xuân Khảm kể lại trận đánh oanh liệt của tàu 69 với tàu địch Ảnh: TRỌNG ĐỨC

“Tối 22-3-1966, sau khi cắt đuôi tàu địch, tàu 69 chuyển hướng chạy hết tốc lực vào gần Côn Đảo. Tuy nhiên, do đoán trước được nên địch đã cho tắt 2 ngọn hải đăng ở Côn Đảo và Hòn Khoai khiến tàu 69 không thể xác định đường đi. Rạng sáng hôm sau, khi tiếp cận bờ thì anh em mới biết tàu đã lạc bến đến vài chục km. Phía ngoài, tàu địch bao vây, truy tìm; trong bờ, dân quân, du kích địa phương ngỡ tàu 69 là của địch nên nổ súng tấn công. Sau khi biết chính xác tàu 69 là bên mình, dân quân, du kích đã ra dẫn vào, lo ngụy trang. Máy bay địch liên tục quần thảo nhưng không phát hiện được” - ông Khảm nhớ lại.

Sau khi bắt liên lạc, tàu 69 liền quay lại Bến Vàm Lũng. Giao vũ khí xong, tàu 69 không quay về được vì tàu địch canh phòng rất cẩn mật, phải nằm lại bến đến 9 tháng.

Chống chọi hàng chục tàu địch

Đến tối 1-1-1967, xác định địch nghỉ Tết Dương lịch, tàu 69 lên đường quay ra Bắc. “Khi gần đến vùng biển quốc tế thì anh em phát hiện bị nhiều tàu địch bao vây. Cuộc họp khẩn kéo dài chưa đến 2 phút, thuyền trưởng và chính trị viên tàu 69 quyết định nổ súng tấn công tàu địch trước. Hai khẩu 12 ly 7 trên tàu ta đồng loạt nhả đạn khiến 1 tàu địch bị bất ngờ thiệt hại nặng, không tấn công được nữa” - ông Khảm kể.

Tuy nhiên, gần chục tàu địch khác đã triển khai đội hình tấn công khiến tàu 69 cũng bị thiệt hại nặng nề, 1 người hy sinh, 3 người bị thương nặng. Sau đó, tàu 69 vừa rút vào bờ vừa tấn công đáp trả. Các thuyền viên đã hủy tài liệu, hải đồ, chuẩn bị phương án cho nổ tàu. Tàu lại cháy trong khi hệ thống cứu hỏa đã bị bắn hỏng, thuyền viên phải chia nhau vừa tấn công vừa dập lửa.

“Sau mấy giờ quần thảo, nhiều người trên tàu bị thương nhưng anh em đều cố gắng bám trụ chiến đấu. Trong đó, chiến sĩ báo vụ Phan Hải Hồ - 25 tuổi, quê Nam Định - bị thương ngay loạt đạn đầu. Cổ chân dính đạn, bàn chân gần như đứt lìa nhưng anh vẫn ôm súng chiến đấu không lùi bước. Hồ còn đề nghị anh em cắt đứt bàn chân để anh chiến đấu cho thuận tiện nhưng không ai nỡ. Sau này, về đến bến, bàn chân anh bị cắt bỏ. Gương chiến đấu anh dũng của Hồ được truyền đi khắp đoàn tàu không số” - ông Khảm khâm phục.

Suốt 3 giờ vừa đánh vừa rút, pháo tạo khói được các thuyền viên tàu 69 liên tục ném xuống biển, mù mịt cả một vùng làm hạn chế tầm nhìn của địch. Nhân đó, tàu 69 tìm cách tiếp cận bờ và về được đúng Bến Vàm Lũng. Dù địch đã cử 2 tàu chặn trước ở khu vực này nhưng ta cũng bố trí lực lượng trên bờ đánh trả làm chúng phải bỏ chạy. Tàu 69 quay về bến trú ẩn an toàn. Trong khi đó, tàu địch tưởng tàu 69 chạy sang vùng biển mũi Cà Mau, đuổi theo không thấy, quay về thì đã bị mất mục tiêu.

Sau sự kiện này, do địch huy động lực lượng canh phòng cẩn mật, tàu 69 không thể quay ra Bắc nên tạm thời trú ẩn ở một con lạch nhỏ gần Bến Vàm Lũng. Những thuyền viên còn lại trên tàu đã trực tiếp tham gia chiến đấu cùng với lực lượng địa phương ở vùng cửa sông...

“Đây có lẽ là một trận đánh hy hữu trong lịch sử Hải quân Việt Nam. Tàu địch lên đến hàng chục chiếc bao vây nhưng tàu 69 vẫn chiến đấu anh dũng và chạy thoát an toàn” - ông Khảm nhận xét.

“Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ; của ý chí và tình cảm thống nhất đất nước; của sức mạnh tinh thần và trí tuệ dân tộc Việt Nam đã đánh thắng sức mạnh vật chất hiện đại của đế quốc Mỹ” - lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khắc trên phiến đá nhìn xuống Bến Vũng Rô.

Sự kiện Vũng Rô

Ngày 1-2-1965, tàu 43 chở 63 tấn vũ khí, hàng hóa xuất Bến K15 vào Bình Định. Do tình hình bến bãi ở Bình Định bị động nên tàu 43 được lệnh vào Bến Vũng Rô (Phú Yên). Ngày 15-2-1965, tàu 43 cập Bến Vũng Rô. Ngay trong đêm, lực lượng trên bến tập trung bốc dỡ hàng, đến 3 giờ hôm sau mới xong. Thế nhưng, tời neo bị hỏng phải sửa chữa nên tàu không thể rời bến ngay, phải ngụy trang ở lại. Trưa cùng ngày, một máy bay địch bay ngang Vũng Rô đã phát hiện “mỏm đá lạ” và tàu 43 bị lộ. Địch đã tổ chức nhiều đợt tấn công để cướp tàu.

“Chỉ huy bến quyết định cử lực lượng của Trung đội K60 mang một khối thuốc nổ hơn 600 kg xuống đánh cho chìm tàu. Đó là một quyết định táo bạo để địch không lấy được những tài liệu còn lại trên tàu” - đại tá Đặng Phi Thưởng - Trưởng Ban Liên lạc Bến Vũng Rô, nguyên tổ trưởng của Trung đội K60 - nhớ lại. Theo đại tá Thưởng, từ ngày 17 đến 20-2, địch liên tục tấn công bằng bộ binh, không quân, hải quân vào Bến Vũng Rô và các vùng lân cận nhằm cướp các kho vũ khí ta chưa kịp chuyển đi. “Địa hình hiểm trở ở Vũng Rô đã tạo điều kiện để ta vừa đánh địch vừa tranh thủ vận chuyển vũ khí về hậu cứ, lại có thể rút lui” - đại tá Thưởng nhìn nhận.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-10

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo