xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hành trình cha và con

Bài và ảnh: TIỂU QUYÊN

Hơn 43 năm của anh Nguyễn Văn Nhàn cũng là ngần ấy thời gian ông Nguyễn Văn Du (ngụ ấp Tây Phú, xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) sống trong nỗi xót xa

“Hơn 43 năm cuộc đời của con trai cũng là ngần ấy thời gian cha gió sương cặm cụi, tìm đủ mọi phương cách để chữa trị cho con.
 
Cha hết lần này đến lần khác hy vọng mong tìm lại cuộc sống bình thường cho con nhưng bóng Thái Sơn đã không thể nào thay đổi được sự khắc nghiệt của số phận. 
 
Cha ôm con về và tâm nguyện rằng cả cuộc đời của cha sẽ dành hết những yêu thương có thể để bù đắp những mất mát mà con phải gánh chịu. 
 
Cứ thế, hai cha con oằn lưng gánh những bể dâu…”. Đó là câu chuyện xúc động về hành trình của hai cha con ông Nguyễn Văn Du, ngụ ấp Tây Phú, xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Nặng nhọc kiếp người...

Trong căn nhà mái lá tuềnh toàng nằm chơ vơ giữa cánh đồng ở xã Long Phụng, anh Nguyễn Văn Nhàn ngồi say sưa dán mắt vào màn hình ti vi, thi thoảng lại bật cười hồn nhiên khi bắt gặp hành động nào đó của nhân vật trên phim.
 
Đó là lần đầu tiên sau hơn 43 năm anh được ngồi xem ti vi trong ngôi nhà của mình. Chiếc tivi màu vừa được chương trình Câu chuyện ước mơ của Đài Truyền hình TPHCM trao tặng là tài sản quý nhất trong ngôi nhà lá nghèo xác xơ suốt mấy chục năm qua không hề thay đổi của gia đình.
 
img
  Ngày nào ông Nguyễn Văn Du cũng tắm rửa và đút cơm cho anh Nguyễn Văn Nhàn
  
img
 
Thấy khách lạ, anh ngẩng mặt cười – cái cười méo xệch trên khuôn mặt bị chất độc da cam tước mất hình hài nguyên vẹn vẫn nở trên môi anh suốt gần nửa đời người, như thể thời gian và sự khắc nghiệt đến kiệt cùng sức sống cũng không thể làm cho cái cười hồn nhiên ấy thay đổi được.
 
Tên anh là Nhàn nhưng cuộc đời chưa có phút giây nào được nghỉ ngơi trong bình yên trọn vẹn. Hơn 10 năm sau khi chào đời, sống cả một quãng dài như thực vật lặng câm và trải qua nhiều lần bệnh thập tử nhất sinh, Nhàn mới có thể nói và chập chững đi bằng đôi chân quặt quẹo.
 
Tiếng gọi ba đầu tiên dù khó nhọc từ đôi môi dị dạng của Nhàn đã khiến ông Nguyễn Văn Du bật khóc vì biết rằng Nhàn được sống nhưng sẽ không thể vẹn nguyên như một kiếp người.

16 tuổi, không chấp nhận mình là kẻ vô dụng, bất chấp sự ngăn cản của cha, Nhàn mang hình dạng của một đứa trẻ lên 10 lê lết đi nhổ rạ đốt tro bán kiếm tiền đỡ đần cha mẹ.
 
Đó là cách duy nhất anh có thể chứng minh mình là một con người có ích. Không ít lần bị người khác cướp tro, anh chỉ biết ngồi lặng đi trên bờ ruộng với đôi chân không đủ sức đuổi theo người, với tiếng kêu chỉ là một thanh âm lạc lõng giữa cánh đồng.
 
Rồi những ngày hè, Nhàn lại khệ nệ vác thùng kem đi xiêu vẹo khắp cả thôn làng ngõ xóm, khản tiếng rao, chịu đựng tất cả những lời trêu ghẹo vô tình của đám trẻ và của cả người lớn vô tâm.

22 tuổi, khi đôi chân quặt quẹo đã không còn đủ sức chịu đau đớn gió sương cũng là lúc anh được tặng một chiếc xe lăn. Vậy là từ đó, anh bắt đầu một hành trình mưu sinh khác.
 
Mỗi ngày, khi mặt trời nhô lên cuối cánh đồng, người dân ấp Tây Phú lại thấy anh đi xe lăn trên con đường mòn nhỏ hẹp, băng qua đường đê rồi cứ thế miên miết xuôi ra thị trấn hơn 10 km để bán vé số. Rồi mỗi chiều nắng rớt bên sông lại thấy anh cố sức lăn xe lên đỉnh dốc cầu để về làng.

Làm tất cả để bù đắp cho con

Hơn 43 năm của anh Nguyễn Văn Nhàn cũng là ngần ấy thời gian ông Nguyễn Văn Du sống trong nỗi xót xa. Chỉ một lần liều lĩnh đi rừng kiếm củi vì túng bấn của gia đình mà ông đã vướng phải chất độc da cam và đứa con trai út của ông phải gánh.
 
Bao nhiêu năm lam lũ với ruộng đồng, cuộc sống của gia đình cũng không khá hơn. Bao nhiêu tiền dành dụm cũng chỉ đủ lo thuốc thang cho bệnh tật của con.
 
Những đứa con lớn lần lượt ra riêng và cũng chung cảnh nghèo, còn lại một mình ông tuổi già sức yếu gồng gánh lo cho anh Nhàn. Vợ ông, bà Biện Thị Ba (61 tuổi), cũng không còn minh mẫn.
 
Ở tuổi 73, ông ngày ngày tắm rửa và đút cơm cho anh Nhàn khi hai tay anh sau một lần trượt ngã đã không thể cử động bình thường được. Ký ức của những ngày tuổi thơ cơ cực của con cứ cồn lên trong ông những xót đau.
 
 “Không gì đau đớn bằng nhìn thấy con mình sống trong hình hài không nguyên vẹn, vất vả từ lúc còn là một đứa trẻ cho đến khi gần nửa đời người vẫn không thoát khỏi bể khổ của đời” – ông Du tâm sự.

Ngày nào ông cũng bên cạnh bầu bạn, kể những câu chuyện vui và dỗ giấc ngủ cho con như một đứa trẻ cần được chăm sóc, yêu thương.
 
“Tất cả những gì có thể làm để bù đắp cho mất mát của con, tôi đều cố gắng hết sức” – ông Nguyễn Văn Du bộc bạch. Mái ấm gia đình ba người ấy cứ gieo neo giữa những ngày mưa gió trong căn nhà nhỏ giữa cánh đồng.
 
 Hành trình của cha con ông Nguyễn Văn Du cứ thế trở thành câu chuyện của tình yêu thương mênh mông như bóng núi ở quê xa.

Không bi quan
 
Hành trình cứ thế ròng rã hơn 10 năm, gương mặt anh Nguyễn Văn Nhàn ngày một hằn lên những dấu vết thời gian nhưng hình hài thì vẫn vậy, nỗi cơ cực của một đời bất hạnh vẫn chẳng đổi thay.
 
 Những đứa trẻ cùng thời với anh lớn lên đều có con đường để đi tìm công danh hạnh phúc, riêng anh bao nhiêu năm trôi qua chỉ một đường về. Anh chưa đi đâu vượt ra khỏi quê làng nhỏ bé của mình trong khi lòng vẫn ăm ắp ước vọng “được một lần tới coi TP”.

Gánh lấy cái nghiệt ngã của số phận nhưng anh chưa bao giờ bi quan mà vẫn cười và vẫn đón mỗi ngày mới. Để rồi hình ảnh anh gần như đã trở thành biểu tượng của sự lạc quan cho những người ở chốn quê nghèo, suốt bao nhiêu năm…
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo