xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giấc mơ sau ngày tiếp quản

Mạnh Duy

Kể từ lần kéo cờ đỏ sao vàng lên đỉnh Cột Cờ cho đến tận bây giờ, chưa bao giờ lá cờ thôi tung bay trên nóc cột cờ, kể cả khi Hà Nội phải trải qua những năm tháng mưa bom bão đạn

Trong cuốn hồi ký Trưởng thành trong chiến đấu, Trung tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội thời kỳ Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội (10-10-1954) - kể: “Đúng 16 giờ 3 phút, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên thì cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa, sắc áo như một vườn hoa gặp tiết xuân nở rộ”.

Chuyện từ một bức ảnh

Có một bức ảnh đầy cảm xúc về Hà Nội những ngày sau giải phóng được nhiều người nhớ đến. Đó là ảnh Tướng Vũ cùng các nữ sinh Trường Trưng Vương bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Sau lưng họ là Tháp Rùa, trái tim của Hà Nội.

Tướng Vũ là người Hà Nội, chỉ huy lực lượng chiến đấu ở Hà Nội trong giai đoạn Toàn quốc kháng chiến rồi lại dẫn đầu đại quân tiến về thủ đô tiếp quản (ngày 10-10-1954). Ông hồi tưởng lúc ấy cổng chào mọc lên san sát dọc các phố lớn, giăng đèn kết hoa, băng vải các màu căng ngang đường với những khẩu hiệu được cắt theo các kiểu cầu kỳ: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về”.

Tướng Vương Thừa Vũ và các nữ sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) sáng 10-10-1954.(Ảnh tư liệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội)
Tướng Vương Thừa Vũ và các nữ sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) sáng 10-10-1954.(Ảnh tư liệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội)

Đêm trước ngày tiếp quản, Hà Nội giới nghiêm. Đó là một đêm giới nghiêm đặc biệt vì đường phố sáng rực đèn hoa, cờ bay phấp phới, không ai ra khỏi nhà nhưng nhà nào cũng mở cửa đến khuya, nhiều nhà chong đèn đến sáng, mỗi lần có đội tuần tra đi qua, các cánh cửa sổ lại mở hé, bà con trìu mến và vẫy chào các anh bộ đội Cụ Hồ vừa từ chiến khu về.

Đại tá Trần Văn Đông, một tiểu đoàn trưởng có mặt trong đại quân Sư đoàn 308 tiến về Hà Nội, nhớ lại: Sáng 10-10-1954 vẫn còn diễn ra những cuộc tiếp quản cuối cùng. Trong cảm nhận của nhiều người Hà Nội, sự âu lo, mặc cảm đã được thay thế bằng niềm vui tưng bừng. Với những người lính thủ đô rời Hà Nội ra đi, cảm xúc khi gặp lại Hà Nội rất khó giấu. Đã hơn 3.000 ngày đêm, kể từ tháng 9-1945 quân Tưởng vào, rồi tháng 3-1946 quân Pháp đến cho tận lúc này, Hà Nội mới có một đêm sạch bóng quân xâm lược nên ai cũng thức thật khuya để hưởng không khí thanh bình, êm ả của đêm giải phóng.

Nụ cười của các nữ sinh Trường Trưng Vương khi được gặp Tướng Vũ là niềm vui không thể giấu được của người thủ đô. Nhiếp ảnh gia Phan Xuân Thúy, người thừa kế hiệu ảnh Quốc Tế (Hà Nội), trước khi mất đã kể về lai lịch bức ảnh này: “Đây là bức ảnh được chụp vào sáng 10-10, nữ sinh Trường Trưng Vương mặc áo dài trắng. Sáng hôm đó, các cô gái Hà Nội ai cũng xinh tươi chờ đón bộ đội. Họ dậy sớm chuẩn bị hoa, cờ để tặng các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô”.

Bác mong thủ đô phồn vinh

Sáng 10-10-1954, rất đông các nhà báo, phóng viên ảnh quốc tế có mặt ở sân vận động Cột Cờ. Họ chờ đón một lễ chào cờ rất đặc biệt. Cả Hà Nội hướng về Cột Cờ, biểu tượng của chủ quyền thủ đô (do nhà Nguyễn xây dựng trước đó 70 năm;  sau khi Hà thành thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết, Cột Cờ này chưa bao giờ được treo lá cờ đỏ sao vàng, ngay cả trong ngày 2-9-1945).

Ông Đông còn nhớ nhiệm vụ treo cờ được giao cho đại đội 2 công binh phối thuộc với Trung đoàn Thủ đô. Lá cờ rộng 30 m2 được yêu cầu treo trên cán cờ cao 12 m. Chỉ trong một đêm, những người lính đã chế được một ống thép nặng 2 tạ, cao 12 m, nâng lá cờ Tổ quốc sừng sững hiên ngang.

Kể từ lần kéo cờ đỏ sao vàng lên đỉnh Cột Cờ ấy cho đến tận bây giờ, chưa bao giờ lá cờ thôi tung bay trên nóc cột, kể cả khi Hà Nội phải trải qua những năm tháng mưa bom bão đạn. Để làm được điều ấy, quân và dân Hà Nội đã phải chiến đấu, đổ rất nhiều mồ hôi, xương máu và nguồn sức mạnh để thủ đô luôn đứng vững hiên ngang.

Chiều 10-10-1954, Trung tướng Vương Thừa Vũ đọc lá thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào thủ đô. Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể”.

Ông Đông kể rằng nhiều người Hà Nội đã khóc khi nghe những lời gan ruột của Bác, đặc biệt là đoạn Bác dặn dò: “Đồng tâm nhất trí, góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn vinh”.

Đại tá Hoàng Bảo - người có mặt trong đoàn quân tiến về thủ đô năm nào - bảo rằng 60 năm qua, nhiều lớp người Hà Nội đã lên đường tham gia cuộc chiến vệ quốc rồi anh dũng chiến đấu trong những cuộc đối đầu khốc liệt. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được ca ngợi là thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình. “Chúng tôi tự hào vì được góp mặt trong sự kiện lịch sử 60 năm trước và bây giờ lại được thấy một Hà Nội ngày càng lớn mạnh, trưởng thành” - ông Bảo nói và cho biết Tiểu đoàn 346, Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 đang muốn đặt một tấm biển gần sân bay Bạch Mai (nay là đường Trường Chinh bên cạnh Quân chủng Phòng không - Không quân) để ghi nhớ thời khắc 60 năm trước khi họ tiến vào thủ đô và nhắc nhở thế hệ hôm nay không quên niềm tự hào được là người Hà Nội.

“Ngày tươi sáng nhất”

Nhà quay phim và đạo diễn nổi tiếng người Nga Roman Carmen đã ghi lại những thước phim quý giá từ chiến thắng Điện Biên Phủ cho đến những ngày tháng ở chiến khu Việt Bắc của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại cuốn hồi ký Ánh sáng trong rừng thẳm, ông viết: “Mồng 9 tháng 10! Ngày này sẽ đi vào lịch sử của nhân dân Việt Nam như một trong những ngày tươi sáng nhất. Bọn thực dân ra đi! Mặt trời chói lọi chiếu sáng phố xá và Quảng trường Hà Nội, tràn đầy những người dân ăn mặc quần áo như ngày hội. Trong cái buổi sáng tuyệt vời này chẳng có một người nào ngồi nhà. Mọi người đều đổ ra đường phố rực rỡ những khẩu hiệu màu xanh, những bó hoa, dây hoa”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo