xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giỡn mặt với “hà bá”

NHÓM PHÓNG VIÊN

Mùa hè là thời điểm đáng báo động về tình trạng trẻ em chết đuối. Ghi nhận tại nhiều địa phương, trẻ vẫn vô tư trốn cha mẹ đến các hồ nước tắm bất chấp cảnh báo

Chiều 2-6, hàng trăm thanh niên đã tập trung ở khu vực hồ Đá (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) để ăn uống, vui chơi. Người dân gọi nơi đây là “hồ tử thần” bởi đã có rất nhiều người chết đuối.

“Cạm bẫy” rình rập

Do hồ Đá nguy hiểm nên từ lâu, chính quyền địa phương đã cắm biển báo cấm, đào hào, giăng hàng rào kẽm gai phong tỏa. Thế nhưng, không ít học sinh, sinh viên... vẫn đến đây ăn nhậu, sau đó leo lên các vách đá cheo leo rồi nhào lộn xuống hồ trong sự cổ vũ, hò reo của bạn bè. Nhiều em nhỏ cũng bắt chước người lớn nhảy từ các vách đá cao tới 10 m xuống mặt hồ mà không có bất kỳ phương tiện bảo hộ nào. Các em mặc nguyên đồng phục học sinh xô đẩy, đùa giỡn bằng cách nhấn chìm nhau dưới nước, thách thức thi tài nhảy hồ với nhiều tư thế nhào lộn nguy hiểm.

Trẻ em tắm sông ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - HuếẢnh: QUANG NHẬT
Trẻ em tắm sông ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - HuếẢnh: QUANG NHẬT

Em Ng.V.T. (học sinh lớp 6; sống ở khu vực ngã tư Gò Dưa, phường Tam Bình, quận Thủ Đức) nói: “Những ngày được nghỉ học hoặc cuối tuần, bọn em thường ra hồ bơi lội. Biết là tắm hồ nguy hiểm nhưng bọn em bơi quen rồi, với lại cũng chẳng có nhiều nơi để đi chơi”.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở khu vực cầu Mống (giáp quận 1 và quận 4) bắc ngang kênh Bến Nghé và khu vực kênh Tàu Hủ (quận 4, quận 5, quận 8). Người dân nơi đây chẳng xa lạ gì cảnh học sinh từ 11-16 tuổi lao từ các cây cầu xuống dòng nước sâu để chơi đùa.

Trong những ngày hè đầu tháng 6, phóng viên Báo Người Lao Động trở lại khúc sông xảy ra vụ đuối nước làm 9 học sinh tử vong ở xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Dù sự việc xảy ra hơn 1 tháng nhưng xung quanh vị trí học sinh chết đuối đến nay vẫn chưa có rào chắn.

Ông Nguyễn Văn Quang, một người dân ngụ xã Nghĩa Hà, cho biết chiều nào cũng có khoảng 5-10 em nhỏ tập trung ra đoạn sông này thả diều, bơi lội. “Nóng như vầy, các em thấy nước là nhảy xuống tắm liền, đâu cần biết nguy hiểm. Tôi la, bọn trẻ vẫn xuống tắm” - ông Quang kể.

Tại tỉnh Ninh Thuận, dọc kênh Nam của huyện Ninh Phước, trẻ em các xã Phước Vinh, Phước Thái, Phước Hữu, thị trấn Phước Dân thường xuyên tụ tập để tắm. Các em trèo lên những cây cầu bắc qua kênh, sau đó nhảy xuống nước nhằm tìm… cảm giác mạnh, thậm chí bày trò chơi trốn tìm dưới nước. Đặc biệt, các em thích rủ nhau đến những nơi vắng vẻ, ít người qua lại ở sông Dinh thuộc các phường Phước Mỹ, Bảo An (TP Phan Rang - Tháp Chàm) để tắm, tránh bị cha mẹ phát hiện.

Kỳ nghỉ hè vừa bắt đầu, những đứa trẻ ở TP Huế lại ra đoạn sông Hương thuộc phường Kim Long (cách chùa Thiên Mụ khoảng 1 km) tắm. Khúc sông này khá vắng vẻ, cách xa trục đường chính. Vì bơi chưa rành nên các em đã lượm những thanh tre làm phao để bám vào. Với mật độ tàu, thuyền qua lại cao, thuyền rồng, tàu chở cát lớn mỗi khi chạy qua thường tạo ra những đợt sóng rất mạnh đánh các thanh tre này chìm nghỉm.

Còn tại khu vực hồ thủy điện A Lưới, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, dù chủ đầu tư treo bảng cấm vào vì nước sâu, nguy hiểm nhưng hằng ngày có rất nhiều trẻ em ra đây tắm.

Chưa có lối ra

Ghi nhận ở nhiều địa phương trên cả nước cho thấy tình trạng trẻ bị đuối nước đang ở mức báo động. Đặc biệt, trẻ em chết đuối thường tăng cao vào mùa hè khi các em không đến trường nhưng lại thiếu sân chơi trong những ngày nghỉ học. Tại tỉnh Quảng Nam, từ giữa tháng 3 đến nay đã có ít nhất 11 trẻ em chết đuối trong lúc tắm sông. Theo báo cáo mới đây của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, có 8 trẻ không may bị đuối nước thương tâm. Ở Khánh Hòa, liên tục vào tháng 4 và 5 đã xảy ra các vụ đuối nước làm ít nhất 6 học sinh thiệt mạng.

Tương tự, từ năm 2016 đến nay, hàng chục trẻ đã chết đuối ở tỉnh Đắk Lắk. Hồ Trung Hòa (xã Ea Ktur) và hồ Bà Dần (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) được ví như hồ tử thần nhưng sau hàng loạt vụ đuối nước xảy ra, trẻ em vẫn vô tư đến đây tắm mà không có mặt người lớn. Còn tại Đắk Nông, chỉ tính riêng trong tháng 5-2016, ở huyện Đắk R’lấp đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 6 học sinh tử nạn.

Bà Trần Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi), cho biết chỉ trong 5 tháng đầu năm, tỉnh đã có 15 trẻ chết do đuối nước. “Tai nạn xảy ra nhiều một phần do sự lơ là của các bậc cha mẹ, trong khi các em không được trang bị kỹ năng sống. Do đó, dạy trẻ bơi lội là điều cần thiết nhất để giảm nguy cơ trẻ tử vong” - bà Hà nhận định.

Nhiều phụ huynh khi được hỏi về biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ nhỏ đã trả lời là “cách ly” các em với sông suối, ao hồ. Theo các cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở tỉnh Ninh Thuận, giải pháp trên chỉ là nhất thời. Việc cần làm là trang bị cho các em kiến thức để có thể xử lý tốt các tình huống. Tuy nhiên, cho trẻ học bơi là việc làm nằm ngoài tầm với của các trường và vẫn còn là chuyện khó với nhiều gia đình.

Trong khi đó, ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trước đây, Bộ GD-ĐT đã triển khai đề án dạy bơi học đường cho học sinh nhưng vì thiếu cơ sở vật chất, trường học chật hẹp, xây dựng bể bơi tốn kém nên không triển khai được.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, nhận định việc dạy bơi trong nhà trường cũng như ngoài xã hội chưa được chú trọng đúng mức; công tác triển khai ở một số nơi còn rời rạc, không bài bản. Bơi lội là một trong những kỹ năng cần có đối với mỗi người nhưng do thiếu kinh phí nên các trường không thực hiện được.

Trong khi đó, bà Tôn Nữ Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho rằng tình trạng trẻ em bị đuối nước thời gian gần đây đáng báo động. Đắk Nông là tỉnh nghèo, ít hồ dạy bơi trong khi số lượng ao hồ, sông suối rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

“Bộ GD-ĐT cần xây dựng chương trình cụ thể, triển khai đến từng địa phương về vấn đề phòng chống đuối nước. Đó không đơn thuần là đầu tư cơ sở vật chất, dạy cho các em biết bơi mà cả kỹ năng phòng tránh, xử lý các tình huống xảy ra” - bà Hạnh đề xuất.

Đà Nẵng: Xây bể bơi di động ở các trường khó khăn

Sáng 2-6, UBND TP Đà Nẵng đã phát động phong trào dạy - học bơi hè 2016. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em TP Đà Nẵng với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”. Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay TP Đà Nẵng đã thống nhất ưu tiên đầu tư từ ngân sách để xây dựng bể bơi di động cho các trường ở địa bàn khó khăn thuộc huyện Hòa Vang và các phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), Hòa Phát và Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). T.Thường

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo