xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giọt mồ hôi ở xứ người

Theo NGUYỄN THÁI SƠN (Pháp luật TPHCM Online)

Mang tiếng là xuất ngoại nhưng nhiều lao động VN ở Malaysia lương chỉ đủ “vắt mũi bỏ mồm”. Họ phải gồng mình để có tiền gửi về quê

Đi qua nhiều bang ở Malaysia, tôi luôn nghe người lao động nói về ba từ: boss (ông chủ), police (cảnh sát) và “ôti” (giờ làm thêm). Bất cứ lao động nào gặp nhau, thế nào cũng có câu hỏi: Ôti thế nào, có tốt không?

Chúng tôi muốn “ôti”

Mức lương được thỏa thuận theo hợp đồng với môi giới và chủ sử dụng lao động khoảng 19-20 ring/ngày. Đây cũng là ngưỡng tối thiểu mà phía VN quy định. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều lao động đã không được hưởng đúng số tiền đã được thỏa thuận. Có người bị cắt xuống còn 15-16 ring/ngày mà không biết kêu ai.

Đa số người lao động VN sang đây đều mong muốn được đi làm thêm, bởi nếu theo mức lương trong hợp đồng, mỗi tháng họ chỉ được 600 ring (tương đương 2,7 triệu đồng). Sau khi trừ thuế thu nhập, ăn uống, sinh hoạt phí thì số tiền còn lại chẳng được bao nhiêu. Có một nghịch lý là trong khi lao động người Mã hoặc một số nước khác đình công để không phải làm thêm thì lao động VN lại đình công hoặc phản đối bằng nhiều hình thức để được đi... làm thêm. Cũng theo hợp đồng lao động, nếu làm thêm ngoài giờ lao động được tính 150%-200% lương nhưng không phải ai cũng có việc để làm và được chủ trả đúng theo quy định. Nguyễn Văn Khuyến, quê ở Nam Đàn, Nghệ An, đang làm việc cho một xưởng đá mài ở bang Subang 2 kể: “Bọn em đấu tranh mãi, chủ mới cho làm thêm ba tiếng/ngày nhưng lương cũng như ngày bình thường, chẳng khác gì cả. Cứ lỗi một tí là bị trừ 20-50 ring”.

Viết Thị Hồng Minh ở xã Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, hiện đang làm việc trong một Công ty May Bilgel, bang Ampang cho biết: Em sang đây từ năm 2004. Theo hợp đồng, lương của em là 18 ring nhưng thực tế chỉ có 16 ring. Lương làm thêm cũng như bình thường nhưng không làm thì không có thu nhập”. Một ngày của Minh bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm, 6 giờ chiều trở đi được tính là làm thêm. Trong khoảng đó, Minh phải may xong 200 chiếc áo phông, cứ 12 chiếc áo được hai ring. Tổng thu nhập mỗi tháng của em được khoảng 1.000 ring.

Phí sinh hoạt ở Malaysia cao gấp đôi, gấp ba so với VN. Một đĩa cơm bình thường khoảng năm ring, một bó rau muống ba ring. Nhiều lao động đã tổ chức nấu ăn cho hợp khẩu vị và rẻ nhưng ít ra mỗi tháng cũng hết 100-150 ring/người. Với mức thu nhập khoảng 600 ring thì chỉ có con gái mới gửi được tiền về quê, còn con trai thì vừa khẳm.

1.001 nghề làm thêm

Thu nhập thấp, không có “ôti”, người lao động VN đã phải tìm cách để kiếm tiền gửi về nhà. Một trong những lựa chọn đó là đi làm thêm bên ngoài.

Tại một khu chợ cóc ở bang Subang 2, tôi đã mua được một bao thuốc lá Vinataba từ một lao động nữ VN với giá bốn ring, đắt gần gấp đôi so với ở VN. Thảo - người bán thuốc quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, đang làm việc trong một công ty may nhưng lương thấp nên mỗi ngày nghỉ lại ra ngoài bán hàng. Dụng cụ hành nghề là một túi xách, trong đó chứa thuốc lá, rượu, mắm tôm, băng đĩa ca nhạc trong nước. Những thứ này Thảo nhờ gửi từ VN qua. Một đĩa ca nhạc Đàm Vĩnh Hưng, hài Xuân Hinh giá 10 ring, mắm tôm năm ring một bình nhỏ. “Lời lãi cũng không được bao nhiêu đâu anh, chủ yếu lấy công làm lời”.

Còn Trần Hoàng Hiệp, quê ở Bắc Ninh thì đi bán cao khỉ, cao trăn. Ở Malaysia có rất nhiều rừng và động vật hoang dã, trong đó khỉ sống thành bầy, kể cả trong một số thành phố. Chỉ có người Hoa, người Việt mới nghĩ ra chuyện giết khỉ để nấu cao, dù việc này bị nghiêm cấm. Bị phát hiện, người giết động vật hoang dã có thể bị tù đến năm năm. Thế nhưng “Khi đã nấu thành cao thì chẳng ai biết đó là gì cả. Có lần cảnh sát hỏi, em bảo là cá xay nên họ cho đi. Hơn nữa, em chỉ mua lại, bán cho người khác. Mỗi bánh cao khỉ nặng khoảng 100 g, Hiệp lãi khoảng 10 ring. Loại này khá đắt hàng vì người lao động thường mua về quê biếu người thân.

img
Em Viết Thị Hồng Minh: Để có 16 ring tiền làm thêm, từ 6 giờ chiều đến 0 giờ em phải may xong 200 chiếc áo phông

Ở đây, tôi đã được người lao động VN mời uống một loại rượu chưa từng nghe thấy ở trong nước. Nguyên liệu để nấu rượu là bột nở (dùng để làm bánh bao) và đường. Sau khi ngâm với nhau theo một tỷ lệ nhất định trong khoảng một tuần, hỗn hợp này sẽ lên men và được chưng cất theo cách nấu rượu gạo trong nước. Rượu xốc ngạt mũi, nồng độ có thể lên 30 độ cồn. Những ai uống không quen đều có cảm giác đau đầu, váng vất trong nhiều ngày. Tuy vậy, loại này được tiêu thụ khá mạnh trong cộng đồng người Việt, Myanmar và Campuchia, một lít rưỡi bán giá 10 ring. Nhiều lao động VN đã chọn nghề này để làm thêm hoặc đi bỏ mối bán lẻ. Không ai biết sự độc hại của loại rượu này đến đâu nhưng đã có người bị đột tử sau khi uống.

Đi bán dạo thuốc lá, cao khỉ hay nấu rượu lậu đều được coi là những nghề phạm pháp ở Malaysia. Bất cứ lúc nào người lao động cũng có thể bị cảnh sát bắt giữ vì tội đi làm trốn thuế, bán các loại hàng cấm (Malaysia nghiêm cấm tư nhân nấu rượu) và bị tống vào tù. Dù thế nhưng nhiều lao động VN vẫn nhắm mắt đưa chân. Hiệp nói với tôi: “Đói thì đầu gối phải bò, không làm thì lấy đâu ra tiền gửi về quê trả nợ”.

Thân phận làm thuê

Cuối tháng 7-2007, một nữ công nhân VN là Phan Thị Nguyệt, quê huyện Quế Phong, Nghệ An làm việc trong Siêu thị Pasar Kecil ở bang Subang 2 phát bệnh lao. Nguyệt ho ra máu nhưng chủ không cho đi khám bệnh, nghỉ thì trừ lương, cũng không giải quyết cho về nước. Nhiều tháng, lương của Nguyệt bị trừ chỉ còn vài chục ring. Nguyễn Trung Kiên, quê ở xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, bạn cùng làm kể: Có khi Nguyệt ngất ở chỗ làm, bọn em phải đưa đến bệnh viện rồi thay phiên nhau chăm sóc. Sức khỏe Nguyệt ngày càng yếu nên cách đây ba tháng chủ đã phải giải quyết cho về nước. Nguyệt được về là tốt lắm rồi, ở lại thì chắc gì sống được đến giờ”.

Trong hợp đồng, người lao động được chủ đảm bảo cho chỗ ăn, ở, chăm sóc sức khỏe nhưng đối với nhiều trường hợp, lao động chỉ được bố trí trong những căn phòng tạm bợ, không đủ yêu cầu về sinh hoạt cũng như an ninh.

Nguyễn Văn Thành quê ở xã Châu Sơn, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, hiện đang làm trong một nhà hàng kể: “Ngoài việc không được làm thêm, chủ còn tìm đủ cách để trừ tiền công. Nói anh không tin, có tháng thu nhập của em chỉ vẻn vẹn...., sáu ring. Làm sao sống được!”. Khi hỏi tại sao không nhờ cơ quan quản lý của VN can thiệp: “Lúc đầu bọn em cũng gọi cho công ty môi giới lao động, có đại diện ở Malaysia. Họ hứa là sẽ xuống ngay nhưng chờ mãi không thấy. Gọi tiếp thì bảo số điện thoại này không liên lạc được nữa”.

Chủ một doanh nghiệp đưa lao động đi Malaysia nói: Mặc dù có đại diện công ty ở Malaysia để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhưng không có tư cách pháp nhân. Khi có vấn đề phát sinh, chỉ có cách là đề nghị chủ sử dụng lao động giải quyết trên tinh thần giúp đỡ. Nếu họ không nghe thì đành chịu, lần sau “cạch”, không làm ăn với họ nữa. Thiệt thòi rõ ràng là người lao động phải chịu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo