xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gia tăng tội phạm tuổi học trò

Huỳnh Hiếu - Phạm Dũng

Chịu nhiều áp lực từ việc học và sự kỳ vọng của người lớn, thiếu kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, định hướng đạo đức… là những nguyên nhân làm gia tăng tội phạm tuổi học trò

Thời gian qua, nhiều vụ án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm… mà thủ phạm vẫn còn ở lứa tuổi học trò gia tăng; tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm, hành vi vi phạm đa dạng, phức tạp và ở hầu hết các lĩnh vực tội phạm.

Tội nào cũng có

Mới đây nhất là vụ học sinh L.V.T (SN 2001, học lớp 7, ngụ xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) dùng dao bấm đâm 2 nhát vào hông trái em V.H.K (SN 2000, học sinh lớp 8 cùng trường) khiến nạn nhân thủng lá lách vào ngày 3-4.

Học sinh L.G.B (SN 1998, ngụ quận 8) chém một nam sinh khác vì bị kích động trên Facebook Ảnh: Phạm Dũng
Học sinh L.G.B (SN 1998, ngụ quận 8) chém một nam sinh khác vì bị kích động trên Facebook Ảnh: Phạm Dũng

Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 3-2014, đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ học sinh dùng dao đâm bạn. Cụ thể ngày 16-3, T.Đ (SN 2002, ngụ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) mang dao vào siêu thị đâm thủng tim em N.T.Đ (SN 1998, học sinh lớp 10) chỉ vì cho rằng nạn nhân cười đểu mình.

Hai ngày sau, T.Đ.T (SN 1999, học sinh lớp 9, ngụ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) khi đang ngồi học trong lớp bị 2 học sinh trường khác cầm dao xông vào đâm.

Ngày 25-3, N.N.T (SN 1996, ngụ huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) bị N.T.T (SN 1995) đâm chết vì mâu thuẫn trong quá trình sinh hoạt cắm trại ở trường.

Ngày 26-3, trong giờ giải lao tiết thứ hai, N.T.S (SN 1996, học sinh lớp 11) dùng dao đâm em H.N.T.T (SN 1996, học sinh lớp 11, ngụ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) trọng thương vì nạn nhân cùng 3 người bạn xông vào lớp đánh S.

Không chỉ cố ý gây thương tích hoặc giết người, nhiều học sinh là thủ phạm hoặc cấu kết với những thanh niên ngoài xã hội gây ra hàng loạt vụ cướp và cướp giật tài sản như vụ học sinh THPT ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An dùng hung khí (dao, tuýp sắt…) đe dọa, tấn công người tham gia giao thông cướp tài sản; một nhóm học sinh lớp 10 và 11 tại các trường ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa dàn cảnh để cướp tiền, điện thoại, xe máy vừa bị TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm...

Gây phẫn nộ trong dư luận là vụ 4 học sinh lớp 10 ở huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk hiếp dâm tập thể một nữ sinh học cùng lớp ngay trước cổng trường vào chiều tối 15-2…

Giải pháp đồng bộ

Nói về tình trạng dẫn đến sự gia tăng tội phạm tuổi học trò, thạc sĩ Bùi Việt Thành, nghiên cứu viên xã hội học Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP HCM, phân tích nguyên nhân là do hiện nay, nhà trường chủ yếu chỉ truyền thụ kiến thức khoa học nhưng lại hạn chế trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, định hướng đạo đức, mục tiêu sống cho các em.

Hằng ngày, học sinh chỉ biết học với nhiều áp lực và sự kỳ vọng của người lớn, không có thời gian để tiếp cận mục tiêu sống dẫn đến thờ ơ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Theo thạc sĩ Thành, gia đình, phụ huynh tôn sùng tiện nghi vật chất, xem trọng cá nhân, ảo tưởng với giá trị hưởng thụ, nuông chiều con thái quá khiến các em mất phương hướng, niềm tin, sống ích kỷ, ỷ lại. Ngoài ra, các biến cố của gia đình cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý các em. Ví dụ như cha mẹ chia tay, có hành động và lời nói không kiểm soát dễ khiến các em học theo, mang cảm giác bất mãn, dẫn đến hành vi lệch lạc. Những trẻ chỉ sống với ông bà khi cha mẹ đến các thành phố kiếm việc làm cũng dễ đối mặt với vấn đề gây ức chế tâm lý… Tất cả những điều đó thúc đẩy các em tìm đến bạn bè để giải khuây và điều này là môi trường thuận lợi để thực hiện những hành vi tiêu cực, phạm tội.

“Gia đình, nhà trường buông lỏng quản lý trong khi mạng internet, báo chí, tivi thông tin quá nhiều về những vụ án, phim ảnh có nội dung bạo lực, tình dục. Đọc và xem nhiều, trẻ sẽ tự nhiên thấy đó là chuyện bình thường trong xã hội, thậm chí xem bạo lực thể hiện sức mạnh cá nhân” - thạc sĩ Thành nói.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM), sự quản lý của nhà nước trước những hiện tượng vi phạm pháp luật xảy ra trong giới trẻ có phần lỏng lẻo, mang tính phong trào. Cụ thể, các đợt kiểm tra học sinh đi xe phân khối lớn không bằng lái chỉ làm hình thức, “đầu voi, đuôi chuột”… Tội phạm tuổi học trò gia tăng “chóng mặt” nhưng dường như các cơ quan chức năng chưa tìm ra được những biện pháp cụ thể, hiệu quả để có thể kéo giảm, chỉ khi xảy ra sự việc mới bắt tay vào giải quyết.

Luật sư Trạch cho rằng thực trạng trên là hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội, đòi hỏi chúng ta phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu để có thể phòng ngừa triệt để. Ngoài việc cần có sự phối hợp tích cực, thiết thực giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì vấn đề an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, những sân chơi lành mạnh cho giới trẻ… là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp chế tài thật khắt khe, đồng bộ và thường xuyên mới có thể làm giảm tỉ lệ phạm tội của giới trẻ, trong đó có học sinh.

Những con số giật mình

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2007-2013, trên cả nước xảy ra 63.600 vụ án hình sự do trẻ vị thành niên gây ra, với 94.300 đối tượng là trẻ vị thành niên phạm tội, tăng gần 4.300 vụ so với 6 năm trước đó. Số trẻ dưới 14 tuổi phạm tội chiếm tới 13%, trẻ từ 14 đến 16 tuổi phạm tội chiếm 34,7%.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo