xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gượng dậy trong đổ nát

QUANG NHẬT - TRẦN THƯỜNG

Nhà không có ở, gạo không có ăn, học sinh đến trường chỉ để dọn dẹp đống đổ nát. Đó là tình cảnh của hàng ngàn người dân Quảng Bình sau cơn bão số 10

Bão số 10 đi qua đã được 3 ngày nhưng đến nơi nào của tỉnh Quảng Bình, chúng tôi cũng thấy tan hoang. Đâu đâu cũng chung một khung cảnh hoang tàn với nhà cửa đổ nát, trường học tả tơi, đường sá ngổn ngang bùn đất, cây cối gãy đổ và những người dân thất thần, tuyệt vọng vì không biết phải đứng dậy từ đâu khi thiên tai hầu như đã cướp đi tất cả.
img
Bà Chu Thị Biên tìm kiếm những vật dụng dưới căn nhà đổ nát Ảnh: QUANG NHẬT

Dọn mãi không xong

Sáng 3-10, các trường học ở Quảng Bình đón học sinh trở lại sau bão. Tuy nhiên, nhiều trường chỉ tập trung học sinh để vệ sinh lớp học, sân trường. Tại Trường THCS Trung Trạch, huyện Bố Trạch, nhiều học sinh đến lớp với áo quần tả tơi, mặt mày tái ngắt vì mặc không đủ ấm. Em Lê Thị Thu (học sinh lớp 9) cho biết nhà bị tốc mái, mưa dội vào đã làm sách vở và áo quần ướt hết. Sáng 2-10, tranh thủ lúc trời nắng ráo, em cùng chị gái mang sách vở ra phơi kịp hôm sau đến lớp.

Thầy Nguyễn Văn Thái, Hiệu trưởng Trường THPT số 5 Bố Trạch (huyện Bố Trạch), cho hay bão số 10 đi qua đã làm 1 dãy nhà của trường tốc mái, 2 nhà xe rộng 300 m2 và 50 m hàng rào bị sập hoàn toàn. Ngoài ra, em Phan Hữu Tý, học sinh lớp 12, bị tôn cắt lìa xương cổ chân trong khi tránh bão.

“Do mái ngói bị tốc chưa có vật liệu để sửa lại nên trong ngày 3-10, trường chỉ tập trung học sinh để thu dọn vệ sinh chứ chưa cho vào học để bảo đảm an toàn. Trong sáng 3-10, cũng chỉ có khoảng 60% học sinh đến lớp” - thầy Thái nói.

Cô Phan Thị Linh, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trung Trạch (xã Trung Trạch), nói như khóc: “Bão đã cuốn đi hết mái lợp của trường, cây cối thì gãy đổ ngổn ngang. Trường chỉ toàn phụ nữ, dọn dẹp mấy ngày nay nhưng chưa xong, mái tôn thì phải chờ chính quyền cấp kinh phí để sửa lại”.

Tiền đâu dựng lại nhà?

Rời các trường học, chúng tôi đến xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch. Cánh rừng cao su bạt ngàn ở đây không còn một cây nguyên vẹn. Cách đó không xa là những xóm nhà điêu tàn, đổ nát.

Tìm mãi chẳng thấy vật dụng nào còn nguyên vẹn dưới căn nhà bị bão quật đổ, bà Chu Thị Biên (72 tuổi, ngụ thôn Đại Nam, xã Đại Trạch) ứa nước mắt cho biết mấy hôm nay, bà phải tá túc nhà hàng xóm. “Tôi giờ không đủ tiền mua gạo mà ăn chứ nói gì đến chuyện sửa nhà” - bà Biên buông thỏng .

Cách đó không xa, thôn Lý Nhân, xã Nhân Trạch cũng chẳng còn mấy căn nhà lành lặn. Ngồi thẫn thờ giữa nền nhà trống hoác, bà Cao Thị Nhung (48 tuổi) nghẹn ngào: “Ngay cả chuồng heo, nhà bếp, nhà tắm đều bị bão cuốn mất. Mấy hôm nay, gia đình tôi phải che tạm túp lều cạnh bên để qua đêm”.

