xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hạn chế nhập cư nội thành đô thị lớn

Bài và ảnh: THẾ DŨNG

Nếu không nhập được hộ khẩu, người có nhu cầu vẫn tìm cách sinh sống tại nội thành, do đó cần giải pháp tổng thể và hữu hiệu hơn

Ngày 23-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. 

Nâng điều kiện tạm trú lên 2 năm

Dự án Luật Cư trú (dự luật) quy định công dân được nhập cư vào các TP lớn trực thuộc Trung ương nếu bảo đảm một trong các điều kiện: Có nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình; có chỗ ở hợp pháp mà không phải là nhà ở thuộc sở hữu của mình và tạm trú liên tục từ 2 năm trở lên… 

Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Phan Trung Lý cho rằng giữ nguyên thời hạn tạm trú 1 năm đối với người chỉ xin nhập khẩu vào các huyện ngoại thành là phù hợp bởi sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Vì thế, để hạn chế số người thường trú ở nội thành thì có thể nâng điều kiện về thời hạn tạm trú từ 1 năm lên 2 năm và phải bảo đảm về diện tích ở tối thiểu như quy định của dự luật.

img
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý
trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn việc sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại những quận nội thành của các TP trực thuộc Trung ương như vậy đã giải được bài toán người dân đổ về nội thành hay chưa. UBPL lập luận người dân cư trú tại đó là để sống và làm việc nên nếu không được đăng ký thường trú thì họ vẫn tìm cách sinh sống tại nội thành. Do vậy, ý kiến này đề nghị cần có giải pháp tổng thể về kinh tế-xã hội để khắc phục vấn đề tập trung dân cư vào nội thành ở các TP lớn.

Dự luật quy định người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới, có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú. Như vậy, so với Luật Cư trú hiện hành, dự luật đã rút ngắn thời hạn đăng ký từ 24 tháng xuống 12 tháng.

Qua thảo luận, còn nhiều ý kiến băn khoăn chưa rõ căn cứ nào để xác định thời hạn nêu trên và quy định này còn mâu thuẫn với quy định khác trong dự luật. “Quan điểm của cơ quan thẩm tra là giữ nguyên quy định hiện hành đăng ký thường trú là 24 tháng” - ông Lý nói.

Theo dự luật, sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú có thời hạn tối đa là 24 tháng (khoản 4 điều 30 Luật Cư trú hiện hành quy định rõ sổ tạm trú không xác định thời hạn) và trước khi hết hạn tạm trú 30 ngày, công dân phải đến cơ quan công an làm thủ tục gia hạn. Về điều này, UBPL cho rằng chưa thực sự phù hợp. Dự luật quy định đối với trường hợp có nhu cầu tạm trú dưới 24 tháng nhưng để tránh việc phải đăng ký gia hạn nhiều lần, công dân sẽ đăng ký thời hạn tạm trú với thời hạn tối đa là 24 tháng.

Thêm trường hợp được đăng ký thường trú

Dự luật bổ sung quy định “nghiêm cấm hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho đăng ký thường trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi”. Về khoản này, nhiều ý kiến thành viên UBPL tán thành với việc bổ sung qui định nghiêm cấm các hành vi nêu trên.

Đồng thời, dự luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc Trung ương. Ngoài điều kiện có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì công dân phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân và phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Qua thẩm tra, UBPL tán thành các quy định nêu trên của dự luật.

UBPL tán thành dự luật bổ sung một số trường hợp được đăng ký thường trú; theo đó, cho phép đăng ký thường trú đối với người độc thân về sống với anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột khi được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập sổ hộ khẩu.
 
Tuy nhiên, một số ý kiến còn đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung trường hợp người chưa thành niên còn cha, mẹ mà cha mẹ đã ly hôn và đã kết hôn với người khác nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột.

Lùi thời hạn trình các dự án luật

Cùng ngày, ông Phan Trung Lý đã trình bày tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (QH) năm 2014, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của QH (chương trình). Theo đó, sẽ lùi thời hạn trình các dự án Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHXH; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi); Luật Hộ tịch.

Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho bổ sung 9 dự án vào chương trình: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Bộ Luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng Hành chính; Luật Sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp; Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Pháp lệnh Cảnh sát Môi trường; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.        

Tiến cử ông Đinh Tiến Dũng giữ chức Bộ trưởng Tài chính

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chiều 23-5 đã đọc tờ trình đề nghị QH miễn nhiệm chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đối với ông Đinh Tiến Dũng để giữ chức vụ mới là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngay sau khi nghe tờ trình của Thủ tướng, QH đã thảo luận tại đoàn về nhân sự này. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ QH sẽ có tổng hợp báo cáo thảo luận. Sau đó, ngày 24-5, QH sẽ bỏ phiếu bầu bộ trưởng Bộ Tài chính mới.

Ông Đinh Tiến Dũng sinh năm 1961, quê Ninh Giang, Hoa Lư - Ninh Bình. Ông Dũng có trình độ chuyên môn là cử nhân kinh tế tài chính hệ chính quy, thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông Dũng từng đảm nhận chức vụ thứ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Ông Đinh Tiến Dũng được QH bầu làm Tổng KTNN từ tháng 8-2011 với nhiệm kỳ 7 năm thay cho ông Vương Đình Huệ. Ông Dũng cũng là ứng cử viên duy nhất được đưa ra bình xét cho vị trí Tổng KTNN trong kỳ họp QH khóa XIII.

Cùng ngày, QH biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn tờ trình của Thủ tướng Chính phủ đề nghị miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ.

Trước khi QH biểu quyết miễn nhiệm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết từ ngày 28-12-2012, ông Vương Đình Huệ đã được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Theo Chủ tịch QH, trước đó, Ủy ban Thường vụ QH đã trao đổi với ông Vương Đình Huệ về việc có phát biểu ý kiến trước QH hay không. Ông Vương Đình Huệ cho biết không có phát biểu và sẽ thực hiện nghiêm túc quyết định của QH cũng như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Bảo Trân


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo