Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dược sửa đổi - sẽ có hiệu lực từ năm 2017. Dự thảo này nêu nhiều biện pháp kiểm soát biệt dược gốc nhằm kiểm soát giá thuốc vốn đang cao ngất ngưởng.
Xem xét tính hợp lý
Theo dự thảo nghị định nêu trên, Bộ Y tế vẫn giữ trách nhiệm chính trong việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó phối hợp với Bộ Tài chính quy định nguyên tắc rà soát giá thuốc do cơ sở kinh doanh thuốc kê khai để xem xét tính hợp lý. Các chi phí này được tính toán cùng với những chi phí khác như: nhập khẩu, lưu thông; mặt bằng giá thuốc trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới; biến động của các yếu tố chi phí đầu vào như nguyên liệu, nhiên liệu, tỉ giá…
Đặc biệt, theo dự thảo nghị định, các hành vi vi phạm về quản lý giá thuốc sẽ bị xử lý rất nghiêm. Cụ thể, tạm ngừng tiếp nhận, xem xét hồ sơ đăng ký thuốc, hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam. Trường hợp cơ sở bán thuốc cao hơn giá đã kê khai, kê khai lại đang có hiệu lực mà không tiến hành kê khai lại theo đúng quy định, cơ quan quản lý sẽ tạm ngừng tiếp nhận, xem xét hồ sơ đăng ký thuốc.
Bộ Y tế sẽ thành lập tổ công tác liên ngành xem xét việc kê khai, kê khai lại giá thuốc của cơ sở; đề xuất chủ trương, ý kiến xử lý các trường hợp kê khai, kê khai lại giá thuốc không hợp lý.
Quản lý đặc biệt nhiều loại thuốc
Nói về Luật Dược sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện nay, việc quản lý giá thuốc được thực hiện công khai, minh bạch theo các luật hiện hành là Luật Giá, Luật Đấu thầu và theo Nghị định hướng dẫn về đấu thầu thuốc mà Chính phủ đã ban hành.
“Quản lý giá thuốc được thực hiện theo 2 hình thức. Một là, theo giá thị trường. Hai là, quản lý giá một cách công khai, minh bạch với các loại thuốc do ngân sách cấp, như thuốc từ quỹ BHYT và các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như thuốc phòng chống dịch. Điều này sẽ khắc phục được cơ bản việc chênh lệch giá quá lớn giữa các địa phương, không còn tình trạng kê khai giá cao quá mức” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận.
Dự thảo nghị định thi hành Luật Dược sửa đổi quy định rõ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải được kiểm soát đặc biệt (như thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc phóng xạ), quản lý chặt chẽ. Đối với thuốc phóng xạ, phải đáp ứng các điều kiện về an toàn bức xạ và phải có giấy phép về bảo đảm an toàn bức xạ. Cơ quan quản lý sẽ kiểm soát đường đi của thuốc trong hệ thống phân phối, sử dụng; kiểm soát đặc biệt đối với các loại thuốc này.
Ngoài ra, những loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt (như thuốc độc, nguyên liệu độc làm thuốc; thuốc, dược chất thuộc danh mục bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực) được quản lý chặt chẽ về số lượng khi xuất khẩu, nhập khẩu, cấp phép; phải báo cáo số sử dụng, tồn kho cho cơ quan cấp phép nhập khẩu định kỳ trong 6 tháng hoặc 1 năm.
Khôi phục vị thế thuốc cổ truyền
Trước đó, Luật Dược sửa đổi được Quốc hội thông qua đã đưa ra một loạt chính sách, giải pháp nhằm khôi phục lại vị thế cho dược liệu, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền Việt Nam. Đó là giải pháp kết hợp giữa đầu tư ngân sách nhà nước với huy động các nguồn lực khác cho việc phát triển công nghiệp nuôi trồng, sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền.
Bên cạnh đó, ưu tiên trong đấu thầu thuốc từ nguồn ngân sách nhà nước và quỹ BHYT đối với dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước; dược liệu tươi, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, bộ, tỉnh.
Bình luận (0)