Bà Nhung có 3 con nhưng 1 người đã có gia đình, 1 người thì đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. “Cuộc sống gia đình tôi chỉ trông chờ vào khoản thu nhập từ nghề bảo vệ của chồng cùng mấy sào ruộng thì làm sao có tiền dựng lại nhà?” - bà Nhung than thở.

Ông Phạm Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Trạch, cho biết đây là một trong các xã điểm được Trung ương Đoàn chọn xây dựng nông thôn mới. Sau bão, có 90% nhà dân tốc mái, trong đó 35 nhà bị sập hoàn toàn.

Ngược theo đường Quốc lộ 1 đi ra các xã bãi bồi giữa dòng sông Gianh như Quảng Hòa, Quảng Minh, Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch), đâu đâu cũng thấy cảnh nhà cửa đổ nát. Ông Hoàng Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, cho biết toàn xã có 14 căn nhà bị sập hoàn toàn, còn nhà bị tốc mái thì không thể kể xiết.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Liên Sơn (55 tuổi) nhưng không thấy bóng người. Hàng xóm cho biết gia đình ông phải vào Bệnh viện Trung ương Huế chăm sóc người con trai bị gió quật ngã chấn thương sọ não khi chằng tấm lợp nhà bị gió thổi. “Gia đình này nghèo lắm, hôm rồi đưa con vào Huế cấp cứu mà phải chạy vạy khắp nơi, làng cũng nghèo nên cũng chẳng giúp gì được” - anh Nguyễn Thanh Sang, hàng xóm ông Sơn, xót xa.

Bão giá theo sau bão, lũ

Ông Nguyễn Minh Quang - Chủ tịch UBND xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch - cho biết việc khắc phục hậu quả sau bão rất khó khăn do vật liệu xây dựng khan hiếm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau bão, tại TP Đồng Hới và các huyện lân cận, tấm lợp tăng giá đột biến. Mỗi tấm tôn 1,8 m tăng 15.000-20.000 đồng nhưng vẫn “cháy” hàng.

Sáng 3-10, hàng chục người dân với khuôn mặt hốc hác, rầu rĩ ngồi trước cửa hàng Liễm Tuyết (xã Trung Trạch) chờ mua vật liệu xây dựng để sửa lại nhà. Bà Dương Thị Quý (76 tuổi) cho biết đã 3 ngày nay, ngày nào bà cũng lên cửa hàng chờ vật liệu xây dựng về để mua nhưng không có.

Ông Dương Văn Liễn, chủ cửa hàng, cho biết mấy ngày nay ông điện cho các tỉnh lân cận nhập hàng nhưng không có. Ngoài Bắc còn hàng nhưng do đường bị tắc nên phải đến đầu giờ chiều 3-10 mới có chuyến hàng vận chuyển vật liệu đến.

Tại các chợ, giá rau củ quả cũng tăng mạnh. Mỗi bó rau muống ngày thường chỉ khoảng 3.000-4.000 đồng nhưng hiện đã tăng lên 7.000-8.000 đồng. Đặc biệt, nến là mặt hàng có sức mua khủng khiếp bởi trong mấy ngày vừa qua, khoảng 95% hộ dân của tỉnh Quảng Bình bị mất điện.

Lốc xoáy gây thiệt hại nặng

Trong khi người dân xã Bảo Ninh và phường Phú Hải, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình chưa kịp khắc phục hậu quả sau bão thì rạng sáng 3-10, một trận lốc xoáy lại quét qua làm tốc mái gần 20 nhà dân, 3 người bị thương nặng.

Lốc xoáy cũng đã phá tan Trường Mầm non phường Phú Hải, làm gãy cột ăng-ten của phường... Thiệt hại ước tính hơn 10 tỉ đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo