xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gắn đời với đảo xa

Bài và ảnh: MẠNH DUY

Trên nhiều hòn đảo ở vùng biển Đông Bắc Tổ quốc, có đám cưới đón dâu bằng xuồng cao tốc, chú rể mặc áo hải quân; có cặp vợ chồng tình nguyện ra nơi chưa từng có người cư ngụ để ăn đời ở kiếp…

Tình yêu sâu nặng là chưa đủ để họ bám trụ với đảo xa. Ban đầu, họ cần tình yêu nhưng khi đã hiểu nhau rồi, để có thể ăn đời ở kiếp với nhau thì còn cần cả cái nghĩa. Cũng chính vì chữ nghĩa sâu nặng với đảo mà họ đã lao động đến chai sạn cả đôi bàn tay, nước da sạm đi vì nắng gió để những nơi hoang vắng trở thành mảnh đất hấp dẫn, mời gọi người đất liền tới làm ăn, sinh sống.
 
img

Đám cưới của thiếu úy Nguyễn Quốc Hưng và cô giáo Lê Thị Trang trên đảo Trà Bản - Quảng Ninh

Như… Robinson

Ở đảo Trần thuộc huyện Cô Tô - Quảng Ninh, anh Hoàng Mạnh Hiển và chị Nguyễn Thị Cảnh là gia đình duy nhất đang sinh sống. Họ đã xung phong ra đảo được gần 6 năm. Anh Hiển và chị Cảnh vẫn còn nhớ như in quyết định chuyển từ đất liền ra đảo sinh sống của họ từng bị nhiều người cho là “điên rồ”. Dù đã lường trước khó khăn nhưng cũng có không ít thời điểm, nếu không vững vàng thì họ đã bị sóng gió trên hòn đảo hoang vắng này xô đẩy trở lại đất liền.
 
img

Đến giờ, hộ anh Hoàng Mạnh Hiển vẫn là gia đình duy nhất sinh sống tại đảo Trần - Quảng Ninh

Chị Cảnh và anh Hiển lập gia đình gần 10 năm trước ở Hải Phòng với đôi bàn tay trắng. Giữa lúc đang lo tìm cách bươn chải kiếm sống thì họ nghe tin huyện đảo Cô Tô vận động người dân ra sinh sống trên đảo Trần, nơi chưa từng có nhà dân nào.

Là hòn đảo xa xôi nhất trong các xã của huyện đảo Cô Tô, đảo Trần từng bị chính dân địa phương xem như “hoang đảo”, “nơi không sống được”. “Ra đảo lập nghiệp, xây dựng cuộc sống cũng có nghĩa là chúng tôi phải xác định gần như tách khỏi mọi thứ đang có, xa rời gia đình, hàng xóm, bạn bè… Quả thực, những ngày đầu ở đây đúng là thời gian chúng tôi như Robinson, phải sống trên đảo hoang và tự tập cách thích nghi” - chị Cảnh nhớ lại.

Có thời gian, chị Cảnh là phụ nữ duy nhất sống trên đảo Trần. Các anh bộ đội đóng quân trên đảo nhiều lúc nói đùa: “Nếu sau này có cuốn sách ghi lại lịch sử hòn đảo Trần thì chị Cảnh chắc chắn sẽ được tôn vinh là phụ nữ đầu tiên định cư tại đây”.

Anh Hiển không thể quên cuộc sống những ngày đầu trên hòn đảo chưa có dân cư này. “Lúc đầu, chúng tôi chỉ dựng một túp lều tạm để ở nên cứ mỗi trận bão đi qua là lại phải dựng lại. Buổi tối, vì đảo chưa có điện nên nhiều đêm, rắn rết từ trên núi bò vào nhà “hỏi thăm” vợ chồng tôi thường xuyên” - anh kể.

Cậu con trai Hoàng Nguyễn Việt Anh của đôi vợ chồng duy nhất trên đảo Trần cũng sinh ra tại đây. Đến giờ, cậu vẫn là đứa trẻ duy nhất được sinh ra tại đảo này. Sắp tới, Việt Anh sẽ được cha mẹ gửi về đất liền để vào học lớp 1. Có lẽ vì đã ở đảo khá lâu nên khi nhắc đến chuyện về đất liền, cậu cứ buồn rười rượi. “Việt Anh không muốn xa các chú bộ đội, xa cha mẹ, xa những bãi đất mà ngày ngày nó vẫn lăn lê chơi trò trận giả với những anh lính mới ra đảo” - anh Hiển cho biết.

Anh Hiển và chị Cảnh vừa xây một ngôi nhà cấp 4 trên đảo nhờ sự giúp đỡ của Tỉnh đoàn Quảng Ninh. Họ cũng làm được một khu vườn nho nhỏ để trồng trọt và chăn nuôi phía sau nhà. Gia đình họ còn có thu nhập nhờ bán hàng cho những tàu thuyền neo đậu, đánh bắt hải sản quanh khu vực đảo Trần.

Khi chúng tôi nói đến chuyện gắn bó tương lai với đảo Trần, anh Hiển tâm sự: “Nếu không xác định ở đây lâu dài thì chúng tôi đã không xây nhà và sinh con trên đảo. Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn nhưng những ngày gian khổ nhất đã qua. Có lẽ trong tương lai không xa, chúng tôi không còn là hộ gia đình duy nhất trên đảo Trần nữa. Tôi biết đã có nhiều người làm đơn xung phong ra đây rồi”.

Tình yêu níu giữ

Đầu năm 2013, trên đảo Trà Bản, huyện Vân Đồn - Quảng Ninh có thêm một đám cưới. Thiếu úy Nguyễn Quốc Hưng, quê huyện Lục Nam - Bắc Giang, kết duyên với chị Lê Thị Trang, giáo viên Trường THCS Bản Sen, xã Trà Bản. Thiếu úy Hưng mới ra Trà Bản công tác được 2 năm, hiện đóng quân tại trạm radar trên đảo. “Khi mới ra Trà Bản, tôi không nghĩ sẽ lập gia đình ở đây. Tôi nghĩ ở đảo, người dân phải đối mặt với cuộc sống chật vật, khốn khó thì làm sao có đủ thời gian nghĩ đến chuyện yêu đương”.

Thế nhưng, “tiếng sét ái tình” đột ngột đã khiến thiếu úy Hưng không chỉ có thêm động lực gắn bó với Trà Bản mà còn xác định đảo chính là quê hương mới. Kể về đám cưới được tổ chức ngay trên đảo, ánh mắt anh ngời lên hạnh phúc: “Gia đình tôi đi ô tô từ Bắc Giang đến cảng Cái Rồng - TP Cẩm Phả, sau đó tiếp tục theo xuồng cao tốc ra Trà Bản đón dâu. Chỉ huy, đồng đội của tôi cùng nhiều người dân trên đảo đã đến dự lễ cưới rất đông và chúc mừng đôi vợ chồng mới”.

Ở trạm radar đảo Trà Bản, đây là đám cưới thứ 5 của những người lính hải quân. Thiếu tá Trần Văn Thọ và chị Vũ Thị Huệ là đôi vợ chồng đầu tiên kết hôn tại Trà Bản gần 20 năm trước, khi mà mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu từ đất liền ra đảo. Quê Nam Định, ngày ra đảo, thiếu tá Thọ đang ở tuổi đôi mươi và không nghĩ mình sẽ gắn bó với đảo tới giờ.

“Tôi sẽ ở Trà Bản đến khi về hưu và chắc chắn, vợ chồng tôi sẽ gắn bó với đảo tới già” - anh quả quyết. Để lo cho cuộc sống gia đình ở trên hòn đảo còn nhiều khó khăn, mọi nhu yếu phẩm vẫn phải đưa từ đất liền ra này, từ 3 năm nay, thiếu tá Thọ đã đầu tư nuôi 2 ha tu hài. “Hai con tôi đều học giỏi và đang là sinh viên đại học ở Hà Nội” - anh tự hào.

Dự kiến, đến cuối năm 2013, đảo Trà Bản sẽ có điện lưới quốc gia. Hòn đảo rộng hơn 50 km2 này sẽ sáng đèn và dân đất liền sẽ ra Trà Bản đông hơn. “Với những người ở lại Trà Bản vì đã xây dựng cuộc sống ở đây, tình yêu là thứ níu giữ, giúp họ vượt qua mọi khó khăn” - thiếu tá Thọ nhìn nhận.

Cống hiến tuổi xuân

Thiếu tá Nguyễn Văn Hữu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 151 Vùng 1 Hải quân, người có tới 10 năm là Đảo trưởng đảo Trần, nhớ lại: “Thời chúng tôi mới đến đảo, 70% thực phẩm mang từ đất liền ra phải ướp muối để giữ được lâu. Chúng tôi còn phải mang từng con gà, con heo ra để gây dựng, duy trì cuộc sống”. Theo thiếu tá Hữu, quãng thời gian cực kỳ khó khăn là vào mùa đông, khi gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, thuyền bè của ngư dân quanh đảo không hoạt động khiến cán bộ, chiến sĩ phải ăn đồ khô đến cả tháng trời.

Cảnh vật ở đảo Trần 10 năm trước rất đìu hiu, chỉ có vài căn nhà hoang, nước khoan dùng sinh hoạt tanh ngòm. Mùa khô, khi giếng cạn kiệt, lính đảo phải ra biển tắm, chỉ dám tận dụng số nước ngọt ít ỏi tích trữ được để lau người. “Thế nhưng, nhờ bàn tay của người lính mà hòn đảo này nhanh chóng có được sức sống. Hiện đảo Trần đã bảo đảm 100% rau xanh, 80% thực phẩm. Nhiều người đã bất ngờ khi thấy trên một hòn đảo giữa biển nhưng chúng tôi có cá nước ngọt, đó là sản phẩm từ 2.000 m2 ao thả cá do anh em tự đào. Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, chúng tôi cũng xây bể trữ” - thiếu tá Hữu tự hào.

Trên đảo Trần và đảo Trà Bản đều có trạm radar với nhiệm vụ quan sát khu vực biển khắp vịnh Bắc Bộ. Cả 2 trạm này đều đặt trên núi và phải mất ít nhất 2 giờ đi bộ từ khu vực cầu cảng mới lên được đến nơi. Nếu như đời sống của cán bộ, chiến sĩ đóng quân ở bên dưới đã vất vả thì trên núi còn gian truân hơn. Thế nhưng, người lính hải quân vẫn quyết bám trụ để giữ sóng radar, giữ sự yên bình cho vùng biển Tổ quốc, không để tàu bè lạ xâm phạm lãnh hải của ta.

Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng 1 Hải quân, tâm sự: “Dù không còn khỏe nhưng lần nào ra thăm đảo, tôi cũng cố gắng leo lên các trạm radar đặt trên núi để động viên anh em. Nhiều người đã cống hiến cả tuổi xuân ở nơi heo hút, hẻo lánh này để giữ đảo, giữ biển”.
 

Đưa dân, đưa chữ ra đảo

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án “Vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống để thành lập đơn vị hành chính trực thuộc huyện Cô Tô”. Mục tiêu của đề án là đến hết năm 2013, vận động được 12-15 hộ dân ra định cư trên đảo, thành lập thôn Đảo Trần, tiếp đó sẽ thành lập xã Đảo Trần thuộc huyện Cô Tô.

Với Trà Bản, sau khi hòa điện lưới quốc gia và xây dựng một trường THCS, xã đảo này sẽ tiếp tục xây dựng trường THPT để con em người dân không phải về đất liền mà vẫn có thể lấy bằng cấp 3 ngay tại đây. Giáo viên từ đất liền cũng đang xung phong ra Trà Bản ngày một nhiều hơn. “Năm nào ở Trà Bản cũng có con em người dân đỗ đại học. Đó là sự khích lệ lớn với sự học trên xã đảo này” - thiếu tá Trần Văn Thọ khoe.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo